Sáng 22/7, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cùng lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương đã là việc với lãnh đạo Tỉnh uỷ, UBND tỉnh Bình Định về việc thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới và kinh tế tập thể.
Nhiều lợi thế nhưng Bình Định vẫn là tỉnh "cận nghèo"
Theo báo cáo của tỉnh Bình Định, du lịch tiếp tục có bước phát triển mạnh mẽ. Trong 6 tháng đầu năm 2019, 2,6 triệu lượt khách tới du lịch, tăng 22%, trong đó khách quốc tế tăng mạnh tới 49,1% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 220.000 lượt. Thu ngân sách của tỉnh đã đạt gần 80% dự toán của năm (5.906 tỷ đồng), tăng 54% so với cùng kỳ năm 2018.
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng cho biết, là địa phương nằm trong vùng trọng điểm du lịch duyên hải Nam Trung Bộ, từ năm 2016 tới 2018, Bình Định đã thu hút 14.000 tỷ đồng đầu tư vào hạ tầng du lịch, sẽ tạo ra cơ hội phát triển cho ngành này ở Bình Định trong thời gian tới. Tuy nguồn thu vào ngân sách không lớn nhưng ông Tùng cho rằng du lịch sẽ có ý nghĩa rất lớn đối với tạo việc làm, an sinh xã hội ở địa phương.
Về giải ngân vốn đầu tư công, tỉnh Bình Định đạt kết quả khá với 54%, trong khi bình quân cả nước chỉ đạt 34%. Tuy nhiên, tăng trưởng kinh tế (GRDP) của địa phương này trong 6 tháng qua thấp hơn bình quân của cả nước khi đạt 6,7%.
Trong xây dựng nông thôn mới, toàn tỉnh đã có 63,6% tổng số xã đạt chuẩn xã nông thôn mới, cao hơn tỷ lệ 50,1% của cả nước và hơn các tỉnh có điều kiện tương đồng trong khu vực. Bên cạnh đó, Bình Định quan tâm phát triển các mô hình mới trong sản xuất nông nghiệp như cánh đồng lớn, ứng dụng công nghệ cao gia tăng thu nhập cho kinh tế hộ gia đình từ 15 - 20 triệu/năm.
Tuy vậy, việc phát triển kinh tế tập thể, HTX (tiêu chí của nông thôn mới) còn kém khi trung bình cả nước có 220 HTX hoạt động hiệu quả nhưng Bình Định chỉ có khoảng 200 HTX hoạt động hiệu quả.
Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Hồ Quốc Dũng cho biết địa phương còn gặp nhiều khó khăn vì nguồn nhân lực chất lượng cao khan hiếm, số lượng doanh nghiệp vừa ít (6.200 doanh nghiệp), vừa nhỏ bé (bình quân vốn là 11 tỷ đồng/DN). Ngoài FLC thì Bình Định chưa có doanh nghiệp lớn nào đầu tư và có sản phẩm thương hiệu quốc gia.
Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Đức Trung nhận định tăng trưởng kinh tế của địa phương chậm do cải cách môi trường đầu tư, thủ tục kinh doanh còn khiêm tốn. Chỉ số PCI năm 2018 xếp vị trí 20/63, tụt 2 bậc so với năm 2017, chỉ số PAPI từ vị trí thứ 7 tụt xuống vị trí 61/63 địa phương. Địa phương cần đánh giá kỹ hơn vấn đề này trong cải cách hành chính và xây dựng chính quyền điện tử để phục vụ người dân và doanh nghiệp tốt hơn.
Bên cạnh đó, trong gần 6.000 tỷ đồng thu ngân sách của tỉnh thì số thu từ tiền sử dụng đất đã chiếm hơn một nửa nên khó bền vững.
Ông Trung cho biết: “Hiện nay một số địa phương có xu hướng tập trung khai thác quỹ đất để có nguồn lực đầu tư nhưng vấn đề này có hai mặt, lợi trước mắt nhưng lâu dài thì bất cập. Như Bình Định quỹ đất hạn hẹp, không còn nhiều, nhất là đất ven biển. Nếu quy hoạch, khai thác không hợp lý thì sẽ không thể phát triển bền vững“.
Thứ trưởng Bộ GTVT Lê Đình Thọ nhận định Bình Định có nhiều lợi thế về tự nhiên, giao thông nhưng vẫn là một tỉnh "cận nghèo“. Ông Thọ cũng như Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Văn Hiếu, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng cho rằng Bình Định nên tập trung phát triển du lịch biển, gắn với phát triển các ngành công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và khu vực nông thôn sẽ tạo ra nguồn thu bền vững, bảo đảm an sinh xã hội.
Tuy nhiên, để địa phương phát triển bứt phá và cân đối được thu chi ngân sách thì Bình Định phải thu hút được các doanh nghiệp lớn đầu tư vào công nghiệp trên nền tảng lợi thế về hạ tầng cảng biển và Khu kinh tế Nhơn Hội.
Tuy nhiên, lãnh đạo các bộ cũng đề nghị Bình Định nên thu hút các doanh nghiệp, dự án công nghiệp công nghệ cao, không thâm dụng tài nguyên, lao động và ảnh hưởng tới môi trường để không ảnh hưởng tới phát triển du lịch.
