Aa

"Cúp vàng thương hiệu" Legamex bị phạt 435 triệu đồng và dự báo ít vui

Thứ Hai, 10/12/2018 - 06:01

Đăng ký công ty đại chúng 10 năm nhưng không thực hiện đăng ký giao dịch, không công bố thông tin năm 2016 – 2017; Công ty cổ phần Giày da và May mặc xuất khẩu (Legamex) chịu “án phạt” hơn 400 triệu đồng.

Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 1075/QĐ-xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán đối với Công ty cổ phần Giày da và May mặc xuất khẩu (Legamex).

Theo đó, công ty này bị phạt 85 triệu đồng do không báo cáo theo quy định pháp luật. Legamex đã không báo cáo UBCKNN về Báo cáo tài chính năm 2016, 2017 đã kiểm toán, Báo cáo thường niên năm 2016, 2017; báo cáo không đúng thời hạn Biên bản họp Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2018.

Legamex cũng bị phạt 350 triệu đồng do không đăng ký giao dịch. Được biết, công ty này đăng ký công ty đại chúng từ năm 2007. Đến ngày 7/6/2017, UBCKNN đã có công văn số 3782/UBCK-GSĐC yêu cầu Legamex thực hiện nghĩa vụ đăng ký giao dịch theo quy định. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, công ty vẫn chưa thực hiện đăng ký giao dịch.

Legamex hoạt động trong lĩnh vực sản xuất, kinh doanh giày da, may mặc, dệt nhãn. Tổng Giám Đốc công ty là ông Hoàng Tiến Đạt. Theo website doanh nghiệp, Legamex có quy mô hoạt động với số lao động 3.500 người. Năng lực sản xuất may mặc 5 triệu sản phẩm/năm, nhãn 20 triệu cái/năm, giày thể thao 1 triệu đôi/năm. Trong đó, doanh nghiệp này có mặt hàng chính là áo jacket, áo sơmi, đồ lót nam nữ, giày thể thao, nhãn dệt,... xuất khẩu sang các thị trường phát triển như EU, Nhật, Mỹ..

Legamex có khá nhiều công ty thành viên như: CTCP Dệt may Gia Định – Phong Phú, CTCP Đầu tư phát triển Gia Định, CTCP Dệt Sài Gòn Sagontex, CTCP Sản xuất thương mại may Sài Gòn, CTCP Bông Bạch Tuyết.

Legamex từng được Chứng nhận ISO 9001:2000, doanh nghiệp tiêu biểu của ngành dệt may Việt Nam năm 2006, hàng Việt Nam chất lượng cao nhiều năm liền. Công ty đoạt cúp vàng thương hiệu Việt năm 2006. Dễ nhận thấy, những thành tựu của Legamex đều được ghi nhận giai đoạn trước khi đăng ký công ty đại chúng vào năm 2007. Từ thời điểm đó đến này đã hơn chục năm, công ty không tạo dấu ấn đặc biệt và có vẻ như không muốn tiếp tục đăng ký giao dịch.

Theo thông tin gần đây nhất ngày 19/11/2018, HĐQT Legamex đã cơ bản thông qua báo cáo của Tổng Giám đốc về kết quả kiểm toán các báo cáo tài chính năm 2015, năm 2016 và năm 2017 do Công ty TNHH PWC Việt Nam thực hiện. Đồng thời, HĐQT cũng thông qua loạt tờ trình cho ĐHĐCĐ thường niên vào ngày 28/12/2018 sắp tới, trong đó có nội dung đáng chú ý là phát triển dự án Lega Fashion House tại số 106 đường 3/2 quận 10, TPHCM.

Trước đó, hồi tháng 4/2018, ĐHĐCĐ bất thường của Legamex cũng đã bàn về loạt vấn đề trọng yếu từ tình hình hoạt động kinh doanh cho đến nhân sự và các bê bối tố cáo...

Doanh nghiệp Cúp vàng thương hiệu và sự tụt lùi một thương hiệu mạnh

Doanh nghiệp Cúp vàng thương hiệu 2006 đã trở thành dĩ vãng?

Theo báo cáo của HĐQT Legamex, Nghị quyết ĐHĐCĐ ngày 28/09/2016 đã thông qua việc xác định trách nhiệm cá nhân của ông Nguyễn Văn Dũng - nguyên TGĐ Legamex liên quan đến thiệt hại tại Xí nghiệp Lega 9 tại thời điểm chuyển thể năm 2006; liên quan đến thiệt hại tại Xí nghiệp Lega Bình Tân; liên quan đến các khoản chi phí đối với dự án tại số 106 đường 3/2, quận 10, TPHCM (dự án Lega Fashion).

Dự án Lega Fashion liên quan đến Tổng giám đốc công ty - ông Nguyễn Văn Dũng.  Liên quan đến dự án Lega Fashion, ngày 17/12/2010, ông Nguyễn Văn Dũng đã làm đại diện ký hợp đồng hợp tác kinh doanh với CTCP Đầu tư và Phát triển Gia Định (GDI), CTCP Tập đoàn Đại Dương (OGC) và Ngân hàng TMCP Đại Dương (Oceanbank) để cùng xây dựng khu trung tâm thời trang, thương mại dịch vụ cao ốc văn phòng Lega Fashion House với vốn đầu tư dự kiến 800 tỷ đồng.

Trong đó, Legamex và GDI chiếm 25%, OGC là 75% và Oceanbank với tư cách là ngân hàng cung ứng các dịch vụ, quản lý vốn và hỗ trợ thực hiện. Đến năm 2015, HĐQT thống nhất thay đổi nhà đầu tư và chọn Công ty Bất động sản Sài Gòn Vina (Land Sài Gòn) thay OGC và thanh lý hợp đồng này. Tuy nhiên, trong quá trình thanh lý hợp đồng đã có một số vướng mắc liên quan đến khoản tiền trả lại cho OGC khi góp vốn.

Liên quan đến dự án này, Legamex đã nhận được đề xuất hợp tác của CTCP BĐS Sơn Kim, CTCP BĐS Bắc Ái Sài Gòn,... và một số đơn vị khác. Theo đó, các đơn vị này đều đề nghị thành lập pháp nhân mới để được quản lý khai thác hoàn toàn dự án này và yêu cầu điều chỉnh quy hoạch nên không thể tiến hành hợp tác góp vốn. Vì thế, để tiến hành thực hiện dự án, Legamex cần tìm kiếm thên đối tác thực sự có năng lực tài chính hoặc tự Công ty thực hiện dự án bằng việc huy động thêm vốn từ cổ đông.

Theo báo cáo tài chính năm 2016, Legamex đang có lỗ lũy kế 39 tỷ đồng, trong khi vốn góp chủ sở hữu ở mức 74 tỷ đồng. Với kết quả kinh doanh bết bát, không muốn đăng ký giao dịch, tương lai Dự án Lega Fashion sẽ là một dấu hỏi đối với các cổ đông doanh nghiệp này!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top