Aa

Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest và công cuộc chinh phục công nghệ 4.0

Thứ Tư, 01/07/2020 - 11:00

Văn Phú - Invest đã ứng dụng công nghệ BIM vào quá trình quản lý xây dựng, khiến dự án không những kiểm chứng được ý tưởng của chủ đầu tư mà còn mang lại hiệu quả trong việc quản lý xây dựng công trình, tránh được s

Trong Tọa đàm mới đây về “Giải pháp kiến trúc, xây dựng chung cư thời đại 4.0” do Reatimes phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức, có nhiều tham luận khá hấp dẫn nhưng tôi đặc biệt chú ý đến một đại biểu cho giới doanh nghiệp tham gia tọa đàm, đó là Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest, nói về những bước đầu thành công của họ trong công cuộc chinh phục công nghệ 4.0.

Tại đây, họ cho biết, Công ty đã ứng dụng công nghệ BIM vào quá trình quản lý xây dựng, khiến dự án không những kiểm chứng được ý tưởng của chủ đầu tư mà còn mang lại hiệu quả trong việc quản lý xây dựng công trình, tránh được sai sót, đặt ra chu trình sử dụng dòng tiền hợp lý, tiết kiệm...

Vậy BIM là gì và nó có quá xa lạ đối với lĩnh vực xây dựng của Việt Nam?

Theo giải thích của chuyên gia, BIM được ra đời cũng đơn giản thôi, vì đó là sự tiến hóa tất yếu của công nghệ. Từ thời kỳ các bản vẽ của kiến trúc sư trên giấy, đến kỷ nguyên của CAD (Computer Aided Design) với bảng vẽ điện tử chính xác và dễ hiệu chỉnh hơn. Tiếp sau đó, nhờ vào sự tăng trưởng sức mạnh của phần cứng và đồ họa máy tính, tạo điều kiện cho sự phát triển của mô hình CAD-3D. Phần mềm đã có thể mô phỏng lại từng chi tiết nhỏ nhất của công trình bằng hình họa 3D với độ chính xác cao, kết hợp với quy trình BIM đưa ra những mô hình thông tin đầy đủ để hỗ trợ tối đa cho tất cả các công đoạn phát triển một dự án xây dựng.

Với BIM, một khi các thông tin được thiết lập chính xác, việc xây dựng sẽ trở nên nhanh hơn, chính xác hơn, chi phí thấp hơn. Đó chính là lý do tại sao BIM đang trở thành một xu hướng mới và gần như là tiêu chuẩn bắt buộc trong ngành xây dựng trên toàn thế giới.

Chẳng hạn, BIM sẽ giúp chủ đầu tư tiết kiệm chi phí và thời gian. Qua đây, chủ đầu tư có một cái nhìn chính xác hơn khi ước lượng các khoản đầu tư và chi phí, mọi mô hình trên BIM đều có chiều sâu và rất chính xác. Giảm thiểu các khoản phát sinh về chi phí lẫn thời gian làm việc với việc quản lý dữ liệu đồng nhất, tránh mất mát trong quá trình lưu trữ và quản lý tài liệu.

Tiếp theo, BIM sẽ giúp sự liên kết giữa các phòng ban trở nên chặt chẽ hơn, từ thiết kế kiến trúc, kết cấu, MEP, dự toán..., tất cả đều làm việc trên một mô hình thống nhất, mọi thông tin đều được cập nhật thường xuyên, tạo thành một luồng thông tin xuyên suốt.

Tiếp nữa, mô hình 3D trong BIM mang đầy đủ các yếu tố của một công trình thực tế, giúp chủ đầu tư dễ dàng phát hiện những xung đột giữa các thành phần trong công trình, hạn chế các phát sinh khi thi công, giảm thiểu sai sót...

Đấy, khi nói đến nền công nghiệp 4.0 có vẻ xa xôi, nhưng qua những tìm hiểu như trên, nó cứ như ngay bên cạnh mình.

Nghe nói tại Việt Nam, theo lộ trình của Chính phủ thì đến năm 2021, BIM sẽ trở thành một tiêu chuẩn trong các công trình xây dựng, đây là một trong những giải pháp quan trọng để tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sắp tới trong ngành xây dựng.

Cũng tại cuộc tọa đàm này, KTS. Lê Anh Tuấn, Phó Giám đốc Ban Đầu tư Nghiên cứu ứng dụng Công ty Cổ phần Đầu tư Văn Phú - Invest còn trình bày tham luận khá sâu sắc về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh học và những công nghệ xây dựng giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng mà doanh nghiệp bất động sản Việt Nam nói chung và Văn Phú - Invest nói riêng đang hướng tới.

Về công nghệ xử lý chất thải rắn sinh học, theo KTS. Lê Anh Tuấn, trong phát triển đô thị hiện tại, chủ đầu tư đối diện với nhiều tình huống khi xây dựng đô thị và cả khi đi vào vận hành. Trong vài năm, nếu không giải quyết triệt để vấn đề chất thải rắn sinh học sẽ ảnh hưởng tới chất lượng môi trường sống của cư dân cũng như uy tín chủ đầu tư.

