Công viên, hồ điều hòa Hà Nội “chết lâm sàng“ khi cám dỗ lợi ích vẫn còn?

Công viên, hồ điều hòa Hà Nội “chết lâm sàng“ khi cám dỗ lợi ích vẫn còn?

Thảo Liên
Thảo Liên lienlien.media@gmail.com
Thứ Bảy, 27/02/2021 - 06:00

 

Công viên, hồ điều hòa Hà Nội "chết lâm sàng" khi cám dỗ lợi ích vẫn còn? 

Trong bối cảnh môi trường sống ở đô thị ngày càng ngột ngạt bởi những rừng bê tông cao tầng, “cơn khát” về không gian xanh trở nên mãnh liệt hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, có một nghịch lý là hàng trăm héc-ta đất tại Hà Nội đã được quy hoạch làm công viên, hồ nước lại đang bị bỏ hoang, đắp chiếu hoặc sử dụng sai mục đích cả chục năm qua, chưa rõ ngày về đích.

Vậy đến bao giờ Hà Nội mới có thể hiện thực hóa được công viên, hồ điều hòa từ bản vẽ? Điều gì đang "ngáng chân" Hà Nội trên hành trình đến một Thủ đô xanh, thông minh và nhân văn?

Công viên, hồ điều hòa Phùng Khoang: Ngổn ngang cỏ dại, rêu phủ khắp hồ

Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang nằm trong khuôn viên Khu đô thị mới Phùng Khoang rộng 46ha (thuộc quận Nam Từ Liêm và quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội). Đây là diện tích đất đối ứng cho dự án BT đầu tư xây dựng tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài (nay là đường Tố Hữu). Công viên hồ điều hòa Phùng Khoang có tổng diện tích 11,9ha, trong đó diện tích mặt hồ là 7,1ha; diện tích cây xanh cảnh quan chiếm 4,8ha; chiều dài bờ kè là 1.075m.

Dự án được UBND TP. Hà Nội phê duyệt hoạch chi tiết 1/500 theo Quyết định số 17/2007/QĐ-UBND ngày 26/1/2007. Đến ngày 15/12/2008, UBND TP. Hà Nội có Quyết định số 2580/QĐ-UBND, về việc cho phép liên danh nhà đầu tư Công ty CP Đầu tư Xây dựng đô thị (thuộc Tập đoàn Nam Cường) và Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội, đầu tư Dự án xây dựng Khu đô thị mới Phùng Khoang tại huyện Từ Liêm (nay là quận Nam Từ Liêm) và quận Thanh Xuân.  

Dự án Công viên, hồ điều hòa Phùng Khoang sau nhiều năm vẫn ngổn ngang, đắp chiếu, quây tôn.
Dự án Công viên, hồ điều hòa Phùng Khoang sau nhiều năm vẫn ngổn ngang, đắp chiếu, quây tôn.

Theo kế hoạch, dự án hoàn thành giải phóng mặt bằng và tiến hành khởi công vào quý II/2007, dự kiến hoàn thành vào năm 2010. Tuy nhiên sau đó, TP. Hà Nội đã tiến hành điều chỉnh Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài tỷ lệ 1/500 tại các phường Trung Văn, Mễ Trì thuộc quận Nam Từ Liêm và các phường Nhân Chính, Thanh Xuân Bắc thuộc quận Thanh Xuân. Việc điều chỉnh quy hoạch kéo theo một số hạng mục của dự án như công viên hồ điều hòa Phùng Khoang và khu công trình giáp mặt đường Lê Văn Lương kéo dài phải dừng lại.

Đến ngày 7/7/2016, UBND TP. Hà Nội ban hành Quyết định số 3740/QĐ-UBND, về phê duyệt Quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường Lê Văn Lương kéo dài tỷ lệ 1/500. Ngay sau khi có quyết định, liên danh chủ đầu tư là Công ty CP Đầu tư Xây dựng đô thị và Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội đã triển khai xây dựng tiếp dự án Khu đô thị mới Phùng Khoang.

