Aa

Cú hích lớn cho việc nâng đời các tuyến cao tốc phân kỳ

Chủ Nhật, 09/06/2024 - 06:00

Sẽ sử dụng một phần gói trái phiếu chính phủ cho giao thông trị giá 165.000 tỷ đồng để thực hiện đầu tư mở rộng các dự án cao tốc trên tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô quy hoạch.

Cần tầm nhìn 20 năm

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký Công văn số 4243/BKHĐT-PTHTĐT gửi Thủ tướng Chính phủ về phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh.

Trước đó, tại Công văn số 2969/VPCP-CN ngày 3/5/2024, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan xem xét, tổng hợp đề nghị của Bộ GTVT tại Tờ trình số 3790/BGTVT-CĐCTVN về phương án đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh.

Một trong những đề xuất đáng chú ý nhất trong Công văn số 4243/BKHĐT-PTHTĐT là Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho phép phát hành gói trái phiếu chính phủ khoảng 165.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án hạ tầng giao thông. Trong đó, giao Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) ưu tiên đầu tư mở rộng các dự án cao tốc 4 làn xe hạn chế, 4 làn hoàn chỉnh trên tuyến cao tốc Bắc - Nam theo quy mô quy hoạch, đảm bảo đáp ứng nhu cầu vận tải hành khách và hàng hóa thực tế trong tương lai với tầm nhìn dài hạn trên 20 năm.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng kiến nghị giao Bộ GTVT khẩn trương hoàn thiện thủ tục đầu tư đối với các dự án đã dự kiến cân đối nguồn vốn ngân sách bổ sung để nâng cấp các dự án cao tốc La Sơn - Hòa Liên, Cam Lộ - La Sơn (hiện có quy mô 2 làn xe); Cao Bồ - Mai Sơn (4 làn xe hạn chế), sớm triển khai mở rộng đáp ứng nhu cầu.

Bộ GTVT cũng cần khẩn trương hoàn thành nghiên cứu phương án đầu tư mở rộng đoạn TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận theo phương thức PPP, báo cáo cấp thẩm quyền xem xét, quyết định, trong đó báo cáo rõ về thuận lợi, khó khăn của việc đầu tư theo phương thức PPP.

Tại Công văn số 4243/BKHĐT-PTHTĐT, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị Thủ tướng giao Bộ GTVT rút kinh nghiệm về việc tính toán, dự báo lưu lượng khi đề xuất đầu tư các dự án cao tốc có quy mô 2 làn xe, quy mô phân kỳ, đến nay phải đề xuất mở rộng ngay khi mới đưa vào khai thác sử dụng; đồng thời rà soát lại quy mô quy hoạch, nhu cầu thực tế, dự báo lưu lượng, đảm bảo tầm nhìn dài hạn 20 năm đối với các đoạn tuyến ra vào cửa ngõ các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM.

"Trường hợp cần thiết, Bộ GTVT báo cáo Thủ tướng điều chỉnh quy hoạch, làm cơ sở xây dựng phương án đầu tư nâng cấp, mở rộng phù hợp và phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, các cơ quan liên quan tổng hợp nhu cầu đầu tư để báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép phát hành gói trái phiếu chính phủ đầu tư các dự án GTVT", Công văn số 4243/BKHĐT-PTHTĐT nêu rõ.

Cùng với trách nhiệm chủ lực của Bộ GTVT trong việc nâng đời các tuyến cao tốc phân kỳ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị người đứng đầu Chính phủ giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chỉ đạo Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) nghiên cứu, đề xuất cụ thể phương án mở rộng các cao tốc: TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Hà Nội - Lào Cai (đoạn Yên Bái - Lào Cai), cầu Giẽ - Ninh Bình (để đồng bộ với quy mô của đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cao Bồ - Mai Sơn sau khi được mở rộng lên 6 làn xe), báo cáo Thủ tướng về các dự án nêu trên, trong đó cần làm rõ khả năng thực hiện, khó khăn, vướng mắc, cơ sở pháp lý, thẩm quyền quyết định.

Liên quan đến việc tìm nguồn kinh phí cho việc đầu tư, nâng cấp các tuyến đường bộ cao tốc phân kỳ đạt quy mô hoàn chỉnh, Bộ Kế hoạch và Đầu tư kiến nghị giao Bộ Tài chính phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ GTVT và các cơ quan liên quan báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép phát hành gói trái phiếu chính phủ 165.000 tỷ đồng để đầu tư các dự án hạ tầng.

