Aa

Cơn sốt và con dao rừng

Thứ Năm, 15/04/2021 - 07:00

Tôi nằm li bì mấy ngày thì qua cơn sốt rừng. Khỏe lại, bà nội nhai trầu bỏm bẻm, hai ngón tay quết nước trầu bên mép xong, thở dài: “Cha bố nhà anh, đi rừng đi rú kiểu gì mà suýt bị ma rừng nó lấy mất hồn thế, hả?"

Tôi nhớ mãi chuyến đi rừng cuối cùng với cái Hoa.

Hôm đó, trời đang nắng thì bỗng mây đen ở đâu kéo đến mù mịt, sấm chớp ầm ầm. Không kịp về bản. Cái Hoa kéo tôi vào một cái hang đá sâu kịp thời vì ngay sau đó là một cơn mưa rừng rất lớn trút nước xuống như thác đổ.

Cơn mưa kéo dài, kéo dài lâu mãi, ồ ạt, rầm rĩ. Rừng tối đen lại... Hai đứa ngồi sát nhau trong hang đá. Tôi bắt đầu run lên vì bỗng thấy lạnh kinh khủng. Đó là cơn sốt rừng.

Những người ở rừng lâu thì mới hiểu về sốt rừng. Một cơn sốt không báo trước, khó cắt nghĩa đủ nguyên nhân. Chỉ biết là nó thường bất thần kéo đến, ập xuống, đưa con người vào cơn nguy hiểm sống chết, bởi khi đó, mọi ý thức và tư duy lập tức mờ đi và ta mê man kéo dài... Lam sơn chướng khí, rừng thiêng nước độc, ngã nước tàn đời, chính là nó đấy.

Cái Hoa nhận ra điều này khi thấy người tôi mềm nhũn ngả xuống, hai hàm răng va vào nhau cầm cập. Nó kêu lên, sao thế này Phong ơi, rồi nó đặt tôi nằm, lưng và đầu kê trên hai đùi nó. Nó cúi xuống ghì chặt lấy tôi để truyền hơi ấm. Tôi cố cưỡng lại cơn sốt, vẫn kịp nhận ra người nó mềm mại, ngực nó nóng hổi, má nó áp vào mặt mình êm ái… Nhưng rồi tôi bị cái lạnh bao trùm và thiếp đi không biết gì nữa…

Rất lâu sau, trời đã về chiều và hết mưa, cả núi rừng đang còn sũng nước, tôi mới tỉnh lại. Cái Hoa bảo, Phong bị ốm nặng rồi, không chủ quan được, ta phải về nhà nhanh thôi, cố lên nhé. Tôi rên hừ hừ, răng vẫn cứ va lập cập vào nhau. Cái Hoa xốc tay tôi khoác trên vai, dứt khoát dìu tôi đi, thập thững xuống núi. Dọc đường, có đôi lúc tôi như tỉnh táo, thấy sao cái Hoa khỏe thế, nó gần như cõng tôi trên vai để băng rừng. Chỉ nhớ thế, còn sau đó lại không biết gì nữa. Đến nửa đêm, tỉnh lại, đã thấy mình nằm trên giường ở nhà, trong chăn ấm, mẹ ngồi cạnh lo lắng, đưa cho cốc nước cháo loãng…

Tôi nằm li bì mấy ngày thì qua cơn sốt. Khỏe lại, bà nội tôi nhai trầu bỏm bẻm, lấy hai ngón tay quết nước trầu bên mép xong, thở dài: “Cha bố nhà anh, anh đi rừng đi rú kiểu gì mà suýt bị ma rừng nó bắt lấy mất hồn thế, hả?”.

Hết sốt thì như có phép thần tiên, người trở lại bình thường, chả có vẻ gì vừa thập tử nhất sinh ngay trước đó. Tôi vùng dậy, tìm con dao rừng cái Hoa cho thì chỉ thấy mỗi cái vỏ gỗ. Con dao sắc lạnh, bén nước, vừa với tay mình, mới dùng đã thích ngay. Tôi đoán chắc nó bị rơi ra trên hang núi lúc chúng tôi vào tránh mưa hay trên dọc đường cái Hoa thập thững dìu tôi về... Khỏe lại hẳn rồi, tôi lặng lẽ một mình ngược lên cái hang và đi lại đường rừng, mỏi mắt tìm kiếm, tìm mãi mà không thấy…