Tháng 10/2016, liên danh chủ đầu tư đã thực hiện lễ động thổ công trình công viên hồ điều hòa Phùng Khoang và dự kiến hoàn thành vào tháng 6/2017. Tuy nhiên, sau hơn 4 năm kể từ ngày làm lễ động thổ, dự án vẫn trong giai đoạn thi công với nhiều hạng mục dang dở, lòng hồ cỏ vẫn mọc um tùm và chưa rõ ngày hoàn thành.

Công viên Chu Văn An: “Lá phổi xanh” ngủ quên trên giấy, chưa biết ngày hồi tỉnh

Khu tưởng niệm Chu Văn An được công bố quy hoạch chi tiết 1/500 ngày 20/8/2009. Ở thời điểm đó, khu di tích nằm trong tổng thể khu Công viên văn hóa Triều Khúc, có tổng diện tích khoảng 90ha gồm: Khu 1 là khu tưởng niệm, bao gồm các công trình tưởng niệm, bảo tàng, nơi hội thảo và các di tích liên quan… Cùng với Đình Ngoại, chùa Quang Ân, khu tưởng niệm sẽ tạo nên một quần thể công trình văn hóa, kiến trúc, di tích lịch sử truyền thống…

Khu vực 2 là nơi phục vụ nhu cầu nghỉ ngơi, giải trí của nhân dân và khách du lịch, với cảnh quan môi trường trong lành… Tại đây có hệ thống hồ điều hòa, kênh dẫn nước (rộng trên 10ha); có các khu chức năng, công viên văn hóa cây xanh kết hợp với các công trình kiến trúc cảnh quan, dịch vụ du lịch, thể dục thể thao…

Còn theo công bố điều chỉnh cục bộ quy hoạch chi tiết Khu tưởng niệm danh nhân Chu Văn An, tỷ lệ 1/500, ngày 20/4/2016 của Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội và UBND huyện Thanh Trì, Khu tưởng niệm Chu Văn An thuộc địa giới hành chính xã Thanh Liệt, giáp khu chức năng đô thị Nam đường Vành đai 3, có tổng diện tích khoảng 55ha. 

Tiến độ công viên Chu Văn An
Tiến độ công viên Chu Văn An
Tiến độ công viên Chu Văn An
Tiến độ công viên Chu Văn An

Cảnh ngổn ngang, nhếch nhác tại Dự án Công viên Chu Văn An .

Sau khi có quy hoạch công viên này, các dự án bất động sản mọc lên quanh khu vực liên tục được quảng cáo là có tầm nhìn công viên, "lá phổi xanh" của phía Tây Nam Hà Nội để nâng tầm giá trị, trong đó hưởng lợi nhất là dự án The Manor Central Park của Bitexco.

Liên quan đến việc đầu tư, xây dựng Công viên Chu Văn An, theo một nguồn tin riêng của Reatimes, sau khi hoàn thành tuyến đường BT bao quanh Khu tưởng niệm Chu Văn An và xây dựng Khu đô thị The Manor Central Park trên quỹ đất đối ứng, Bitexco từng có đơn đề nghị lãnh đạo TP. Hà Nội cho phép đơn vị này triển khai xây dựng Công viên Chu Văn An theo hợp đồng BT. Tuy nhiên, lãnh đạo TP. Hà Nội chưa đồng ý với đề xuất của Bitexco về việc đầu tư xây dựng dự án trên. Được biết, hiện lãnh đạo Hà Nội mới chỉ đồng ý về mặt chủ trương sẽ giao cho chủ đầu tư dự án The Manor Central Park thi công 2 hồ điều hòa trong Công viên Chu Văn An và đơn vị này đang triển khai xây dựng 2 hạng mục này.

Cho đến thời điểm hiện tại, công viên Chu Văn An mới chỉ làm xong phần tường bao xác định ranh giới và một số hạng mục đường bộ, còn lại đa phần diện tích đất vẫn bỏ trống, trở thành nơi chứa rác thải, cỏ dại mọc cao quá đầu người. Và điều đáng nói là hiện vẫn chưa biết đơn vị nào sẽ hoàn thiện công trình này. 

