Sáng ngày 24/7, PV Reatimes đã có mặt tại hiện trường vụ việc san lấp đất nông nghiệp trái phép trên đường Mai Đăng Chơn (thuộc Tổ 48 Thị An), đối diện với Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng (cơ sở 2) để kiểm chứng thông tin mà UBND phường Hòa Quý đã cung cấp.
Thực trạng tại hiện trường vào sáng ngày 24/7
Những hình ảnh ghi lại cho thấy, phế thải xây dựng vẫn còn ngổn ngang tại khu vực này. Một số ít bùn thải đã được san gạt, nhưng không thấy dấu hiệu của việc di chuyển phế thải ra khỏi khu vực như biên bản đã nêu.
Chính quyền địa phương sau khi nhận được thông tin từ báo chí về việc phế thải xây dựng vẫn chưa được di chuyển như trong biên bản. Ông Ngô Thanh Trà, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý cho biết sẽ tiếp tục đôn đốc, tăng cường kiểm tra, giám sát chặt chẽ quá trình thực hiện. Ông khẳng định sẽ kiên quyết yêu cầu xử lý triệt để vấn đề này, nhằm đảm bảo rằng khu vực bị ảnh hưởng sẽ được khôi phục lại hiện trạng ban đầu.
Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định: "Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.
Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm…
Sự việc lần này là một bài học cho các doanh nghiệp dùng phế thải xây dựng để san lấp đất nông nghiệp trái phép. Việc sử dụng, tiếp nhận phế thải xây dựng cần được thực hiện nghiêm ngặt hơn, đúng quy định của pháp luật để đảm bảo môi trường sống của người dân không bị ảnh hưởng. Đồng thời, các biện pháp giám sát và kiểm tra cần được thực hiện thường xuyên và chặt chẽ hơn để tránh tình trạng doanh nghiệp báo cáo không trung thực. Trong thời gian tới, UBND phường Hòa Quý sẽ tăng cường công tác kiểm tra và giám sát tại các khu vực trên địa bàn để đảm bảo không xảy ra tình trạng tương tự.
Hy vọng rằng, với sự quyết tâm và tâm huyết của Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, những tình trạng như thế này sẽ không còn tái diễn. Sự quan tâm và hành động kịp thời từ phía chính quyền sẽ đem lại một môi trường sống trong lành, an toàn và đáng sống hơn cho người dân trong khu vực. Điều này không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống mà còn truyền cảm hứng về trách nhiệm và ý thức bảo vệ môi trường đến từng người dân.
Xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định như sau:
1. Trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:
a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta;
b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;
c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;
d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;
đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.
2. Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.
3. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này:
Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.
Theo Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về áp dụng mức phạt tiền như sau:
1. Đối tượng áp dụng mức phạt tiền thực hiện như sau:
a) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;
b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức.
2. Thẩm quyền phạt tiền quy định tại các Điều 38 và 39 của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân đối với chức danh đó.