Aa

Rủi ro doanh nghiệp nhỏ huy động trái phiếu nghìn tỷ

Thứ Tư, 23/10/2019 - 06:30

Luật Chứng khoán (sửa đổi) được kỳ vọng sẽ trám khoảng trống pháp lý hiện tại về phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải đại chúng.

Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận về Luật Chứng khoán (sửa đổi). Địa vị pháp lý của Uỷ ban Chứng khoán, mô hình hoạt động của các sở giao dịch chứng khoán và chào bán trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải đại chúng, nhận được nhiều ý kiến góp ý của các đại biểu Quốc hội.

Ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội cho rằng, đầu tư trái phiếu doanh nghiệp rủi ro cao và khác với tiền gửi ngân hàng khi không có khoản bảo hiểm tiền gửi. Nếu nhà đầu tư không có khả năng phân tích tài chính doanh nghiệp, rất dễ chịu rủi ro. Vì thế cần luật hoá quy định này để tránh rủi ro, xáo trộn thị trường chứng khoán, vốn.

Trong khi đó, ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM phân tích, Luật Doanh nghiệp hiện quy định công ty không đại chúng được quyền phát hành cổ phiếu, trái phiếu trên cơ sở nghị quyết của Đại hội cổ đông và đây chính là khoảng trống pháp lý, rủi ro cho thị trường.

Ông Ngân dẫn chứng hiện tượng doanh nghiệp mới thành lập, có 1 - 2 cổ đông nhưng lại phát hành lượng trái phiếu lên tới hàng chục nghìn tỷ đồng để huy động vốn. Nhà đầu tư thấy lãi suất hấp dẫn mua vào trái phiếu nhưng sau đó lại nhận về rủi ro khi chủ doanh nghiệp dùng "chiêu" phát hành này để lừa đảo.

Ông Trần Hoàng Ngân, Giám đốc Học viện cán bộ TP.HCM. Ảnh: PV

"Sửa luật lần này cần khắc phục khoảng trống pháp lý này, nêu rõ quy định về phát hành trái phiếu, cổ phiếu của công ty không phải đại chúng và cơ quan chịu trách nhiệm quản lý", ông Ngân nói.

Cho rằng, điều chỉnh hành vi phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty không phải đại chúng tại Luật Doanh nghiệp hay Chứng khoán là như nhau, song ông Đặng Thuần Phong lưu ý, dù để ở luật nào thì cần chỉ rõ cơ quan Nhà nước nào chịu trách nhiệm quản lý, và cơ quan đó nên là Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước.

Trường hợp quy định việc phát hành trái phiếu riêng lẻ của công ty không đại chúng tại Luật Doanh nghiệp, Phó chủ nhiệm Uỷ ban các vấn đề xã hội nhấn mạnh, cần bổ sung điều khoản dẫn chiếu sang Luật Chứng khoán để "chặt chẽ, tránh lợi dụng".

Ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Uỷ ban Kinh tế cho biết, dự Luật Chứng khoán (sửa đổi) lần này quy định, chào bán chứng khoán riêng lẻ (cổ phiếu, trái phiếu) của công ty không phải đại chúng thực hiện theo quy định tại Luật Doanh nghiệp và pháp luật liên quan.

Lý do của chỉnh lý này, ông Thanh nói, để bảo đảm thống nhất và phân định rõ phạm vi điều chỉnh của Luật Chứng khoán và Doanh nghiệp với công ty đại chúng và không phải đại chúng. Theo hướng này, Luật Chứng khoán quy định phát hành chứng khoán của công ty đại chúng, còn chứng khoán của doanh nghiệp không phải công ty đại chúng điều chỉnh tại Luật Doanh nghiệp.

"Quy định như vậy sẽ không tạo khoảng trống pháp lý và không gây ảnh hưởng đến áp dụng quy định pháp luật của các doanh nghiệp", ông Thanh nói.

Vấn đề khác cũng được các đại biểu góp ý là địa vị pháp lý, mô hình hoạt động của Sở Giao dịch chứng khoán. Theo ông Trần Hoàng Ngân, Sở Giao dịch chứng khoán Việt Nam sau thành lập nên "hoạt động theo mô hình Công ty TNHH MTV, 100% vốn Nhà nước và tổ chức theo hình thức công ty mẹ - con". 

Ảnh minh họa.

Ngoài ra, ông cho rằng, quy mô vốn hoá thị trường chứng khoán hiện khoảng 5,4 triệu tỷ đồng, trong đó 80% đến từ Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM. Vì thế, nếu tổ chức lại sở giao dịch chứng khoán, đặt trụ sở chính tại Hà Nội thì sẽ "phá vỡ mô hình hiện nay và kìm hãm phát triển thị trường chứng khoán".

Chia sẻ băn khoăn của các đại biểu, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng nói "sẽ tiếp thu ý kiến của các đại biểu về mô hình Sở giao dịch chứng khoán là công ty 100% vốn Nhà nước".

Ông cho biết, sau nhiều năm phát triển thị trường chứng khoán đang được tổ chức lại và kinh nghiệm quốc tế đều tổ chức Sở Giao dịch chứng khoán thống nhất, theo mô hình công ty cổ phần. Nhưng thị trường chứng khoán Việt Nam đang phát triển nên "cân nhắc một mô hình hoạt động để ổn định thị trường là cần thiết".

Về băn khoăn của các đại biểu khi dự luật sửa đổi giao Chính phủ phân công, phân cấp thẩm quyền của các sở giao dịch theo mô hình mẹ - con, ông Dũng trấn an, điều này là cần thiết để "tránh nhầm lẫn về quyền giữa 2 sở khi Việt Nam đang tổ chức lại thị trường chứng khoán".

Quan điểm của Bộ trưởng Tài chính cũng trùng với ý kiến của các thành viên Uỷ ban Thường vụ Quốc hội trong quá trình thẩm tra dự luật này. Theo đó, cơ quan thẩm tra đồng ý với phương án chỉ có một sở duy nhất là đầu mối quản trị điều hành, quản trị rủi ro và trực tiếp tổ chức giao dịch chứng khoán là cần thiết.

Lần sửa đổi này, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất với điều kiện về mức vốn điều lệ để được chào bán chứng khoán ra công chúng là 30 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top