Aa

Condotel "đuối sức" sau cuộc đua cam kết lợi nhuận

Thứ Năm, 24/08/2017 - 14:00

Hiệp hội BĐS Việt Nam làm việc với Hàn Quốc về công tác chỉnh trang, tái thiết đô thị; Công ty của vợ chồng đại gia Khoa Keangnam thâu tóm dự án "đất vàng" của Diệp Bạch Dương; Hà Nội sẽ xây 4 cầu vượt sông Hồng, sông Đuống trị giá 38.000 tỷ đồng giảm tải cho giao thông; Kiến nghị sớm có gói vay hỗ trợ người mua nhà thu nhập thấp như gói 30.000 tỷ; Condotel "đuối sức" sau cuộc đua cam kết lợi nhuận là những thông tin chính của BĐS 24h qua.

Hiệp hội BĐS Việt Nam làm việc với Hàn Quốc về công tác chỉnh trang, tái thiết đô thị

Sáng 23/8, Hiệp hội BĐS Việt Nam (VNREA) đã có buổi làm việc với Đoàn Công tác của Trung tâm Hợp tác phát triển Đô thị quốc tế (IUC) thuộc Tổng Công ty đất đai và Nhà ở Hàn Quốc về các vấn đề chỉnh trang, tái thiết đô thị. Buổi làm việc có sự tham dự của đại diện Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), lãnh đạo Hiệp hội BĐS Việt Nam và lãnh đạo Tạp chí điện tử BĐS Việt Nam cùng đại diện IUC.

Mục đích của buổi làm việc nhằm thảo luận với các bên liên quan về lĩnh vực cải tạo, chỉnh trang/tái thiết đô thị và dự án thí điểm; thảo luận về xu hướng phát triển thị trường BĐS tại Việt Nam và tiềm năng phát triển của lĩnh vực cải tạo đô thị.

Đây cũng là bước khởi động ban đầu để Đoàn công tác Hàn Quốc tìm hiểu thể chế, chính sách cũng như hoạt động của các doanh nghiệp BĐS Việt Nam liên quan đến công tác tái thiết, phát triển khu đô thị.

Chủ tịch Nguyễn Trần Nam hoan nghênh tinh thần hợp tác của phía Hàn Quốc và cho biết sẵn sàng cộng tác nhằm giúp Bộ Xây Dựng Việt Nam và phía Hàn Quốc xây dựng được các thể chế liên quan đến vấn đề cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị.

Chủ tịch Nguyễn Trần Nam hoan nghênh tinh thần hợp tác của phía Hàn Quốc và cho biết sẵn sàng cộng tác nhằm giúp Bộ Xây Dựng Việt Nam và phía Hàn Quốc xây dựng được các thể chế liên quan đến vấn đề cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị.

Tại buổi làm việc, Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam - ông Nguyễn Trần Nam - hoan nghênh tinh thần hợp tác của phía Hàn Quốc và cho biết sẵn sàng cộng tác nhằm giúp Bộ Xây Dựng Việt Nam và phía Hàn Quốc xây dựng được các thể chế liên quan đến vấn đề cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị.

GS. Jong Kwon Choi, Nhà nghiên cứu cao cấp của Viện nghiên cứu Luật SNU Trung tâm Luật Xây dựng và Phát triển đô thị - đại diện Đoàn công tác Hàn Quốc cho biết: "Qua quá trình tìm hiểu, nhận thấy quá trình phát triển đô thị ở Việt Nam có giai đoạn giống với giai đoạn mà Hàn Quốc đã trải qua trước đây. Do đó, chúng tôi thấy rằng, những kinh nghiệm mà Hàn Quốc đã trải qua hơn 30 năm qua cũng là kinh nghiệm mà Việt Nam có thể tham khảo”.

Xem thêm tại đây. 

Công ty của vợ chồng đại gia Khoa Keangnam thâu tóm dự án "đất vàng" của Diệp Bạch Dương

Dự án khách sạn Senla Boutique ở số 111 Hai Bà Trưng, phường Bến Nghé, quận 1, TP HCM có bảng tên chủ đầu tư mới là Công ty TNHH Bất động sản và Thương mại Hồng Phúc Quang thay cho Công ty TNHH BĐS Diệp Bạch Dương trước đây.

Công ty TNHH Bất động sản và Thương mại Hồng Phúc Quang có vốn điều lệ 20 tỷ đồng với hai cổ đông đến từ Hà Nội là ông Trần Đăng Khoa (51%) và bà Nguyễn Thị Minh Hồng (49%).

Qua tìm hiểu được biết đây cũng chính là cặp vợ chồng đại gia có biệt danh Khoa Keangnam hay Khoa "khàn" nổi tiếng với nhiều dự án bất động sản lớn tại Hà Nội và TP HCM như: Keangnam Landmark, tháp Dầu khí Mễ Trì, Đại Quang Minh...

Trong dịp khởi công dự án Senla Boutiquenăm 2013, bà Dương Thị Bạch Diệp – Giám đốc Công ty TNHH Bất Động Sản Diệp Bạch Dương từng khẳng định, khách sạn này sẽ sở hữu dịch vụ cao cấp và kiến trúc độc đáo, thu hút đông đảo doanh nhân quốc tế lưu trú.

Xem thêm tại đây. 

