Aa

Covid-19 sẽ thay đổi tư duy kiến trúc của thế giới như thế nào?

Chủ Nhật, 22/08/2021 - 06:00

Nhiều chuyên gia và kiến trúc sư trên thế giới nhận định rằng, đại dịch Covid-19 sẽ đem đến những thay đổi căn bản trong cách con người định hình và hiện thực hóa những công trình kiến trúc.

Covid-19 đã làm xáo trộn những khối kiến trúc 

Đại dịch Covid-19 khiến nhiều thành phố trên thế giới phải phong tỏa, giãn cách xã hội trong thời gian dài, tất cả mọi người được yêu cầu ở yên trong nhà và chỉ ra ngoài khi có việc cần thiết. Các tòa nhà văn phòng cao tầng không còn là nơi làm việc lý tưởng, không gian công cộng không còn là nơi tụ tập xã hội. Tất cả không gian của con người được chia thành những “miếng nhỏ” cho từng cá nhân để đạt được hiệu quả giãn cách. 

Nhà ở trở thành không gian tích hợp của rất nhiều mục đích khác nhau. Không chỉ để ở, nhà trở thành văn phòng làm việc, phòng họp, phòng học, phòng tập gym... Covid-19 biến sân vận động, hội trường - bất cứ nơi nào có đủ không gian trở thành bệnh viện dã chiến. 

Những công trình kiến trúc càng lớn, càng kết nối được nhiều người thì càng rơi vào cuộc khủng hoảng của chính nó. Giờ đây người ta cần tách nhau ra hơn bao giờ hết. Như cái cách mà nhà phê bình nghệ thuật và kiến trúc Philip Kennicott - người đoạt giải Pulitzer về phê bình năm 2013 viết trên trang The Washington Post ngày 13/7/2020: “Đây không chỉ là một bi kịch của xã hội, mà còn là mốc đánh dấu sự thất bại của kiến trúc và là bằng chứng thực tiễn chỉ ra cách con người sẽ đối xử với những tòa nhà nếu chúng không thể đáp ứng nhu cầu của họ”.

bệnh viện dã chiến, kiến trúc, kiến trúc hậu covid-19, covid-19
Bệnh viện dã chiến được xây dựng tại Trung tâm Hội nghị Washington

Trở lại khoảng thời gian Covid-19 chưa xuất hiện như một mối lo hàng đầu của mọi quốc gia trên thế giới, những công trình kiến trúc tại các thành phố lớn được thiết kế để tối ưu hóa không gian một cách triệt để. Tất cả mục đích của con người trong bất cứ hoạt động nào đều được tích hợp trọn vẹn vào các tòa cao ốc, với hệ thống thang máy giúp di chuyển nhanh hơn. Nếu như không gian nào có thể chia sẻ thì nhất định sẽ trở thành không gian công cộng dùng chung. Và thế là chúng ta có những tòa cao ốc căn hộ với số lượng người ngang với một vài ngôi làng. Những tòa nhà văn phòng đều là điểm đến mỗi ngày của hàng chục, hàng trăm nhân viên từ rất nhiều công ty. 

Nhưng khi Covid-19 hoành hành và khiến con người có thêm nhu cầu, hoặc yêu cầu, phải giãn cách, phải tách nhau ra vì bất cứ ai cũng có thể là người nhiễm virus, thì những tòa nhà cao tầng không còn đủ an toàn. Nó có thể trở thành ổ dịch bất cứ lúc nào nếu người ta còn tiếp tục chen chúc trong thang máy và chia sẻ không gian với nhau. Làm việc từ xa trở thành hình thức được ưu tiên hơn bao giờ hết, và do đó, công năng của những tòa nhà sụt giảm. 

