Tuần qua, Công ty Chứng khoán Sài Gòn (SSI) phát hành một báo cáo, trong đó phần về thị trường trái phiếu doanh nghiệp tiếp tục được chú ý.
Tiếp tục, vì diễn biến của thị trường trái phiếu doanh nghiệp từ đầu năm 2019 đến nay trở nên nổi bật, với nhiều thành viên tham gia và quy mô liên tục bùng nổ.
Bùng nổ không để trong ngoặc kép, khi xét đến mục tiêu kế hoạch phát triển thị trường này từng được hoạch định hai năm trước.
Theo báo cáo của SSI, lũy kế 10 tháng đầu năm 2019, tổng lượng trái phiếu doanh nghiệp phát hành đã lên tới 178.732 tỷ đồng. Đáng chú ý là số liệu bao gồm cả các lô phát hành ra công chúng nhưng không bao gồm các đợt phát hành riêng lẻ trong 3 tháng đầu năm do chưa được công bố.
Trong khi đó, dữ liệu cập nhật trên Cổng thông tin của Bộ Tài chính ngày 06/11 vừa qua mới chỉ nêu được con số tính đến ngày 28/6/2019, với khối lượng phát hành lũy kế từ đầu năm chỉ là 89.483 tỷ đồng.
Với con số trên của Bộ Tài chính, chừng đó cũng đã đủ để vượt xa mục tiêu kế hoạch đề ra, được xây dựng từ hai năm trước.
Cụ thể, theo Quyết định số 1191/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 14/8/2017, mục tiêu xác định dự kiến dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt khoảng 7% GDP vào năm 2020 và khoảng 20% GDP vào năm 2030.
Với 89.483 tỷ đồng mà Bộ Tài chính cập nhật đến 28/6/2019 thì dư nợ thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã đạt khoảng 10,22% GDP năm 2018, vượt kế hoạch đề ra đến năm 2020 theo Lộ trình phát triển thị trường trái phiếu giai đoạn 2017 - 2020, tầm nhìn đến năm 2030 (kế hoạch đề ra là 7% GDP).
Còn nếu tính theo số liệu tập hợp và nêu trong báo cáo của SSI, 178.732 tỷ đồng lũy kế 10 tháng đầu năm nay, thực tiễn phát triển của thị trường trái phiếu doanh nghiệp đã vượt xa hơn nữa mục tiêu kế hoạch nói trên.
Vấn đề đặt ra, khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp phát triển bùng nổ và vượt xa và vượt trước mốc dự tính như vậy, việc nắm bắt, quản lý và giám sát rủi ro có “vỡ kế hoạch” theo hay không?