Thực trạng phát triển công viên, hồ điều hòa tại Hà Nội

Thực trạng phát triển công viên, hồ điều hòa tại Hà Nội

Đó chỉ là hai trong số nhiều dự án công viên, hồ điều hòa đã được quy hoạch trên địa bàn TP. Hà Nội đang chờ được thức tỉnh sau giấc ngủ dài. Có thể điểm qua một số dự án khác như: Dự án kè hồ điều hòa Rẻ Quạt; dự án Công viên, hồ điều hòa KĐT Tây Nam Hà Nội; dự án cải tạo hồ Linh Quang; dự án khu thể thao công viên cây xanh Hà Đông; dự án công viên cảnh quan hồ điều hòa Bách Hợp Thủy… Những dự án này, có nơi vẫn là ao bèo và rác thải, có nơi vẫn chỉ là bãi đất trống quây tôn, có nơi lại nhường chỗ cho các nhà hàng, quán ăn, bãi đỗ xe…

Thực tế trên cho thấy, trong khi nhu cầu về hưởng thụ không gian xanh của người dân đô thị ngày càng trở nên bức thiết thì bài toán giải quyết việc lãng phí, thất thoát nguồn lực đất đai trong xây dựng công trình hạ tầng xã hội lại vẫn chưa tìm được lời giải. Một nghịch lý xót xa đang xảy ra, đó là không gian xanh đã và đang thiếu trầm trọng nhưng diện tích đất dành cho công viên, hồ nước lại ngày càng bị cắt xén và lấn chiếm dưới nhiều hình thức tinh vi. 

Khảo sát của Trung tâm Nghiên cứu Môi trường và Cộng đồng (CECR) thuộc Liên hiệp Các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam cho biết, chỉ trong 5 năm (2010 - 2015) đã có 17 ao hồ bị san lấp hoàn toàn, tổng diện tích mặt nước sau 5 năm giảm đi hơn 72.000m2.

Tại quận Tây Hồ, nơi có diện tích mặt nước lớn nhất thành phố (chiếm 79% tổng diện tích mặt nước của Hà Nội) nhưng từ năm 2010 đến nay, diện tích mặt nước đã giảm hơn 28.000m2. Và Hồ Tây, trước đây rộng hơn 500ha, nhưng sau khi kè (năm 2010), chỉ còn 460ha.

So với các tiêu chuẩn và quy chuẩn thì tỷ lệ diện tích đất dành cho cây xanh, hồ nước tại hai thành phố lớn như Hà Nội và TP.HCM còn rất thấp, con số này chỉ đạt khoảng 2m2/người, không đạt quy chuẩn của Liên hợp quốc là 10 - 12m2/người và chỉ bằng 1/10 chỉ tiêu cây xanh của các thành phố tiên tiến trên thế giới.

Nhìn nhận vào thực tế triển khai, lại thấy một sự thật đáng buồn là bên cạnh những hồ nước bị “bê tông hóa”, lại có những dự án thành phố chủ trương đầu tư bằng nhiều hình thức, trong đó có cả đầu tư bằng nguồn vốn xã hội hóa, qua nhiều năm thực hiện, đến nay vẫn chỉ là những… chiếc “bánh vẽ”. Doanh nghiệp đã sử dụng xong quyền lợi được trao đổi của mình còn trách nhiệm thực hiện công trình, hạ tầng xã hội thì vẫn nằm im lìm trên giấy, mặc cho người dân trông ngóng từng ngày.

Vậy đến bao giờ Hà Nội mới có thể hiện thực hóa được công viên, hồ điều hòa từ bản vẽ? Điều gì đang "ngáng chân" Hà Nội trên hành trình đến một Thủ đô xanh, thông minh và nhân văn? Ai sẽ là người phải chịu trách nhiệm cho những trì trệ này?

Để làm rõ hơn vấn đề, Cà phê cuối tuần đã có cuộc đối thoại với GS.TSKH. Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường. 

MUÔN KIỂU TRÌ HOÃN THỰC THI QUY HOẠCH

PV: Từ thập kỷ trước, Hà Nội đã quy hoạch đô thị với hàng loạt công viên, hồ điều hòa nhưng đến nay đa số vẫn nằm trên bản vẽ mặc cho nhu cầu về không gian xanh của người dân đang rất bức thiết. Ông nghĩ sao về thực tế này, thưa GS.TSKH. Đặng Hùng Võ? 

