Aa

Cửa mở tăng vốn cho các “ông lớn”

Thứ Tư, 27/05/2020 - 06:30

Giới chuyên môn kỳ vọng, đề xuất tăng vốn cho Big 4 sẽ sớm được thông qua trong thời gian sớm nhất. Đây sẽ là bước ngoặt trong hoạt động của các ngân hàng trên và có thể tạo tiền lệ cho các đợt tăng vốn lần sau.

Theo chương trình dự kiến, tại kỳ họp thứ 9 của Quốc hội lần này sẽ bàn về đề xuất của Chính phủ về việc bổ sung dự toán chi ngân sách nhà nước năm 2020 để bổ sung vốn điều lệ cho Agribank từ nguồn tăng thu, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2019 tương ứng với số lợi nhuận sau thuế thực nộp ngân sách nhà nước năm 2020 của Agribank, tối đa không quá 3.500 tỷ đồng. 

Quyết tâm của Chính phủ đối với chủ trương tăng vốn cho các ngân hàng thương mại (NHTM) có vốn Nhà nước thể hiện rõ từ đầu năm 2020 khi yêu cầu kịp thời tăng vốn điều lệ cho Agribank và các NHTM Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn tại Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

Giới chuyên môn kỳ vọng, đề xuất tăng vốn cho Big 4 sẽ được thông qua trong thời gian sớm nhất

Trao đổi với phóng viên, TS. Cấn Văn Lực - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho biết, đến thời điểm hiện tại, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Kinh tế Quốc hội, Ủy ban Tài chính Ngân sách cơ bản thống nhất ủng hộ đề xuất này, vì xác định đó là yêu cầu rất cần thiết từ thực tế. 

Có 2 lý do theo TS. Lực cần sớm xem xét thông qua chủ trương tăng vốn cho Agribank. Một là, năm 2016, Quốc hội ban hành Nghị quyết 25 với chủ trương không dùng ngân sách để xử lý nợ xấu, tăng vốn điều lệ cho các NHTM cũng là phù hợp vì ngân sách rất khó khăn. Nhưng nay đã khác, do có nguồn tích lũy từ lợi nhuận của ngân hàng. 

Hai là trong bối cảnh dịch Covid diễn biến phức tạp phải đảm bảo hệ thống ngân hàng lành mạnh hoạt động bình thường mới có thể cung ứng vốn cho nền kinh tế, đồng hành hỗ trợ doanh nghiệp. Đặc biệt là đối với lĩnh vực nông nghiệp nông thôn chiếm tỷ trọng lớn trong dư nợ toàn nền kinh tế, không những vậy còn góp phần xóa đói giảm nghèo, hạn chế tín dụng đen.

Như vậy có thể thấy cánh cửa tăng vốn đang hé mở đối với một trụ cột của hệ thống ngân hàng. Còn 3 NHTM cổ phần có vốn nhà nước nữa là BIDV, Vietcombank, nhất là VietinBank cũng đang sốt ruột chờ được tăng vốn. Tại báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội mới đây, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng tiếp tục kiến nghị Quốc hội sửa đổi Nghị quyết số 25/2016/QH14 hoặc ban hành một Nghị quyết mới theo hướng cho phép sử dụng ngân sách Nhà nước để tăng vốn điều lệ cho các NHTM Nhà nước.

Về phía ngân hàng, Chủ tịch HĐQT VietinBank Lê Đức Thọ một lần nữa kiến nghị Chính phủ sớm sửa đổi Nghị định 91 và sớm phê duyệt phương án tăng vốn tự có cho các NHTM có vốn nhà nước. Hiện tại, VietinBank là ngân hàng bị “kẹt” nhất trong số 3 NHTM cổ phần có vốn nhà nước do dư địa tăng vốn gần như đã cạn, đe dọa an toàn hoạt động của ngân hàng này.

Giới chuyên môn cho rằng, tuy ngân sách đang khó khăn, song vẫn cần thiết tăng vốn cho các NHTM cổ phần có vốn nhà nước. Vì trong vài năm qua, việc mở rộng tín dụng của các ngân hàng này đang bị hạn chế do phải đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn trong điều kiện vốn điều lệ chậm tăng trưởng. Điều này đã ảnh hưởng rất lớn đến nguồn vốn cung ứng cho nền kinh tế do đây là những thành viên đóng vai trò chủ đạo cấp tín dụng. 

