Công viên, hồ điều hòa “chết lâm sàng”: Ai chịu trách nhiệm sau những “cú lừa" quy hoạch?
Chỉ khi công viên, hồ điều hòa không còn là “miếng bánh lợi ích” và trách nhiệm được quy rõ ràng cho cơ quan quản lý, doanh nghiệp thì mới mong chấm dứt được tình trạng đắp chiếu, bỏ hoang.
NHỮNG "CÚ LỪA" KHÓC DỞ, MẾU DỞ
Dạo một vòng quanh khu đất được quy hoạch làm Khu tưởng niệm Chu Văn An, thường gọi là công viên Chu Văn An (Thanh Trì, Hà Nội), sự lãng phí đất đai được cảm nhận rõ. Đường nội bộ đã cơ bản hoàn thành từ lâu nhưng xung quanh vẫn là đất trống cùng cỏ dại mọc quá đầu người. Có người tận dụng chỗ đường rộng trong công viên làm nơi dạy lái xe. Người lại dùng để tập kết rác thải. Còn có người chăm chỉ rèn luyện thể dục thể thao, nhưng bí quá không biết đi đâu để chạy bộ, khi ngoài kia vỉa hè bị lấn chiếm hết, lòng đường thì chật cứng xe, nên đành vào công viên Chu Văn An để chạy. Tại sao lại dùng từ “đành”, bởi lẽ, công viên chỉ là tên gọi, còn thực tế là bãi đất hoang. Và rồi, họ phải chạy qua bãi rác, chạy qua bụi rậm… để hít hà chút không khí ở nơi chưa bị bít kín bởi bê tông.
Nói để thấy, nhu cầu về hưởng thụ không gian xanh, công viên, hồ nước trong bối cảnh ngộp thở với bê tông, nhà cao tầng đã trở thành nhu cầu bức thiết hơn bao giờ hết.
Quay trở lại năm 2009, khi Khu tưởng niệm Chu Văn An được phê duyệt quy hoạch chi tiết với hệ thống hồ điều hòa, kênh dẫn nước (rộng trên 10ha); các khu chức năng, công viên văn hóa cây xanh kết hợp với các công trình kiến trúc cảnh quan, dịch vụ du lịch, thể dục thể thao… phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân và khách du lịch, với cảnh quan môi trường trong lành…, có lẽ người dân Thanh Trì và khu vực lân cận đã rất vui mừng, kỳ vọng.
Nhưng không ai tưởng tượng được, dự án đã "vắt ngang" qua hơn một thập kỷ vẫn chưa thành hình, trong khi, cùng với tốc độ đô thị hóa, dân cư và mật độ xây dựng đã tăng lên chóng mặt. Hỏi cảm nhận của người dân lúc này, đa phần là những tiếng thở dài: Nghe nói làm công viên đó, nhưng có thực hiện không, bao giờ làm và ai làm thì chưa biết.
Các dự án bất động sản mọc lên quanh khu vực liên tục được quảng cáo là có tầm nhìn công viên, "lá phổi xanh" của phía Tây Nam Hà Nội để nâng tầm giá trị, trong đó hưởng lợi nhất là dự án The Manor Central Park của Bitexco đang được bán với giá cao ngất ngưởng. Doanh nghiệp ăn theo quy hoạch hưởng lợi, còn người dân thì như mắc phải một cú lừa.
Sau lần điều chỉnh quy hoạch vào năm 2016, từ quy mô 90ha, diện tích khu tưởng niệm đã giảm xuống còn khoảng 55ha. Và từ bấy đến nay, Hà Nội vẫn chưa có thêm động thái nào để "thức tỉnh" mảnh đất hoang hóa này. Tại sao một khu đất rộng tới 55ha nằm chình ình giữa Thủ đô lại bị bỏ không từ năm này qua năm khác mà không có một sự thôi thúc nào? Điều bức xúc nhất là số phận của khu đất đã “chết lâm sàng” đó không biết sẽ được viết tiếp ra sao khi hiện vẫn chưa biết đơn vị nào sẽ hoàn thiện công trình này.
