Aa

Chính sách tài khóa kịp thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế

Thứ Tư, 10/04/2024 - 06:00

Chính phủ đã điều hành, chỉ đạo linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa, tiền tệ, hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Theo nhận định của các chuyên gia kinh tế, nhờ chính sách tài khóa là bệ đỡ, vững vàng, Việt Nam đã có mức tăng trưởng ấn tượng trong bối cảnh kinh tế thế giới gặp nhiều khó khăn.

Chia sẻ với báo chí, TS. Dorsati Madani, Chuyên gia kinh tế cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, nhận định điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ đã đi đúng hướng. Việc thực hiện chính sách tài khóa linh hoạt hỗ trợ tích cực cho phục hồi của kinh tế.

Theo bà Dorsati Madani, việc áp dụng chính sách tài khóa linh hoạt, lấy doanh nghiệp và người dân làm trung tâm chính là áp dụng khuôn khổ chính sách tài khóa nghịch chu kỳ. Chính sách này đáp ứng những diễn biến của nền kinh tế và góp phần giảm thiểu tác động của các cú sốc kinh tế, ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế và tạo việc làm.

Báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy, cân đối ngân sách trung ương và ngân sách các cấp địa phương trong quý I/2024 được đảm bảo. Theo đó, thu ngân sách ước đạt 539,5 nghìn tỷ đồng, bằng 31,7% dự toán, tăng 9,8% so cùng kỳ năm 2023. Bộ Tài chính nhận định, số thu quý I đạt khá so dự toán chủ yếu do đã tập trung thu các khoản phát sinh quý IV/2023 và chênh lệch theo quyết toán thuế năm 2023 như: Thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế giá trị gia tăng các đối tượng nộp theo quý, thuế thu nhập cá nhân... theo chế độ được kê khai nộp ngân sách nhà nước trong quý I/2024.

Chính sách tài khóa kịp thời hỗ trợ tăng trưởng kinh tế- Ảnh 1.

Làm thủ tục cho khách hàng vay vốn tại Ngân hàng TMCP Bảo Việt. Ảnh minh họa: Trần Việt/TTXVN

Ngoài ra, hầu hết các khoản thu nội địa đều đạt khá (trên 25%) so dự toán. Số thu trên địa bàn, ước tính có 29/63 địa phương thực hiện thu nội địa quý I đạt trên 30% dự toán; 52/63 địa phương có tăng trưởng thu so với cùng kỳ.

Về chi ngân sách nhà nước, tổng chi cân đối ngân sách nhà nước quý I đạt 393,5 nghìn tỷ đồng, bằng 18,6% dự toán, tăng 8,3% so cùng kỳ năm 2023. Theo Bộ Tài chính, các nhiệm vụ chi ngân sách trong quý I được thực hiện theo dự toán, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, quản lý nhà nước và thanh toán các khoản nợ đến hạn, đảm bảo kinh phí phòng, chống dịch, các nhiệm vụ chi an sinh xã hội, chăm lo cho các đối tượng hưởng lương, lương hưu và trợ cấp xã hội từ ngân sách nhà nướ.

Bên cạnh triển khai các nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước, 3 tháng đầu năm, cơ quan thuế đã tiếp tục triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người dân tháo gỡ khó khăn trong hoạt động sản xuất kinh doanh, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Theo các chuyên gia kinh tế, trong bối cảnh chưa từng có tiền lệ, Bộ Tài chính đã nghiên cứu và trình các cấp có thẩm quyền tiếp tục các giải pháp thực hiện chính sách miễn, giãn, giảm thuế, phí. Năm 2024, cơ quan quản lý khẩn trương tổ chức thực hiện hiệu quả chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng như đã áp dụng năm 2023 đối với một số nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng mức thuế suất thuế giá trị gia tăng  10% vừa được Quốc hội thông qua tại Nghị quyết kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV. Đồng thời, Bộ Tài chính trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định tiếp tục giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đã áp dụng của năm 2023. Ước tính số tiền miễn, giảm thuế, phí, lệ phí trong 3 tháng đầu năm khoảng 20,6 nghìn tỷ đồng.

Cùng với việc miễn, giảm thuế phí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết: Bộ Tài chính tiếp tục cải cách trên mọi mặt, gồm hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu lực, hiệu quả của bộ máy, cải cách thủ tục hành chính theo hướng toàn diện và hiệu quả hơn. Cùng đó, tiếp tục đẩy mạnh hiện đại hoá các lĩnh vực của ngành tài chính, đặc biệt là trong các lĩnh vực thuế, hải quan, vốn được xem là các lĩnh vực có liên quan nhiều và trực tiếp tới doanh nghiệp, người dân nhằm tạo thuận lợi, tiết giảm chi phí cho người dân và doanh nghiệp để cải thiện môi trường kinh doanh, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngoài lĩnh vực ngân sách, Bộ Tài chính cũng thực hiện nhiều biện pháp cải cách thể chế đối với các thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp… thực hiện các biện pháp củng cố niềm tin thị trường, tạo điều kiện khuyến khích các doanh nghiệp phát hành và các nhà đầu tư thỏa thuận các giải pháp giãn nợ, thay đổi hình thức thanh toán phù hợp.

Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục quản lý chi ngân sách nhà nước chặt chẽ, tăng cường tiết kiệm chi, nâng cao hiệu quả quản lý, phân bổ, sử dụng ngân sách nhà nước; siết chặt kỷ luật, kỷ cương tài chính. Ngoài ra, cơ cấu lại chi đầu tư công; tập trung nguồn lực bố trí cho các nhiệm vụ quan trọng, cấp bách các công trình trọng điểm quốc gia… phấn đấu giải ngân đầu tư công cao hơn năm trước, hạn chế tối đa tình trạng chuyển nguồn./.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Liên kết hữu ích
Lên đầu trang
Top