Mấy hôm trước về quê, khi xe lên đến con đê sông Đáy chạy về làng, tôi đã dừng xe để đi bộ qua chiếc cầu mới xây. Một cảm giác thật khác lạ khi đi qua cây cầu này hơn mọi cây cầu khác kể cả những cây cầu nổi tiếng trên thế giới mà tôi từng qua. Bởi đó là cây cầu bắc qua con sông Đáy chảy qua làng tôi. Khi đứng trên cây cầu tôi lại nhớ đến bến đò quê.
Tất cả những người ở tuổi tôi sống ở thôn quê đều mang trong ký ức mình những bến đò quê, những con đò, người chèo đò, tiếng gọi đò trong mưa trong nắng, lúc sớm lúc khuya. Bến nước, con đò, tiếng gọi đò đã hiện lên trong nhiều sáng tác nghệ thuật ở mọi thể loại: Văn, thơ, âm nhạc, hội họa, nhiếp ảnh… từ hàng trăm năm nay.
Những hình ảnh thân thương ấy gắn liền với tâm hồn người Việt Nam. Thế rồi một ngày, bến nước, con đò biến mất và thay vào đó là những chiếc cầu phao rồi đến những chiếc cầu bê tông hiện đại như bây giờ.
Có những hình ảnh của làng quê khi thay đổi là lúc ta đánh mất đi những giá trị sống tinh thần, đánh mất đi những vẻ đẹp văn hóa. Nhưng việc thay đổi hệ thống giao thông ở thôn quê là sự thay đổi vô cùng quan trọng.
Chúng ta không thể sống mãi với những con đường đất sống trâu gồ ghề ngày nắng, lầy lội ngày mưa. Chúng ta không thể đi mãi trên những con đường đầy bụi và ghập ghềnh. Một trong những thay đổi lớn trong đời sống của nông thôn hiện nay là hệ thống giao thông. Một con đường rải nhựa rộng và đẹp chạy qua những cánh đồng lúa chín vàng rực mang cũng một vẻ đẹp lãng mạn chứ đâu chỉ mỗi những con đường đất xưa.
Hơn nữa, đời sống đã thay đổi quá nhiều so với ngày tôi còn là cậu bé. Hồi đó, hầu hết những người làng quê đi bộ, đi xe đạp và sau năm 1975 lác đác có xe máy. Nhưng bây giờ hầu như gia đình nào ở làng cũng có ít nhất một chiếc xe máy và rất nhiều người làng tôi làm việc ở thành phố có xe hơi.
Ngày nghỉ cuối tuần hay những ngày Tết là xe hơi đỗ rải rác dọc đường làng. Nếu hệ thống giao thông nông thôn không thay đổi thì sẽ là cản trở vô cùng lớn đối với phát triển đất nước, mà cụ thể là nông thôn.
Mỗi thời đại có những vẻ đẹp của thời đại đó. Hình ảnh con đò xưa trên bến sông quê đẹp và thương mến làm sao. Nhưng tôi phải thừa nhận rằng, một cây cầu đẹp bắc qua sông cũng lãng mạn vô cùng.
Những chuyến đò ngang qua sông trước kia chỉ dành cho người đi bộ, đi xe đạp chứ không thể dùng đò chở khách đi xe máy và đường nhiên là không thể nào với xe hơi. Việc bắc những cây cầu qua sông ở các vùng quê là một thay đổi ngoạn mục và cũng mang một vẻ đẹp mới của một thời đại mới.
Nhưng thứ mà chúng ta phải giữ được không cho bất cứ sự thay đổi nào chính là dòng sông. Đấy là thiên nhiên. Chúng ta thay con đò gỗ chở khách sang sông bằng một chiếc cầu hiện đại bằng bê tông là một thay đổi ngoạn mục.
Nhưng không ai điên rồ trồng những cái cây bê tông thay cho những cái cây thân mộc vì lý do hiện đại hay thời đại mới. Cũng như chúng ta phải rời bỏ những con đò chở khách chứ không phải là rời bỏ dòng sông. Nhưng thực tế chúng ta đang rời bỏ những dòng sông hay đang giết chết những dòng sông.
Sông Đáy là một con sông đẹp. Nhưng giờ đây rất nhiều khúc của con sông này coi như đã chết. Có những khúc sông Đáy thu hẹp lại bởi rác rưởi của con người đổ xuống. Có nơi người ta thả rau muống bè làm cả khúc sông tắc nghẹn. Có nơi người ta khai thác cát quá nhiều làm sụp lở bờ. Có nơi người ta đổ chất thải như đầu độc dòng sông.
Đứng trên cây cầu mới bắc qua sông Đáy ở quê, tôi thấy thương tiếc con sông Đáy chỉ cách đây mấy chục năm còn trong xanh, nhiều loài cá, hến chai và các loại rong như rong đuôi chó, rong lá lúa… mọc xanh rì dưới đáy sông .
Giờ thì không còn thấy một cây rong nào nữa. Nhiều con sông như sông Đáy, sông Nhuệ, sông Tô Lịch quả thực là những con sông đã chết.
Tôi vẫn nhớ về bến sông quê và con đò chở khách sang sông. Tôi vẫn làm thơ về bến sông và con đò ấy. Trong tôi vẫn đầy ắp hình ảnh về bến sông quê, những chuyến đò ngang, tiếng gọi đò trong một chiều mưa… nhưng tôi không tiếc nuối khi thay đổi, bởi đó là sự thay đổi cần thiết và quan trọng.
Tôi chỉ tiếc nuối đến đau lòng khi thiên nhiên tươi đẹp bị chính con người sống trong nó giết chết bằng nhiều cách. Cây cầu thật đẹp và cần thiết, nhưng chẳng lẽ chúng ta lại bắc những cây cầu đẹp và hiện đại qua một dòng sông chỉ còn vài vũng nước sao?