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Một bản quy hoạch được lập thường đã xác định đầy đủ các yếu tố cần thiết cho một đô thị bền vững trong tương lai. Tức là một khu dân cư thì phải có chỗ vui chơi cho trẻ em, công viên, hồ điều hòa cho người già dạo bộ, hít thở không khí, tập thể dục và nhiều hạ tầng xã hội khác như bệnh viện, trường học… Tất cả những nhu cầu đó, theo nguyên tắc của quy hoạch là đều phải có. Nhưng một số chủ đầu tư tư nhân hay xin điều chỉnh các yếu tố này, có thể là xin cắt xén diện tích làm hồ điều hòa, chỗ vui chơi, thậm chí xin điều chỉnh diện tích đã được quy hoạch làm công viên sang một dự án khác nhằm tăng diện tích xây nhà để bán, gia tăng lợi nhuận.

Việc các dự án khu đô thị thường bớt xén một số hạng mục, trong đó, phổ biến nhất là hạ tầng xanh, sau đó là trường học đã trở thành một thực tế nhức nhối hiện nay. Một trong những chiêu thức của các chủ đầu tư thường làm để dần hợp thức hóa quỹ đất công thành của riêng, đó là tập trung mọi nguồn lực xây nhà bán trước để thu lợi, còn các hạng mục công viên, hồ nước thì làm sau, thậm chí ì ạch không làm rồi xin điều chỉnh quy hoạch để cắt xén dần dần, gia tăng mật độ xây dựng.

Đây là một cách thức tiếp cận đất đai không lành mạnh, khiến những chi phí đáng lẽ phải bỏ ra để làm những hạ tầng thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân không được chi ra mà lại đi vào túi của tư nhân. Tức là nhà đầu tư được giảm một lượng kinh phí khá lớn để làm hồ điều hòa theo một quy hoạch được điều chỉnh, thay vì phải bỏ ra một lượng lớn vốn để đầu tư xây dựng theo quy hoạch ban đầu. Trên thực tế đã có nhiều trường hợp cơ quan chức năng có liên quan đã đồng ý cho nhà đầu tư điều chỉnh quy hoạch theo hướng cắt xén nói trên và không loại trừ có lợi ích nhóm trong những trường hợp này. Chắc chắn có sự chia chác ở đây.

PV: Không chỉ những dự án công viên, hồ điều hòa nằm trong các khu đô thị mới mà còn có những dự án công viên, hồ điều hòa riêng lẻ đã được quy hoạch rất nhiều năm nhưng đến nay vẫn ngủ quên trong cỏ dại, thậm chí còn chưa xác định đơn vị và nguồn lực để thực hiện như dự án công viên Chu Văn An (Thanh Trì, Hà Nội), theo ông, vì sao lại có thực tế này? 

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Các công viên riêng lẻ, có hồ điều hòa thường phải được đầu tư bằng ngân sách Nhà nước, hay nói cách khác là đầu tư công, hoặc theo phương thức PPP - đối tác công tư.

Nhưng có nhiều trường hợp, trong quy hoạch đã vạch ra là có hẳn một công viên lớn ở đây nhưng ngân sách Nhà nước hạn hẹp mà lại không tìm được đối tác để hợp tác công tư nên sau nhiều năm, dự án đó vẫn bị treo. Và trên thực tế, diện tích đất đã vướng quy hoạch thì vẫn thuộc phạm vi quản lý của Nhà nước, có thể được quản lý bởi Tổ chức phát triển quỹ đất hoặc có thể giao cho UBND quận. Nhưng đối tượng quản lý khu đất đó lại thường cho tư nhân thuê đất tạm thời (nhưng thường kéo dài, thậm chí đến cả chục năm) để kinh doanh nhà hàng, quán bia, quán karaoke, dãy ki-ốt bán hàng… Tức là họ vẫn có thể có một nguồn thu khổng lồ từ việc cho thuê đất nên càng chùng chình việc thúc đẩy triển khai thực hiện quy hoạch.