Covid-19 cũng khiến kiến trúc nhà ở lộ rõ những giới hạn cản trở con người. Những căn nhà không đủ riêng tư để từng thành viên kết nối với phần còn lại của thế giới theo cách riêng của họ. Những căn nhà gói gọn hoạt động của tất cả mọi người đủ trong 4 bức tường đang tự biến nó thành phòng giam, nơi một gia đình đối diện với nhau và đối diện với cách ly xã hội mỗi ngày. 

giãn cách, covid-19, kiến trúc, kiến trúc hậu covid-19
Đường phố vắng vẻ tại thành phố Madrid do lệnh hạn chế ra đường của Chính phủ Tây Ban Nha (Nguồn: cntraveler)

Kiến trúc công cộng cũng không nằm ngoài những hệ quả do Covid-19. Bất cứ không gian nào càng mở, càng chứa được nhiều người thì càng sớm bị phong tỏa khi làn sóng Covid-19 tràn vào khu vực. Công viên, quảng trường, nhà hát, sân vận động... đều sẽ bị trưng dụng cho một công năng khác nằm ngoài mục đích xây dựng của chúng nếu hoàn cảnh bắt buộc và điều kiện cho phép. Mọi thứ bị xáo trộn quá nhanh và trong một thời gian rất lâu, khiến chúng ta phải nhìn nhận lại những định hình kiến trúc, bởi thiên tai địch họa là quy luật khách quan và những gì cần phải làm nhanh, làm trước là thích nghi với hoàn cảnh.

Kiến trúc hậu Covid-19 sẽ như thế nào? 

Nhiều kiến trúc sư và chuyên gia trên thế giới đã đưa ra những dự đoán về sự thay đổi trong tư duy kiến trúc sau đại dịch Covid-19. Thậm chí những sự thay đổi này có thể diễn ra ngay cả khi đại dịch vẫn còn tồn tại. Trong một bài phỏng vấn được đăng trên tạp chí Archdaily, kiến trúc sư nổi tiếng Kengo Kuma - tác giả của nhiều công trình danh giá, trong đó có sân vận động Quốc gia Nhật Bản phục vụ cho Olympic Tokyo 2020 đã khẳng định: “Tất cả chúng ta đều phải thay đổi cách suy nghĩ của mình ngay từ bây giờ. Tôi muốn thay đổi phong cách kiến trúc của tôi gần với tự nhiên hơn nữa”. 

Nhà đồng sáng lập KPMB Architects, bà Marianne Mckenna khi chia sẻ quan điểm về kiến trúc trong bài viết “How the architecture industry will change post Covid-19” (tạm dịch: Công nghiệp kiến trúc sẽ thay đổi như thế nào hậu Covid-19) trên trang Canadian Architect ngày 03/03/2020, cũng khẳng định “Rethink everything” (Nghĩ lại tất cả mọi thứ) sẽ trở thành xu hướng mới trong giới kiến trúc sau đại dịch. Bà Mckenna cho rằng: “Chúng ta đã phải tạm dừng mọi hoạt động. Đây là cơ hội để suy nghĩ lại về mọi thứ - cách chúng ta xây dựng các thành phố và cộng đồng trở nên bền bỉ, khỏe mạnh, xinh đẹp, xanh tươi và sáng tạo hơn nữa. Với tư cách là kiến ​​trúc sư, đây là thời điểm chúng ta đến với nhau, không chỉ bằng trí tưởng tượng, mà còn là lý tưởng và sự ủng hộ cho một tương lai nơi thế giới hài hòa với thiên nhiên, nơi mà sự đổi mới và trí tưởng tượng được ưu tiên cho các giải pháp nâng cao chất lượng cuộc sống”. 

Nếu kiến trúc phải thay đổi, vậy chúng ta sẽ thay đổi kiến trúc như thế nào? Có lẽ sau một trận đại dịch khiến cuộc sống của con người bị đảo lộn, xu hướng sống xanh, sống gần gũi, chan hòa với thiên nhiên sẽ trở thành một xu hướng phát triển mạnh mẽ của thời kỳ mới. Từ xa xưa, nghệ thuật kiến trúc đã chỉ ra rằng con người không thể sống bền vững nếu kiên quyết tách khỏi tự nhiên và chỉ dựa vào thành tựu khoa học của mình. 

