GS. Đặng Hùng Võ cho biết, cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” được coi như sáng kiến của Bà Rịa – Vũng Tàu từ nửa đầu những năm 1990. Vào thời điểm đó, ngân sách nhà nước tại địa phương không đủ để phát triển hạ tầng mà Nhà nước lại chỉ có đất đai là quý. Vì vậy, Nhà nước hợp đồng với nhà đầu tư bỏ tiền ra xây dựng hạ tầng và sẽ trả công bằng đất đai.
Trên thực tế, hạ tầng thường là một con đường nào đó và đất đem đổi là đất hai bên đường. Vấn đề ở đây là giá trị đem ra đánh đổi như thế nào? Cụ thể, giá trị con đường được xây dựng do ai định giá, quyết toán, kiểm toán hay lấy theo giá trị khái toán trong dự án? Đất đai hai bên đường đem đổi lấy con đường được tính theo giá đất nông nghiệp hay đất ở, đất ở đã có con đường hay chưa có con đường? Tất cả phần giá trị đổi chác hoàn toàn chưa rõ ràng.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, sau khi Bà Rịa – Vũng Tàu đổi đất lấy hạ tầng thành công ở một số dự án, nhiều địa phương khác đã áp dụng kinh nghiệm này trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng, như Quảng Ninh, Hà Tây (cũ).
Sau đó, cách làm này được đưa vào quy định chính thức cơ chế “sử dụng quỹ đất để phát triển hạ tầng” tại Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai (1998). Tuy nhiên, GS. Đặng Hùng Võ cho rằng, độ “mập mờ” về giá trị quy định trong Luật này cũng không rõ hơn những mập mờ trên thực tế. Hệ quả tham nhũng đã làm cho lãnh đạo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu bị thi hành kỷ luật sau khi thanh tra việc thực hiện “đổi đất lấy hạ tầng”.
Đến năm 2004, Nghị định số 181/2004/NĐ-CP đã chính thức khai tử cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng” bằng quy định thực hiện đấu giá đất sau khi phê duyệt quy hoạch hạ tầng để lấy tiền xây dựng.
Đến khi Luật Đất đai 2013 ra đời, cơ chế đấu giá đất để lấy tiền phát triển hạ tầng tiếp tục được giữ lại nhưng lại chấp nhận cơ chế dự án BT (Xây dựng - Chuyển giao) mà không có quy định chi tiết nào về định giá hạ tầng cũng như định giá đất đai để trả cho nhà đầu tư.
“Dự án BT chỉ là hình thức mới phủ lên nội dung cũ “đổi đất lấy hạ tầng”, chẳng qua là “bình mới rượu cũ”. Đến nay, hàng loạt dự án BT đã được nhiều nhà đầu tư đề xuất tại Hà Nội, TP.HCM và nhiều địa phương khác. Nhiều dự án đã được lãnh đạo địa phương chấp thuận và báo chí đã cảnh báo về kẽ hở lọt tham nhũng”, ông Võ cho biết.
Theo GS. Đặng Hùng Võ, tại TP.HCM, từ tháng 4/2015 - 3/2016, UBND thành phố đã phê duyệt 17 dự án PPP (công tư đối tác), trong đó có tới 11 dự án BT do các nhà đầu tư đề xuất.
Riêng thời điểm tháng 6/2016, UBND thành phố cũng đã phê duyệt dự án BT phòng chống lũ giai đoạn 1 do Công ty cổ phần đầu tư và xây dựng Trung Nam đề xuất với tổng vốn đầu tư tới 9,926 nghìn tỷ đồng và trình Thủ tướng chấp thuận dự án BT xây dựng cầu Thủ Thiêm 4 do Công ty cổ phần phát triển BĐS Phát Đạt, Công ty đầu tư và phát triển hạ tầng 620 và Công ty phát triển xây dựng và đầu tư 168 đề xuất với tổng vốn đầu tư 5,254 nghìn tỷ đồng. Vậy bao nhiêu đất để trả cho nhà đầu tư cho vừa!
Điều đáng nói là, vào quý I năm 2017, khi Chính phủ ưa ra nhiều quyết định kiểm soát chặt chẽ các dự án BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao), nhiều nhà đầu tư đã thể hiện ý định không đề xuất các dự án BOT mà chuyển sang đề xuất các dự án BT.
“Đã đến lúc chấm dứt thực sự cơ chế “đổi đất lấy hạ tầng”, cả về mặt pháp luật và thực thi pháp luật trên thực tế. Luật Đất đai 2013 cần được sửa đổi, bổ sung các điều kiện cụ thể trong việc thực hiện các dự án BT, Nhà nước không trả nhà đầu tư bằng đất mà đưa ra bán đấu giá để trả bằng tiền”, GS. Đặng Hùng Võ nhấn mạnh.
Cùng quan điểm, TS. Nguyễn Minh Phong cho rằng, việc thực hiện dự án theo hình thức này mang lại một số hiệu quả, giúp cho công trình được thực hiện nhanh và đáp ứng được tiến độ, nhà nước lại không phải bỏ vốn và giúp giảm bớt chi ngân sách, nợ công... Tuy nhiên, trên thực tế quá trình thực hiện dự án cũng tạo ra vấn đề cho đến nay vẫn chưa có cơ chế đánh giá một cách tốt hơn.
Thứ nhất là hiện tượng không hiệu quả, nếu xét về mặt tổng thể chung. Vì những công trình như vậy, đất phải đổi cho chủ đầu tư rất nhiều nhưng chất lượng lại thấp, đòi hỏi chi phí bảo dưỡng về sau rất lớn. Cuối cùng vẫn làm tăng khoản chi của ngân sách nhà nước cho hoạt động này. Trong khi đó, thiếu chế tài để kiểm soát chất lượng của nhà đầu tư.
Thứ hai, việc định giá, đấu giá dự án không được minh bạch, hiệu quả. Do đó, giá đưa ra thấp, gây ra tình trạng thất thoát tài sản công lớn.
Thứ ba, một số khoản nghĩa vụ ngân sách của các nhà đầu tư đối với dự án cũng không được thực hiện đầy đủ, dẫn đến hụt khoản thu trong dự án.
Cuối cùng, tình trạng “lợi ích nhóm” trong quá trình thực hiện dự án loại này là có nhưng vẫn chưa được nhận diện đầy đủ và có giải pháp để giảm thiểu. Vì vậy, gần đây các dự án kiểu này đã không được khuyến khích nữa, nhất là đối với các dự án của nhà đầu tư nước ngoài.
“Việc này hiện nay chưa có đánh giá tổng kết, tới đây nhà nước phải tổng kết, đánh giá kỹ lại việc thực hiện các dự án này. Chỉ ra những lỗ hổng, để bổ khuyết bằng luật, bằng các giải pháp để cho chặt chẽ. Khi nào làm tốt thì triển khai nhưng không làm một cách ồ ạt mà làm kỹ từng cái một. Hơn nữa, phải đưa kiểm toán vào ngay từ đầu và phải công khai đấu thầu, đấu giá rõ ràng”, ông Phong nêu quan điểm.