Aa

Công nghệ xây dựng ngày càng cao nhưng tuổi thọ công trình ngắn lại

Thứ Ba, 19/11/2019 - 06:06

Nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng, Luật Xây dựng của Việt Nam hiện còn nhiều bất cập, rườm rà, phức tạp nhưng thực tế lại không hiệu quả khi dễ tạo kẽ hở cho việc thất thoát, đội vốn, chất lượng kém…

Trao đổi về những tồn tại cần khắc phục trong Luật Xây dựng tại buổi họp tổ ngày 18/11, đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu (đoàn Hà Nội) đánh giá: “Thực tiễn xây dựng cơ sở hạ tầng của Việt Nam những năm qua còn rất nhiều bất cập. Đặc biệt Luật Xây dựng còn nhiều bất cập, thủ tục hành chính rườm rà, phức tạp nhưng lại dễ tạo kẽ hở cho đội vốn, thất thoát, chậm tiến độ… Hiện nay tồn tại một nghịch lý là công nghệ xây dựng ngày càng cao hơn, chất lượng vật liệu xây dựng ngày càng tốt hơn, những người làm trong ngành xây dựng ngày càng giỏi hơn nhưng tuổi thọ của công trình xây dựng lại ngắn hơn, thậm chí rất ngắn”.

Đại biểu Quốc hội Ngọ Duy Hiểu, đoàn Hà Nội

Trước các công trình để đời như: Nhà hát lớn, các biệt thự cổ ở Hà Nội vẫn sừng sững hàng trăm năm qua, chúng ta cần so sánh với việc hiện nay có quá nhiều công trình chưa nghiệm thu, chưa quyết toán, chưa đi vào sử dụng đã hư hỏng. Đây là vấn đề mà Luật Xây dựng cần cố gắng cải tiến để có thể giải quyết được.

“Thực tế rất nhiều công trình do các đơn vị tư nhân thực hiện có chất lượng tốt, tiến độ rất nhanh, không có sự đội vốn; trong khi ở khu vực công lại có nhiều vấn đề, chậm tiến độ, chất lượng thấp, thậm chí gây thiệt hại rất nhiều. Chúng ta cần nhìn nhận, học hỏi cách làm của khối tư nhân và nghiên cứu, chắt lọc, khái quát hoá thành quy định để hình thành hệ thống pháp luật phù hợp. Ban soạn thảo luật cần tiếp thu kinh nghiệm quốc tế để xây dựng luật vừa chặt chẽ, nhưng lại khoa học, khả thi, tạo cơ hội cho các doanh nghiệp đủ điều kiện để thực hiện các công trình đầu tư công, không để các doanh nghiệp hạn chế về năng lực, đội vốn, kéo dài thời gian, chất lượng như thời gian qua”, đại biểu Ngọ Duy Hiểu đề xuất.

Theo đó, cần nghiên cứu tiêu chuẩn trong lĩnh vực xây dựng để nâng cao chất lượng công trình. Thực tế nhiều công trình chất lượng kém do tiêu chuẩn xây dựng của Việt Nam còn thấp. Luật cũng cần có điều kiện cho phép những công trình, dự án đặc thù với định mức tiêu chuẩn xây dựng cao hơn để có thể có những công trình để đời. Cần định hướng để có những quy định chặt chẽ, khoa học và khả thi để giải quyết những vấn đề bức thiết hiện nay.

Cũng cho rằng Luật Xây dựng sửa đổi còn chưa đủ mạnh để quản lý các công trình xây dựng, đại biểu Đào Thanh Hải, đoàn Hà Nội cho rằng: Luật Xây dựng (sửa đổi) vẫn chưa đủ chế tài cho việc bảo tồn những công trình trong các phố cổ, nhất là việc bảo tồn các biệt thự cổ của Hà Nội.

Theo đó, hiện nay không có một cơ chế chính sách cụ thể nào trong việc bảo tồn phố cổ, trong khi đó chỉ quy định chung là phải bảo tồn, phải giữ nguyên, không được sửa chữa, không cơi nới xây dựng…

“Hiện nay nhiều chủ xây dựng theo dạng đầu cơ, tìm mọi cách phá hỏng biệt thự và đưa nó vào tình trạng nguy cấp cấp 3 cần phải sửa chữa. Từ đó, phá cả biệt thự đi xây thêm tòa cao ốc, khiến mật độ dân cư thay đổi. Việc bảo tồn các biệt thự cổ Hà Nội là một vấn đề hết sức nhạy cảm và vô cùng khó khăn và có nhiều uẩn khúc. Ngay các cấp chính quyền cũng rất khó khăn trong việc quản lý. Vấn đề này, Luật Xây dựng cũng cần phải điều chỉnh cho phù hợp”, đại biểu Đào Thanh Hải cho biết.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top