Aa

Con vào dạ, mạ đi tu

Thứ Bảy, 16/01/2021 - 15:00

Chúng ta ai cũng từng là một người con ngày nào được hoài thai từ trong lòng mẹ. Chúng ta có mặt và được yêu thương, không phải bởi chúng ta làm tốt một điều gì đó. Chỉ cần tồn tại, chúng ta đã được yêu thương.

Tôi rất thích câu: “Con vào dạ, mạ đi tu” của người miền Trung. Câu nói ngắn gọn nhưng hàm chứa biết bao điều ý nghĩa.

Khi bắt đầu hoài thai một sinh linh trong lòng, người phụ nữ bước vào một chặng đường mới, trở thành mẹ. Khi ấy, “đi tu” mang tính giáo dục như là một hình thức thai giáo cho con, nghĩa là sẽ sửa mình, sẽ sống với tấm lòng bi mẫn và thiện lành nhất vì con. Vì mong con sinh ra được lành lẽ, được đủ đầy ơn phước mà người mẹ sẽ dọn lòng để an vui và hạnh phúc cho con được nương nhờ. 

"Con vào dạ, mạ đi tu", "đi tu" ở đây còn có nghĩa là người mẹ sống với ý thức chánh niệm về từng hành động, ý nghĩ, từng lời nói của mình trong hiện tại. Khi nói, mình sẽ ý thức mình là một người mẹ, để nói những điều dịu dàng hơn, tốt đẹp hơn.. Khi mình đi đừng, nằm ngồi, ăn uống, mình cũng sẽ ý thức ăn sao cho lành, đi sao cho an, nằm ngồi sao cho người khỏe nhẹ.

“Con vào dạ, mạ đi tu” - Câu nói ngắn gọn nhưng hàm chứa bao điều ý nghĩa. (Ảnh: Internet)

Ngày con vào dạ, mạ (mẹ) chưa biết được con mình liệu sau này có trở thành ông nọ bà kia hay không, không biết con của mình là con trai hay con gái và phần nhiều cũng chưa nghĩ tới việc sau này con sẽ hiền lành hay nghịch ngợm, sẽ ngoan ngoãn hay ương bướng, sẽ hiếu thảo hay khó bảo. Con biểu hiện, có mặt trong lòng là đủ để mạ bắt đầu một hành trình mới. "Con vào dạ, mạ đi tu"… 

Chúng ta, ai cũng từng là một người con ngày nào được hoài thai từ trong lòng mẹ. Chúng ta có mặt và được yêu thương, không phải bởi chúng ta làm tốt một điều gì đó. Chỉ cần chúng ta tồn tại, chúng ta đã được yêu thương.

Sở dĩ, bỗng nhiên tôi nhắc tới những điều này là bởi tôi không muốn chúng ta quên đi giá trị của sự có mặt, lý do ta cần có mặt trong cuộc đời này. Mẹ hoài thai là thương yêu, là cẩn trọng, không phải để cho ta trôi lăn trong phiền muộn hay chạy đua với cuộc đời mà là để được yêu thương, được chúc lành và nâng niu.

Hôm trước, tôi nói về câu chào Aloha của người Hawaii có nghĩa là xin chào thượng đế, còn ở Ấn Độ, người ta chào nhau là Namaste. Cũng như Aloha, Namaste có nghĩa là tôi cúi đầu chào bạn. Nhưng ý nghĩa tâm linh của từ này là điều thiêng liêng bên trong tâm hồn tôi xin cúi chào điều thiêng liêng bên trong bạn.

Ở Việt Nam, thường thấy ở những người theo đạo Phật là cách chắp tay và cúi đầu chào nhau với hồng danh A di đà Phật. Tuy là niệm Phật, nhưng khi người Việt chắp tay chào nhau, nói theo thiền sư Thích Nhất Hạnh, cái chắp tay ấy là mình đang làm thành biểu tượng của một búp sen. Và lời chào ấy rất dễ thương là: Sen búp xin tặng người, một vị Phật tương lai.

Điều này có nghĩa, chúng ta tặng cho người một búp sen và cung kính trước người đối diện khi gặp nhau. Ta chào hỏi, cũng có nghĩa là ta tin rằng người ấy là một vị Phật, người ấy có Phật tính và sẽ thành Phật trong tương lai.

Sự khởi nguyên nào dường như cũng tinh khôi như giọt nước lặng trong nơi đầu nguồn, như là lời chào của người ta với niềm cung kính hay biểu hiện của một sinh linh vừa có mặt trong tử cung của người mẹ. 

Cuộc sống có rất nhiều những nẻo đường. Giọt nước lặng trong nơi đầu nguồn để ra biển cả cũng như đời người đi qua một kiếp sống. Cái đẹp tinh khôi buổi ban đầu sẽ thay bằng ghềnh thác ầm ào, thay sỏi đá cát bụi và gió táp bão bùng. Đôi lúc người ta quên đi mình từng lặng trong và tinh khôi, từng được yêu thương trân trọng như thế... cho đến lúc nhắm mắt buông tay! 

Tôi đã đi trên vạn nẻo đường, qua bao nếp nhà và chắp tay cúi chào bao người bạn mà tôi có nhân duyên hạnh ngộ trong đời. Cảm thương cho những trôi lăn như thương chính bản thân mình trong những tháng ngày lận đận. Buông bỏ những đao to búa lớn với danh vị và những hình ảnh của sự đạo mạo, uy nghi trong đời, tôi trở lại là mình bình thường và dường như nhỏ lại cùng những hoài niệm về mẹ cha. 

Chiều nay, có những bông hoa ở lại cùng một người mẹ giữa thinh không, rồi mọi người trở gót...

"Con vào dạ, mạ đi tu". Cho đến ngày những người mẹ đi vào cõi lặng trong ở một miền sáng nào đó, tôi tin phút ấy, người con nào cũng tự nguyện với mình rằng... con sẽ ở lại xứng đáng. Như tôi từng nguyện, sẽ xứng đáng với tình yêu của mẹ, với sự cố gắng tảo tần một đời, với sự “đi tu” rất riêng của mạ tôi. 

Sự xứng đáng ấy, như khởi nguyên ban đầu, cũng chỉ đơn giản là một biểu hiện bình an...

Mỗi chúng ta có mặt trong đời đã là một điều đẹp đẽ và thiêng liêng hơn chúng ta nghĩ rất nhiều rồi. Mong cho tôi và bạn, chúng ta sẽ luôn nhớ đến giọt nước đầu nguồn lặng trong ấy!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top