Cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai: Việt Nam phải tìm kiếm một con đường phát triển của riêng mình

Cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai: Việt Nam phải tìm kiếm một con đường phát triển của riêng mình

Thứ Ba, 28/05/2024 - 06:10

Việc định hướng chiến lược phát triển kinh tế 10 năm tới có tầm quan trọng đặc biệt để tạo bước ngoặt mang tính đột phá. Muốn vậy cần nhìn lại quá trình thực hiện chiến lược kinh tế - xã hội Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020.

*****

Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế gần 40 năm, đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng giờ đây cũng đang xuất hiện một số vấn đề kinh tế - xã hội đòi hỏi phải có một cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai mới có hy vọng giải quyết được.
TSKH. Võ Đại Lược

Tổng quan

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam 2011 - 2020 đã được thực hiện trong bối cảnh quốc tế diễn biến phức tạp, có nhiều yếu tố đã tác động tiêu cực tới nước ta như: Cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008 kéo dài tới gần 10 năm, kinh tế thế giới mới có dấu hiệu hồi phục mong manh và có khả năng lại rơi vào một cuộc khủng hoảng mới do các quốc gia buộc phải thực thi chính sách thắt chặt tiền tệ và tài chính sau 10 năm nới lỏng; cuộc cạnh tranh Mỹ – Trung và một số nước đang lan rộng có nguy cơ gia tăng sự đối đầu; cuộc chiến chống chủ nghĩa khủng bố rất tốn kém tuy đã đạt được nhiều kết quả nhưng vẫn còn rất gian nan; khí hậu toàn cầu diễn biến phức tạp gây thiệt hại to lớn cả về người và của ở nhiều quốc gia; các vấn đề dân số, lương thực, năng lượng v.v... cũng đang đặt ra nhiều vấn đề không dễ giải quyết …

Trong bối cảnh như vậy, việc thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ 2011 - 2020 dù chưa được như mong muốn, nhưng đã đạt được một số kết quả và phải nhìn nhận đó là những nỗ lực to lớn của toàn Đảng, toàn dân ta. Tăng trưởng kinh tế tuy không đạt mục tiêu 7 - 8%/năm, nhưng với mức tăng trưởng GDP trên 6%/năm, Việt Nam được xếp vào hàng 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới. Kinh tế vĩ mô tuy có diễn biến phức tạp, nhưng nhìn chung là tương đối ổn định. Môi trường đầu tư luôn luôn được hoàn thiện có sức hấp dẫn các nhà đầu tư nước ngoài. Tình hình chính trị - xã hội ổn định tạo ra môi trường an toàn và thuận tiện cho sự phát triển.

Tuy nhiên, mục tiêu lớn nhất của Việt Nam đặt ra là đưa nước ta về cơ bản thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại, đến nay chưa thực hiện được. Đồng thời hiện đang xuất hiện nhiều vấn đề cần phải được xem xét giải quyết. Cụ thể là:

Tốc độ tăng trưởng cao chủ yếu dựa vào đầu tư nước ngoài. Khu vực FDI chiếm tới 70% kim ngạch xuất khẩu và trên 50% giá trị sản xuất công nghiệp. Các doanh nghiệp FDI có thể đã có một số đóng góp như giải quyết việc làm, nộp thuế cho ngân sách..., nhưng các doanh nghiệp này cũng có không ít vấn đề đáng quan ngại như không chuyển giao công nghệ, trốn thuế qua chuyển giá; sử dụng lao động nữ chỉ đến 35 tuổi; gây ô nhiễm môi trường; sử dụng điện của Việt Nam; sử dụng các thị trường bên ngoài của Việt Nam... Nền kinh tế Việt Nam đến nay về cơ bản vẫn là nền kinh tế gia công cả trong công nghiệp lẫn nông nghiệp... Việt Nam nhập linh kiện, gia công lắp ráp xuất khẩu; nhập phân bón, thuốc trừ sâu, thậm chí cả cây, con giống, để sản xuất ra gạo, cá, tôm... xuất khẩu.

(iii) Một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu. Xuất nhập khẩu hiện đã bằng hơn 200% GDP. Trong điều kiện chủ nghĩa bảo hộ gia tăng như hiện nay thì đây là thách thức lớn của Việt Nam.

(iv) Một nền kinh tế chưa có tính sáng tạo cao. Các doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam chỉ mang công nghệ trung bình vào (khoảng 90%), chỉ có 5% công nghệ hiện đại. Các doanh nghiệp Việt Nam chỉ gia công lắp ráp. Các khu công nghệ cao có quá ít các trung tâm nghiên cứu triển khai. Không có chính sách hỗ trợ nhập bằng phát minh sáng chế, nghiên cứu và ứng dụng.

(v) Chương trình tái cơ cấu kinh tế thực hiện trì trệ, giải ngân đầu tư công chậm, cổ phần hóa DNNN tiến triển chậm trễ; nợ xấu của hệ thống ngân hàng thương mại chậm được xử lý...