Câu chuyện cũng diễn ra tương tự tại dự án công viên, hồ điều hòa Tây Nam Hà Nội (quận Cầu Giấy). Khu đất vàng rộng hơn 10ha nay đã hóa ao bèo khổng lồ nằm lọt thỏm giữa một khu đô thị hiện đại. Nước và rác thải ứ đọng, ô nhiễm, bốc mùi. Một phần dự án ở góc phía đường Mạc Thái Tổ và Trung Kính, doanh nghiệp đã cho một số cá nhân thuê làm bãi trông rửa xe, sân bóng nhân tạo, nhà hàng… Không ai khác, người dân trong khu vực, điển hình nhất là tại Khu đô thị Nam Trung Yên và các chung cư bao quanh dự án lại mắc phải một cú lừa quy hoạch. Mua nhà để hưởng không gian xanh an lành, nhưng ngược lại, lại phải ngửi mùi hôi thối quanh năm bởi ao tù, nước đọng và ô nhiễm môi trường.
Lật lại số phận của dự án này, được biết, đây là dự án thuộc Khu đô thị Tây Nam Hà Nội, được phê duyệt quy hoạch chi tiết từ ngày 18/11/2008. Việc lựa chọn nhà đầu tư được tiến hành năm 2009, đơn vị trúng thầu là Công ty TNHH VNT.
Trong quá trình triển khai dự án, Công ty TNHH VNT đã ký Hợp đồng nguyên tắc số 2004/2012/HĐNT với Công ty Cổ phần Tập đoàn Đại Dương (OGC) và Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Dương Thăng Long để cùng hợp tác đầu tư dự án. Tổng số tiền chủ đầu tư đã nhận từ các đối tác là gần 150 tỷ đồng.
Tiếp đó, Công ty TNHH VNT đã tham gia ký Hợp đồng nguyên tắc số 242/2014/HĐNT-YH, với các bên gồm OGC, Công ty Cổ phần Đầu tư Đại Dương Thăng Long và Công ty Cổ phần Giáo dục quốc tế Thần Đồng (gọi tắt là Công ty Thần Đồng), để Công ty Thần Đồng nhận 5.287m2 sàn khu văn hóa, giáo dục thuộc dự án. Tổng số tiền Thần Đồng đã vay Ngân hàng TMCP Đại Dương (nay là Ngân hàng TM TNHH MTV Đại Dương, do Nhà nước sở hữu 100% vốn) để chuyển cho OGC là 200 tỷ đồng.
Theo lý giải của chủ đầu tư, đến nay dự án công viên hồ điều hòa thuộc KĐT Tây Nam Hà Nội chưa thể triển khai, là do việc điều chỉnh quy hoạch chung Thủ đô, quy hoạch phân khu, điều chỉnh cấp giấy chứng nhận đầu tư. Bên cạnh đó, hiện đang vướng mắc về giải phóng mặt bằng giai đoạn 2 của dự án. Cụ thể, người dân chưa đồng tình trong việc di dời hàng nghìn ngôi mộ nằm trong đất dự án.
Ngoài ra, liên quan đến OGC là một trong những đối tác ký hợp đồng hợp tác nêu trên, ngày 24/10/2014, nguyên Chủ tịch HĐQT là người đại diện pháp luật của OGC vướng vòng lao lý do các sai phạm cá nhân tại Ngân hàng Đại Dương. Đây cũng được coi là một phần nguyên nhân khiến dự án công viên hồ điều hòa thuộc KĐT Tây Nam Hà Nội nhiều năm qua vẫn “án binh bất động”.
