Aa

Đổi đất lấy hạ tầng: “Nếu không kiểm soát thoả đáng, nhà đầu tư sẽ "ăn" cả hai đầu B và T"

Thứ Hai, 12/06/2017 - 06:00

Đó là khẳng định của ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM khi trao đổi với Reatimes về việc thực hiện các dự án BT trên địa bàn thành phố.

PV: Từ nhiều năm nay, TP.HCM và một số thành phố khác trong cả nước đã mở mang đường sá, cơ sở hạ tầng bằng việc thực hiện các dự án BT. Ông đánh giá thế nào về hiệu quả của cách làm này ở TP.HCM?

Ông Lê Hoàng Châu: Trong điều kiện ngân sách tiền mặt còn khó thì việc đổi đất lấy hạ tầng là một giải pháp.

Bà Rịa - Vũng Tàu là nơi đi đầu, tiên phong trong việc đổi đất lấy hạ tầng nên mới có được bộ mặt hạ tầng như bây giờ. Sau đó giải pháp này được lan rộng ra cả nước.

Mô hình này cũng nằm trong giải pháp hợp tác công tư PPP. Tuy nhiên, đổi đất lấy hạ tầng muốn phát huy được phải đi đôi với công tác quy hoạch phát triển đô thị. Anh quy hoạch phát triển đô thị và Nhà nước phải đầu tư công trình vốn mồi để đầu tư phát triển hạ tầng giao thông.

Khi hệ thống hạ tầng giao thông phát triển sẽ kích thích mặt bằng giá trị BĐS khu vực đó lên. Nếu hệ thống hạ tầng giao thông càng thuận tiện, các tiện ích đô thị càng nhiều, mặt bằng giá BĐS khu vực đó lên sẽ hấp dẫn chuyện đổi đất các nhà đầu tư.

Ví dụ bên Mỹ, ngày xưa Thành phố Lasvegas là sa mạc không ai tới nhưng khi có đường cao tốc qua đó, khi có nhà đầu tư tiên phong vào khu vực đó, tạo ra một điểm đến buộc mọi người phải đến chơi và làm việc thì thành ra hấp dẫn nhà đầu tư.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM trao đổi với Reatimes.

Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội BĐS TP. HCM trao đổi với Reatimes.

Đối với TP.HCM, trong cuộc làm việc giữa Bí thư Thành ủy TP. HCM với các doanh nghiệp mới đây, lãnh đạo TP cho biết, hiện nay quỹ đất dành cho dự án BT không còn nữa, chỉ còn ở huyện Củ Chi và Cần Giờ.

Ngay Cần Giờ hiện nay số lượng cũng rất ít, chỉ còn Củ Chi. Tuy nhiên, tại Củ Chi, với hạ tầng hiện nay thì các doanh nghiệp không thực sự hào hứng.

PV: Xung quanh việc thực hiện các dự án BT ở TP.HCM, trao đổi với Reatimes, một lãnh đạo công ty địa ốc trên địa bàn cho rằng, cần phải dừng ngay việc thực hiện các dự án này vì cách thực hiện dự án tiềm ẩn nhiều tiêu cực, tham nhũng. Ông nói sao về ý kiến này?

Ông Lê Hoàng Châu: Cái tiêu cực thì phải chấn chỉnh. Trong việc đổi đất lấy hạ tầng, có chuyện phát sinh ra nguy cơ về vấn đề tiêu cực. Vì nếu chính quyền không kiểm soát thỏa đáng, nhà đầu tư theo hình thức BT, sẽ "ăn" cả hai đầu B và T.

Đầu B là buiding – xây dựng. Họ nhận công trình mà không qua đấu thầu và nhận được quỹ đất đối ứng không qua đấu thầu, thậm chí có trường hợp họ nhận được những quỹ đất rất "ngon lành" nhưng bây giờ hết thời kỳ đó rồi.

Hiện TP. HCM không còn quỹ đất. Chủ tịch TP đã nói rất rõ là còn quỹ đất ở Củ Chi và Cần Giờ để đối ứng. Qua rồi cái giai đoạn "đục nước béo cò", ăn cả đầu B, đầu T.

T là Transfer – chuyển giao. Cái đó là chuyện chỉ định các công trình không qua đấu thầu, rồi nhận quỹ đất đối ứng không qua đầu thầu. 

PV: Ông vừa cho rằng hiện nay không còn nhiều quỹ đất dành cho phát triển các dự án BT. Tuy nhiên, thực tế, tại một số TP như Hà Nội hay Nha Trang.... hiện nay vẫn có những tuyến đường dài chỉ 3,5km nhưng được đổi 70ha đất?

Ông Lê Hoàng Châu: Vấn đề này nằm ở trình độ, năng lực quản lý của Nhà nước trong việc kiểm soát vấn đề để đảm bảo không có lợi ích nhóm và tham nhũng.

Còn việc do vấn đề năng lực quản lý hay chính quyền nhắm mắt làm ngơ thì chuyện này không thể biết được.

Để xây dựng tuyến đường dài 3,5km Lê Đức Thọ kéo dài, Hà Nội đã phải trả cho Tasco 70 ha đất. Ảnh: Kháng Trần

Để xây dựng tuyến đường dài 3,5km Lê Đức Thọ kéo dài, Hà Nội đã phải trả cho Tasco 70 ha đất. Ảnh: Kháng Trần

 PV: Vậy theo ông làm thế nào để quản lý tốt vấn đề này?

Ông Lê Hoàng Châu: Tất cả phải trở thành quy chế, cơ chế rõ ràng, minh bạch. Đó là phải đưa ra đấu thầu công khai dự án BT.

Từ việc đấu thầu công khai sẽ lựa chọn được minh bạch, còn nếu không, sẽ dẫn đến việc thất thoát tài sản Nhà nước. Thất thoát qua cả đầu B và T.

PV: Thưa ông, trước nguồn lợi nhuận không nhỏ từ việc thực hiện các dự án BT mang lại, hiện có tình trạng rất nhiều doanh nghiệp nhỏ, ít kinh nghiệm cũng lao vào dành “miếng bánh vẽ” từ các dự án này. Một số ý kiến cho rằng, việc thực hiện những dự án như vậy chỉ nên giao cho các doanh nghiệp lớn, có uy tín, thương hiệu. Quan điểm của ông về việc này thế nào?

Ông Lê Hoàng Châu: Tất nhiên các doanh nghiệp luôn có nhu cầu tìm kiếm công trình và lợi nhuận. Doanh nghiệp nào cũng vậy.

Vấn đề là hệ thống pháp luật của chúng ta phải quản lý được việc này để tránh những kẻ hở như vừa qua khi Nhà nước phải vào cuộc ở một số dự án.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi!

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top