Aa

Cuộc thoát hiểm vụ "trốn thuế" lớn nhất thế kỷ, Kỳ 6: Vất vả của một bài báo

Thứ Hai, 05/09/2016 - 07:02

Tôi lấy chiếc bút bi đưa cho ông. Ông lập tức vừa đứng vừa viết: “Tôi yêu cầu không đăng bài báo này” và ký “xoẹt” một cái. Tôi đau xót lặng lẽ cầm bài báo trên tay…

Nắm trong tay bộ hồ sơ quý giá, tôi trở về Tòa soạn báo Doanh Nghiệp tại số 6 đường Láng Hạ (nay là khách sạn Fortuna). Hồi ấy, báo Doanh Nghiệp vừa mới được thành lập, trực thuộc Hội đồng Trung ương lâm thời các Doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Tôi quyết định sẽ viết bài này đăng vào kỳ báo số 2, vì nếu số ra mắt độc giả mà đưa “quả bom” này lên, chưa biết chừng tờ báo cũng “tan xác” theo.

Lần theo những thông tin có được, tôi cho rằng sự việc có lẽ bắt đầu là từ bên Công an Hà Nội. Họ có lý khi đã phát hiện ra một thương vụ xuyên quốc gia và kết quả hạch toán đã tạo ra một nguồn tiền lãi lên tới 43 tỷ đồng. Và họ cũng đã đúng khi điều tra ra rằng, khoản lợi tức này sau gần một năm chưa đóng thuế 50% theo quy định, tức 21,5 tỷ đồng. Nhưng họ đã mắc 2 nhầm lẫn tai hại, một là về đối tượng vi phạm, tức Cofextimex chứ không phải 3C; hai là về hành vi vi phạm, tức là chậm trễ nộp thuế chứ không phải trốn thuế.

Bản chất sự việc là như vậy, thế nhưng viết như thế nào để không “đổ thêm dầu vào lửa”, các bên liên quan khi đọc đều thấy có thể chấp nhận được và coi đây là “tai nạn nghề nghiệp”. Đấy là một bài toán khó.

Cuối cùng, tôi quyết định viết theo phương pháp “lấy phụ thay chính”, tức là vấn đề mấu chốt sẽ đề cập vào phần nửa cuối của bài viết. Bài báo có tựa đề “Hiện tượng 3C”.

Phần đầu, tôi nêu việc ra đời của Công ty 3C và những hoạt động XNK táo bạo, hiệu quả, đem về cho đất nước nhiều ngoại tệ, một nguồn lực mà Việt Nam lúc ấy rất khan hiếm, kể cả việc 3C ứng tiền cho Vietnam Airlines mua 6 máy bay TU 134 hiện đại. Sau đó mới đến câu chuyện 3C đang bị oan ức trong “vụ trốn thuế lớn nhất thế kỷ” và đưa bằng chứng để chứng minh rằng, hành vi này nếu có thì là của người khác, không liên quan đến 3C.

Sau nữa, tôi chứng minh tiếp số tiền 21,5 tỷ đồng kia đang nằm ở Bộ Công nghiệp Nhẹ, nó chưa được chuyển sang Bộ Tài chính là lý do nội bộ của bộ máy Nhà nước, được minh bạch qua nhiều cuộc họp. Cho nên, không có chuyện “trốn”, cùng lắm chỉ là “chậm trễ” mà thôi. Tức là, số tiền 21,5 tỷ đồng kia đang ở tình trạng “nằm ở túi bên phải hay túi bên trái” của cùng một chủ sở hữu là Nhà nước, chứ không có chuyện thất thoát. Bài báo trực tiếp đề tên tác giả: Nguyễn Hoàng Linh.

Cứ ngỡ rằng viết như thế là kín kẽ, nhẹ nhàng, người viết chịu trách nhiệm đích danh, ai ngờ “sếp” của tôi yêu cầu không được đăng bài này lên báo Doanh Nghiệp.

Chuyện là thế này. Vì tờ báo mới thành lập, Chủ tịch Hội đồng Trung ương lúc bấy giờ là bác Hoàng Minh Thắng, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương Mại, yêu cầu Ban Biên tập phải rất cẩn trọng về nội dung đăng tải trên báo.

Thật không may, dịp ấy bác Thắng lại đi công tác xa, có ủy quyền cho Phó Chủ tịch Nguyễn Chí Vu, nguyên Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Nhẹ, điều hành công việc của Hội đồng.

Phó Chủ tịch Nguyễn Chí Vu yêu cầu tôi trình các bài báo quan trọng chuẩn bị đăng vào số thứ 2 cho ông xem, đương nhiên trong đó có bài “Hiện tượng 3C”.

Buổi sáng hôm ấy, tôi vẫn cho Ban Thư ký lên trang bình thường. Bài “Hiện tượng 3 C” được đăng ở trang trong nhưng được giới thiệu lên trang nhất. Phó Chủ tịch Nguyễn Chí Vu bước vào phòng  tôi, tay cầm bản đánh máy bài báo. Ông tới sát bàn tôi, đứng nói nghiêm giọng:

- Tôi yêu cầu không đăng bài này!

Quả thật, tôi khá bất ngờ về yêu cầu của ông, vì tôi đã cố gắng viết với giọng văn nhẹ nhàng đến mức tựa như những lời chia sẻ thì thầm rồi. Tôi gãi đầu gãi tai:

- Thưa anh, vấn đề này em trực tiếp đi điều tra. Sự thật diễn ra đúng như vậy!

- Có phải sự thật nào cũng đưa lên báo được đâu? Anh là Tổng biên tập mà không biết điều đó à?

Thú thật, trong người tôi bắt đầu run lên vì bị xúc phạm nghề nghiệp. Nhưng tôi vẫn trấn tĩnh:

- Thưa anh, Công ty 3C là doanh nghiệp ngoài quốc doanh, Hội đồng ta là Hội đồng Trung ương của các doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Khi họ gặp hoạn nạn, mình không bênh vực thì ai bênh?

Ông cũng có vẻ bực bội khi tôi dám cãi lại, liền dằn mạnh bản thảo bài báo xuống bàn và nói:

- Anh Nguyễn Kỳ Cẩm đã thay mặt Chính phủ báo cáo trước Quốc hội rồi. Vì vậy, tôi yêu cầu không đăng bài báo này.

Thế là bế tắc. Trong đời làm báo của tôi chưa bao giờ cảm thấy uất ức như thế. “Không thể để lẽ phải bị vùi dập phũ phàng như vậy được”, khi ý chí đã quyết, tôi liền chỉ tay vào góc trên của bài báo:

- Thưa anh, nếu anh không đồng ý cho đăng, xin anh ghi mấy chữ vào đây!

Tôi lấy chiếc bút bi đưa cho ông. Ông lập tức vừa đứng vừa viết: “Tôi yêu cầu không đăng bài báo này” và ký “xoẹt” một cái. Tôi đau xót lặng lẽ cầm bài báo trên tay và nói với ông:

- Cảm ơn anh! Theo Luật Báo chí, quyết định đăng hay không, là em chứ không phải là anh. Nếu xảy ra chuyện gì, em xin chịu trách nhiệm.

Ông nhìn tôi như nhìn một kẻ ở hành tinh xa lạ rồi khoát tay một cái, quay lưng đi và không nói câu nào.

Kỳ sau: Cú điện thoại lạ!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top