Nguyên nhân thì đã rõ, nhưng việc xử lý tiếp theo như thế nào suốt nhiều năm qua vẫn không ai trả lời. Ai sẽ tháo gỡ các “chốt chặn” khiến dự án tiếp tục phải “trùm mền”? Doanh nghiệp triển khai có còn khả năng thực hiện hay không? Nếu không, tại sao không thu hồi để đấu giá, giao lại cho nhà đầu tư khác. Ai sẽ chịu trách nhiệm cho sự trễ nải này? Đến nay, những câu hỏi trên vẫn còn bị bỏ ngỏ câu trả lời. Chưa bàn đến những yếu tố khác trong câu chuyện này, nhưng sự yếu kém trong quản lý là điều thấy rõ.
Đi tìm lời giải cho bài toán công viên, hồ điều hòa “chết lâm sàng”, Reatimes tiếp tục có cuộc trò chuyện với PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh xoay quanh vấn đề này, dưới góc nhìn của một chuyên gia kinh tế.
KHÔNG GÌ LÃNG PHÍ BẰNG LÃNG PHÍ ĐẤT ĐAI
PV: Thưa PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh, dưới góc độ kinh tế, ông cảm nhận như thế nào về thực trạng hàng loạt khu đất được quy hoạch làm công viên, hồ điều hòa nhưng sau chục năm vẫn là đất hoang?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Tôi thấy rằng, không có gì lãng phí bằng lãng phí đất đai. Và câu chuyện của Hà Nội với những công viên Chu Văn An, công viên Phùng Khoang hay công viên Tây Nam Hà Nội… không được thực thi nhiều năm, đó là thực tế quá lãng phí nguồn lực phát triển.
Chúng ta biết rằng, trong quá trình phát triển đô thị, việc sử dụng hiệu quả nguồn lực đất đai là yếu tố tiên quyết để hướng tới xây dựng một thành phố văn minh, bền vững. Chính quyền đô thị biết tạo vốn từ đất để xây dựng hạ tầng là chính quyền thông minh. Tại sao lại như vậy? Bởi đất đai là tài sản lớn, rất có giá trị và giá trị đó tăng dần theo tốc độ phát triển của đô thị và của nền kinh tế. Đặc biệt, trong bối cảnh quỹ đất đang khan hiếm như hiện nay thì không có gì quý bằng những khoảng đất rộng lớn để làm công viên, hồ điều hòa. Tận dụng tốt nguồn lực này sẽ mở ra rất nhiều cơ hội phát triển. Nhưng thật đáng buồn là những khu đất đã được quy hoạch cho mục đích công cộng lại không được thực thi theo đúng quy định và lộ trình đã đặt ra.
Các dự án công viên, hồ điều hòa bỏ hoang nhiều năm có thể gây tác động xấu đến môi trường sống đô thị. Bởi quy hoạch công viên hồ điều hòa nhằm mục đích thanh lọc không khí, nâng cao chất lượng không gian và môi trường sống cho cư dân. Vậy khi chúng ta liên tiếp cho phát triển nhà ở, thu hút dân cư về, trong khi hạ tầng xã hội như công viên, hồ điều hòa không theo kịp thì có nghĩa, cư dân không được hưởng những giá trị sống mà lẽ ra họ phải được hưởng, thay vào đó, môi trường sống càng trở nên ô nhiễm, ngột ngạt, bức bối hơn.
Trên thực tế, tại nhiều dự án công viên, hồ điều hòa chậm triển khai, không chỉ xảy ra tình trạng đất đai bị lấn chiếm mà công viên còn trở thành nơi tập kết rác thải.
Trong khi, với một diện tích đất rộng lớn như vậy, chúng ta có thể sử dụng để tạo các cơ sở phục vụ cho việc nghỉ ngơi, thư giãn, nâng cao sức khỏe cho người dân. Thậm chí, có thể tạo thêm các nguồn thu cho Nhà nước, mà đại diện ở đây là chính quyền cơ sở. Nhưng thực tế, nhiều mảnh đất công đem cho tư nhân thuê và sử dụng trong những mục đích khác với giá rất thấp nhưng chậm triển khai dự án, dẫn đến sự bất bình cho những người dân trước bị thu hồi đất để thực hiện dự án nhưng rồi lại không thấy dự án đâu.