Cú hích lớn cho việc nâng đời các tuyến cao tốc phân kỳ- Ảnh 1.

Một đoạn cao tốc Hà Nội - Lào Cai. Ảnh: Đức Thanh

Thêm động lực quý

Tại Tờ trình số 3790/BGTVT-CĐCTVN, Bộ GTVT đã đề xuất thứ tự ưu tiên đầu tư các tuyến cao tốc phân kỳ theo 4 nhóm.

Nhóm 1 đầu tư nâng cấp 5 tuyến cao tốc có nhu cầu cấp bách, gồm: La Sơn - Hòa Liên, Cam Lộ - La Sơn, Cao Bồ - Mai Sơn, Trung Lương - Mỹ Thuận (thuộc cao tốc Bắc - Nam phía Đông) và Hòa Lạc - Hòa Bình. Sơ bộ tổng mức đầu tư khoảng 55.318 tỷ đồng, trong đó vốn nhà nước khoảng 15.034 tỷ đồng (ngân sách địa phương đã cân đối 3.028 tỷ đồng; ngân sách trung ương đã cân đối 5.006 tỷ đồng, còn thiếu 7.000 tỷ đồng); vốn nhà đầu tư huy động khoảng 40.284 tỷ đồng.

Nhóm 2 đầu tư nâng cấp 3 tuyến cao tốc nhằm đáp ứng nhu cầu vận tải và khai thác đồng bộ với các đoạn cao tốc liền kề đã khai thác, đang đầu tư quy mô 4 làn xe gồm: Yên Bái - Lào Cai; Thái Nguyên - Chợ Mới; cao tốc Hải Phòng - Thái Bình. Tổng nhu cầu vốn nhà nước khoảng 18.683 tỷ đồng.

Nhóm 3 nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 2 làn xe còn lại đạt quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh gồm: Tuyên Quang - Hà Giang; Hòa Bình - Mộc Châu giai đoạn I; Đồng Đăng - Trà Lĩnh giai đoạn I; tuyến nối cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng với cửa khẩu Tân Thanh và cửa khẩu Cộc Nam; đường Hồ Chí Minh, đoạn Chơn Thành - Đức Hòa. Sơ bộ nhu cầu vốn khoảng 50.837 tỷ đồng từ nguồn ngân sách trung ương.

Nhóm 4 nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ 4 làn xe hạn chế còn lại. Tính toán sơ bộ cho thấy, phương án nâng cấp theo quy mô quy hoạch, nhu cầu vốn nhà nước cần bổ sung khoảng 410.572 tỷ đồng.

Theo đánh giá của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, danh mục và nhu cầu đầu tư các tuyến cao tốc được đề cập tại Tờ trình số 3790/BGTVT-CĐCTVN tương đối đầy đủ, bao gồm các dự án do Bộ GTVT, VEC và các địa phương là cơ quan chú quản theo các phương thức đầu tư công, PPP, doanh nghiệp nhà nước. Tuy nhiên, việc phân loại các nhóm dự án chưa sát với nguyên tắc, tiêu chí ưu tiên đầu tư; chưa đảm bảo sự phù hợp với nguồn vốn và khả năng cân đối vốn.

Bên cạnh đó, đề xuất tổ chức thực hiện chưa bao quát, toàn diện các dự án, chưa đúng thẩm quyền xử lý của Bộ GTVT và các địa phương. Quy mô đề xuất các dự án đầu tư mở rộng cũng chưa đảm bảo tầm nhìn dài hạn về nhu cầu phát triển trong tương lai đối với một số tuyến cửa ngõ các thành phố lớn, có nhu cầu vận tải cao như: cao tốc TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; TP.HCM - Trung Lương...

“Một số tuyến cần đầu tư đồng bộ với các đoạn liền kề như đoạn Pháp Vân - Cầu Giẽ đang khai thác 6 làn xe, đoạn Cầu Giẽ - Ninh Bình giữ nguyên 4 làn hoàn chỉnh, trong khi lại đề xuất mở rộng đoạn Cao Bồ - Mai Sơn lên 6 làn xe”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu ví dụ.

