Aa

Con đường vòng vật vã

Thứ Hai, 16/04/2018 - 06:01

Cái đáng quý của cuốn sách là ở chỗ do vẽ được con đường vòng mà nền kinh tế đất nước trải qua, đã chỉ ra con đường ngắn nhất để xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, mà cho đến giờ này, còn nhiều quyết sách kinh tế của đất nước dường như vẫn phải đi đường vòng.

LTS: Người dân Việt Nam không ít người lúc nào cũng băn khoăn câu hỏi: Vì sao nước mình vẫn cứ được xếp vào các nước nghèo trên thế giới? Trả lời câu hỏi này không hề dễ dàng, nhưng cũng có căn nguyên của nó. Hôm nay, xin gửi tới bạn đọc bài viết của nhà báo Nguyễn Hoàng Linh, nguyên Tổng biên tập báo Doanh Nghiệp để mọi người cùng ngẫm nghĩ.

Hôm gần đây, tôi có dịp may mắn đọc cuốn sách “Tư duy kinh tế Việt Nam - Chặng đường gian nan và ngoạn mục 1975 - 1989” của tác giả Đặng Phong.

Cầm cuốn sách ngót 400 trang đã thấy ngại, trong khi xung quanh mình đầy ắp các kênh thông tin khác nhau. Thời gian mà Thượng đế ban tặng cho lại chỉ đúng có 24 giờ mỗi ngày, không hề nhiều hơn người khác. Rồi tên sách nhấn mạnh vấn đề “tư duy kinh tế”, dường như hơi viển vông và xa xỉ so với thời buổi hàm lượng tính thực dụng ngày càng cao... Tôi định xem lướt, ghi nhớ những gì cơ bản trong nội dung với hy vọng khai thác tư liệu cho các bài viết sau này. Thế nhưng, sự hấp dẫn của cuốn sách đã khiến tôi không thể dứt ra được và đọc luôn một mạch.

Để thay đổi tư duy kinh tế cho hệ thống chính trị của một đất nước không hề dễ dàng, mà dõi theo nội dung cuốn sách, tôi cảm giác nó ly kỳ và hấp dẫn đến nghẹt thở. Ở những nơi tôn nghiêm vào loại bậc nhất đất nước, chỉ sơ sảy một chút là có thể “thân bại danh liệt”, nhưng cuộc đấu tranh giữa tư duy cũ và mới vẫn xảy ra quyết liệt. Gay gắt có, mềm mỏng có, nhân nhượng có, sai lầm có, sửa sai có, đề bạt có, miễn nhiệm có, oan ức có…với những tư liệu thuyết phục.

Là một nhà báo kinh tế lâu năm, từ năm 1976, được chứng kiến một nền kinh tế hoang tàn sau chiến tranh, chứng kiến cuộc trở dạ vật vã hàng chục năm để ra đời công cuộc đổi mới, trong lòng tôi luôn có một điều trăn trở rằng một thời kỳ lịch sử đặc biệt của dân tộc, với những cung bậc thăng trầm tưởng như vượt quá sức chịu đựng của con người, liệu có được ai đó làm “Quan ngự sử” để ghi lại làm bài học cho con cháu mai sau?

Thật quý giá và đáng trân trọng tất cả những tư liệu lịch sử và những đánh giá của tác giả về những sự kiện, những nhân vật trong cuốn sách này. Đã hơn 10 năm sau cuộc chiến tranh vệ quốc vĩ đại và thống nhất đất nước, các nhà lãnh đạo cách mạng Việt Nam không thể đành tâm nhìn những người dân thiếu ăn, thiếu mặc, thiếu đủ mọi hàng hoá thiết yếu, tư liệu sản xuất… trong một nền kinh tế bao cấp khổng lồ hiếm có trên thế giới. Sai lầm bắt đầu từ đâu? Làm thế nào để sửa được nó? Thế là cuộc vật lộn trong tư duy ngay trong những nhà lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng và Nhà nước đã được tác giả ghi chép một cách khoa học, bình luận trên một nền tư duy của một nhà khoa học. Chỉ qua những dẫn chứng lịch sử kinh tế trong giai đoạn 1975 - 1989, người đọc có thể thấy được chân dung của nhiều nhà lãnh đạo như Lê Duẩn, Trường Chinh, Nguyễn Văn Linh, Võ Chí Công, Võ Văn Kiệt…, các cán bộ cao cấp tầm cỡ như Trần Phương, Nguyễn Ngọc Trìu, Ngô Duy Đông, Hoàng Hữu Nhân…, rồi các nhà kinh tế chiến lược như Đào Xuân Sâm, Trần Việt Phương, Hà Nghiệp, Lê Văn Viện, Võ Đại Lược…

Để thay đổi tư duy kinh tế cho hệ thống chính trị của một đất nước không hề dễ dàng, mà dõi theo nội dung cuốn sách, tôi cảm giác nó ly kỳ và hấp dẫn đến nghẹt thở. Ở những nơi tôn nghiêm vào loại bậc nhất đất nước, chỉ sơ sảy một chút là có thể “thân bại danh liệt”, nhưng cuộc đấu tranh giữa tư duy cũ và mới vẫn xảy ra quyết liệt. Gay gắt có, mềm mỏng có, nhân nhượng có, sai lầm có, sửa sai có, đề bạt có, miễn nhiệm có, oan ức có…với những tư liệu thuyết phục.

