Aa

Cứ trung thực, sẽ được ủng hộ!

Thứ Sáu, 30/06/2017 - 21:12

Mới đây, người dân Thủ Đô sửng sốt trước thông tin trên các tít báo về kết quả công bố cuộc khảo sát tại 30 quận, huyện nội thành về việc hạn chế phương tiện xe máy tại các quận nội đô. Theo đó, nhiều tít báo đã đưa ra khẳng định: “90% người dân Thủ đô ủng hộ phương án hạn chế phương tiện xe máy”- một con số thật sự …“chỉ có trong mơ”.

Tất nhiên, đó chỉ là con số qua cách giật tít của một số báo. Thực tế là nội dung báo cáo của Thành phố Hà Nội, nêu rõ, con số 90% số người dân đồng ý ấy chỉ là số người nằm trong 15.000 đối tượng được phát phiếu khảo sát. Xin không nói sâu về cách thông tin ấy. Giờ, điều chúng ta cần tìm hiểu, đó là, cái con số 90% người dân được phát phiếu khảo sát đồng ý với chủ trương hạn chế xe máy ở nội đô ấy có thực sự đáng tin cậy và phản ánh đúng tâm tư, nguyện vọng của đông đảo dư luận hay không?

Xe máy vẫn là phương tiện đi lại chủ yếu.

Xe máy vẫn là phương tiện di chuyển chủ yếu của người dân.

Trong khoa học, có bộ môn xác xuất thống kê và một phương pháp, gọi là điều tra xã hội học. Thống kê, tính toán, hoặc điều tra xã hội học là công việc cầ làm để nghiên cứu, tìm hiểu đánh giá được cơ bản chính xác suy nghĩ, quan điểm, thái độ… của đối tượng đám đông, mà cơ quan chức năng hoặc một tổ chức nào đó không có điều kiện gặp gỡ, trao đổi, tìm hiểu, lắng nghe, thu thập ý kiến của từng đối tượng. Việc chính quyền Thủ đô phát phiếu khảo sát, lấy ý kiến của người dân về phương án hạn chế phương tiện xe máy tại các quận đội nô là cách làm có bình thường.

Nhiều người thắc mắc, số phiếu phát ra chỉ 15.000 phiếu, trong khi thực tế người dân đang sinh sống trên địa bàn Hà Nội khoảng trên 5 triệu người, như vậy, liệu có đủ cơ sở làm đại diện cho suy nghĩ, quan điểm của toàn bộ người dân Thủ đô hay không? Cá nhân tôi nghĩ, con số 15.000 phiếu kia là đủ, và thậm chí còn hơi nhiều. Theo thông tin tôi được biết, có những cuộc khảo sát, đánh giá của Ngân hàng Thế giới về thực trạng của các doanh nghiệp Việt Nam, họ chỉ phát phiếu thăm dò cho đại diện 30 doanh nghiệp. Trong khi đó, trên thực tế, con số doanh nghiệp của nước ta lớn gấp bao nhiêu lần con số 30 kia thì mọi người biết rồi. Đấy, cách làm của Ngân hàng thế giới, chắc đủ sức thuyết phục, vì với tầm vóc của họ, chắc chắn họ không thể đơn giản, chủ quan hay thiếu chuyên môn, nghiệp vụ được.

Nói vậy để thấy, số lượng mẫu phiếu phát ra không phải là yếu tố quyết định đến kết quả điều tra, khảo sát. Mà, kết quả ấy, nó phụ thuộc vào cách chọn mẫu, quy trình lấy mẫu và các dữ liệu, phương án trên phiếu thăm dò có đúng, đủ, hợp lý, khách quan hay không!?! Nếu lấy phiếu khảo sát ý kiến về phương án hạn chế phương tiện xe máy mà chỉ đem đến phát cho những người có phương tiện ô tô, hoặc các đối tượng hưu trí, chủ yếu đi bộ, xe đạp, xe buýt… thì đương nhiên, họ ủng hộ phương án đưa ra là điều dễ hiểu. Hoặc, việc phát mẫu khảo sát mà lại phân về các chi bộ, tổ đảng, tổ dân phố, trước khi điền mẫu, có cán bộ hướng dẫn, tuyên truyền, vận động thì kết quả cũng khó khách quan, thuyết phục. 

