Tháng đầu tiên của thập niên mới, thế giới chứng kiến căn bệnh viêm phổi do chủng mới virus corona (nCoV) gây ra tại Vũ Hán - Trung Quốc, khiến ký ức về đại dịch SARS năm 2003 trở lại, bao trùm nỗi lo suy thoái lên kinh tế Trung Quốc và toàn cầu.
Gần hai năm chiến tranh thương mại căng thẳng, Mỹ và Trung Quốc đang dần đi tới đàm phán song phương thuận lợi thì bất ngờ dịch bệnh lại bùng phát, cản trở lớn tới du lịch và thương mại toàn cầu.
Giá vàng đã tăng mạnh kể từ khi những tin tức về virus corona trở thành tâm điểm trên các mặt báo. Trong tháng 1 vừa qua, giá vàng mở cửa tại vùng 1.520 đô la Mỹ, đóng cửa ở mức 1.590 đô la/ounce, tăng 4,6%. Đặc biệt, giá vàng lần đầu vượt mốc 1.600 đô la Mỹ, đạt đỉnh 1.611 đô la/ounce - đây là lần đầu giá vàng chạm tới ngưỡng này kể từ tháng 3/2013.
Ngay cả giai đoạn chiến tranh thương mại căng thẳng nhất và giới đầu tư cũng đã tưởng tượng đến việc giá vàng chạm mốc 1.600 đô la Mỹ thì thực tế nó cũng chưa bao giờ “leo” cao đến như thời điểm này.
Có một vài nguyên nhân để cho thấy rủi ro từ dịch bệnh này tới tăng trưởng kinh tế Trung Quốc và toàn cầu là nghiêm trọng và rất khó lường.
Thứ nhất, không giống như chiến tranh thương mại làm hạn chế thương mại giữa Mỹ và Trung Quốc và đâu đó định hướng dòng chảy thương mại thế giới theo một trật tự mới hơn, dịch bệnh bùng phát làm thương mại của thế giới với Trung Quốc giảm ở mức tối đa, thậm chí là ngừng, đóng cửa.
Đã không ít quốc gia tạm ngừng giao thương với nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới này, như Triều Tiên, Nga, thậm chí bạn hàng quan trọng của Trung Quốc là Việt Nam đã tạm đóng nhiều cửa khẩu, lối mòn để giảm thiểu lan truyền dịch bệnh. Việc hạn chế thương mại sẽ ảnh hưởng tới cán cân xuất nhập khẩu của Trung Quốc, tạo áp lực lớn cho tăng trưởng.
Thứ hai, nó tác động mạnh mẽ tới ngành du lịch của thế giới. Không chỉ ở Trung Quốc mà các quốc gia đang có trường hợp lây nhiễm virus corona cũng đã hạn chế tối đa việc giao tiếp, gặp gỡ và đi du lịch khi chứng kiến số ca nhiễm ngày một gia tăng và số ca tử vong có xu hướng tăng mạnh.
Nhiều quốc gia đã ngừng và hoãn vô thời hạn các chuyến bay tới Trung Quốc, đặc biệt các vùng dịch, ngoại trừ trường hợp đặc biệt. Du lịch sụt giảm cũng khiến tăng trưởng kinh tế của các quốc gia này gặp nhiều thiệt hại.
Với kinh tế thế giới thì Trung Quốc là thị trường khách du lịch lớn nhất, vốn được coi là động lực ngành du lịch thế giới. Nhật Bản, Úc, Thái Lan là những nước có nguồn thu lớn từ du khách Trung Quốc trong những năm qua.
Theo nghiên cứu của Viện Nghiên cứu Nomura Nhật Bản, kinh tế Nhật có thể thiệt hại 0,45 điểm phần trăm GDP trong năm nay trong trường hợp virus corona gây thiệt hại du lịch trong cả năm.
Tương tự với Úc, Trung Quốc là thị trường du lịch quốc tế lớn nhất của quốc gia này, với nguồn thu khoảng 12 tỷ đô la Úc mỗi năm, đặc biệt dịp Tết Âm lịch là mùa du lịch lớn nhất trong năm của người Trung Quốc đã gần như đóng cửa khi dịch bệnh bùng phát từ trước Tết.
