TP.HCM lo khan hiếm và tăng giá vật liệu xây dựng trong năm 2020
Nhận định nhu cầu về xi măng đến năm 2020 của TP.HCM là 13,44 triệu tấn mỗi năm. Công suất sản xuất của 10 cơ sở hiện nay là hơn 10 triệu tấn.
Theo ông Trần Trọng Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng TP.HCM quy hoạch phát triển xi măng được TP phê duyệt năm 2011 là đến năm 2020 phải di dời toàn bộ các nhà máy, trạm trộn, trạm nghiền xi măng ra khỏi thành phố. Trong khi đó, một số nhà máy đầu tư 2 dây chuyền sản xuất nhập từ Đức về, mỗi dây chuyền khoảng 1.200 tỷ đồng. Đến năm 2018, doanh nghiệp họ mới thu hồi vốn đầu tư nhưng đến năm 2020 phải di dời ra khỏi thành phố theo quy hoạch.
“Việc di dời toàn bộ nhà máy xi măng có thể dẫn đến tình trạng khan hiếm, tăng giá. Nhưng nếu không di dời lại đòi hỏi đô thị phát triển bền vững”, ông Tuấn lo ngại.
Đầu tư ồ ạt, condotel sẽ "khó sống" trong năm 2018
Trong khi giới đầu tư bày tỏ sự lạc quan về phân khúc biệt thự nghỉ dưỡng condotel trong năm 2018 thì các chuyên gia lại khá quan ngại với dòng sản phẩm này.
Bà Dương Thùy Dung - Giám đốc cao cấp CBRE Việt Nam cho rằng, bên cạnh vấn đề thiếu khung pháp lý, việc dư cung cũng rất đáng báo động. Người mua condotel chủ yếu vẫn là nhà đầu tư và mua để cho thuê là chính. Yếu tố mà họ xem trọng hơn pháp lý chính là lợi nhuận thu về.
Nếu làm phép so sánh, lượng khách thuê sẽ không thể tăng vô hạn, trong khi số sản phẩm condotel đưa ra thị trường tăng quá nhanh. Sức mua hiện hữu khó mà tiêu thụ hết nguồn cung vốn có.
Ví như tại thị trường du lịch Nha Trang, lượng khách du lịch đến thành phố này tăng trưởng rất tốt. Tuy nhiên tốc độ phát triển các condotel tại đây còn tăng nhanh hơn nhiều lần nhu cầu thuê phòng của khách du lịch.
Sếp ngân hàng "chọn ghê", đa phần sẽ "buông" doanh nghiệp
Thông tin Quốc hội thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Các tổ chức tín dụng những ngày qua thu hút nhiều sự chú ý của dư luận, đặc biệt là khi câu chuyện buộc phải "chọn ghế" của các sếp ngân hàng được mang ra mổ xẻ. Để có thêm cái nhìn đa chiều, Reatimes đã có cuộc trao đổi với chuyên gia Tài chính Ngân hàng cao cấp - TS. Nguyễn Trí Hiếu.
Theo TS. Nguyễn Trí Hiếu, có thể hiểu, việc quy định không cho lãnh đạo các tổ chức tín dụng không được đồng thời là thành viên trong ban lãnh đạo các doanh nghiệp hay tổ chức tín dụng khác là để hạn chế tình trạng cho vay "sân sau", sở hữu chéo...
Tại Việt Nam, trong quá khứ đã từng có nhiều trường hợp ngân hàng bị lạm dụng như sân sau của doanh nghiệp. Những vụ án vừa qua cho thấy, các ngân hàng dễ bị lũng đoạn bởi các doanh nghiệp "sân sau". Chính vì thế khi nhìn vào bối cảnh Việt Nam thì việc không cho lãnh đạo doanh nghiệp bên ngoài kiêm lãnh đạo ngân hàng và ngược lại là hợp lý. Nó không phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng lại phù hợp với bối cảnh của Việt Nam. Vì ngoài cơ hội được sở hữu cổ phần lớn tại các ngân hàng, thì ý thức của các vị lãnh đạo của Việt Nam cũng khác biệt so với thế giới.
Bắt mạch thị trường BĐS Tết Mậu Tuất 2018
Những tháng cuối năm thị trường bất động sản ghi nhận nhiều dự án tiếp tục ra hàng đợt mới, không ít doanh nghiệp chọn thời điểm cuối năm để tung dự án mới. Hoạt động mua bán, sáp nhập doanh nghiệp, chuyển nhượng dự án (M&A) được nhận định sẽ phát triển mạnh hơn trước đây.
Nhận định về tình hình thị trường bất động 2 tháng cuối năm, dịp Tết Mậu Tuất và năm 2018, Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA) cho rằng, thị trường bất động sản vẫn còn nằm trong chu kỳ phục hồi và tăng trưởng, nhưng sẽ tiếp tục tình trạng chững lại so với năm 2016. Dự báo trong giai đoạn 2017 - 2020 sẽ có sự điều chỉnh lớn để giải quyết tình trạng lệch pha cung - cầu hiện nay, giúp cho thị trường trở lại hướng phát triển lành mạnh, bền vững hơn. Trong đó sẽ có sự chuyển hướng mạnh sang phân khúc có giá vừa túi tiền.
Theo nhiều chuyên gia bất động sản, từ nay đến cuối năm là lúc nhu cầu người mua nhà tăng lên để chuẩn bị đón năm mới nên giao dịch trên thị trường bất động sản sẽ không giảm mà tăng đều từ nay đến cuối năm nhưng không có đột biến.
Hà Nội: Chấp thuận chủ trương xây dựng nhà cao tầng ở KĐT Việt Hưng
UBND TP. Hà Nội vừa ban hành Công văn số 6299/UBND-SXD chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở cao tầng để bán đổi với lô đất CT3 Phúc Lợi (Rubycity CT3 Phúc Lợi) nằm dọc đường 21m (đường Phúc Lợi) từ Quốc lộ 1B đến khu đô thị Việt Hưng, phường Phúc Lợi, quận Long Biên.
Theo đó, chấp thuận Công ty cổ phần Đầu tư phát triển nhà Thăng Long - Việt Nam triển khai thực hiện dự án. Cụ thể, diện tích ô đất nghiên cứu lập tổng mặt bằng dự án khoảng 13.890m2; diện tích xây dựng khoảng 5.000m2; diện tích đất cây xanh, thể dục thể thao, sân bãi đường nội bộ, mặt nước khoảng 8.890m2; tầng cao công trình 22 tầng và 3 tầng hầm; tổng diện tích sàn xây dựng khoảng 86.070 m2 (không kể diện tích tầng hầm), trong đó, diện tích sàn căn hộ khoảng 80.570m2; tổng số dự kiến 1.120 căn hộ.