Những năm gần đây, chúng ta chứng kiến sự phát triển nhanh chóng của phân khúc thị trường bất động sản nghỉ dưỡng. Nhiều chủ đầu tư lớn (Vingroup, Sun Group, CEO Group…) đã tung ra hàng loạt sản phẩm là công trình xây dựng đa năng kết hợp với chức năng để ở như condotel (căn hộ khách sạn), hometel (nhà ở khách sạn) và resort (khu nghỉ dưỡng cao cấp). Các sản phẩm này ngày càng trở nên đại chúng với một bộ phận dân cư, giới đầu tư bất động sản thứ cấp.
Tính hấp dẫn của tỷ suất lợi nhuận trên một đồng vốn đầu tư của phân khúc thị trường bất động sản nghỉ dưỡng mang lại đặt trong bối cảnh lượng du khách nước ngoài đến Việt Nam ngày càng gia tăng và mức sống của người dân được cải thiện đáng kể kéo theo nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng ngày càng cao.
Tuy nhiên, do hình thức đầu tư bất động sản này còn khá mới mẻ ở nước ta, nên hệ thống pháp luật chưa theo kịp và khi có tranh chấp phát sinh thì chưa có chế tài, quy định giải quyết rõ ràng, thỏa đáng. Trong đó, đầu tiên phải nhấn mạnh tới là việc pháp luật xây dựng chưa có các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn theo thẩm quyền cụ thể, sở hữu, kinh doanh các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng như condotel, hometel và resort.
Bên cạnh đó, pháp luật đất đai hiện hành mới chỉ xác định đất sử dụng cho mục đích du lịch, nghỉ dưỡng thuộc nhóm đất phi nông nghiệp (Điều 10, Luật Đất đai năm 2013), mà chưa có các quy định cụ thể về cơ chế sử dụng đất vào mục đích hỗn hợp (vừa sử dụng làm đất ở, vừa sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ và văn phòng), cũng như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với loại hình bất động sản này.
Ngoài ra, còn nhiều điểm nghẽn nữa cũng được nhắc tới trong thời gian qua như việc Luật Nhà ở năm 2014 chưa cho cá nhân nước ngoài được mua căn hộ condotel để đầu tư (Điều 159, Luật Nhà ở năm 2014), hay Luật Đất đai năm 2013 chưa có các quy định cụ thể, đồng bộ về thu tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở; tiền thuê đất đối với dự án đất phi nông nghiệp, trong đó có đất được quy hoạch phát triển các khu du lịch, nghỉ dưỡng, các dự án condotel…
Để tháo gỡ những điểm nghẽn này, theo tôi, cần sửa đổi, bổ sung quy định của Luật Đất đai năm 2013 theo hướng các dự án condotel nếu có chức năng để ở thì xác định là đất ở. Thời hạn sử dụng đất của chủ dự án là 50 - 70 năm theo quy định; quy định cụ thể về cơ chế sử dụng đất vào mục đích hỗn hợp (vừa sử dụng làm đất ở, vừa sử dụng vào mục đích thương mại, dịch vụ và văn phòng) và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với loại hình bất động sản này; quy định cụ thể, đồng bộ về thu tiền sử dụng đất đối với các dự án nhà ở; tiền thuê đất đối với dự án đất phi nông nghiệp, trong đó có đất được quy hoạch phát triển các khu du lịch, nghỉ dưỡng, các dự án condotel, để đảm bảo mức thu hợp lý và động viên nguồn thu cho ngân sách nhà nước…
Ngoài ra, cần sửa đổi, bổ sung Luật Nhà ở 2014 theo hướng cho phép cá nhân nước ngoài mua condotel để đầu tư.
Bên cạnh đó, Bộ Xây dựng cần nghiên cứu, ban hành các quy định về quy chuẩn, tiêu chuẩn theo thẩm quyền cụ thể, sở hữu, kinh doanh các sản phẩm bất động sản nghỉ dưỡng như condotel, hometel và resort.