Có rất nhiều triển lãm mỹ thuật treo tranh vẫn niêm yết giá bán tranh, thường những bức tranh được mua được đánh dấu bằng một dấu son đỏ, hoặc một chiếc nơ đỏ. Lần này được xem tranh “Miền ký ức” của một họa sỹ già, tuổi cửu thập lại thấy một giá trị ký ức, và cách ký thác khác người. Trong sâu thẳm đời người, cũng từng có một họa sỹ từng bán tranh nói với tôi: “Mình bán bức tranh phong cảnh trung du quê đi mà như vừa đánh mất một thứ gì đó, nuối tiếc lắm, vì không vẽ được như thế nữa, thật buồn!”. Nỗi buồn của họa sỹ bán đi đứa con tinh thần, mình sáng tạo ra, rời xa mình.
Cuối tháng 3 này, ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, một người họa sỹ già, một nghệ nhân nhân dân Chu Mạnh Chấn ở tuổi chạm 90 đã trưng bày tranh mà không hề bán đi những bức tranh sơn mài của mình. Thậm chí có những bức tranh sơn mài ông vẽ ở khoảng giữa thế kỷ trước, về chùa Hương chẳng hạn. Ai đó, đã sống vắt qua hai thập kỷ mới thấy sự thay đổi, sự nhạt nhòa của thời gian, sau mỗi tích tắc của kim giây, có bao nhiêu thứ mất đi, có bao nhiêu thứ mãi mãi không còn trở lại.
Người họa sỹ già Chu Mạnh Chấn, gần một thế kỷ chỉ chuyên chép sử làng quê, đình chùa bằng tranh sơn mài, ví như với bốn bức tranh ghi lại khung cảnh chùa Hương xưa, nó vừa đánh thức người xem dưới một ngôi chùa tuyết sơn lãng đãng sương, lãng đãng mây nơi suối Yến Vĩ; cảnh dưới chân núi bao người dùng nón quai thao, hình ảnh người mẹ người bà của ta xưa còn cả váy đụp nón mê, trong trẻo và xưa cũ.
Những bức tranh sơn mài không chỉ đánh thức ký ức bởi ngôi chùa Hương tích, chùa Cả, tranh đình đền, làng quê, tranh sen, và bức tranh về chùa Thầy với dụng công mà họa sỹ già đã vẽ cặm cụi rất nhiều năm. Hơn ba mươi bức tranh của họa sỹ Chu Mạnh Chấn chỉ nghiêng về ký ức. Việt Nam ở độ tuổi cửu thập như cụ Chấn, chắc chắn duy nhất về triển lãm cá nhân lần đầu cho đời mình.
Trong triển lãm, gặp nghệ nhân Vũ Huy Mến ở làng sơn mài Hạ Thái, ông từng tự hào và cảm phục về sức lao động của người thầy Chu Mạnh Chấn. Người đã dạy ông và góp ý cho ông về những bức tranh sơn mài khổ lớn, ví như lễ hội đền Chử Đồng Tử, Tiên Dung, tranh làng quê, bóng tre, con đò, cách sử dụng sơn ta và cách thể hiện màu sơn “ăn nhau” ở thời tiết. Chắc chắn nghề dạy học xưa ở trường Mỹ nghệ Hà Tây cũ đã đem lại cho ông Chấn rất nhiều trò giỏi và cũng trở thành nghệ nhân ưu tú trong cuộc hội ngộ của trò với thầy.
Thực tế, cũng có bao nhiêu họa sỹ chọn đề tài ký ức, có chủ đề chiến tranh, có chủ đề phong cảnh, có chủ đề nông thôn thời kỳ đổi mới. Và cũng có bao nhà văn cũng từng “ăn mày ký ức”, nhà văn viết sử thi, nhà văn viết về ký ức… riêng ngành hội họa, những bức tranh dưới chất liệu sơn dầu, thuốc nước, sơn mài, hay chì, trong triển lãm, họ đều có giá bán đi, hoặc không bán. Con dấu “đã bán” chỉ hai chữ thôi, khiến tôi sực nhớ hồi xưa ở Vụ Mỹ thuật có một bác tên là Di, ông chuyên ngồi đóng dấu hai chữ “đã bán” trong phòng tranh, trong các cuộc triển lãm tranh của cá nhân và của nhóm tác giả. Từng có cả cuộc đời như ông Di ấy ở Vụ Mỹ thuật năm nào. Quanh năm ông chỉ làm mỗi công việc đóng dấu “đã bán” của nhiều tác giả tác phẩm.