Sau vụ này, nhà tôi lại chuyển vào phía trong, gần sát chân đèo Cao Pha trên đường đi Mường Bú. Tôi không hiểu lý do của việc chuyển nhà. Mà cũng chả cần hiểu. Thời gian ấy, nhà tôi chuyển chỗ ở liên tục, như dân du mục ấy. Trước khi chuyển đi, tôi có đến gặp cái Hoa, bảo là, nhà mình sắp chuyển chỗ đi xa rồi, chắc chả còn dịp đi rừng với Hoa được nữa, chỉ tiếc là mất con dao rừng Hoa cho. Hoa nói, Phong đừng tiếc nữa, rồi đưa cho tôi con dao cũ của tôi.

Nó đã nhờ người rèn lại, lắp một cái chuôi khác chắc chắn hơn, đút vào vỏ gỗ cũ rất vừa. Khi tôi định chia tay đi, nó bảo chờ đã, rồi chạy nhanh lên sàn, khi xuống, đưa cho tôi cái gói vải thổ cẩm nhỏ, nó bảo, quý lắm đấy, Hoa tặng Phong nhé. Tôi cầm, mở ra thấy bên trong là một mảnh đá nhỏ, màu đỏ óng ánh như màu máu chim bồ câu. Tôi đút vào túi quần, rồi cúi đầu đi xa nếp nhà sàn quen thuộc, không quay đầu lại nhìn…

Tôi với nó, từ đấy, cứ dần dần xa mãi, mà vì sao, thì tôi không nghĩ ra được...

Vào học cấp III trường tỉnh, nhà tôi đã chuyển về thị xã. Đã hết nguy cơ bom Mỹ sau Hiệp định Paris năm 1973. Vì ở thị xã nên tôi học khác lớp cái Hoa. Ở trường mới, cái Hoa đã vụt trở thành biểu tượng của một học sinh miền núi: Người dân tộc, con nhà cán bộ, xinh đẹp, học chăm, lao động tốt, đi thi học sinh giỏi đoạt giải cao... Nó thường mặc trang phục dân tộc rất đẹp, ngồi trên đoàn chủ tịch với các cô chú lãnh đạo trong các cuộc mít tinh hoặc thay mặt học sinh toàn tỉnh đọc quyết tâm thư. Người ta giới thiệu nó là em Cà Hoa, bạn Cà Hoa, rồi sau này là chị Cà Hoa, bỏ chữ “Thị” đi, nghe cũng hay hay...

Lần cuối cùng tôi gặp, nói chuyện với Cà Hoa, rất ngắn ngủi. Hôm đó, nhân dịp tổng kết học kỳ của trường. Họ mời tôi, Cà Hoa cùng một số học sinh khác lên nhận giấy khen. Tôi với Cà Hoa có giấy khen gửi về từ Bộ Giáo dục dưới Hà Nội. Gọi đến tên, mãi tôi mới biết vì đứng cuối hàng, mải trêu nhau.

Đứng cạnh Cà Hoa khi nhận giấy khen, tôi thổn thức: “Hoa à, lâu lắm rồi… Nhớ không?”. Cà Hoa có vẻ lạnh lùng: “Chào bạn! Mình vẫn mong gặp bạn. Khỏe không?”. Tôi nhói lên trong lòng, nó không Hoa Hoa, Phong Phong nữa, nó bạn bạn, mình mình. Tôi lập tức lạnh lùng trả lời cho tương xứng với thất vọng trong lòng: “Cảm ơn! Tôi vẫn bình thường!”. Nhận giấy khen xong, tôi bước nhanh xuống...

Từ đó không gặp lại Cà Hoa nữa. Sau năm học ấy, không thấy Cà Hoa ở trường, nó chuyển đi Thái Nguyên hay về Hà Nội học, đi ở theo bố mẹ chuyển công tác thì phải? Cũng có lần, từ thị xã, tôi lang thang, tha thẩn đi vào Mường La đất cũ. Chiều muộn, ghé bản cũ của Hoa, thấy ngôi nhà nó ngày xưa thật vắng lặng, cầu thang gỗ để lên sàn đầy bụi mốc, đá kê các cột chống nhà mọc rêu lên, xanh xanh mờ…/.

(Còn tiếp kỳ sau)

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top