Nhưng cho đến giờ, “tác giả” chính của kiểu thi “vừa đá bóng vừa thổi còi” để lại hậu quả nghiêm trọng ấy là Bộ Giáo dục và Đào tạo (Bộ GDĐT) chưa một lời xin lỗi chính thức!
Ít nhất 53 sinh viên đã bị trả về vì được nâng điểm cho đủ để vào các ĐH danh giá, đồng nghĩa với việc 53 học sinh khác bị tước cơ hội vào ĐH vì phải nhường chỗ cho các sinh viên có điểm cao từ gian lận trên.
Ít nhất 108 cái tên từ Hòa Bình, Sơn La đã được xác định có dối trá điểm số và rất nhiều phụ huynh, học sinh khác phẫn nộ vì điều này. Đừng đổ cho tỉnh, đừng trút lên vài cá nhân đã bị lộ; Bộ GDĐT nếu không trả lại công bằng cho các học sinh bị tước cơ hội vào ĐH thì cũng nên dũng cảm xin lỗi.
Tôi đọc được những câu hỏi xót xa như “Nhìn danh sách phụ huynh của những thí sinh được nâng điểm chỉ càng thêm uất ức. Nó trả lời câu hỏi tại sao những kỳ thi trước đó, có em được 30,5 điểm vẫn rớt đại học. Bộ đặt ra kỳ thi để đánh giá năng lực của học sinh, nhưng với những gì đã xảy ra, rõ ràng nhiều em có năng lực lại không được công nhận. Vậy tại sao Bộ lại không đứng ra nhận trách nhiệm và xin lỗi?”.
Xử lý những trường hợp gian lận chưa đủ, hủy bỏ kiểu thi đã gây nên bao hệ lụy như năm rồi chưa đúng, loại bỏ vài ba cán bộ liên quan chưa được...
Bộ GDĐT cần phải nhìn nhận lại cách điều hành thi cử, chỉ đạo giải quyết những sự việc tương tự để những khủng hoảng tương tự không còn mầm mống tái diễn.Lãnh đạo Bộ nghĩ sao về những trường hợp chỉ thiếu 0,25 điểm nhưng cuộc đời phải rẽ sang hướng khác vì cánh cửa ĐH đóng sập? Trong khí đó chỉ vỏn vẹn 1 điểm, người ta đã phù phép cho thí sinh quen biết thành thủ khoa!
Không chỉ năm 2018 mà Bộ GDĐT cần phải rà soát lại hàng loạt trường hợp nghi vấn với điểm cao ngất ngưởng từ những năm trước. Chẳng riêng người ngoài, mà ngay cả TS Hoàng Ngọc Vinh, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục chuyên nghiệp, Bộ GDĐT, cho rằng bộ nên có lời giãi bày với những thí sinh đã trượt oan uổng. Theo ông, lời xin lỗi thuyết phục nhất lúc này không gì bằng bộ xử lý thật nghiêm những người dưới quyền đã nhúng tay vào gian lận và rà soát lại lỗ hổng đã qua.
Cho đến nay Bộ vẫn muốn “nhân văn”, trả lời báo giới quan chức của Bộ vẫn giữ “nhân đạo” quanh vấn đề công khai gian lận điểm thi. Nhưng nhân đạo hay nhân văn nào cho những học sinh lẽ ra đã sắp học năm thứ nhất hay đàng hoàng ngồi trên giảng đường nhưng bị những em cần “nhân văn" kia chiếm chỗ. Tôi ủng hộ việc không bêu tên sinh viên hay thí sinh dính đến gian lận, tuy nhiên cha mẹ các em nếu cố tình dính đến thì cần phải thông báo rộng rãi để làm gương cho các vị khác.
Không thể vì một nhóm người gian lận mà bức xúc xã hội lan tràn, đừng nhân văn với số ít mà phá hủy thi cử nước nhà và giáo dục tương lai. Nhưng quan trọng nhất lúc này vẫn là lời xin lỗi chân thành, chỉ ra sai sót nghiêm túc, chấn chỉnh thật sự... từ Bộ GDĐT chứ không phải cứ im lặng hay khất lần khất nữa lời xin lỗi mà đáng ra Bộ đã phải cúi đầu nói trước nhân dân từ lâu./.