Ông cũng đã về cát bụi, mà cái dáng lầm lũi đóng dấu đã bán tranh, cho người khác làm vui. Còn ông thì rất buồn, rất lủi thủi. Ông Di với một công việc, trông coi triển lãm tranh, và khi có cuộc triển lãm tranh dành cho họa sỹ thì chỉ có việc đánh dấu tranh “đã bán” và không bán. Một cuộc đời viên chức có tên như ông Di, chỉ lặng lẽ đi qua mỗi một công việc ấy. Đóng dấu đã bán vào lề của tên tác phẩm xướng tên tranh tác giả. Và, nếu ông Di còn sống đến bây giờ, chắc chắn ông sẽ thất nghiệp trong triển lãm tranh của ông Chu Mạnh Chấn. Cả phòng tranh không bán tranh.
Có một điều duy nhất triển lãm tranh sơn mài của họa sỹ Chu Mạnh Chấn trưng bày tranh cho mọi người thưởng lãm chứ không có một hình thức niêm yết giá bán mua như ở các cuộc trưng bày triển lãm khác. Ngạc nhiên hơn, là họa sỹ già không bán tranh kể cả những lúc hàn vi. Ông vẽ như kể chuyện làng quê, vẽ nông dân với con đò bến nước, với phiên chợ, và những lễ hội đình đám múa rối nước ở chùa Thầy. Những cây gạo nở hoa, cổng chùa làng còn phảng phất dấu cũ.
Một cách nhìn nhận của người họa sỹ, một cách người cha kể chuyện làng quê, chùa cổ đời sống thường nhật ở thôn quê cho các con mình xem, thấm đẫm bóng dáng quê hương và gieo vào tâm hồn những đứa con của mình những giấc mơ đẹp. Chính vẻ đẹp của tranh, cách lao động cần mẫn, và cách dạy dỗ con cái của mình trong con mắt của nhà sư phạm chuyên nghiệp, ông Chu Mạnh Chấn bắt đầu từ màu sắc hội họa đến bố cục không gian sống, với sự giản dị này gieo vào tâm hồn các con của mình, trong đó có nghệ sỹ Chu Lượng.
Một gia đình đúng nghĩa, có “hổ phụ sinh hổ tử”. Nghệ sỹ Chu Lượng con trai ông, tài hoa ở lĩnh vực rối nước. Tài hoa ở lĩnh vực sắp đặt, bố cục . Ai đã từng xem triển lãm của nghệ sỹ Chu Lượng ở trường Mỹ thuật phố Yết Kiêu năm nào, còn nhớ một không gian mộng mị của rối cạn và ánh sáng màu sắc, nó truyền cảm hứng thật yêu đời yêu người đến người mỗi người xem.Nhưng hơn thế, nghệ sỹ Chu Lượng còn biết bảo tồn những bức tranh sơn mài của cha mình, như một người thư ký giỏi, một người làm bảo tồn chuyên nghiệp, một người sưu tập tranh, không ai khác, lại chính tác phẩm của cha mình.
Nghe nói gia đình ông kể cả lúc hàn vi nhất, ông Chu Mạnh Chấn vẫn không bán tranh. Ông chỉ lưu giữ cho con cháu xem, người đời xem, xem để biết ngày xưa nó như thế nào, và bây giờ đổi thay ra sao? Dù trên thị trường tranh Việt Nam, có bức tranh của ông nhà sưu tập tranh trả giá tới 5 tỷ đồng, gia đình không bán. Mới hay, tiền bạc không mua được ký ức của một phận người!
Tranh của ông vẽ không chỉ cốt con cháu hình dung ra ngày xưa chùa Hương Tích như thế, chùa Thầy như thế, và cổng làng Thổ Hà đã từng như thế. Người xem tranh của họa sỹ nghệ nhân già, thấy rõ cả cuộc đời ông đắm đuối về nông thôn, yêu quý những mảnh hồn người xưa cũ, phảng phất hoài niệm, đẹp và u uẩn.
“Miền ký ức” của họa sỹ già Chu Mạnh Chấn mãi trở thành vô giá, với giá trị văn hóa theo mỗi cách nhìn, cách cảm riêng về vẻ đẹp của sơn ta, Việt Nam trong mắt mỗi người./.