Một thực tế khác là đất đã giao cho tư nhân thực hiện dự án, nhưng chủ đầu tư đó lại chỉ muốn giữ đất, sau đó tìm cách chuyển đổi mục đích. Trong quá trình đó, diện tích đất đã được quy hoạch làm công viên, hồ nước cũng bị sử dụng sai mục đích, làm sân bóng, bãi đỗ xe, hay ki-ốt, nhà hàng…

Chính những cám dỗ về lợi ích đã khiến cho những quỹ đất khổng lồ dành cho công viên, hồ nước chưa được thực hiện theo đúng quy hoạch, nói đúng hơn là trì hoãn việc thực hiện để trong quá trình trì hoãn đó có thể thu lợi hoặc thâu tóm dần quỹ đất theo một số chiêu thức nhất định. Dư luận vẫn thường gọi đó là tình trạng "chảy máu" đất công.

Và cũng chính những cám dỗ về lợi ích từ đất đai đã và đang kéo lùi mọi ý chí, kỳ vọng và cả mục tiêu đã được đặt ra về một đô thị bền vững, chất lượng, trong đó điểm nhấn là các chỉ tiêu về công viên, cây xanh, mặt nước. 

GS.TSKH.Đặng Hùng Võ.

BỨC TRANH VỀ MỘT ĐÔ THỊ LẠC HẬU, THIẾU BỀN VỮNG ĐANG HIỂN HIỆN

PV: Trong bối cảnh nhu cầu về không gian xanh của người dân đô thị đang ngày càng trở nên bức thiết hơn, việc trì hoãn triển khai các quy hoạch và lãng phí nguồn lực đất đai như vậy sẽ gây ra những hệ lụy gì cho hiện tại và cả tương lai sau này?

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Tất nhiên, nếu thực trạng này kéo dài sẽ khiến cho đô thị phát triển không đúng chuẩn mực. Thiếu cây xanh, thiếu mặt nước, thiếu bãi đỗ xe…, tất cả những hạ tầng thiết yếu cho sự phát triển bền vững đều thiếu. Các tiêu chuẩn của một đô thị Việt Nam còn thiếu rất nhiều và kém xa so với các nước phát triển, thậm chí là thiếu hụt rất lớn so với chính bản quy hoạch mà chúng ta đã xác định, những mục tiêu mà chính ta đã đặt ra. Đây là điều rất đáng trách trong quá trình phát triển đô thị tại Việt Nam.

PV: Vấn đề đến bao giờ chúng ta thực hiện được các quy hoạch về công viên, hồ nước đã đặt ra cách đây cả chục năm, hiện nay vẫn còn là dấu hỏi lớn. Chưa nói đến việc, khi thực hiện được thì liệu rằng, quy hoạch có còn phù hợp với nhu cầu thực tế, hay nói cách khác, tầm nhìn quy hoạch đã ở mức xa hơn?

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Đúng như vậy. Tiêu chuẩn xanh trong phát triển đô thị được thế giới coi là tiêu chuẩn phát triển cao nhất, sau đó là tiêu chuẩn về đô thị thông minh. Hiện nay, các nước tiên tiến trên thế giới đã đi những bước rất xa trong phát triển đô thị. Các tiêu chuẩn của một đô thị của họ đã khác so với bản quy hoạch mà hiện nay chúng ta đang thực hiện theo tiêu chuẩn cách đây vài chục năm.

Các quốc gia khác họ đã đi những bước rất dài như vậy nhưng hiện tại chúng ta vẫn chưa thực hiện được các quy chuẩn của vài chục năm trước. Đó là một thực tế rất xót xa khi quá trình đô thị hóa của Việt Nam đang là một nhu cầu rất mạnh. Chúng ta mới đô thị hóa được xấp xỉ 40%. Trong khi, yêu cầu của một nước công nghiệp mà chúng ta đang đặt vạch đích đến năm 2030, ít nhất mức độ đô thị hóa phải đạt 65%. Như Hàn Quốc hiện nay đã đạt khoảng 80%, Nhật Bản đạt trên 90%. Chứng tỏ đô thị hóa của Việt Nam đang chậm. Nhưng ở những nơi đã đô thị hóa xong thì lại kém về chất lượng, không đảm bảo chất lượng, trước hết là chất lượng về không gian sống và môi trường.