(vi) Cơ cấu doanh nghiệp của nền kinh tế Việt Nam chưa hợp lý; DNNN hoạt động kém hiệu quả chiếm tỷ trọng khá lớn trong nền kinh tế - tới 28% GDP, doanh nghiệp FDI chiếm 18% GDP và trên 70% kim ngạch xuất khẩu, hơn 50% giá trị sản xuất công nghiệp; DN tư nhân chỉ chiếm 10% GDP, còn lại thuộc khu vực kinh tế gia đình và cá thể. Trong khi khu vực DN tư nhân luôn là động lực chủ yếu của các nền kinh tế thị trường hiện đại. Đây là khu vực làm ăn có hiệu quả nhất, có khả năng cạnh tranh nhất, nhưng ở nước ta khu vực này chỉ chiếm 10% GDP, bị lép vế nhất so với khu vực DNNN và FDI.

Những vấn đề trên đặt ra thách thức lớn mà Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ tới phải giải quyết một cách hiệu quả, thì mới có thể tạo ra đà phát triển mới cho nền kinh tế đất nước.

Cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai: Việt Nam phải tìm kiếm một con đường phát triển của riêng mình- Ảnh 2.

Một nền kinh tế phụ thuộc nhiều vào xuất nhập khẩu. Xuất nhập khẩu hiện đã bằng hơn 200% GDP. Trong điều kiện chủ nghĩa bảo hộ gia tăng như hiện nay thì đây là thách thức lớn của Việt Nam. (Ảnh minh họa).

Chiến lược phát triển kinh tế- xã hội Việt Nam thời kỳ 2024 - 2030

Bối cảnh quốc tế và trong nước

Tại thời điểm này, bối cảnh quốc tế của thời kỳ 2024 - 2030 rất khó dự báo, nhưng có thể có một số kịch bản sau: (i) Có khả năng sẽ tốt hơn lên, đi vào ổn định hơn, do những bước tiến về công nghệ, do các chính phủ điều chỉnh chính sách phát triển... (ii) Trong kịch bản xấu, có thể diễn ra theo hướng xấu hơn hiện nay, do chiến tranh thương mại, do chính sách thắt chặt tiền tệ và tài chính, do các xung đột khu vực... (iii) Cũng có thể diễn biến trì trệ như hiện nay.

Những xu hướng phát triển này phụ thuộc vào diễn biến của những yếu tố sau: Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tiến triển như thế nào, đi vào cuộc sống thực tế đến đâu và sẽ tạo ra những tác động gì. Tranh chấp Mỹ - Trung, rộng hơn là phương Tây và Trung Quốc diễn ra ra sao. Các vấn đề toàn cầu như: Lương thực, năng lượng, dân số, biến đổi khí hậu... sẽ được giải quyết ra sao, có tạo điều kiện thúc đẩy sự phát triển hay ngược lại.

Như vậy, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ 2024 - 2030 phải tính tới bối cảnh quốc tế này và dự tính theo các kịch bản khác nhau.

Bối cảnh trong nước cũng có những yếu tố cần phải được tính tới. Về kinh tế, phần trên đã nêu ra 6 vấn đề phải giải quyết. Nhưng vấn đề cần được quan tâm hơn đó là vấn đề đổi mới chính trị và xã hội.

Việt Nam đã thực hiện công cuộc đổi mới kinh tế gần 40 năm, đã đạt được những thành tựu to lớn, nhưng giờ đây cũng đang xuất hiện một số vấn đề kinh tế - xã hội đòi hỏi phải có một cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai mới có hy vọng giải quyết được.

Nhưng công cuộc đổi mới về kinh tế lần thứ hai chỉ có thể thực hiện thành công, nếu công cuộc đổi mới chính trị - xã hội được thi hành đồng thời. Chúng ta cần xác định rõ chiến lược trong thời gian tới.

Chiến lược thời kỳ 2024 - 2030

Chủ đề của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ tới có thể là phát triển bền vững và sáng tạo. Phát triển bền vững bao hàm các nội dung: Tăng trưởng cao, ổn định chính trị - xã hội, ổn định kinh tế vĩ mô, không hủy hoại môi trường, ứng phó được với các biến đổi khí hậu... Phát triển sáng tạo bao hàm các nội dung: Trọng dụng nhân tài, nghiên cứu ứng dụng cong nghệ mới, đổi mới thể chế... Phát triển bền vững và sáng tạo với những nội dung trên đây phải được cụ thể hóa trong tất cả các nội dung của của chiến lược phát triển.

Tuy nhiên, có một số vấn đề đặt ra trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội Việt Nam thời kỳ 2024 - 2030.

Đầu tiên đó là cân nhắc kỹ lưỡng xem xét một cách khoa học, toàn diện, cụ thể xem có nên giữ mục tiêu nước ta phải trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hay không? Bởi nếu giữ mục tiêu này thì rất dễ dẫn đến khả năng Việt Nam trở thành một công xưởng phụ thuộc vào các nước phát triển và mới phát triển...