Thứ trưởng Lê Quang Tùng đề nghị địa phương đặc biệt quan tâm tới đào tạo nhân lực chất lượng cao trong du lịch khi đội ngũ này còn yếu và thiếu, đa dạng các sản phẩm du lịch, đầu tư, phát triển cảng hàng không trong bối cảnh sẽ quá tải trong thời gian ngắn tới.
Phó Bí thư Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định Lê Kim Toàn nhìn nhận mặc dù có sự nỗ lực của chính quyền nhưng những cải cách về môi trường kinh doanh, cải cách hành chính còn chưa đáp ứng được yêu cầu. Vừa qua, tỉnh đã có hội nghị nhìn nhận về vấn đề này, tham vấn các ý kiến của các chuyên gia để tập trung đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới.
Để tạo động lực cho Bình Định trong thời gian tới, ông Toàn cho biết tỉnh sẽ phát triển khu đô thị, dịch vụ, kinh tế biển ở ven biển và Khu kinh tế Nhơn Hội trên cơ sở Quyết định điều chỉnh quy hoạch Khu kinh tế này của Thủ tướng Chính phủ và phát triển công nghiệp ở phía tây của Quốc lộ 1A.
Ông Lê Kim Toàn kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành đưa khu kinh tế Nhơn Hội vào danh mục các khu kinh tế ven biển trọng điểm quốc gia để ưu tiên nguồn lực hoàn thiện hạ tầng khu kinh tế, thu hút được doanh nghiệp công nghệ cao, đầu tư vào lĩnh vực cơ khí chính xác trong thời gian tới.
Bình Định cần trở thành trung tâm du lịch và công nghiệp của cả nước
Đồng tình với nhận định với lãnh đạo của các bộ, ngành và báo cáo của tỉnh Bình Định, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng Thường trực Tỉnh uỷ Bình Định phải quan tâm hơn nữa tới phát triển doanh nghiệp và hợp tác xã trên tinh thần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi. Theo Phó Thủ tướng, đây là các lĩnh vực quan trọng để thu hút đầu tư, tăng thu ngân sách cho địa phương, tiến tới cân đối được thu chi ngân sách.
Trước lo ngại thu ngân sách của địa phương vẫn chủ yếu từ tiền sử dụng đất, Phó Thủ tướng dẫn trường hợp Đà Nẵng cách đây nhiều năm cũng phụ thuộc vào tiền sử dụng đất. Nhưng hiện nay, thu từ đất của Đà Nẵng chỉ còn chiếm 16% nhưng tổng thu ngân sách trên địa bàn vẫn tăng lên nhờ các nguồn thu từ dịch vụ, nhà hàng, khách sạn và cách quản lý hiệu quả các nguồn thu này.
"Đà Nẵng hay Nha Trang (Khánh Hoà) là bài học quan trọng cho Bình Định vốn có nhiều lợi thế về phát triển dịch vụ, du lịch để quản lý và thu ngân sách hiệu quả, bền vững hơn", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết và đề nghị Bình Định bắt tay xây dựng Đề án phát triển du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, đa dạng sản phẩm du lịch, gắn du lịch biển với du lịch nông thôn, đặc biệt là hệ thống di tích văn hoá lịch sử tháp Chăm trên địa bàn.
Để chuẩn bị cho xây dựng văn kiện Đại hội Đảng các cấp sắp tới, Phó Thủ tướng yêu cầu tỉnh Bình Định và các bộ, ngành rà soát lại lợi thế để kiến nghị Trung ương, Chính phủ xây dựng Nhơn Hội là Trung tâm công nghiệp công nghệ cao, thân thiện với môi trường của vùng và cả nước, thành phố Quy Nhơn là trung tâm du lịch của cả nước.
"Bình Định đã đúng khi quyết đoán không triển khai Dự án lọc hoá dầu ở Khu kinh tế Nhơn Hội để chuyển sang thu hút các ngành nghề có công nghệ cao, thân thiện với môi trường và cần tiếp tục cải cách để thực hiện được hướng đi này", Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ nêu rõ.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng cũng đề nghị Bình Định tiếp tục đóng góp tích cực cho tổng kết 10 năm triển khai xây dựng nông thôn mới vào cuối năm nay; quan tâm tổng kết 15 năm đổi mới, phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng cho ý kiến vào các kiến nghị cụ thể của Bình Định đối với phát triển hạ tầng, xây dựng Khu đô thị khoa học Quy Hòa, xây dựng nhà cho người có công...
Nhân ngày Thương binh Liệt sĩ 27/7 sắp tới, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đã tới thăm Mẹ Việt Nam Anh hùng Trần Thị Diệu, 94 tuổi, có 5 người con là liệt sĩ; thương binh 2/4 Phạm Chí Công, 95 tuổi, nguyên là Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định. Ngân hàng Thương mại cổ phần Vietcombank cũng trao tặng 1 tỷ đồng giúp tỉnh Bình Định xây dựng 20 căn nhà tình nghĩa cho người có công với cách mạng trên địa bàn tỉnh.