Hà Nội vào cuộc, liệu bài toán tranh chấp chung cư có lời giải?
Mới đây, Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Trần Sỹ Thanh vừa ký Quyết định 2892/QĐ-UBND thành lập Đoàn kiểm tra việc triển khai thực hiện Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28/6/2019 của Ban Thường vụ Thành ủy và Kế hoạch số 241/KH-UBND ngày 15/11/2019 của UBND Thành phố về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng và quản lý Nhà nước đối với việc vận hành, sử dụng nhà chung cư tại một số quận, huyện, thị xã.
Đoàn kiểm tra do Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội Dương Đức Tuấn làm Trưởng đoàn. Các Phó trưởng đoàn và thành viên gồm lãnh đạo các sở, ngành: Xây dựng, Công an, Thanh tra, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Quy hoạch - Kiến trúc, Tài nguyên và Môi trường, Cục Thuế, Ban Nội chính Thành ủy. Danh sách kiểm tra bao gồm các quận Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Hoàng Mai.
Theo đó, đoàn sẽ kiểm tra về công tác quản lý Nhà nước đối với việc vận hành, sử dụng nhà chung cư tại các quận gồm: Thanh Xuân, Hà Đông, Hai Bà Trưng, Đống Đa và Hoàng Mai.
Được biết, trên địa bàn Hà Nội hiện nay có hơn 930 nhà chung cư đã hoàn thành, đưa vào sử dụng; trong đó, có 132 nhà chung cư đưa vào sử dụng trước khi Luật Nhà ở năm 2005 có hiệu lực vào ngày 1/7/2006 và hơn 800 nhà chung cư đưa vào sử dụng sau thời điểm này.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong số 132 chung cư đưa vào sử dụng chỉ có 93 chung cư đã thành lập Ban quản trị, số còn lại do xây dựng trước thời điểm Luật Nhà ở năm 2005, không có kinh phí bảo trì nên cư dân không muốn thành lập Ban quản trị. Đối với hơn 800 nhà chung cư đưa vào sử dụng sau ngày 1/7/2006, hiện có 567 nhà chung cư đã thành lập Ban quản trị, nhưng chỉ có 414 nhà chung cư đã bàn giao kinh phí bảo trì 2% cho Ban quản trị.
Thời gian qua, các cấp, ngành ở Hà Nội mặc dù đã tăng cường nhiều biện pháp kiểm tra, xử lý vi phạm trong quản lý, vận hành nhà chung cư, song trên thực tế vẫn còn tồn tại nhiều bất cập, gây bức xúc trong cư dân.
Theo Sở Xây dựng Hà Nội, những vụ tranh chấp giữa chủ đầu tư và cư dân không chỉ riêng về quỹ bảo trì mà còn nhiều vấn đề khác như: Chậm bàn giao giấy chứng nhận quyền sử dụng nhà đất, tranh chấp diện tích sử dụng chung, chậm bảo hành, tranh chấp phần diện tích chung - riêng, an toàn phòng cháy, chữa cháy… Tuy nhiên, nổi cộm nhất đó là những sai phạm về quy hoạch và xây dựng.
Cần làm rõ trách nhiệm chủ đầu tư và giải quyết triệt để vi phạm
Với việc chính quyền Hà Nội lập đoàn kiểm tra, nhiều cư dân đang sinh sống tại các chung cư trên địa bàn 5 quận nêu trên kỳ vọng câu chuyện tranh chấp với chủ đầu tư bấy lâu nay sẽ có lời giải. Dư luận chứng kiến nhiều vụ việc cư dân bức xúc nên đã căng băng rôn, biểu ngữ yêu cầu chủ đầu tư giải quyết quyền lợi chính đáng của mình. Thế nhưng, chủ đầu tư dường như buông bỏ trách nhiệm, phó mặc cho chính quyền địa phương.
