Những năm cuối, sắp tốt nghiệp Đại học Bách Khoa Hà Nội, mình nghe mấy thằng cùng trường cùng từ Sơn La về học, kháo với nhau: “Có một con bé người Thái quê Sơn La mình, hát hay, xinh lắm!”. Rồi chúng nó kéo nhau đi xem Vi Hoa hát. Con bé ấy người Thái ở Mộc Châu, kém lớp bọn mình chừng bốn, năm tuổi, mới vào học Đại học Văn hóa, tham gia nhóm ca khúc chính trị, có cả sinh viên bên Nhạc viện Hà Nội diễn cùng, hay hát ở sân khấu nơi Công viên Thống Nhất và các điểm ca nhạc ngoài trời. Toàn sinh viên, người trẻ đứng nghe. Mình cũng đến. Con bé vừa xinh, nhìn lúc nào cũng tươi như hoa cười, hát thì giọng cao, thanh và trong ngần…
Về Sơn La nghỉ hè, mình lại được nghe Vi Hoa hát cùng các bạn nó ở sân chiếu bóng thị xã. Mấy thằng học cùng bảo, đã làm quen được với nó, tíu tít đi xách đồ, phục vụ bọn nó biểu diễn, mặt cứ vếch lên nhìn mình. Mình hơi đố kỵ, nghĩ, con bé này sẽ còn đi xa, giọng nó quý lắm đây…
NSND Vi Hoa và NSND Nông Xuân Ái hát "Tình ca Tây Bắc".
Năm tháng qua đi. Vất vả mưu sinh. Những năm 80, 90 của thế kỷ trước. Thỉnh thoảng mình gặp lại Vi Hoa trên ti vi, trong một vài chương trình ca nhạc, chứ ít thấy nó hát ở Hà Nội. Thì ra nó vào Đoàn Ca múa Bộ đội biên phòng, lặn lội đi hát phục vụ đồng đội và người dân các nơi hải đảo, biên giới.
Con bé như một cánh chim nhỏ chấp chới bay suốt các miền rừng biên tái, đến khắp các tỉnh thành…
Nó có gia đình, chồng cũng là nghệ sỹ biểu diễn ảo thuật, sinh đôi một cặp, con trai và gái. Nó toàn hát ở vùng sâu, vùng xa, những nơi ấy thì nặng tình, chứ được mấy tiền, lại vất vả, cực nhọc… Vậy mà khi mình đi Trường Sa, gặp Tuấn Phương chồng nó, rồi về gặp lại nó, thấy nó vẫn tươi như ngày nào… Nó đã lên tới đại tá, mười lăm năm hát biên giới, được phong Nghệ sỹ Ưu tú, đến ba mươi năm hát thế, thì thành Nghệ sỹ Nhân dân. Cũng có lúc nó nản, muốn bỏ con đường cũ, rồi tình cảm đồng đội, tình cảm bà con nồng nàn, mà không dứt được.
Gặp lại, mình bảo, anh thần tượng cô từ lâu rồi. Nó cười, giờ thì coi em như em gái nhé. Mình rủ “thần tượng” tham gia làm giám khảo hội diễn văn nghệ quần chúng mà mình hay được mời làm chủ khảo, bận mấy nó cũng thu xếp nhận lời. Quê mình ở Thái Bình tổ chức Lễ đón Danh hiệu Anh hùng LLVT, bảo nó về chơi góp vui. Nó với Tuấn Phương và cả hai con cùng về. Làng nghèo xa xôi, lần đầu được tận mắt xem ảo thuật và nghe Nghệ sỹ nhân dân hát. Sướng và nhắc mãi… Sáng tổ chức Lễ, nó mặc lễ phục hát chào mừng sang trọng. Về nhà, vừa ngồi nghỉ, cán bộ thôn nhà mình đến bảo, tiếc quá, đêm qua, nhiều cụ ở thôn không ra xã nghe cô hát được, sáng nay thì chỉ được nghe có hai bài… Thế là nó và chồng nó lại làm ngay một chương trình hát và biểu diễn ảo thuật phục vụ bà con trong thôn. Xong thì muộn quá rồi, phải về, cơm chả ăn, các cụ chỉ kịp dúi vào tay cặp giò vừa vớt khỏi nồi luộc mà tấm tắc, nghệ sỹ như thế chứ… Đám cưới con trai mình, mình chỉ mời rất ít khách. Nó biết, đèo hai con đi học thêm, ghé vào hát mừng hai cháu mấy bài cùng nhà thơ, nhạc sỹ Nguyễn Trọng Tạo, rồi lại vội vàng đi đón con…
Mấy năm trước, nó làm cái allbum. Mình để thời gian nghe lại nhiều bài nó hát những năm tháng qua. Những bài hát của núi rừng: “Tình ca Tây Bắc”, “Chiều biên giới”, “Anh ở đầu sông, em cuối sông”, “Em chọn lối này”… Những bài hát của một thời: “Nổi lửa lên em”, “Tiếng đàn Ta lư”, “Sông Đak Rông mùa xuân về”, "Trước ngày hội bắn"... Nhiều lắm, bài nào cũng hay. Chả phải thiên vị, mình thấy nó hát, có cả tiếng chim trên mặt suối, ngọn gió trên nương lúa, tiếng nước reo trên thác núi, rừng cây đại ngàn… Mình bảo, anh chả chọn, bài nào cũng hay, cũng thích…
Hôm nọ, buổi tối, nó gọi cho mình bảo, lần đầu tiên em làm live show, anh đến nhé. Ba mươi năm ca hát, lần đầu tiên nó mới có riêng một live show cho mình ở Nhà hát lớn, toàn đồng đội và bạn bè đến nghe, chật hết cả chỗ. Nó nghẹn ngào, chả nói được gì nhiều, cứ hát thôi… Nó mang cả núi rừng ký ức về Nhà hát lớn.
Ba mươi năm nay, nó toàn hát ở những sân khấu dựng vội, ở sân đồn biên phòng, sân điểm trường bản xa, hát trên thùng xe ô tô tải, ở trên sàn nhà người dân rẻo cao… Đêm hát live show của nó, cô gái Vi Hoa đến từ bản xa, được mệnh danh là “Chim sơn ca của núi rừng Tây Bắc”, nén chặt chỉ có mười lăm bài hát của cả chặng đời ba mươi năm lăn lộn nghệ thuật, sao mà ngắn đến như vậy chứ?