Phân loại rác tại nguồn là vấn đề quan trọng nhất trong chu trình thu gom xử lý rác thải, chất thải rắn sinh hoạt trong xây dựng - quy hoạch đô thị bền vững, mục đích cho tái sử dụng và giảm khối lượng đốt, chôn lấp ở mức thấp nhất.

Có 4 công nghệ phổ biến trên thế giới đang được ứng dụng tại Việt Nam.

Một, công nghệ điện rác: Đốt rác, đốt plasma, thu hồi nhiệt để sản xuất điện được ưu tiên ứng dụng ở Châu Âu, Nhật Bản… Hiện nay, công nghệ này của Nhật được ứng dụng cho nhà máy xử lý rác URENCO ở Nam Sơn, Sóc Sơn, thu hồi sản xuất xấp xỉ 2MW điện/năm (trong đó 85% hòa lưới, 15% dùng lại cho quá trình vận hành). Để giải quyết vấn đề này triệt để hơn thì cần tính đến câu chuyện kết nối, để sản phẩm đô thị không chỉ là 1 tòa chung cư mà là 1 cụm chung cư, áp dụng công nghệ chung để xử lý rác thải rắn.

Hai, công nghệ kết hợp cơ sinh nhiệt đồng thời xử lý rác thải với sản xuất năng lượng tái tạo. Ví dụ như Dự án Nhà máy phân loại, xử lý rác thải, sản xuất biogas và phân bón khoáng hữu cơ tại xã Lý Trạch, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình: Tái tạo sản xuất 10.000 tấn đất sạch và phân bón mỗi năm; Sản xuất 10MW điện/năm.

Ba, công nghệ nhiệt phân, xử lý rác nhựa cao su, giấy ra thành phẩm dầu.

Bốn, công nghệ thủy nhiệt. Công nghệ này được áp dụng nhiều ở các nước đang phát triển giống Việt Nam như Malaysia…

Tiếp đó, KTS. Lê Anh Tuấn trình bày về những công nghệ xây dựng giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng được áp dụng từ giai đoạn thiết kế đến khi ra công trường.

Đối với nhà ở thấp tầng (dưới 6 tầng), tuy quy mô không cao nhưng có nhiều công nghệ hợp lý và giúp rút ngắn nhiều thời gian, ví dụ như đổ bê tông liền khối bằng vật liệu định hình, sử dụng bê tông có tỷ lệ tro bay cao không cần xây tường. Hiện nay, một số doanh nghiệp đã ứng dụng tro bay để làm gạch nung, san lấp mặt bằng… phục vụ cho ngành xây dựng.

Hay công nghệ bê tông cốt thép ứng dụng lực tiền chế; Ứng dụng tấm tường bê tông nhẹ thay cho gạch nung truyền thống, ví dụ như tấm tường acote, Xuân Mai hoặc tấm tường bê tông PolyStyren Nucewall do Đại học Xây dựng nghiên cứu.

Với biện pháp giàn giáo leo trong thi công cao tầng, một trong những minh chứng rõ ràng và toàn diện nhất về công dụng của giàn giáo leo chính là sự thành công của tòa nhà Burj Dubai với phần thô đã trở thành kết cấu cao nhất thế giới có trụ lõi của công trình cao 601m tính từ mặt trên của bản móng. Nhà thầu thi công công trình này đã tạo nên một kỷ lục thế giới trong lịch sử khi sử dụng công nghệ giàn giáo leo với số lượng cũng như mật độ cực lớn trong suốt thời gian thi công

Một công nghệ khác cũng rất phát triển và thành công ở Úc là công nghệ bê tông đúc sẵn Precast Panels, đã được ứng dụng từ những năm 50 - 60 ở các nước trên Thế giới. Nhưng ứng dụng của nó chỉ giới hạn hạn hẹp trong xây dựng chung cư thấp tầng (từ 10 - 15 tầng). Tuy nhiên sau này, Úc trở thành nhà tiên phong ứng dụng thành công công nghệ này tại các chung cư cao tầng, và đã được áp dụng tại Việt Nam cũng như một số công trình của Văn Phú - Invest.

Ưu điểm khi sử dụng Precast Panels có thể kể đến như: Thời gian thi công nhanh hơn từ 30 - 50%; Giá trị phần thô rẻ hơn từ 20 - 30%; Sử dụng ít thép hơn 50%; Sử dụng ít bê tông hơn 25%; Không dầm, không cột; Không thấm; Không gạch ốp lát, sử dụng các bề mặt hoàn thiện sẵn; Mát hơn vào mùa hè, ấm hơn vào mùa đông; Cách âm tốt giữa các căn hộ; Không phải sử dụng giàn giáo bên ngoài (do thi công từ bên trong); Chất lượng công trình cao hơn;…

Tóm lại, qua ý chí và thực tiễn trong nỗ lực chinh phục nền công nghệ thời đại 4.0 của Công ty CP Đầu tư Văn Phú - Invest và cũng là của chung nhiều nhà phát triển thị trường bất động sản Việt Nam, hy vọng rằng trong những năm tới, Việt Nam sẽ là một trong những thị trường hấp dẫn không chỉ trong khu vực mà còn trên toàn thế giới.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top