Xét theo các tiêu chí đánh giá giá trị của một tác phẩm kiến trúc, Cung Thiếu nhi Hà Nội hội tụ nhiều yếu tố để có thể được coi là di sản kiến trúc hiện đại. Công trình này cũng là một trong những đại diện tiêu biểu cho phong cách kiến trúc hiện đại nhiệt đới ở Việt Nam. Chính vì vậy, nó xứng đáng tiếp tục có chỗ đứng trong khu trung tâm đô thị lịch sử của Hà Nội.
CÁC YẾU TỐ LÀM NÊN GIÁ TRỊ CỦA MỘT TÁC PHẨM KIẾN TRÚC
Có nhiều yếu tố làm nên giá trị của một tác phẩm kiến trúc, chẳng hạn như mức độ hòa nhập của nó với bối cảnh, nghệ thuật tổ chức không gian, phong cách kiến trúc, tỷ lệ, vật liệu… Và trong quá trình tồn tại của nó, công trình kiến trúc có thể được bổ sung những giá trị mới như giá trị lịch sử, giá trị biểu trưng. Tuy nhiên, để công trình có thể vượt ra khỏi ranh giới của những kiến trúc thông thường, trước tiên nó cần phải là tác phẩm nghệ thuật đại diện tiêu biểu cho một giai đoạn phát triển của lịch sử kiến trúc. Đây cũng là một trong những tiêu chí quan trọng hàng đầu để đánh giá liệu một công trình có xứng đáng là di sản kiến trúc hay không.
Do kiến trúc cũng là nghệ thuật nên nó không nằm ngoài trào lưu phong cách của các ngành nghệ thuật khác, tuy thường bị chậm hơn bởi từ khi sáng tác đến khi tác phẩm hình thành trong thực tế có thể mất nhiều thời gian, qua những công đoạn khá phức tạp. Trào lưu phong cách làm nên tính thời đại của tác phẩm kiến trúc, giúp nó phản ánh được bối cảnh xã hội, văn hóa, nghệ thuật, công nghệ… của thời kỳ nhất định, mà không tạo ra những cảm nhận sai lầm. Phản ánh đúng bối cảnh lịch sử, thời đại tác phẩm ra đời, đó là yếu tố cần nhấn mạnh khi xác định giá trị của công trình kiến trúc.
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và nhu cầu bảo lưu và tạo dựng căn tính trong kiến trúc hiện nay, hơi thở của thời đại còn được nhấn mạnh ở tính địa phương, tính dân tộc dựa trên quan niệm thẩm mỹ, hệ giá trị, phương thức ứng xử với điều kiện tự nhiên, khí hậu... - những thứ làm nên sự đặc sắc và khác biệt của kiến trúc từ nơi này đến nơi khác.
GIÁ TRỊ KIẾN TRÚC CỦA CUNG THIẾU NHI HÀ NỘI
Hoàn thành năm 1974, Cung Thiếu nhi Hà Nội là công trình đánh dấu cho một giai đoạn phát triển của lịch sử dân tộc - giai đoạn xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc nước ta. Nó cũng đánh dấu thời kỳ hòa bình, bắt tay vào xây dựng đất nước, tiếp tục tạo dựng tương lai của người dân Thủ đô. Đây là giai đoạn hết sức khó khăn, nhưng chúng ta đã tạo ra được những công trình có dấu ấn do chính kiến trúc sư trong nước thiết kế, phần nào khẳng định năng lực của đội ngũ kiến trúc sư Việt Nam. Từ góc độ đó, Cung Thiếu nhi Hà Nội là công trình kiến trúc rất có ý nghĩa về mặt chính trị xã hội, đặc trưng cho một giai đoạn phát triển lịch sử đất nước.
Công trình này cũng là đại diện tiêu biểu cho trường phái kiến trúc hiện đại ở Việt Nam - mạnh mẽ trong tổ chức không gian và hình khối kiến trúc, sử dụng công nghệ, kỹ thuật và vật liệu hiện đại, nhưng không tách rời khỏi truyền thống kiến trúc với cách tổ chức không gian chuyển tiếp từ dưới lên trên và từ ngoài vào trong, kết hợp với lớp vỏ bao che thoáng gợi hình ảnh tấm giại bố trí trước hiên của ngôi nhà dân gian vùng đồng bằng Bắc bộ. Lớp vỏ này vừa giúp chắn nắng hiệu quả cho tòa nhà, vừa hạn chế mưa hắt, lại không ngăn cản thông gió xuyên phòng, rất phù hợp với đặc điểm khí hậu nóng ẩm, mưa nhiều của Hà Nội.
Có thể khẳng định, Cung Thiếu nhi Hà Nội là một trong những đại diện tiêu biểu của dòng kiến trúc hiện đại nhiệt đới, trong đó có sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa phong cách kiến trúc hiện đại thế giới và truyền thống kiến trúc bản địa. Đồng thời, nó là biểu tượng về sự tự cường của kiến trúc Việt Nam, khi mà trước đó các công trình lớn hầu hết đều do người nước ngoài làm.
