Aa

Công tác rà soát quy hoạch định kỳ "chưa đồng bộ, còn nhiều bất cập"

Thứ Năm, 05/12/2019 - 13:38

Trả lời chất vấn đại biểu tại Kỳ họp thứ 11 HĐND TP. Hà Nội, Giám đốc Sở QH&KT Nguyễn Trúc Anh cho biết đang kiến nghị TP đẩy nhanh quá trình thực hiện bản đồ số hoá dữ liệu đất đai để phục vụ công tác quy hoạch.

Ngày 5/12, HĐND TP. Hà Nội dành một ngày để chất vấn và trả lời chất vấn về ba nhóm vấn đề nóng. Tình hình và kết quả công tác quản lý quy hoạch đô thị, quy hoạch nông thôn trên địa bàn được nhiều cử tri quan tâm bởi vẫn tồn tại những bất cập, hạn chế trong điều chỉnh quy hoạch và chất lượng quy hoạch.

Đẩy nhanh thực hiện số hoá dữ liệu đất đai để phục vụ quy hoạch

Cùng đặt câu hỏi liên quan đến vấn đề rà soát quy hoạch xây dựng, Đại biểu Vũ Ngọc Anh (tổ Bắc Từ Liêm) chất vấn về công tác ra soát quy hoạch theo điều 15 Luật Xây dựng.

Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân) đặt câu hỏi, theo kế hoạch của UBND TP, trước năm 2018 phải rà soát điều chỉnh đối với các quy hoạch xây dựng nông thôn mới hiện chưa có của các xã. Tuy nhiên, tiến độ thực hiện chậm, còn 86 xã chưa hoàn thành rà soát, điều chỉnh quy hoạch, tập trung vào các huyện: Thường Tín, Sóc Sơn, Ba Vì và Thanh Trì. Đề nghị Chủ tịch UBND các huyện trên cho biết nguyên nhân, trách nhiệm, giải pháp để hoàn thành việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch trong thời gian tới.

  Đại biểu Nguyễn Minh Đức (tổ Thanh Xuân)

Trả lời câu hỏi chất vấn của đại biểu, Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Kiều Xuân Huy cho hay, Thường Tín có 29 xã, thị trấn nhưng hiện nay 4 xã phía Bắc vành đai 4 đã vào quy hoạch trung tâm, hiện đang rà soát để triển khai quy hoạch phân khu; 5 xã đang vào quy hoạch Phú Xuyên; còn lại 19 xã và 1 thị trấn.

19 xã này đang hoàn thành điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng nông thôn mới để Sở Quy hoạch và Kiến trúc thẩm định, phê duyệt. Đồng thời, Thường Tín cũng đang rà soát quy hoạch chung của huyện để tiến hành điều chỉnh trong thời gian tới.

Thông tin thêm về vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh cho biết, Luật Xây dựng và Luật Quy hoạch đều yêu cầu rà soát định kỳ để đánh giá quy hoạch đô thị, nhằm điều chỉnh phù hợp với thực trạng phát triển kinh tế - xã hội. Ngân sách địa phương cũng có khoản chi cho hạng mục này. 

Theo đó, Hà Nội đã rà soát và phân loại theo định kỳ, yêu cầu các địa phương hằng tháng phải báo cáo về rà soát quy hoạch. Tuy nhiên, các quận huyện mới chỉ báo cáo với hình thức văn bản, việc cập nhật dữ liệu còn nhiều bất cập.

Vì thế, ông Trúc Anh cho rằng thời gian tới cần phải cải cách: “Chúng ta có các báo cáo nhưng có chính quy và đáp ứng thông tin để quản lý tốt hay không thì chưa đồng bộ. Sắp tới Sở sẽ có báo cáo TP để thống nhất cách thức báo cáo, phục vụ rà soát quy hoạch”.

Sau phần trả lời, đại biểu Vũ Ngọc Anh tranh luận cho rằng, việc tham mưu cho TP rà soát quy hoạch chưa thể hiện đúng vai trò của Sở. Với các quy hoạch đã bị chậm Sở phải có kiến nghị cụ thể để tháo gỡ.