Sắp xây 4 cầu vượt sông Hồng, sông Đuống trị giá 38.000 tỷ đồng giảm tải cho giao thông Hà Nội

UBND TP. Hà Nội vừa có đề xuất cơ chế đặc thù lựa chọn nhà đầu tư xây dựng 4 cây cầu vượt qua sông Hồng và sông Đuống nhằm kết nối đồng bộ hệ thống giao thông Thủ đô, đồng thời kéo giảm ùn tắc vào giờ cao điểm.

Theo đó, dự án xây dựng cầu Tứ Liên và đường từ cầu Tứ Liên-cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên có quy mô đầu tư cầu dài 3 km, đường 9 km với tổng vốn đầu tư khoảng 17.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT; dự kiến thời gian hoàn thành là năm 2021. 

Ngoài dự án xây dựng Tứ Liên, một dự án khác được Hà Nội đề xuất triển khai đó là xây cầu Đuống 2 dài 0,5 km và đường nối đến địa phận tỉnh Bắc Ninh dài 4,2 km có tổng mức đầu tư khoảng 6.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BOT; thời gian hoàn thành dự kiến năm 2021.

Hà Nội cũng sẽ đầu tư xây dựng dự án cầu Trần Hưng Đạo dài 3 km bắc qua sông Hồng với số tiền khoảng 7.000 tỷ đồng theo hình thức đầu tư PPP, loại hợp đồng BT, hoàn thành vào năm 2019. 

Bên cạnh đó, dự án xây dựng cầu Giang Biên và đường dẫn hai đầu cầu (nối Vĩnh Tuy, vành đai 2 đến tiếp giáp Ninh Hiệp, Bắc Ninh) có chiều dài đầu tư 5,4 km đi qua các quận Long Biên, huyện Gia Lâm cũng được Hà Nội đề xuất.

Xem thêm tại đây. 

Kiến nghị sớm có gói vay hỗ trợ người mua nhà thu nhập thấp như gói 30.000 tỷ

Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) vừa có văn bản góp ý về dự thảo ngày 08/08/2017 của Ngân hàng Nhà nước về sửa đổi, bổ sung một số điều tại Thông tư 36/2014/TT- NHNN.

Theo HoREA, trong giai đoạn thị trường BĐS bị khủng hoảng đóng băng từ năm 2008 - 2009; 2011 -2013, hàng tồn kho và nợ xấu BĐS rất nghiêm trọng. Nhưng với gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng mà trong đó dành 70% để hỗ trợ cho đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội và người có thu nhập thấp đô thị mua căn hộ nhỏ và vừa có giá trị dưới 1,05 tỷ đồng, đã thực hiện được 3 mục tiêu: giải quyết hàng tồn kho, nợ xấu và hỗ trợ hơn 56.000 người có thu nhập thấp tạo lập nhà ở.

Do vậy, HoREA kiến nghị Ngân hàng Nhà nước thực hiện gói chính sách tín dụng nhà ở với quy mô phù hợp (tương tự như cách làm của gói tín dụng ưu đãi 30.000 tỷ đồng trước đây) để kích cầu tiêu dùng nhà ở, hỗ trợ trực tiếp cho người mua nhà, người thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở thương mại có giá bán khoảng 1 tỷ đồng/căn.

Đồng thời, Hiệp hội kiến nghị Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo cơ chế kiểm soát rủi ro để đảm bảo nguồn vốn tín dụng này được sử dụng đúng mục đích. Do vậy, cần khuyến khích các chủ thể có liên quan đến dự án nhà ở (chủ đầu tư, nhà thầu, nhà cung ứng vật tư, vật liệu xây dựng, người mua nhà...) cùng mở tài khoản giao dịch tại cùng ngân hàng để giám sát, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả dòng tiền.

Xem thêm tại đây. 

Condotel "đuối sức" sau cuộc đua cam kết lợi nhuận

Cam kết trả lãi cho nhà đầu tư lên đến 15%/năm tổng giá trị condotel, thậm chí mua lại sản phẩm với giá cao hơn giá bán ban đầu từ 5 - 20%, cùng nhiều ưu đãi khác, nhưng đến nay chủ đầu tư mất khả năng chi trả. Liên tục bị hàng chục khách hàng đòi nợ, chủ đầu tư này đã phải trả lại condotel cho khách hàng, đồng thời đề nghị giảm mức lợi nhuận cam kết từ 15% giá mua xuống còn 8%. Câu chuyện vừa diễn ra tại một dự án condotel ở Nha Trang như hồi chuông cảnh tỉnh những nhà đầu tư đang bị “ru ngủ”, bởi con số lợi nhuận cam kết khủng.

Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Đây không phải là trường hợp đầu tiên xảy ra tranh chấp liên quan đến quá trình vận hành, chia lợi nhuận ở các dự án bất động sản nghỉ dưỡng. Cuối năm 2016, nhiều khách hàng mua condotel dự án Fusion Suites Đà Nẵng cũng đã lên tiếng sau nhiều bức xúc về phương thức phân chia lợi nhuận cho thuê và những khoản chi phí phát sinh khác. Một vấn đề khác cũng khiến khách hàng mua condotel ở đây bất an chính là dự án đã hoàn thành và đi vào hoạt động nhiều năm nhưng chủ condotel vẫn chưa nhận được giấy chủ quyền.

Cam kết lợi nhuận bao nhiêu là hợp lý vẫn là câu chuyện dài chưa có hồi kết. 

Xem thêm tại đây. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top