SỰ ĐÓNG GÓP CHO TỔNG THỂ KIẾN TRÚC
Một công trình kiến trúc không nên được xem xét tách biệt mà nên được nhìn nhận trong mối quan hệ với tổng thể, với quần thể kiến trúc xung quanh. Trong các đô thị truyền thống, một khu vực đô thị có thể có những công trình giá trị nhiều và có công trình ít giá trị hơn, nhưng tất cả lại có thể tạo thành quần thể có giá trị, đặc biệt là những nơi có bề dày lịch sử, văn hóa như khu vực Hồ Gươm và phụ cận. Đây là khu vực có nhiều không gian và công trình kiến trúc rất giá trị, gắn với các giai đoạn phát triển khác nhau trong lịch sử, trong đó tòa nhà Cung Thiếu nhi Hà Nội đóng vai trò như một gạch nối giữa quá khứ và hiện tại.
Trong tương quan với môi trường và cảnh quan đô thị, công trình này đã tạo được mối liên hệ hiệu quả với các không gian và kiến trúc cũ xung quanh để tạo ra một quần thể kiến trúc hài hòa, có chiều sâu cả về không gian lẫn thời gian. Rõ ràng đây là khu vực rất thú vị, đậm đặc giá trị, tạo cảm nhận về tính liên tục của lịch sử kiến trúc từ truyền thống đến hiện đại.
Khi được nhìn nhận trong mối quan hệ với tổng thể, các công trình kiến trúc đơn lẻ cũng sẽ được đánh giá chính xác hơn, đồng thời giá trị thực sự của cả quần thể cũng trở nên rõ ràng hơn. Một công trình có thể không quá giá trị nếu chỉ xét riêng nó, nhưng cả quần thể kiến trúc lại có thể mang giá trị rất lớn.
GIẢI QUYẾT MÂU THUẪN GIỮA BẢO TỒN VÀ PHÁT TRIỂN
Bảo tồn và phát triển vẫn luôn mâu thuẫn nhau do người ta có xu hướng phủ nhận cái cũ để tìm kiếm những lợi ích kinh tế nhanh chóng trước mắt. Nhưng nếu nhìn từ góc độ kinh tế di sản thì di sản sẽ mang lại những lợi ích lâu dài và bền vững. Di sản kiến trúc đô thị tạo ra sự hấp dẫn nơi chốn, là tiền đề cho phát triển du lịch di sản văn hóa. Và việc bảo tồn, lưu giữ di sản cũng là một cách phát triển bền vững, bởi nó không tước đoạt cơ hội của thế hệ tương lai được cảm nhận, trải nghiệm và hưởng thụ những thành quả kiến trúc của cha ông.
Tuy nhiên, không phải cứ công trình cổ hay cũ đều cần phải lưu giữ. Để đánh giá một công trình kiến trúc có nên được bảo tồn hay không, có thể vận dụng phương pháp đánh giá tiềm năng bảo tồn di sản kiến trúc và đô thị. Sơ bộ áp dụng phương pháp này cho thấy, với những giá trị nổi bật như đã đề cập trên đây, Cung Thiếu nhi Hà Nội là công trình có tiềm năng bảo tồn rất lớn, hoàn toàn xứng đáng được tiếp tục tồn tại trong trung tâm đô thị lịch sử của Hà Nội, như một minh chứng về giai đoạn phát triển đáng nhớ của kiến trúc Hà Nội nói riêng và của Việt Nam nói chung.
Khi Hà Nội xây dựng cung thiếu nhi mới tại khu đô thị mới Cầu Giấy, đối với Cung Thiếu nhi Hà Nội sẽ không có lựa chọn nào phù hợp ngoài giải pháp bảo tồn thích ứng, trong đó, những yếu tố quan trọng làm nên giá trị đặc trưng của tòa nhà này cần được bảo tồn nguyên trạng, còn không gian bên trong của nó có thể được cải tạo, nâng cấp cho phù hợp với điều kiện mới.
Và đương nhiên, chức năng của nó vẫn nên là phục vụ thiếu nhi - thay vì phục vụ thiếu nhi toàn thành phố, nó có thể chỉ phục vụ thiếu nhi của một số quận trung tâm như quận Hoàn Kiếm, quận Hai Bà Trưng, một phần quận Ba Đình, Đống Đa, và cả quận Long Biên. Chỉ nhìn từ góc độ bán kính phục vụ, nếu để cho thế hệ mầm non của Hà Nội phải di chuyển hơn 10km để sinh hoạt trong tòa nhà cung thiếu nhi mới là hoàn toàn không thể chấp nhận, nhất là trong bối cảnh giao thông đô thị tắc nghẽn như hiện nay./.