Chính vì vậy, để đến năm 2030 thực sự trở thành một nước công nghiệp thì câu chuyện đô thị hóa cần phải được xem xét lại về cách thực thi quy hoạch, thực thi pháp luật để không bị lạc hậu về chất lượng. 

PV: Và một trong những yếu tố quan trọng nhất để đảm bảo chất lượng cho một đô thị đó chính là công viên, cây xanh, hồ nước, là hạ tầng xanh? 

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Đó chính là phát triển xanh và thông minh - hai tiêu chuẩn không thể thiếu của một đô thị phát triển về chất và hướng tới sự bền vững. 

Tất nhiên, phát triển xanh thì không chỉ đơn thuần là công viên cây xanh, hồ nước mà còn nhiều yếu tố khác. Đơn cử như, thiết kế một đô thị theo hệ thống chiếu sáng của mặt trời, hoặc theo các hướng gió của các mùa. Có nhiều điều cần quan tâm. Nhưng hiện nay ở ta, chỉ cần người dân có nhà ở là đã vỗ tay hoan hô. Trong khi, theo tiêu chuẩn phát triển xanh, thì nhà ở của người dân phải được hưởng khí trời, ánh sáng tự nhiên, tiết kiệm năng lượng… Triết lý phát triển xanh là câu chuyện rất rộng. Nhưng từ những yếu tố đơn thuần nhất là cây xanh, là mặt nước chúng ta vẫn chưa đảm bảo được mà đâu đó vẫn còn muốn cắt xén đi thì nói gì đến việc mọi ngôi nhà của người dân đều được “xanh”, hưởng gió trời?!... Đây là chuyện mà nói ra thì có lẽ vẫn còn quá lãng mạn lúc này. Còn thực tế, bức tranh về một đô thị thiếu bền vững, kém chất lượng và phát triển ngược đang dần hiển hiện. 

ĐÂU LÀ LỜI GIẢI? 

PV: Ở nhiều khu đô thị mới, nhà đã mọc lên nhiều, những cuộc đổi chác mua đi bán lại, đẩy giá cũng diễn ra thường xuyên, nhưng thực tế một không gian cộng đồng dân cư thực thụ ở trong khu đô thị đó vẫn chưa được thành hình hay nói cách khác là không lôi kéo được dân cư về ở để hình thành một cộng đồng bền vững mà chỉ có sự kiếm chác của giới đầu cơ. Nguyên nhân có phải do các hạ tầng xã hội, điển hình như công viên, hồ nước, rồi trường học… chưa được triển khai? 

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Có rất nhiều nguyên nhân hình thành những khu đô thị mới hàng đã bán hết nhưng không người ở. Một trong những lý do là người dân chưa muốn ở lại trong khu đô thị đó vì cảm thấy một tương lai chưa rõ ràng. Điều kiện, môi trường sống theo như mong muốn của người mua nhà như có hồ nước, có cây xanh, có sân chơi cho trẻ em, đảm bảo tiện lợi cho đi lại…, tất cả những nhu cầu về hạ tầng cho khu đô thị chưa được hình thành như trong bản vẽ mà chủ đầu tư đưa ra khi bán nhà nên người dân chưa mặn mà với việc chọn đó làm nơi sinh sống, chốn an cư. Nhiều người chỉ đơn thuần mua để dự trữ cho con cái sau này khi giá còn rẻ. Lúc mua, con mới được mấy tuổi chẳng hạn thì lúc đến ở thực cũng phải 15 - 20 năm nữa. 

Hoặc cũng có thể hàng hóa đã đươc nhóm đầu cơ nào đó mua hết để tính đến chuyện trong vòng chục năm nữa mới tung ra cho người mua ở thực. 

Câu chuyện các khu đô thị ở Việt Nam trong tình trạng vắng vẻ, thậm chí trước đây còn có nhiều khu đô thị ma, là ổ của tiêm chích ma túy, tệ nạn xã hội… đã diễn ra rất phổ biến. Thời gian qua, khi thị trường nóng lên đã xóa bỏ được nhiều khu đô thị ma nhưng ở những nơi hạ tầng chưa đủ thì khả năng tụ dân vẫn rất kém mà chủ yếu vẫn mua đi bán lại rất nhiều. 