Thứ ba, tổn thất cho nền kinh tế thứ 2 thế giới, cũng như tăng trưởng chung toàn cầu trong năm nay còn tới từ việc quốc gia này buộc phải cho người dân nghỉ lễ dài hơn, hạn chế tối đa việc ra ngoài và các tụ điểm công cộng, cũng như các lễ hội văn hóa, giải trí đã bị nghiêm cấm và hủy lịch.
Điều này làm xáo trộn hoạt động sản xuất, kinh tế đình trệ có thể dẫn tới thất nghiệp gia tăng, cầu tiêu dùng sụt giảm, làm giảm tăng trưởng.
Một điều đáng lo ngại nữa là niềm tin của nhà đầu tư trên thị trường đang suy giảm. Thị trường chứng khoán vốn liên tục bốc hơi. Chỉ số ở thị trường chứng khoán Thượng Hải giảm tới 8,73%, thổi bay gần 370 tỷ đô la vốn hóa thị trường; chỉ số VN-Index giảm hơn 4%, xuống dưới 900 điểm, thấp nhất trong ba năm qua vào đầu tháng 2. Chỉ số Dowjones mở cửa phiên New York ngày 7/2 đã giảm 0,62% bất chấp dữ liệu kinh tế tháng 1 của Mỹ rất khả quan.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ kỳ hạn 10 năm tiếp tục giảm mạnh về mốc 1,57%, ngang bằng với kỳ hạn ba tháng, sau những dự báo về việc Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) sẽ tiếp tục giảm lãi suất trong năm nay để hạn chế tác động dịch bệnh lên kinh tế Mỹ, khiến đường cong lợi suất tiếp tục đảo ngược - kể từ giai đoạn chiến tranh thương mại căng thẳng năm 2019.
Giới đầu tư đang bi quan về tăng trưởng toàn cầu có thể ảm đạm hơn trong năm nay. Đặc biệt đã có những dự báo rằng Trung Quốc sẽ tăng trưởng 0% trong quý 1/2020 làm dấy lên nguy cơ suy thoái trong tương lai gần. Sự bi quan trong giới đầu tư có thể đẩy cầu đầu tư Trung Quốc giảm mạnh trong năm nay.
Mới đây, Ngân hàng Trung ương Trung Quốc (PBoC) đã tiếp tục giảm 0,1 điểm phần trăm lãi suất điều hành và tiếp tục bơm tiền vào nền kinh tế. Trung Quốc đang trải qua giai đoạn bất ổn định khi liên tiếp gặp áp lực từ tài chính quốc tế và các vấn đề trong nước trong nhiều năm qua. Các nỗ lực cải thiện tổng cầu qua tài khóa hay tiền tệ đều chưa thể kéo tăng trưởng lên mức cao hơn. GDP năm 2019 của Trung Quốc đạt 6,1%, mức thấp nhất trong ba thập niên qua và chỉ đạt mục tiêu ở cận dưới trong kỳ vọng tăng trưởng đề ra trong ngưỡng (6 - 6,5%).
Như vậy, ở góc độ tổng cầu, kinh tế Trung Quốc đang bị áp lực ở hầu hết các thành tố: xuất nhập khẩu, đầu tư và tiêu dùng. Trước những tác động mạnh mẽ của dịch bệnh tới kinh tế Trung Quốc và toàn cầu, việc giới đầu tư tìm tới vàng như một hệ quả tất yếu đẩy giá vàng tăng mạnh thời gian qua.
Với dự báo đỉnh dịch diễn ra trong tuần trước, nhiều khả năng giá vàng sẽ tiếp tục tăng cao hơn, có thể trở lại mốc 1.600 đô la.
Giá vàng trong nước cũng đang bám rất sát giá vàng thế giới trong thời gian qua. Giá vàng trong nước tăng cao và bám sát giá vàng quốc tế cho thấy cầu đầu tư vàng khá lớn, song nguồn cung vẫn đủ bù đắp nhu cầu khi giá vàng trong nước vẫn thấp hơn giá vàng thế giới. Dự kiến nhu cầu có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới khi diễn biến dịch dự báo còn nhiều khó khăn và nguy hiểm.