Do đó, nhìn vào thực trạng trên có thể thấy, đây là sự lãng phí rất lớn, gây bức xúc trong dân, khiến lòng tin của người dân vào chính quyền cơ sở ngày càng bị bào mòn.
QUY TRÁCH NHIỆM CHO AI?
PV: Vâng, niềm tin của người dân bị xói mòn, đó là câu chuyện dễ hiểu khi việc các dự án quy hoạch xong rồi để đó, không biết ngày về đích đã trở thành vấn đề quá phổ biến và quen thuộc. Câu hỏi đặt ra là trách nhiệm của người quản lý ở đâu? Phải chăng sự buông lỏng quản lý hay phó mặc cho một nhóm lợi ích nào đó đã dẫn đường cho tình trạng “treo” dự án, gây thất thoát, lãng phí nguồn lực. Ông nghĩ sao về điều này?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Mấu chốt nằm ở sự yếu kém trong quản lý, nói đúng hơn là buông lỏng quản lý. Câu chuyện lợi ích nhóm là có, bởi như đã nói, đất đai đô thị rất có giá trị, tới mức mà nó có thể trở thành “miếng bánh” ai cũng muốn xí phần. Khi người ta đã nhăm nhe vào mảnh đất đó thì có rất nhiều cách thức để hòng thâu tóm được, biến đất công thành đất tư. Và một trong các cách thức là ôm giữ đất, để hoang hóa không thực hiện mục đích phát triển dự án công cộng để chờ đợi được khỏa lấp một lợi ích lớn hơn, nếu không nói là khổng lồ hơn. Trên thực tế đã có không ít đất công viên, hồ nước đã bị điều chỉnh thành nhà cao tầng, gia tăng lợi nhuận. Cũng không ít khu đất công được giao cho doanh nghiệp với mức giá không thể rẻ hơn.
Lợi ích đã dẫn đường cho sự buông lỏng quản lý để cùng hưởng lợi, dẫn đến sự trễ nải trong thực thi các quy hoạch theo lộ trình đã được đặt ra. Để rồi, năm này qua năm khác, chúng ta vẫn thấy những khu đất cây dại mọc um tùm đó, nhiều cây thành cổ thụ nhưng dự án thì vẫn trên giấy. Nhưng vấn đề là chả ai xử lý cả. Người dân đi qua thì chỉ biết thở dài, xót xa. Muốn phản ánh nhưng cũng chẳng biết ai sẽ tiếp nhận. Mà chẳng cần người dân phản ánh, nếu cơ quan quản lý có trách nhiệm với công việc, với người dân, không bị che mờ mắt bởi lợi ích thì không lý gì lại không thấy những khu đất cả chục héc-ta bị bỏ hoang mà không có động thái gì. Trong khi, chỉ cần một người dân lỡ sửa nhà hay xây nhà trên đất đã được quy hoạch thì thông tin rất nhanh, mới đổ xi măng trước cửa là bị “tuýt còi” ngay lập tức.
Tóm lại, vì sao đã có quy hoạch và lộ trình thực hiện nhưng các dự án công viên vẫn bị để hoang hóa nhiều năm? Một trong những nguyên nhân là do câu chuyện ai chịu trách nhiệm vẫn mập mờ, không được làm rõ. Trách nhiệm không được làm rõ thì đổ cho ai bây giờ. Nhiều phóng viên cũng phản ánh rằng, lên hỏi huyện thì huyện bảo cái này tôi không quyết được, lên hỏi thành phố; nhưng lên thành phố thì lại bị đổ ngược là xuống hỏi huyện… Nên việc đi tìm câu trả lời cho số phận của các dự án treo không dễ chút nào. Sự lòng vòng quản lý, đá bóng trách nhiệm và tư duy nhiệm kỳ vẫn còn tồn tại trong cách thức quản lý của các cơ quan chức năng có liên quan. Nên việc các dự án liên tục trì hoãn ngày về đích là điều dễ hiểu.