Theo quan điểm của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, việc đầu tư mở rộng các đoạn cao tốc có quy mô 2 làn xe (đã hoàn thành, đang đầu tư) lên quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh để đảm bảo an toàn giao thông và đồng bộ trên toàn tuyến.

Trong đó, cần ưu tiên các đoạn đang mất an toàn giao thông nghiêm trọng (thường xuyên xảy ra tai nạn), đặc biệt trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông, các đoạn có lưu lượng tăng cao gây ách tắc kéo dài, các dự án PPP đã đưa vào khai thác (có khả năng thu xếp được nguồn vốn, thủ tục đầu tư thuận lợi).

Đặc biệt, cần đầu tư mở rộng toàn bộ các đoạn tuyến cao tốc có quy mô 4 làn xe hạn chế, 4 làn hoàn chỉnh đang khai thác lên quy mô theo quy hoạch trên trục cao tốc Bắc - Nam phía Đông và các đoạn cao tốc kết nối tại cửa ngõ trung tâm thành phố lớn, giảm ùn tắc, bức xúc về kinh tế, xã hội.

Phương án đầu tư nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ cũng phải phù hợp với nguồn vốn, khả năng cân đối vốn và khả năng giải ngân vốn trong kế hoạch đầu tư công trung hạn và hằng năm của ngân sách trung ương, ngân sách địa phương; đối với các dự án PPP dự kiến được nguồn vốn đầu tư công và kế hoạch huy động vốn nhà đầu tư tham gia dự án PPP.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, khi triển khai các dự án cũng phải phù hợp với các quy định của pháp luật về đầu tư công, đầu tư PPP, ngân sách nhà nước.

Theo ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình đường bộ (VARSI), gói trái phiếu chính phủ cho giao thông trị giá 165.000 tỷ đồng sẽ tiếp thêm động lực để cụ thể hóa mục tiêu 5.000 km cao tốc vào năm 2030, cũng như việc nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ lên quy mô quy hoạch, tránh tình trạng đường vừa xây xong đã phải vội vã mở rộng.

Tuy nhiên, các dự án được lựa chọn phải phù hợp với khả năng bố trí vốn, cũng như nhu cầu khai thác thực tế. Đối với việc nâng cấp các tuyến cao tốc phân kỳ, nguồn vốn đóng vai trò rất quan trọng, nhưng chưa phải là tất cả.

“Các cơ quan quản lý cần chú ý đến việc tổ chức giao thông hợp lý, khoa học. Đối với các tuyến chưa có điều kiện phân kỳ, cần liên tục đánh giá, xem xét các điều kiện khai thác, áp dụng công nghệ kiểm soát giao thông thông minh, nhằm vận hành công trình thông suốt, đảm bảo an toàn cho người tham gia giao thông”, ông Chủng kiến nghị.

Danh mục 28 dự án đầu tư theo đề xuất của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (tổng nhu cầu vốn là 247.660 tỷ đồng)

- Các dự án đầu tư công: Nhu cầu là 181.403 tỷ đồng để đầu tư nâng cấp mở rộng 23 dự án, trong đó có 21 dự án cao tốc Bắc - Nam gồm: các dự án đang khai thác là Cam Lộ - La Sơn, La Sơn - Hòa Liên, Cao Bồ - Mai Sơn, Mai Sơn - Quốc lộ 45, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn, Nghi Sơn - Diễn Châu, Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm; Cam Lâm - Vĩnh Hảo, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây; các dự án đang thi công là Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua địa phận Tuyên Quang, Tuyên Quang - Hà Giang đoạn qua địa phận Hà Giang, Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng, Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh, Vạn Ninh - Cam Lộ, Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh, Chí Thạnh - Vân Phong, Vân Phong - Nha Trang.

-Các dự án đầu tư theo phương thức PPP: Nhu cầu là 43.162 tỷ đồng để mở rộng 2 dự án: Hòa Lạc - Hòa Bình và TP.HCM - Trung Lương - Mỹ Thuận.

-Các dự án do VEC đang quản lý, khai thác: Nhu cầu là 23.095 tỷ đồng để mở rộng 3 dự án: Hà Nội - Lào Cai, đoạn
Yên Bái - Lào Cai; TP.HCM - Long Thành - Dầu Giây; Cầu Giẽ - Ninh Bình. Các dự án này cần được làm rõ một số nội dung về khả năng thực hiện, khó khăn, vướng mắc, cơ sở pháp lý, thẩm quyền quyết định.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top