Quyết định về việc không đốt vàng, mã tại các chùa và cơ sở Phật giáo khiến người dân vui chưa được bao lâu thì chỉ vài ngày sau, họ lại sửng sốt khi khách hành hương Yên Tử bị thu “phí tham quan” với mức 40.000 đồng/người lớn và 20.000 đồng/trẻ em.
Việc thu phí vào thăm quan các khu du tích lịch sử, danh lam thắng cảnh, trong đó có một phần là địa điểm tâm linh thực ra đã diễn ra ở nhiều nơi trên cả nước. Nhưng, chứng kiến việc hành hương đến địa danh được cho là “đất Phật” của quốc gia mà bị thu phí, quả thực, với nhiều người, đó là điều không thể chấp nhận.
Để lý giải cho quyết định của mình, chính quyền địa phương, trực tiếp là Thành phố Uông Bí và tỉnh Quảng Ninh đã đưa ra các lý do như: Để lấy kinh phí nuôi lực lượng Ban quản lý khu Di tích và Rừng Quốc gia Yên tử; rồi để giảm bớt gánh nặng cho ngân sách địa phương; rồi để trả một phần kinh phí đầu tư…
Tất nhiên, để ra quyết định nào đó, nhất là liên quan đến “thu phí”, người ta phải chuẩn bị tất cả các phương án để “giải trình” rồi. Vấn đề ở chỗ, nó có thật sự thuyết phục được du khách hay không?
Người ta sẽ hỏi: Vậy, số tiền công đức, lên tới hàng chục tỉ đồng hàng năm do ai quản lý và để sử dụng vào hoạt động gì? Tại sao chính quyền và nhà chùa không cùng thảo luận để tìm biện pháp cân đối, sử dụng nguồn thu ấy mà lại “đổ” lên đầu du khách phải gánh?
Nhưng, dường như những câu hỏi ấy chưa đáng ngẫm bằng thắc mắc của những Phật tử chân chính khi hành hương về chốn cửa Phật, đó là: Với cách thu phí như vậy, có phải, muốn đến với cửa Phật, phải có tiền mới được vào không? Và việc “tham sân si” ngay trên đất Phật, liệu có đúng với lời dạy của nhà Phật?