Aa

Cung kính rước "ông lợn" làng La Phù

Chủ Nhật, 05/02/2023 - 06:03

Nếu có "ông lợn" nào bỏ ăn là gia đình phải mang lễ ra Đình làng cầu khấn mong "ông" khỏe lại. Đặc biệt trước ngày Hội, "ông lợn" sẽ được ăn cháo chay để đảm bảo thanh tịnh. Trọng lượng mỗi ông lợn khoảng 200 kg.

Lễ hội Rước "ông lợn" vào ngày 13 tháng giêng. Theo truyền thuyết, Hội rước lợn là dịp tưởng nhớ Tĩnh Quốc, vị anh hùng của làng La Phù dưới thời Hùng Vương thứ 18. Ngài mở tiệc khao quân trước khi lên đường đánh giặc.

Ngay từ đầu năm, mỗi xóm chọn ra một gia đình khá giả, trong năm gia đình không có tang gia, mới được nuôi lợn. Chi phí nuôi "ông lợn" cả xóm góp lại. Những "ông lợn" được nuôi theo chế độ ăn đặc biệt, được tắm rửa hàng ngày, được mắc màn cho khỏi muỗi, thậm chí lắp cả quạt khi trời nóng. Nếu có "ông lợn" nào bỏ ăn là gia đình phải mang lễ ra Đình làng cầu khấn mong "ông" khỏe lại...Đặc biệt trước ngày Hội, "ông lợn" sẽ được ăn cháo chay để đảm bảo thanh tịnh. Thường thì đến lúc tế lễ trọng lượng mỗi "ông lợn" khoảng 200 kg.

Ngày diễn ra Hội, "ông lợn" được tắm sạch sẽ, làm thịt rồi đặt trên kiệu vàng và được trang trí thật đẹp. Mỗi người dân trong xóm đều góp sức vào việc trang trí, từ tỉa hoa, tô son, làm mắt, tai cho đến bóc những tấm mỡ lá để phủ lên mình lợn. Mỗi người một việc và ai cũng vui vẻ.

Tiêu chí chấm giải là "ông lợn" nào to, trang trí đẹp, oai vệ sẽ đoạt giải của làng. "ông lợn" sau khi đoạt giải sẽ được tế tại Đình và xẻ thịt chia đều cho các hộ trong xóm có lợn đoạt giải.

Ông Nguyễn Phan Đích, Trưởng ban Khánh tiết Lễ hội xã La Phù năm Quý Mão 2023 cho biết: "Ngày trước 6 giáp thì có 6 lễ, các ông lợn lúc đó nặng 60kg đến 70kg. Hiện tại nhân khẩu tăng lên và đời sống ấm no, nhân dân ngày một có điều kiện, số lễ tăng từ 12 rồi 15 và giờ là 17 lễ, tương đương với 17 (ông lợn). Đáng chú ý là 1 mâm lễ bây giờ bằng 3 mâm lễ ngày xưa, thậm chí có những lễ nặng (ông lợn) từ 230 kg đến 240 kg".

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top