Aa

Có thể rửa sạch những con sông “thối” của Hà Nội, Kỳ 4: Những bước đi cần thiết

Thứ Năm, 03/11/2016 - 07:39

Theo các nhà khoa học và các chuyên gia tham gia đề tài này, để tạo dòng chảy thường xuyên trên các trục sông của Hà Nội, cấp nưới tưới ổn định cho sản xuất nông nghiệp và các ngành kinh tế phía tây - nam sông Hồng, cần thực hiện phương án xây dựng đập dâng trên sông Đà khu vực xã Thuần Mỹ (huyện Ba Vì), lấy nước qua cống Lương Phú theo sông Tích, đến cầu Ái Mỗ, xây dựng tuyến kênh theo hướng Quốc lộ 32 về đến Hồ Tây.

Sông Tô lịch luôn là nỗi ám ảnh ô nhiễm của người Hà Nội.

Sông Tô lịch luôn là nỗi ám ảnh ô nhiễm của người Hà Nội.

Có 3 vấn đề quan trọng được đặt ra, đó là giải pháp công trình, tính khả thi và hiệu quả của phương án.

1. Về giải pháp công trình:

- Dự án lấy nước sông Đà qua cống Lương Phú, xã Thuần Mỹ, huyện Ba Vì để cải tạo khôi phục sông Tích đã được UBND thành phố Hà Nội phê duyệt tại Quyết định số 4927/QĐ-UBND ngày 06/10/2010. Trong đó, cống Lương Phú được thiết kế với mực nước lũ P=0,5% là +20.11m, mực nước tưới vụ đông xuân P=85% là +8.41m; với QTK = 60m3/s.

- Để chủ động lấy nước trong mùa kiệt và tăng lưu lương qua cống Lương Phú, trên sông Đà phía hạ lưu cống Lương Phú xây dựng đập dâng, cao trình đỉnh đập khoảng ±14.00m, có âu thuyền phục vụ giao thông thuỷ.

- Trên sông Tích tại vị trí cầu Ái Mỗ, xây dựng đập điều tiết và tuyến kênh mới theo hướng Quốc lộ 32 cắt qua sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch về đến Hồ Tây.

- Với cao trình mực nước thượng lưu ±14.00m lưu lượng qua cống Lương Phú khoảng 120 - 130m3/s, cấp cho sông Tích khoảng 55,0m3/s, sông Đáy 26,0m3/s, sông Nhuệ 33,0m3/s, sông Tô Lịch và Hồ Tây 16,0m3/s.  

- Tổn thất cột nước đến các sông được dự tính như sau:

+ Từ cống Lương Phú đến cầu Ái Mỗ, dài 36,7km, độ dốc đáy sông i = 0,00007, mực nước tại Lương Phú ± 14.00m, tổn thất cột nước 2,56m; vậy mực nước tại cầu Ái Mỗ là ± 11.44m (tương đương với mực nước lũ thiết kế sông Tích tại Sơn Tây +11.50m).

+ Từ cầu Ái Mỗ về đến sông Đáy (khu vực cống Hiệp Thuận) dài khoảng 22km, độ dốc đáy kênh i = 0,00005, tổn thất cột nước 1,10m, vậy cao trình mức nước sông Đáy ± 10.34m.

+ Từ sông Đáy về đến sông Nhuệ (khu cầu Diễn) dài gần 20km, độ dốc đáy kênh i = 0,00005, tổn thất cột nước là 1,00m, vậy cao trình mức nước về đến sông Nhuệ + 9.34m.

+ Từ Sông Nhuệ về đến sông Tô Lịch (khu cống Nghĩa Đô) dài khoảng 6,0 km tổn thất cột nước là 0,30m, cao trình mức nước về đến sông Tô Lịch + 9.04m.

 + Từ sông Tô Lịch xây dựng kênh hoặc đường ống dẫn nước về Hồ Tây.

2. Tính khả thi và hiệu quả của phương án:

- Trên sông Đà có hai hồ thuỷ điện bậc thang (Hoà Bình và Sơn La) đã đi vào hoạt động; hồ thuỷ điện Lai Châu đang xây dựng vì vậy nguồn nước sông Đà luôn luôn ổn định cả về mùa kiệt (lưu lượng qua một tổ máy phát điện 300m3/s, thuỷ điện Hoà Bình có 8 tổ nếu vận hành cả 8 tổ lưu lượng 2.400m3/s).

- Nước sông Đà vào mùa kiệt không có phù sa, trong và sạch, đủ tiêu chuẩn cung cấp cho trồng rau sạch, nuôi trồng thuỷ sản và các ngành kinh tế khác, tạo ra được dòng chảy thường xuyên trên các con sông. Trong khi các nhà máy xử lý nước thải chưa đưa vào hoạt động, phương án này có tác dụng pha loãng lượng nước thải bị ô nhiễm trên các sông, hồ thuộc khu vực nội thành.

- Với lợi thế cao độ mực nước như trên, khi cần tưới phục vụ sản xuất nông nghiệp thì đưa nước về kênh tưới Phù Sa và kênh tưới Đan Hoài, hoàn toàn chủ động được thời vụ và có thể bỏ được một số trạm bơm tưới cấp II có cao trình mực nước tưới tại bể xả thấp hơn +9.50m ở khu vực Sơn Tây, thấp hơn +8.50m ở hệ thống sông Đáy và thấp hơn +7.50m ở hệ thống sông Nhuệ, tiết kiệm điện năng, giảm tiền điện và các chi phí quản lý khác.

- Kênh mới xây dựng có cao độ mực nước ổn định, nước trong và sạch, tạo ra được tuyến du lịch theo đường thuỷ từ Hồ Tây lên khu nước khoáng Thuần Mỹ. Nếu kinh doanh khai thác tổng hợp khu du lịch nước nóng Thuần Mỹ và hai bên bờ kênh sẽ có nguồn thu khả thi, thời gian hoàn vốn nhanh.

- Tạo ra lòng sông Đà phía thượng lưu đập có cột nước cao ổn định, hạn chế việc xói lở hai bên bờ sông Đà và tạo điều kiện thuận tiện cho vận tải thuỷ từ Ba Vì lên Hòa Bình không bị mắc cạn vào mùa kiệt như những năm vừa qua.

- Với lưu lượng khoảng 120 - 130m3/s (bằng tổng lưu lượng đã thiết kế của các cống đầu mối) nên không làm ảnh hưởng đến việc chia sẻ lượng nước của sông Đà và sông Hồng cho các địa phương khác.

- Về vốn đầu tư, đoạn kênh mới từ cầu Ái Mỗ về đến Hồ Tây, đề nghị đấu thầu theo hình thức doanh nghiệp bỏ vốn đầu tư xây dựng và khai thác lơi thế thương mại, dịch vụ.

Theo các nhà khoa học, phương án trên sẽ giải quyết được tận gốc cho việc cấp nguồn ổn định để phục vụ sản xuất nông nghiệp, các ngành kinh tế và làm "sống" lại các sông trong nội thành để góp phần xây dựng thủ đô Hà Nội hiện đại, xanh, sạch đẹp và bền vững.

Kỳ sau: Những phản biện đáng quan tâm

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top