Cái đáng quý của cuốn sách là ở chỗ do vẽ được con đường vòng mà nền kinh tế đất nước trải qua, đã chỉ ra con đường ngắn nhất để xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, mà cho đến giờ này, còn nhiều quyết sách kinh tế của đất nước dường như vẫn phải đi đường vòng.

Mặc dù trang đầu của cuốn sách, tác giả có ghi “Để tưởng nhớ cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt”, nhưng đọc xong cuốn sách, nhân vật ấn tượng nhất trong tôi lại là cố Tổng bí thư Trường Chinh. Ông là một trong những người lãnh đạo có trình độ học vấn cao và có phong cách lãnh đạo điềm đạm, chuẩn mực. Phương pháp tư duy và làm việc của ông là một phương pháp có bài bản. “Do đó đã có lúc ông xa rời thực tiễn của cuộc sống, dẫn tới những sai lầm nặng nề như trong cải cách ruộng đất, thời kỳ 1953 - 1956, trong việc phê phán cơ chế khoán ở Vĩnh Phúc năm 1968”. Đọc đến đây, tôi ngỡ tưởng rằng những con người có tư tưởng “tả khuynh” như vậy khó có thể là trung tâm của công cuộc đổi mới sau này. Thế nhưng tôi đã lầm hoàn toàn. Những tư liệu lịch sử trong cuốn sách đã chứng minh rằng Trường Chinh chính là người khởi xướng mãnh liệt nhất, kiên định nhất cho công cuộc đổi mới vĩ đại này. Sự hấp dẫn của cuốn sách một phần quan trọng là ở đây, bởi để một vị lãnh đạo cao nhất đất nước thay đổi tư duy thì phải có biết bao công sức của bộ máy giúp việc và sự trả giá cao của thực tiễn. Ông Mai Chí Thọ, lúc đó là Chủ tịch UBND TP.HCM, viết: “Sau đợt đi kiểm tra tình hình thực tế ở một số địa phương và TP.HCM, đồng chí Trường Chinh đã phát biểu: “Trước đây tôi đã nghe nhiều báo cáo sai lầm, không đúng thực tế”. Anh đã quay “một trăm tám chục độ” và đã tạo nên một bước ngoặt lịch sử cho cách mạng Việt Nam”.

Một ấn tượng nữa trong tôi là cuốn sách này, qua các tư liệu lịch sử, đã vẽ rất rõ nét một con đường vòng trong quá trình phát triển kinh tế đất nước, tạo ra một sự lãng phí khủng khiếp trong việc khai thác các nguồn lực để phát triển. Trong nông nghiệp, khẩu hiệu “Người cày có ruộng” ban đầu được dẫn theo con đường Tổ đổi công, rồi HTX cấp thấp, HTX cấp cao, rồi khoán 100, rồi khoán 10 để trở lại đúng bản chất kinh tế của việc “Người cày có ruộng” cách đấy mấy chục năm. Về công nghiệp, từ tư bản dân tộc tiến lên công tư hợp doanh, sang công nghiệp quốc doanh rồi quay trở lai cổ phần hoá, cho phép phát triển kinh tế tư bản tư nhân, đầu tư nước ngoài, rồi Đảng viên được làm kinh tế tư nhân.

Trong phân phối - lưu thông, từ chỗ Nhà nước nắm từ cây kim, sợi chỉ, lạng đỗ xanh, tấm lá giong giềng, quần áo, gạo, mỳ…cho đến khi không thể kham nổi, phải trao cho thị trường điều tiết. Con đường vòng ấy đã mất vài chục năm vật vã. Từ chỗ quan niệm việc gửi tiền, gửi hàng của bà con Việt kiều cho những người thân thích ở trong nước là những “viên đạn bọc đường”, đến nay, khi được coi đây là một chỉ tiêu kinh tế quan trọng trong quá trình phát triển cũng tiêu tốn mất ngót nửa thế kỷ…Cái đáng quý của cuốn sách là ở chỗ do vẽ được con đường vòng mà nền kinh tế đất nước trải qua, đã chỉ ra con đường ngắn nhất để xây dựng đất nước Việt Nam phồn vinh, mà cho đến giờ này, còn nhiều quyết sách kinh tế của đất nước dường như vẫn phải đi đường vòng.

Sẽ là có lỗi nếu không có đôi lời giới thiệu về tác giả cuốn sách. Ông sinh năm 1939 tại Hà Tây, tốt nghiệp Khoa lịch sử Đại học Hà Nội năm 1960, Đại học kinh tế quốc dân 1964, nguyên Uỷ viên Hội đồng khoa học, trưởng phòng lịch sử kinh tế Viện Kinh tế Việt Nam, Phó tổng biên tập Tạp chí Thị trường - Giá cả…

Ông từng tham gia nhiều đề tài khoa học cấp quốc gia về lĩnh vực kinh tế và được nhiều trường đại học và viện nghiên cứu nước ngoài mời thỉnh giảng. Ông tâm sự: “Lịch sử thời kỳ đổi mới không phải là và không thể là chặng đường chỉ toàn những thành tích và thắng lợi. Nó là một chặng đường đầy những thử nghiệm và khai phá gian nan, đầy những khó khăn, vấp váp, trong đó có cả những sai lầm, thất bại, rồi chính từ đó mới bật ra những bước sáng tạo, bứt phá”.

Tôi rất đồng tình với ông. Chính vì thế, bản thân những vật vã trên chặng đường gian nan ấy đã tạo nên sự cuốn hút của cuốn sách này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top