Phản hồi ý kiến của đại biểu, Giám đốc Nguyễn Trúc Anh cho biết Sở đã có hai văn bản về rà soát tổng thể các quy hoạch và được UBND TP. Hà Nội chấp thuận cho rà soát với 109 quy hoạch. Tháng 6/2019, Sở tiếp tục báo cáo và được cho phép hướng dẫn địa phương thực hiện, đến nay đã nhận được gần như đầy đủ báo cáo của các địa phương. Trên cơ sở đó sẽ báo cáo trình UBND TP, Thủ tướng Chính phủ xem xét, cho phép thực hiện. 

Ngoài ra, Sở Quy hoạch và Kiến trúc cũng kiến nghị TP đẩy nhanh quá trình thực hiện bản đồ số hoá dữ liệu đất đai để phục vụ công tác quy hoạch.

Ông Nguyễn Trúc Anh, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Hà Nội

Điều chỉnh quy hoạch các huyện sắp lên quận theo hướng đô thị hóa

Đại biểu Nguyễn Minh Tuân đặt câu hỏi chất vấn: Hiện nay công tác rà soát điều chỉnh quy hoạch nông thôn tại 5 địa phương Gia Lâm, Đông Anh, Thanh Trì, Đan Phượng, Hoài Đức hiện đang thực hiện đề án lên quận còn có nhiều bất cập, thiếu thống nhất trong triển khai thực hiện.

Đại biểu đề nghị Chủ tịch UBND các huyện cho biết nguyên nhân, khó khăn, vướng mắc, giải pháp, đồng thời yêu cầu Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc cho biết giải pháp tổng thể, toàn diện để tháo gỡ vấn đề này trong thời gian tới. 

Gia Lâm là 1 trong 5 huyện đang thực hiện đề án lên quận.

Trả lời chất vấn, Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm Lê Anh Quân cho biết, huyện xác định nhiệm vụ điều chỉnh từ quy hoạch nông thôn sang quy hoạch đô thị. Với diện tích 115km2 thì 2/3 nằm trong quy hoạch phân khu là quy hoạch trở thành đô thị, còn 1/3 nằm ngoài quy hoạch đô thị.

Theo Chương trình 02, trước đây Gia Lâm đã lập xong toàn bộ quy hoạch nông thôn mới để được công nhận huyện nông thôn mới, song nếu tiếp tục làm điều chỉnh quy hoạch nông thôn mới sẽ rất lãng phí. 

Lãnh đạo Gia Lâm cho biết đã nhiều lần làm việc với Sở Quy hoạch và Kiến trúc đề nghị hướng dẫn, kiến nghị xem xét bỏ hoàn toàn quy hoạch nông thôn ở những vùng ngoài đô thị, để khi thành quận thì sẽ điều chỉnh toàn bộ khu vực này thành đô thị. Bộ Xây dựng cũng đã có ý kiến xem xét không nên đặt quy hoạch nông thôn trong những vùng đã có quy hoạch đô thị.

"Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã hướng dẫn nhưng chưa rõ nên mong Sở sớm tham mưu, báo cáo UBND TP để báo cáo Chính phủ về lộ trình, bước đi điều chỉnh quy hoạch Gia Lâm và 4 huyện khác theo hướng đô thị", Chủ tịch UBND huyện Gia Lâm nói và cho biết trong hơn 1 năm qua đã liên tục làm việc với Sở nhưng chưa được hướng dẫn cụ thể.

Lý giải về vấn đề này, Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Trúc Anh cho biết, giữa chỉ tiêu quy hoạch đô thị và quy hoạch nông thôn rất khác nhau, nên huyện có nhiều khó khăn. Với các huyện nằm trong khu vực trung tâm thì đã có quy hoạch phân khu nên không cần phải có quy hoạch chi tiết. Riêng hai huyện Đan Phượng và Gia Lâm nằm giữa hai khu vực nội - ngoại thành hiện chưa có quy chế nào để thực hiện chức năng đô thị. 

"Đối với trường hợp này, việc thực hiện các điểm dân cư theo hướng đô thị hoá sẽ khả thi bởi vẫn phù hợp quy hoạch chung và thực hiện được ngay, như Đông Anh đã làm được 81 điểm. Với các vùng xanh thì bắt buộc phải điều chỉnh, như khu vực Bắc sông Hồng, điển hình là huyện Đan Phượng", ông Trúc Anh thông tin./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top