Aa

Cuối năm 2016: Thị trường BĐS toàn cầu tăng trưởng chậm

Chủ Nhật, 04/12/2016 - 06:01

Một báo cáo mới đây của JLL đã chi ra rằng, thị trường BĐS đang tiếp tục đà phục hồi vốn có, làn sóng đầu tư thoát khỏi những “bước đi run rẩy” quay lại guồng quay sôi động tuy nhiên vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng chậm.

Tiếp tục duy trì đà phục hồi

Đưa  ra báo cáo “Triển vọng thị trường BĐS toàn cầu quý 4/2016” mới đây, JLL cho biết các hoạt động đầu tư và mua bán vẫn tiếp tục chiếm lĩnh thị trường thương mại BĐS thế giới trong III quý vừa qua và trong cả quý IV, bất chấp những thách thức to lớn về kinh tế và chính trị.

Mặc dù sản lượng đầu tư và cho thuê có thể sẽ chỉ dừng lại ở mức tăng 5% đến 10% trong năm 2016, thấp hơn so với tốc độ tăng nhanh chóng ở năm 2015, nhưng các chuyên gia nhận định, đây là mức tăng khá ổn và sẽ mở ra một số tiềm năng tăng trưởng trong năm 2017.

Tuy nhiên, từ nay đến hết năm 2016, mặt bằng cho thuê và tăng trưởng nhìn chung sẽ có thể chững lại do nguồn cung mới giảm và nhiều thị trường đang “dừng lại” để tìm lại thế cân bằng chuẩn bị sức lực trong năm tới.

Làn sóng đầu tư thoát khỏi những “bước đi run rẩy” quay lại guồng quay sôi động

Bất chấp những cơn gió ngược chiều của chính trị và kinh tế, các hoạt động đầu tư và giao dịch thương mại đã thể hiện khá tốt trong quý III vừa qua, góp phần giúp thị trường phục hồi những mất mát đáng tiếc trong 2 quý đầu năm. Lấy ví dụ, khối lượng đầu tư quý III của Mỹ là 165 tỷ USD mang tổng giá trị của hoạt động đầu tư tại Mỹ trong cả 3 quý là 454 tỷ USD, con số này tuy có thấp hơn cùng kỳ năm trước nhưng đã cho thấy những nỗ lực đáng kể của thị trường.

Quý cuối năm luôn là thời điểm then chốt và cho thấy sự tăng trưởng rõ rệt của thị trường. Kinh nghiệm trong nhiều năm qua cho thấy các hoạt động đầu tư và giao dịch trong quý 4 luôn vượt quý 3 trước đó 20% về tốc độ tăng. Tuy nhiên, năm nay do sự không chắc chắn xung quanh những biến động về kinh tế và chính trị của Anh và Mỹ, các chuyên gia đã hạ dự báo tăng trưởng của ngành công nghiệp BĐS toàn cầu.

Mặc dù vậy, sản lượng đầu tư và giao dịch được đánh giá sẽ tăng trở lại trong năm 2017. Chẳng hạn, Mỹ sẽ lấy lại con số tăng trưởng 700 tỷ USD mà thị trường này đã đạt được trong giai đoạn 2014 – 2015.

Sản lượng văn phòng cho thuê tăng trưởng chậm

Trong 3 quý đầu năm 2016, mặc dù có giảm so với năm 2015 là 7% nhưng nhìn chung, thị trường cho thuê các sản phẩm văn phòng vẫn tiếp tục duy trì thế ổn định. Dẫn chứng số liệu đó là sản lượng cho thuê của khu vực này tại quý III tương đương với quý II.

Tại Hoa Kỳ, sự ổn định này có được là do động lực từ tăng trưởng việc làm tại một số ngành công nghiệp, dẫn đến nhu cầu thuê cũng tăng theo.

Còn tại khu vực Châu Á - Thái Bình Dương, khối lượng cho thuê văn phòng tuy có giảm 10% từ đầu năm đến hết quý III nhưng nguyên nhân xuất phát chủ yếu từ việc giảm giá trị của hoạt động này tại Ấn Độ và Trung Quốc so với năm 2015 nên không có gì là đáng lo ngại.

Tuy nhiên, ngược lại với dòng chảy của thị trường thế giới, hoạt động cho thuê tại Châu Âu, ngoại trừ Anh, đã có bước tăng trưởng 6% trong suốt 3 quý đầu năm nay.

Nhìn chung, sản lượng cho thuê toàn cầu tại phân khúc văn phòng 3 quý đầu năm 2016 thấp hơn cùng kỳ năm 2015 là 4%. Theo các chuyên gia, xu hướng này sẽ vẫn tiếp tục từ nay cho đến hết năm 2016. Vì vậy trong cả năm 2016, giá trị cho thuê các sản phẩm văn phòng sẽ thấp hơn năm 2015 khoảng 5%.

Nhu cầu về các địa điểm bán lẻ cao cấp vẫn cao

Việc khẳng định thương hiệu và nâng cao chất lượng của các dịch vụ khách hàng ngày càng quan trọng khiến nhu cầu thuê mua các địa điểm bán lẻ cao cấp, có vị trí đắc địa đang ngày càng tăng cao. Trong đó tăng mạnh nhất phải kể đến thị trường khu vực Châu Âu. Số liệu khảo sát cho thấy giá và sản lượng cho thuê các sản phẩm này tại những cung đường lớn tại London đã tăng hơn 10% trong toàn quý III. Các chuyên gia nhận định, xu hướng này sẽ tiếp tục phát triển mạnh mẽ tại các thành phố lớn ở Châu Âu, trong đó phải kể đến là Dublin, London, Paris, Stockholm và các thành phố hàng đầu của Đức.

Còn tại khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, sự phát triển mạnh mẽ của ngành thực phẩm và dịch vụ ăn uống (F&B) đã góp phần tạo ra những gợn sóng nhỏ trong khu vực cho thuê mặt bằng bán lẻ.

Thịt trường BĐS thế giới sẽ tiếp tục đà tăng trưởng chậm từ giờ đến hết năm

Thịt trường BĐS thế giới sẽ tiếp tục đà tăng trưởng chậm từ giờ đến hết năm

Giới đầu tư tiếp tục "tấn công" sản phẩm khách sạn với sự thận trọng

Những bất ổn về kinh tế và chính trị trên thế giới vừa qua đã khiến giới đầu tư dè chừng hơn trong những quyết định đầu tư của mình vào phân khúc khách sạn. Minh chứng đó là trong 3 quý đầu năm 2016, khối lượng đầu tư vào phân khúc này chỉ đạt 40,2 tỷ USD, giảm 40% so với cùng kỳ năm ngoái.

Đường chu kỳ phát triển cho thấy năm 2015 là thời kỳ đỉnh điểm của các hoạt động đầu tư trên thị trường này, vì vậy năm 2016 được đánh giá là đang ở giai đoạn sau, tức là giai đoạn đi xuống của khu vực khách sạn.

Đầu tư nước ngoài vẫn là nguồn tạo vốn chính của thị trường

Các dòng vốn đầu tư nước nước ngoài hay còn gọi là dòng vốn đầu tư xuyên lục địa tiếp tục là nguồn tạo vốn chính của thị trường BĐS toàn cầu. Trong đó, Trung Quốc đại lục là nước có dòng vốn chảy vào các thị trường ở hầu hết các quốc gia nhiều nhất, tính riêng ở Mỹ, số vốn đầu tư xuyên biên giới của các nhà đầu tư đại lục đã chiếm tới 90% tổng số vốn FDI vào ngành công nghiệp BĐS nước này.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top