PV: Tức là một khu đô thị, chỉ khi có đầy đủ hạ tầng xã hội, đặc biệt là hạ tầng xanh thì mới mong có thể hình thành một cộng đồng dân cư trong tương lai gần và dẹp bỏ được đầu cơ? 

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Thực ra, một khu đô thị làm đầy đủ hạ tầng xã hội trước khi bán cũng rất khó, nhất là vấn đề chi phí. Bởi nếu không bán nhà trước, huy động vốn từ khách hàng thì chủ đầu tư không có vốn để thực hiện các hạng mục của dự án. 

Nhưng vấn đề ở đây là việc không đồng bộ trong việc triển khai quy hoạch, gây ra những hậu quả khiến cho đô thị kém chất lượng, các nhu cầu thiết yếu của người dân không được đáp ứng mà sẽ thiếu cái này rồi cái khác và khả năng hút dân về sẽ kém. Trên thực tế có những dự án trong quy hoạch có con đường, nhưng khi người dân về ở đường vẫn chưa xây, dân vẫn phải đi nhờ qua nhà người khác. Ngay cả con đường dẫn vào nhà, điều kiện cần thiết nhất còn không thực hiện, thì nói gì đến công viên, khu vui chơi, giải trí…

Khi bán nhà thì bao giờ chủ đầu tư cũng trưng quy hoạch ra ngay lập tức, rằng sẽ mang đến không gian sống đẳng cấp, có công viên, hồ điều hòa hay có công viên nằm kế bên… nhưng khi về ở thì như mắc phải một cú lừa, mãi không thấy thực hiện. Đó là nhược điểm trong quản lý phát triển đô thị ở Việt Nam. 

PV: Nhưng đáng lẽ trong bối cảnh người dân đô thị đang “khát” không gian xanh khi những rừng bê tông mọc lên ngày càng nhiều thì các quy hoạch về công viên hồ nước phải được ưu tiên trước. Tại sao thực tế lại đi ngược lại? 

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Tất nhiên đó là một lẽ. Nhưng lại có nhiều cái lẽ lớn hơn. Chưa nói đến chuyện nhóm lợi ích mà chỉ nói đến yếu tố thân hữu trong hệ thống quản lý của Việt Nam đã là một câu chuyện dài. Tôi được biết, có trường hợp chỉ cần một bữa nhậu rồi dặn rằng, "đừng xuống chỗ tôi kiểm tra" thì mọi việc lại êm xuôi, lặng yên ở đó. Ai là người chịu thiệt? Người dân chịu. Chủ đầu tư không bị ép phải làm ngay thì vẫn cứ rảnh rang, rề rà.

Việc triển khai các hạ tầng xã hội như công viên, cây xanh… phải được thực hiện ngay, đồng bộ cùng với các hạng mục nhà ở. Cái gọi là tình thân hữu trong quản lý phải dẹp bỏ sớm. Một hệ thống quản lý chuyên nghiệp thì không có thân hữu. Không có thân hữu thì mới mong thực thi đúng chuẩn mực, đúng chức trách, nhiệm vụ và đúng quy định.

GS.TSKH.Đặng Hùng Võ.

PV: Vậy giải pháp thiết thực nhất để thức tỉnh những công viên, hồ điều hòa đang "ngủ quên" là gì, thưa chuyên gia? 

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Thực ra ở các nước, công tác kiểm tra luôn được làm thường xuyên. Việc kiểm tra thường xuyên sẽ nắm bắt được tiến độ thực hiện của từng dự án.Dự án nào sai với quy hoạch, chưa được làm đúng theo quy hoạch và thời hạn thì chính quyền phải yêu cầu thực hiện, nếu không thì phải xử lý, truy trách nhiệm người trễ nải trong việc thực thi.