Đơn cử như các hộ dân đang sinh sống tại chung cư Mỹ Sơn Tower (địa chỉ 62 Nguyễn Huy Tưởng, phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân, Hà Nội) nhiều năm qua đội đơn kêu cứu các cấp chính quyền. Theo đó, chung cư Mỹ Sơn Tower được chủ đầu tư là Công ty Cổ phần Đầu tư và xuất nhập khẩu Mỹ Sơn (Công ty Mỹ Sơn) đưa vào sử dụng từ năm 2017, tuy nhiên đến nay còn tồn tại nhiều bất cập.
Theo phản ánh, đa số hộ dân mua căn hộ chung cư và nộp tiền cho Công ty Mỹ Sơn, nhưng đến nay chưa nhận được đầy đủ hóa đơn VAT. Bên cạnh đó, công trình chung cư chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy (PCCC), một số hạng mục công trình chưa được nghiệm thu đưa vào sử dụng, nhưng chủ đầu tư đã cho thuê văn phòng hoạt động kinh doanh gây ảnh hưởng đến đời sống của cư dân.
“Chúng tôi đề nghị UBND TP. Hà Nội vào cuộc kiểm tra, làm rõ những sai phạm về xây dựng, PCCC… của chủ đầu tư Công ty Mỹ Sơn. Hàng trăm hộ dân chúng tôi luôn phải sống trong tâm trạng thấp thỏm lo âu về việc chung cư không đảm bảo an toàn phòng cháy chữa cháy”, một cư dân chung cư Mỹ Sơn chia sẻ.
Theo nội dung văn bản trả lời đơn thư cư dân chung cư Mỹ Sơn Tower vào ngày 16/5/2022, Đội Quản lý trật tự xây dựng đô thị quận Thanh Xuân cho biết, trong quá trình thực hiện dự án chủ đầu tư đã thi công xây dựng sai so với giấy phép xây dựng và hồ sơ thiết kế được duyệt như tăng diện tích, thay đổi chiều cao công trình, tại tầng mái tòa nhà chủ đầu tư xây dựng một khu tâm linh khoảng 30m²…
Về các vi phạm PCCC tại dự án, năm 2019 Công an Thành phố đã xử phạt Công ty Cổ phần Đầu tư và xuất nhập khẩu Mỹ Sơn 80 triệu đồng với hành vi “đưa nhà, công trình vào hoạt động, sử dụng khi chưa tổ chức nghiệm thu về PCCC”. Bên cạnh đó, UBND quận Thanh Xuân cũng xử phạt chủ đầu tư 75 triệu đồng về hành vi đưa công trình vào sử dụng khi chưa được cơ quan chức năng có thẩm quyền chấp thuận nghiệm thu công trình.
Trên đây chỉ là một trong vô số các tranh chấp tại các chung cư tại 5 quận “tâm điểm” nằm trong danh sách đoàn kiểm tra sẽ “sờ gáy”. Đây là vấn đề “nóng” suốt một thời gian dài, nên việc chính quyền Hà Nội chỉ đạo các sở, ngành chuyên môn vào cuộc kiểm tra, giải quyết được đánh giá là rất kịp thời, quan tâm đến quyền lợi sát sườn của người dân.
Thế nhưng, không chỉ các cư dân sinh sống tại các chung cư đang có tranh chấp mà dư luận đang chờ đợi sự vào cuộc quyết liệt của Hà Nội cũng như đoàn kiểm tra và quy rõ được tránh nhiệm của các chủ đầu tư. Từ đó, căn cứ vào các chế tài xử lý yêu cầu chủ đầu tư khắc phục triệt để những vi phạm, tồn tại đang diễn ra. Có như vậy, mục tiêu nêu rõ trong Kế hoạch số 241/KH-UBND về việc triển khai Nghị quyết số 26-NQ/TU ngày 28/6/2019 của Thành ủy Hà Nội mới đạt được một cách hiệu quả nhất./.