Vì vậy, cần có sự nghiên cứu thấu đáo, cặn kẽ để xác định mục tiêu phát triển một cách chính xác, làm sao vừa khả thi, vừa phát huy được thế mạnh của nước ta, đồng thời xem xét đến xu hướng thời đại và nhu cầu, dư địa trên thế giới. Chẳng hạn như không nhất thiết phải giữ mục tiêu trở thành một nước công nghiệp hiện đại, mà có thể Việt Nam sẽ hướng tới một nền kinh tế hiện đại chú trọng phát triển các ngành dịch vụ, nông nghiệp, công nghệ cao. Việt Nam có những điều kiện trời cho: Các danh lam thắng cảnh hàng đầu thế giới như: Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long, Vịnh Vân Phong, Vịnh Nha Trang, Cam Ranh; cùng với 3.000 hòn đảo ven biển, một vùng cát trắng ven biển miền Trung được một số tổ chức quốc tế đánh giá đẹp nhất thế giới; các di tích lịch sử như: khu di tích Tràng An...

Cuộc đổi mới kinh tế lần thứ hai: Việt Nam phải tìm kiếm một con đường phát triển của riêng mình- Ảnh 3.

Chủ đề của chiến lược phát triển kinh tế - xã hội thời kỳ tới có thể là phát triển bền vững và sáng tạo. (Ảnh minh họa)

Với những tiềm năng trên Việt Nam có thể phát triển các ngành: Du lịch cao cấp, nông nghiệp công nghệ cao; Bất động sản cao cấp với các đô thị quốc tế; Dịch vụ sửa chữa tàu biển và công nghiệp đóng tàu; Các ngành thương mại và tài chính quốc tế; Các ngành công nghiệp phục vụ cho các ngành trên và sản xuất chế biến nông lâm hải sản… Như thế, Việt Nam sẽ thoát khỏi thế chỉ là nơi phát triển các ngành công nghiệp gia công xuất khẩu như hiện nay.

Để phát triển có hiệu qủa tất cả các ngành trên, Việt Nam phải đầu tư xây dựng các trung tâm phát triển sáng tạo, các "Silicon của Việt Nam" theo hướng: Xây dựng chiến lược trọng dụng nhân tài, cả người Việt Nam và người nước ngoài; không chỉ về đãi ngộ vật chất, mà phải tạo dựng cả cơ sở hạ tầng xã hội phù hợp, điều kiện làm việc thuận lợi cho sáng tạo. Xây dựng các trung tâm nghiên cứu triển khai với sự hỗ trợ của nhà nước. Chính phủ cần có quan hệ kết nối với chính phủ các nước phát triển để hỗ trợ Việt Nam xây dựng các trung tâm nghiên cứu triển khai. Đồng thời, Việt Nam cũng phải có chính sách thu hút các nhà đầu tư chiến lược nước ngoài vào phát triển các ngành trên theo hướng hiện đại và hội nhập quốc tế, khắc phục tình trạng thu hút FDI không có định hướng và thiếu chọn lọc.

Để thực hiện chiến lược trên, cần có một chương trình đổi mới hệ thống chính trị theo hướng công khai, minh bạch, kiểm soát quyền lực... Muốn vậy, Đảng cần ban hành những cơ chế cụ thể, chặt chẽ về sự lãnh đạo của Đảng ở tất cả các cấp. Đồng thời, các cơ quan tư pháp nên thống nhất quản lý theo ngành dọc đều bảo đảm tính độc lập, không bị tác động của cấp chính quyền địa phương. Đặc biệt, cần có chính sách thi tuyển các nhân tài vào các cơ quan công quyền, loại bỏ triệt để tình trạng "chạy chức", "chạy quyền"; áp dụng cơ chế "thi tuyển có cạnh tranh công khai" đối với các cán bộ từ vụ trưởng. Có thể áp dụng chính sách cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, các nhà khoa học nếu có thành tích xuất sắc, có sức khoẻ vẫn có thể được tái bổ nhiệm không bị giới hạn về tuổi tác.

Kết luận

Với những đặc thù riêng và rút kinh nghiệm từ các nền kinh tế phát triển trước, Việt Nam cần tổng kết những bài học cho riêng mình và không thể đi theo con đường phát triển của các nước một cách máy móc. Học tập, Việt Nam phải tìm kiếm một con đường phát triển của riêng mình, phù hợp với thời đại và những điều kiện của Việt Nam. Thực hiện một chiến lược phát triển với những nội dung chủ yếu như trên cũng chính là thực hiện tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình phát triển của Việt Nam.


Tài liệu tham khảo

1. Nghị quyết 622 ngày 10/5/2017 về Chương trình phát triển bền vững 2030.

2. Nghị Quyết cơ cấu lại nền kinh tế 2013.

3. Cục diện kinh tế thế giới và những tác động tới Việt Nam, đề tài độc lập cấp quốc gia năm 2017, Võ Đại lược chủ nhiệm.

4. Immanuel Wallerstein (2011); The Modern World-System IV: Centrist Liberalism Triumphant, 1789-1914, Berkeyley Univer.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top