Trong lần khảo sát này, chưa rõ cách làm của Công an thành phố Hà Nội cụ thể ra sao, tuy nhiên, theo tôi, để khách quan, nắm được cơ bản chính xác quan điểm, suy nghĩ, mong muốn của người dân Thủ đô, chính quyền Thành phố nên mời một cơ quan, tổ chức nghiên cứu phi chính phủ, tốt nhất là tổ chức nước ngoài, có uy tín, hoạt động độc lập. Các câu hỏi điều tra phải có cả dạng đóng và dạng mở. Khi phát phiếu, chọn mẫu, cần  kết hợp giữa chọn mẫu ngẫu nhiên, chọn mẫu đại diện, chọn mẫu phân tầng và cả chọn mẫu ma trận.

Ví dụ như, cần phải lấy ý kiến của người có ô tô, có xe máy, người chủ gia đình, người chưa sử dụng xe máy, người đang coi xe máy là công cụ mưu sinh, tham gia giao thông chủ yếu, người quản lý giao thông… Sau đó, mới tổng hợp, thống kê, phân tích trên từng loại mẫu, biểu thị kết quả trên sơ đồ, đồ họa để dễ so sánh, đối chiếu, từ đó đưa ra kết luận. Tóm lại, phải coi đây là công trình nghiên cứu khoa học, thực hiện công phu, bài bản, công khai, minh bạch, khách quan. Chỉ như vậy, mới mong có được những kết quả chính tương đối chính xác.

Hà Nội đã nhiều lần đưa ra phương án hạn chế phương tiện cá nhân, trong đó tập trung vào xe máy. Các cơ quan chức năng của Thủ đô thỉnh thoảng lại làm “phép thử” dư luận sau đó lại im lặng. Lần thăm dò này, tôi nghĩ cũng là một bước để chính quyền Thủ đô nghe ngóng, nắm bắt phản ứng dư luận, từ đó tìm ra biện pháp, cách làm phù hợp. Cách làm ấy tôi nghĩ là hợp lý, cần được ủng hộ. Tuy nhiên, việc đột nhiên công bố một kết quả điều tra, rồi đưa ra một con số 90% kia, tôi nghĩ, sẽ rất khó thuyết phục đông đảo người dân. Lẽ ra, nếu muốn lắng nghe ý kiến của người dân thật sự, Hà Nội cần phải công khai, minh bạch, trình bày rõ ràng, đầy đủ cách thức điều tra của mình. Như vậy, tôi nghĩ, đợt khảo sát sẽ có kết quả tương đối chính xác và thuyết phục được người dân hơn nhiều.

Việc tính toán phương án để dần dần hạn chế, sau đó cấm phương tiện xe máy tại các quận nội thành là điều cần làm trong tương lai không xa. Một Thủ đô văn minh, hiện đại, phát triển, sạch đẹp không thể chứa trong lòng nghìn nghịt những phiên tiện xe máy, trong đó có nhiều xe cũ nát, gây ô nhiễm môi trường. Hầu hết các thành phố hiện đại trên thế giới đều không có hoặc rất ít xuất hiện các phương tiện xe máy.

Chúng ta muốn văn minh, sạch đẹp, hiện đại như họ, chúng ta phải chấp nhận bỏ qua những thói quen cố hữu bấy lâu; không thể vừa giữ khư khư chiếc xe máy, vừa đòi hỏi phải xây dựng một Thủ đô văn minh, không khói bụi, ô nhiễm, ùn tắc được. Điều quan trọng nhất đối với Hà Nội lúc này, tôi nghĩ đó là phải công khai các phương án, trung thực trong cách làm, minh bạch các kết quả, để người dân nghiên cứu, tìm hiểu, từ đó họ thấy được tôn trọng, thuyết phục và ủng hộ. Hãy làm sao để mỗi người dân Thủ đô thấy được, chính quyền đang cần mình, vì mình và lắng nghe mình thực sự, như vậy, muốn làm gì rồi cũng sẽ thành công!!!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top