Kiến trúc sư Nguyễn Tuấn Nghĩa, Giám đốc điều hành của Nghia-Architect đã khẳng định: “Trong suốt quá trình tiến hoá, tồn tại và thích nghi của con người hiện đại, tạm gọi là quãng thời gian hình thành và tồn tại kiến trúc, thiên nhiên là thứ không thể tách rời. Những đô thị cổ đại, những lối sống bền vững đều gắn với thiên nhiên và cùng cộng sinh để phát triển. 

Con người hiện đại được tiến hoá cũng như những hình thái kiến trúc gắn với lối sống hiện nay đều còn rất ngắn ngủi so với sự tồn tại của tự nhiên. Do vậy, ngay cả khi không có những đại dịch Covid-19 như hiện nay (hay dịch cúm Tây Ban Nha khủng khiếp nhất trong lịch sử) thì các không gian sống đủ tốt, bền vững và giúp con người có thể vượt qua những khoảng thời gian cô lập hay tự cách ly vẫn là những không gian nên gắn với thiên nhiên” (Tác động của đại dịch Covid-19 đến thiết kế và kiến trúc bền vững, Construction+). 

Rõ ràng, đại dịch đã khiến con người phải suy nghĩ lại về cách mình sẽ sống, tồn tại và phát triển. Lối sống bền vững dựa vào tự nhiên, hạn chế tác động tiêu cực đến môi trường và giảm thiểu sự phụ thuộc vào những thành quả nhân tạo sẽ là nền tảng vững chắc để con người thích ứng nhanh với thiên tai. Khi tất cả chúng ta đều nhận thấy rằng sự sống của mình là quá nhỏ và mong manh trước bất kỳ hiểm họa nào từ tự nhiên, xu hướng kiến trúc bền vững cộng sinh với môi trường sẽ trở thành sự lựa chọn an toàn và khôn ngoan. 

mô hình giãn cách hậu covid-19, giãn cách, đô thị xanh, kiến trúc, kiến trúc hậu covid-19
Mô hình đạt giải Nhất cuộc thi Ý tưởng kiến trúc cho thời kỳ hậu Covid-19 của thành phố Seoul có tên “The Invisible Mask” (Mặt nạ vô hình) nhằm biến không gian công cộng trở nên xanh hơn và cá nhân hơn (Nguồn: Archdaily)

Liệu trong tương lai, chúng ta có tiếp tục sống trong một mô hình giãn cách tất cả không gian mà con người có được? Các tòa nhà sẽ không còn là nơi chào đón hàng trăm con người vào cùng một thời điểm, mà con số đó liệu có giảm một nửa? Không gian công cộng liệu có còn nguyên những vạch giãn cách? Quán cafe, nhà hàng liệu có tiếp tục xếp những hàng bàn ghế cách xa nhau nhiều hơn 2m? Liệu con người sẽ cẩn trọng với cộng đồng nhiều hơn trong một thế giới có thể xuất hiện một chủng virus nguy hiểm bất kỳ lúc nào? Tất cả những giả thiết đó đều có khả năng, bởi thực tế đã cho chúng ta thấy rằng tập trung đông người là một trong những nguyên nhân chính làm dịch bệnh bùng phát mạnh mẽ trong cộng đồng. 

hậu covid-19, kiến trúc, kiến trúc hậu covid-19
Mô hình giãn cách không gian công cộng trong tương lai hậu Covid-19 (Nguồn: The New Yorker)

Có lẽ chúng ta sẽ sống trong một thế giới mà con người cần chuẩn bị sẵn những kịch bản để đối phó với dịch bệnh một cách nhanh nhất và hiệu quả nhất. Trong đó, kiến trúc sẽ phải chịu trách nhiệm phân chia không gian để con người có thể sống biệt lập, ngay cả trong môi trường công cộng, mà vẫn cảm nhận được thế giới cùng với niềm hy vọng mọi thứ sẽ trở lại. Có lẽ chúng ta sẽ được chứng kiến một cuộc cách mạng đổi mới trong nghệ thuật kiến trúc và những thành quả sáng tạo đầy bất ngờ của cuộc cách mạng ấy./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top