Nhiều dự án hiện không biết ai làm chủ, ai quản lý, tất cả đều mập mờ. Trong câu chuyện này, có rất nhiều việc cần làm và đáng phải làm nhưng vấn đề là chính quyền không quyết liệt làm.
PV: Vậy có cách nào để đưa mọi thứ trở về đúng quy củ của nó không, thưa chuyên gia?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Luật Đất đai từ 1993, 2003, 2013 đều quy định nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi, nhưng trên thực tế, số dự án thu hồi được rất ít. Và không ít dự án chậm thực hiện kéo dài hàng chục năm vẫn không bị thu hồi. Điều này gây ảnh hưởng rất lớn đến quá trình đô thị hóa của TP. Hà Nội, lãng phí hàng triệu mét vuông đất, nguồn tài nguyên quý giá và làm ảnh hưởng đến đời sống của người dân trong vùng dự án.
Cần phải rà soát một cách tổng thể, dựa theo những tiêu chí để đánh giá, phân loại các dự án và có hướng xử lý thích hợp. Nếu chủ đầu tư không có khả năng đầu tư hoặc có sai phạm trong quá trình triển khai thì bắt buộc phải thu hồi. Đối với những dự án đã chuyển nhượng thì phải xem xét xem doanh nghiệp thứ cấp có đủ khả năng triển khai dự án hay không, nếu không đủ thì cũng phải thu hồi. Thành phố cùng với các sở ban ngành cần đưa ra một bộ tiêu chí để đánh giá một cách tổng quan dự án.
Các dự án công viên, hồ điều hòa chưa triển khai tại Hà Nội hiện nay, hầu như hồ nào cũng bị lấn chiếm, sử dụng sai mục đích, đất công thành đất tư. Tình trạng này kéo dài có thể khiến việc thực thi quy hoạch sau này khó khăn hơn, nhất là việc giải tỏa mặt bằng.
Câu chuyện các công viên, hồ điều hòa “chết lâm sàng” có lẽ cũng đã đến hồi cần phải có sự quan tâm vào cuộc quyết liệt của các cơ quan chức năng để làm bừng tỉnh nguồn lực đất đai, biến các bản vẽ thành hiện thực. Không có tham nhũng nào bằng tham nhũng đất đai. Cần phải có giải pháp mạnh tay thì mới có thể ngăn chặn và đưa các dự án phát triển đúng mục tiêu đã đặt ra. Các giải pháp luôn có và dễ nhận thấy, vấn đề là Hà Nội có muốn làm hay không mà thôi.
Đã đến lúc phải xem xét kiểm tra, rà soát lại tất cả các dự án đó xem diện tích từ lúc quy hoạch đến nay có chênh lệch gì không, giá trị đất đai thất thoát ra sao. Ai là người đứng đầu, chịu trách nhiệm cho sự trễ nải của dự án đó. Và trong thời điểm này thì sử dụng nguồn vốn nào để triển khai là phù hợp. Đây là vấn đề rất quan trọng. Như dự án Khu tưởng niệm Chu Văn An, trách nhiệm thuôc về huyện Thanh Trì hay TP. Hà Nội, cụ thể là cơ quan nào quản lý việc thực thi quy hoạch phải được làm rõ.
NGUỒN LỰC NÀO CHO PHÁT TRIỂN?
PV: Nhưng trong bối cảnh hiện tại, tìm đâu ra nguồn lực để xây dựng các dự án công viên, hồ điều hòa, nhất là khi có vẻ các doanh nghiệp tư nhân chỉ thích xây nhà, còn công viên, hạ tầng không tạo ra lợi nhuận nên họ không mấy mặn mà?
