Dòng vốn ngoại tiếp tục đổ bộ
Việt Nam đang trở thành điểm đến hấp dẫn của nhiều nhà đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực sản xuất và hậu cần. Tiêu biểu, mới đây, Pegatron (Đài Loan. Trung Quốc) - Nhà lắp ráp linh kiện cho Apple, Sony, Microsoft, Lenovo đã rót 1 tỷ USD đầu tư tại Hải Phòng. Theo kế hoạch, Pegatron sẽ tiếp tục đầu tư thêm dự án thứ 3 với quy mô 500 triệu USD trong giai đoạn 2025-2026.
Tương tự, vào nửa đầu năm nay, Goertek (Hong Kong, Trung Quốc) đã mở nhà máy thứ 3 chuyên sản xuất sản phẩm điện tử dân dụng, dụng cụ quang học, thiết bị truyền thông tại Bắc Ninh. Họ đã thuê đất tại khu công nghiệp Nam Sơn - Hạp Lĩnh để xây dựng nhà máy, dự kiến sẽ đi vào hoạt động trong năm 2024.
Không chỉ ở phía Bắc, nhiều tập đoàn nước ngoài đã liên tục rót vốn đầu tư vào thị trường phía Nam. Vừa qua, các doanh nghiệp của Nhật Bản như Nitto Denko, Yuwa, AEON đã mở rộng quy mô hoạt động tại Bình Dương với tổng số vốn đầu tư lên đến 168 triệu USD. Hay Shandong Haohua Tire đã đăng ký vốn hơn nửa tỷ USD để đầu tư tại Bình Phước. Suntory Pepsico Việt Nam cũng thuê 20 ha đất ở Long An để triển khai đầu tư dự án lên đến 185 triệu USD.
Bà Trang Bùi - Tổng giám đốc Cushman & Wakefield Việt Nam cho biết, các khu công nghiệp Việt Nam đã đón nhận làn sóng đầu tư đến từ các doanh nghiệp điện tử toàn cầu từ rất sớm như Panasonic (1971), LG Display (1995), Samsung (2008) và gần đây là các tập đoàn lớn như Pegatron, Goertek.
Với các đặc điểm địa lý thuận lợi, cũng như cơ sở hạ tầng được đầu tư phát triển mạnh mẽ và hàng loạt chính sách thúc đẩy đầu tư từ Chính Phủ, Việt Nam hội tụ đầy đủ các yếu tố cần thiết để thu hút loạt “ong chúa” đến làm tổ và đóng góp hơn nữa vào GDP Việt Nam.
“Những con số ấn tượng cùng những dự báo đầy triển vọng mà chúng tôi quan sát được cho thấy tiềm năng của logistics tại Việt Nam là rất lớn, hoàn toàn có thể trở thành “gà đẻ trứng vàng” cho các chủ đầu có tầm nhìn tiềm lực mạnh”, bà Trang nhận định,
Thách thức cho nguồn cung nhà xưởng, kho bãi
Trước sự đổ bộ của dòng vốn ngoại, nhu cầu về bất động sản công nghiệp ngày càng tăng cao. Đặc biệt, trong các tháng cuối năm, khi nhu cầu từ thị trường bán lẻ được dự báo tăng bằng lần, càng khiến “cơn khát” nguồn cung nhà xưởng, kho bãi trở nên gay gắt hơn.
Theo báo cáo của Cushman & Wakefield Việt Nam, hiện tại, tổng nguồn cung nhà kho ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chỉ đạt lần lượt 2.022.000 m2 và 5.130.000 m2. Trong khi đó, các khu công nghiệp và hậu cần kho bãi tại các đô thị lớn, đặc biệt là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh, đang có tỉ lệ lấp đầy cao, có những nơi đạt gần 100%.
Báo cáo của JLL Việt Nam cũng chỉ ra rằng, trong quý III/2023, nhu cầu thuê nhà xưởng, kho vận đang tăng trưởng trở lại với tỷ lệ hấp thụ cao. Cụ thể, tỷ lệ hấp thụ thuần thuần nhà kho xây sẵn tại miền Bắc cao gấp 2,6 lần so với quý trước, đạt gần 90.000 m2. Tương tự tại miền Nam, tỷ lệ hấp thụ ròng nhà kho xây sẵn cũng đạt khoảng 86.000 m2.
Trước sự phát triển mạnh mẽ của thị trường logistics Việt Nam, ông Thomas Rooney - Quản lý Cấp cao, Dịch vụ Tư vấn Bất động sản, Savills Hà Nội cho rằng, nguồn cung các loại hình bất động sản công nghiệp hiện vẫn chưa thực sự đáp ứng đủ nhu cầu. Điều này đòi hỏi các chủ đầu tư cần linh hoạt hơn khi đưa ra những mô hình mới và tối ưu những nguồn cung sẵn có.
Vị chuyên gia này cho rằng, thị trường logistics ở Việt Nam sẽ phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới. Vì vậy, Việt Nam cần tập trung đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng, kho vận để củng cố chuỗi cung ứng cho sản xuất.
Còn theo bà Trang Bùi, để phát triển nguồn cung bất động sản công nghiệp, doanh nghiệp cần chú trọng hơn về tiêu chuẩn kỹ thuật và cơ sở vật chất, cải thiện chất lượng dịch vụ khách hàng và nhất là các yếu tố môi trường và phát triển bền vững như mục tiêu phát thải ròng bằng Không (Net Zero), năng lượng tái tạo và nền kinh tế tuần hoàn (circular economy).
Trong vòng vài năm tới,Việt Nam cần ưu tiên việc làm sao có thể thích nghi nhanh chóng và nắm bắt được những thay đổi do công nghệ và tự động hóa do Công nghiệp 4.0 mang lại, tiếp tục thúc đẩy các dự án hỗ trợ cho ngành công nghiệp phụ trợ, nâng cao chất lượng và năng lực sản xuất của các nhà sản xuất nội địa, cũng như có những hướng dẫn cụ thể cho các dự án hướng đến yếu tố môi trường - xã hội - quản trị (ESG).
“Sức khỏe của một nền kinh tế tỷ lệ thuận với độ hiệu quả của hệ thống logistics. Chính vì vậy, việc nâng cao độ hiệu quả sẽ giúp các nhà sản xuất, nhà cung cấp dịch vụ vận tải và hậu cần, các cơ quan quản lý thương mại giảm thiểu những trì hoãn có thể xảy ra, từ đó làm gia tăng sản lượng và giảm chi phí kinh doanh”, bà Trang nhấn mạnh.