Còn ở ta, câu chuyện này vẫn chưa làm quyết liệt, nên vẫn còn những xộc xệch như trên. Việc các dự án không thực hiện đúng tiến độ xảy ra thường xuyên nhưng không ai chịu trách nhiệm. Mà ngược lại, đến thời hạn bàn giao, nếu chủ đầu tư chưa thực hiện xong thì lại cho lùi, nới tiến độ.

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ

Tôi cho rằng, nếu không làm tốt công tác kiểm tra thì cần đẩy mạnh thêm cơ chế người dân giám sát. Trên thực tế, cơ chế người dân giám sát sẽ hiệu quả hơn cơ chế kiểm tra. Kiểm tra, thanh tra thì vẫn còn đâu đó tình thân hữu, lợi ích nhóm lẩn khuất dẫn đến các sai phạm bị bao che, bưng bít. Nhưng để người dân giám sát thì không ai đi hối lộ nhân dân được, bởi số lượng quá nhiều. Nên cơ chế người dân giám sát là rất hiệu quả.

Và rõ ràng, trong pháp luật đã quy định điều này nhưng quy định còn chung chung và không thực hiện được. Người dân đưa ý kiến giám sát lên ai, ai là người chịu trách nhiệm giải trình. Tất cả còn rất mù mờ. Muốn thực thi tốt các quy hoạch thì phải cụ thể hóa những điều này vào trong các quy định pháp luật và buộc các bên liên quan phải thực thi đúng. 

PV: Đối với những dự án đã có quy hoạch từ lâu nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa hẹn ngày về đích, cần phải có hướng xử lý như thế nào, thưa ông?

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ: Hướng xử lý thì trong luật đã quy định rõ, vấn đề là có làm đúng hay không. Trong lúc này, cần có cuộc rà soát, kiểm tra những dự án nào chậm tiến độ, trễ nải thực thi quy hoạch, sau đó đưa phương án cụ thể, xác định lại nguồn lực đầu tư để sớm đưa các dự án thành hình. Các dự án này không chỉ gây mất mỹ quan đô thị, mà khi bị treo nhiều năm thì trong khoảng thời gian đó hiệu quả sử dụng đất cũng hoàn toàn tê liệt. Việc để hoang phí đất đai sẽ gây thiệt hại về kinh tế cho Nhà nước.

Và như đã nói, nếu Nhà nước không có ngân sách để thực hiện và sử dụng phương thức hợp tác công tư PPP thì buộc phải chấp hành nghiêm chỉnh việc đấu thầu công khai, tạo ra môi trường đầu tư lành mạnh. Tuy nhiên, hầu hết các dự án ở Việt Nam, đặc biệt là các dự án hạ tầng đều được giao theo hình thức chỉ định. Và phải có mối quan hệ gì ở đây thì doanh nghiệp này mới được giao mà doanh nghiệp kia không được giao. Việc giao đất dự án cho chủ đầu tư theo “quan hệ”, “cơ chế xin cho”; giao đất nhưng không tính đến tiêu chí như nhà đầu tư có năng lực hay không, khả năng triển khai dự án thế nào dẫn tới sự thất thoát ngân sách Nhà nước như tại nhiều dự án "treo" hiện nay”. 

Và khi đã làm theo chỉ định, thì thường sẽ bị méo mó về chất lượng, thiếu hạng mục này, trống hạng mục kia. Nhưng kể cả đấu thầu một dự án đầu tư công theo hình thức đối tác công tư thì cũng phát sinh nhiều vấn đề bất cập, không loại trừ còn quân xanh, quân đỏ, móc nối tiêu cực… Nên quan trọng nhất là minh bạch và câu chuyện thực thi phải quyết liệt theo đúng quy định. Lợi ích của Nhà nước phải gắn với lợi ích của dân. Khi những cám dỗ lợi ích từ chênh lệch giá trị đất đai vẫn còn thì chưa biết đến bao giờ các dự án "treo" mới được viết tiếp số phận, trong đó, bao gồm cả những dự án công viên, hồ điều hòa đang tạo nên nghịch lý: Nơi cần không có, nơi có bỏ không./.

GS.TSKH. Đặng Hùng Võ

TS.KTS. Trương Văn Quảng.

 

TS.KTS. Ngô Doãn Đức

27/02/2021 6:00
Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top