PGS.TS. Đinh Trọng Thịnh: Đó là một thực tế mà chúng ta nhìn thấy. Tuy nhiên, thấy vậy nhưng chưa chắc đã vậy. Bởi chính các quy hoạch hạ tầng như đường sá, công viên, hồ điều hòa… là đòn bẩy đắc lực cho các chủ đầu tư dự án bất động sản kế cận tăng giá bán. Nhưng vấn đề là chúng ta chưa tạo ra cơ chế quyết liệt để buộc các doanh nghiệp hưởng lợi từ chênh lệch địa tô trả lợi ích cho thành phố thông qua việc xây dựng các hạ tầng xã hội. Trong quy hoạch các khu đô thị mới, thực tế cũng có các chỉ tiêu về công viên, hạ tầng nhưng thường thì doanh nghiệp sẽ tập trung xây nhà bán trước, còn hạ tầng thì làm sau hoặc bỏ quên, không làm.
Việc huy động nguồn vốn tư nhân theo phương thức đối tác công tư là giải pháp tốt để triển khai hiệu quả trong bối cảnh ngân sách không đủ. Các doanh nghiệp cũng phải có trách nhiệm trong câu chuyện xây dựng hạ tầng xã hội phục vụ cho phát triển đô thị, khi hưởng chênh lệch địa tô lớn từ các quy hoạch hạ tầng đó.
Nhưng vấn đề là cân bằng lợi ích như thế nào. Nếu mang khu đất đó ra đấu giá công khai, với quyền lợi cho doanh nghiệp xây dựng công viên, hồ điều hòa là được sử dụng 15 - 20% diện tích đất làm thương mại - dịch vụ, hoặc khai thác không gian ngầm làm bãi đỗ xe, khu vui chơi… thì sẽ có rất nhiều doanh nghiệp sẵn sàng làm.
Hà Nội vẫn đang mới nhìn ở bề nổi, trong khi những khu vực rộng lớn đang là đất trống chưa triển khai thì việc thực hiện giao thông tĩnh, xây dựng bãi đỗ xe ngầm là rất tốt. Đơn cử như tại công viên Chu Văn An, nếu làm bãi đỗ xe ngầm thì có thể giải quyết bài toán hạ tầng rất lớn cho khu vực lân cận, thậm chí có thể kết nối tuyến xe buýt nhanh về khu đô thị Linh Đàm, nhằm “chữa cháy” cho sự quá tải hạ tầng ở đây. Không có gì hiệu quả bằng công trình ngầm ở công viên.
Rất nhiều doanh nghiệp có thể tham gia làm công viên, hồ điều hòa rất tốt. Tại sao lại giao cho những doanh nghiệp chỉ biết ôm đất để hoang?
Vấn đề quan trọng nhất của mọi vấn đề là phải công khai minh bạch. Dự án phải được tính toán đúng giá trị đất đai và đấu thầu. Nếu vẫn còn sự dấm dúi, “quân xanh, quân đỏ”, giao đất cho chủ đầu tư không có năng lực mà “tay không bắt giặc” thì các dự án chưa biết bao giờ mới về đến đích, thậm chí còn bị thâu tóm bằng cách này hay cách khác.
Lúc này, Hà Nội cần rà soát lại để có những tính toán phù hợp. Tuy nhiên, các bản quy hoạch được lập cách đây cả chục năm đến bây giờ chưa triển khai thì cũng cần có sự điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu hiện tại. Ví dụ, trước đây chưa nghĩ đến việc xây dựng những bãi đỗ xe ngầm hay mở rộng các hoạt động thương mại, dịch vụ trong công viên để đáp ứng nhu cầu của cư dân trong khu vực thì bây giờ cần xem xét bổ sung, điều chỉnh, để vừa phát huy hiệu quả của các hạ tầng xã hội, vừa hướng tới xây dựng thành phố văn minh. Nếu quy hoạch bài bản và thực thi đúng, việc xây dựng công viên, hồ điều hòa thực tế có thể mang lại nhiều lợi ích, không chỉ về cảnh quan mà còn về mặt kinh tế. Đó là các nguồn thu từ những hoạt động kinh doanh thương mại, bãi đỗ xe./.
Xin cảm ơn những chia sẻ của ông!