Theo số liệu cập nhật đến cuối tháng 3/2020, tổng tài sản toàn hệ thống các tổ chức tín dụng (TCTD) đã đạt 12,48 triệu tỷ đồng, tăng 46,8% so với cuối năm 2016. Tuy nhiên, con số này lại giảm nhẹ 0,72% so với cuối năm 2019. Trong đó, tổng tài sản của “Big 4” đạt 5.213,4 nghìn tỷ đồng, chiếm 41,76% toàn hệ thống. Xét về giá trị tuyệt đối tỷ trọng tổng tài sản của 4 ngân hàng trên gần bằng toàn bộ khối NHTM cổ phần. Qua đó, cho thấy khả năng cung ứng tín dụng của nhóm này ảnh hưởng lớn trong hệ thống cũng như đối với nền kinh tế.

Tổng tài sản chiếm gần nửa hệ thống, nhưng tính đến cuối tháng 3/2020, vốn điều lệ của 4 NHTM Nhà nước lớn nói trên đạt 145,1 nghìn tỷ đồng, chiếm 23,5% toàn hệ thống (vốn điều lệ của toàn hệ thống đạt 617,5 nghìn tỷ đồng). “Không tăng được tử số, mà mẫu số phình ra rất rủi ro chắc chắn ảnh hưởng đến an toàn hoạt động ngân hàng”, một chuyên gia ngân hàng cảnh báo.

Trước thực tế này, TS. Võ Trí Thành - Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia cho rằng, dù ngân sách thời điểm này không dư dả và vẫn còn khó khăn do thu ngân sách giảm nhưng cần phải cân nhắc đối với việc tăng vốn cho các NHTM có vốn Nhà nước. Bên cạnh tăng khả năng đáp ứng tín dụng cho nền kinh tế, đề xuất tăng vốn ở đây nằm trong lộ trình lành mạnh hóa hệ thống ngân hàng, đảm bảo thực hiện đúng các quy định về tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu đáp ứng mức đủ vốn theo chuẩn mực vốn Basel II. Hiện tại trong số Big 4 vẫn còn Agribank và VietinBank chưa hoàn thành. 

“Việc cấp thêm vốn cho các ngân hàng không nên trì hoãn thêm vì để lại năm sau rất khó do lợi nhuận ngân hàng sẽ thấp hơn so với năm trước do kinh doanh khó khăn, nợ xấu tăng, chưa kể phải chia sẻ giảm mạnh lợi nhuận để hỗ trợ cho khách hàng”, TS. Thành lưu ý.

Giới chuyên môn kỳ vọng, đề xuất tăng vốn cho Big 4 sẽ sớm được thông qua trong thời gian sớm nhất. Đây sẽ là bước ngoặt trong hoạt động của các ngân hàng trên và có thể tạo tiền lệ cho các đợt tăng vốn lần sau. Nhìn xa hơn, tại Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng năm 2030 đã đặt ra mục tiêu 1 - 2 ngân hàng nằm trong top 100 ngân hàng lớn nhất khu vực về tổng tài sản vào năm 2020. Mục tiêu này có thể khả thi nếu các ngân hàng quốc doanh được tăng đủ vốn.

Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Thường trực Ủy ban Kinh tế tán thành với sự cần thiết tăng vốn điều lệ cho Agribank. Đây là chủ trương đã được Bộ Chính trị kết luận. Agribank là NHTM do Nhà nước nắm giữ 100% vốn, giữ vị trí đặc biệt quan trọng trong việc đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế đất nước và đóng vai trò chủ đạo trong cấp tín dụng cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn. 

Tuy vậy, trong nhiều năm qua tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của Agribank bị suy giảm do tốc độ tăng vốn điều lệ luôn thấp hơn tốc độ tăng tổng tài sản. Mặc dù đã thực hiện nhiều giải pháp nhằm nâng cao năng lực tài chính nhưng Agribank vẫn chưa đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn theo chuẩn mực Basel II có hiệu lực từ ngày 1/1/2020. 

Do đó, tăng vốn điều lệ cho Agribank sẽ góp phần tăng năng lực tài chính, năng lực cạnh tranh, tăng cường vai trò và đóng góp của Agribank cho nền kinh tế, phù hợp với quá trình cơ cấu lại hệ thống các TCTD gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2016 - 2020. 

Đồng thời, đáp ứng được tỷ lệ bảo đảm an toàn của Agribank nói riêng và an toàn hệ thống tài chính quốc gia nói chung, hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng, qua đó đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế.

Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, việc bổ sung vốn điều lệ cho Agribank sẽ có tính lan tỏa cao, tăng dư nợ tín dụng cho khách hàng, nhất là hỗ trợ các đối tượng chính sách, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện các chính sách, chương trình mục tiêu quốc gia về nông thôn mới, góp phần xóa đói giảm nghèo. Qua đó, góp phần hỗ trợ kịp thời hệ thống ngân hàng trong việc giảm tác động tiêu cực do đại dịch Covid-19 đối với các đối tượng yếu thế, thực hiện nhiệm vụ cấp bách phục hồi kinh tế - xã hội.


Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top