Bài học từ Đà Nẵng cho chúng ta thấy cần phải có một cơ chế rõ ràng cho câu chuyện đất công, tài sản công để quản lý khai thác hiệu quả quỹ đất này. Trong những năm qua, chuyện đất công cũng là vấn đề mà Hà Nội thực sự quan tâm. Chúng ta cũng biết quỹ "đất vàng" đã được quy định để làm các công trình dịch vụ, không gian xanh, công viên… nhưng khó có thể kêu gọi doanh nghiệp thực hiện các mục tiêu đó. Khi các doanh nghiệp thâu tóm được "đất vàng", bao giờ họ cũng chú trọng đến phát triển theo mục tiêu kinh doanh để đảm bảo lợi ích.
Vấn đề đặt ra là phải xác định được lợi ích của ba bên doanh nghiệp, chính quyền và cộng đồng. Muốn vậy, rõ ràng cần có một cơ chế chứ không thể để chỉ một doanh nghiệp “thâu tóm”, phải tìm ra sự hài hòa không chỉ trong chuyện đấu thầu dự án mà còn hài hòa trong tổng thể cả đô thị. Nhưng đến nay, chúng ta chưa có cơ chế này.
Đó là một vấn đề nổi cộm của câu chuyện "chảy máu" tài sản đất công, ảnh hưởng đến công tác quản lý chung, ảnh hưởng đến bộ mặt đô thị, đặc biệt là trong chuyện nâng cao chất lượng sống cho người dân. Nếu không chú ý sẽ dẫn đến các hệ lụy khác.
Đến giờ chúng ta vẫn không biết những khu "đất vàng", đất công bị biến thành khu cao tầng, đất tư thì Nhà nước thu về được bao nhiêu so với giá trị thực của thị trường. Và liệu tiền thu vào ngân sách nhỏ giọt từ việc "hô biến" đất công thành đất tư có đủ để bù đắp cho những hệ lụy mà nó mang lại?
Nói thẳng ra, những đề xuất đó đem lại lợi ích cho một nhóm người, còn hệ quả thì người dân và cả thành phố phải gánh chịu. Nhà nước đã ban hành rất nhiều luật, nghị định, quyết định liên quan đến đất đai và xây dựng nhưng vấn đề ở đây là phân công, phân cấp và xác định trách nhiệm vẫn chưa được làm rõ.
Chúng ta cũng đã có Luật Quản lý sử dụng tài sản công nhưng đó mới chỉ tạo ra bộ khung pháp lý cơ bản. Trong việc sử dụng quỹ đất công, buộc chúng ta cần phải có những nghị định, thông tư hướng dẫn cụ thể đi kèm nhằm đảm bảo Luật được thực hiện nghiêm chỉnh và minh bạch. Thậm chí về lâu dài, cũng cần phải nhanh chóng có những thay đổi về quy định quản lý tài sản đất đai công để phù hợp với thực tiễn.
TS. KTS. Đào Ngọc Nghiêm
Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch và Phát triển đô thị Việt Nam
Nếu thật sự có trách nhiệm với tài sản quốc gia, quỹ dự trữ đất công cho thế hệ mai sau, nguồn thu đóng góp ngân sách Nhà nước thì khi phát hiện có dấu hiệu "bất thường" hay lợi ích nhóm, hãy sẵn sàng tố giác. Cơ quan quản lý công sản quốc gia cũng cần có đường dây nóng và bí mật, để tiếp nhận thông tin tố giác. Cơ quan này có trách nhiệm báo cáo trực tiếp với cơ quan phòng chống tham nhũng quốc gia và tạo ra những luồng thông tin kiểm soát đa chiều.
Khi cả nước cùng hòa mình vào dòng chảy chống tiêu cực, tất cả các "nhóm lợi ích" sẽ dần lộ nguyên hình. Điều này thật sự cần thiết và tránh đau xót cho đất nước về lâu dài.
Luật sư Vũ Ngọc Dũng - Giám đốc Công ty Luật Bắc Việt