Aa

Công ty Rin Rin đổ phế thải xây dựng trái phép, biến ruộng lúa thành bãi rác

Thứ Hai, 22/07/2024 - 17:00

Gần đây, tại khu vực đồng ruộng thuộc phường Hòa Quý, Q. Ngũ Hành Sơn (TP. Đà Nẵng), xảy ra một sự việc đáng lo ngại, khi một doanh nghiệp đã huy động nhiều xe ben để san lấp đất nông nghiệp trái phép, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường và đời sống của người dân.

Phế thải xây dựng tràn lan tại khu ruộng lúa Hòa Quý

Khu vực này có diện tích hơn 10.000m², nằm sát đường Mai Đăng Chơn đối diện với Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng (cơ sở 2). Hàng ngàn mét khối phế thải xây dựng đã được Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Rin Rin (viết tắt Công ty Rin Rin) sử dụng các xe ben trọng tải lớn để vận chuyển về san lấp.

Công ty Rin Rin đổ phế thải xây dựng trái phép, biến ruộng lúa thành bãi rác- Ảnh 1.

Hàng ngàn mét khối phế thải xây dựng đã được Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ vận tải Rin Rin sử dụng các xe ben trọng tải lớn vận chuyển về san lấp.

Tại hiện trường, có hàng ngàn khối đất, xà bần giá hạ và bùn thải được Công ty Rin Rin đổ tràn lan lên đám ruộng đầy cỏ dại. Khu vực này vốn là ruộng lúa, nhưng do không được canh tác, bỏ hoang trong thời gian dài, cỏ mọc um tùm, phủ kín mặt đất. Việc đổ tràn lan bùn đất và phế thải lên đất ruộng này không chỉ làm mất đi giá trị sử dụng của đất nông nghiệp mà còn biến nó thành một bãi rác khổng lồ, gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Công ty Rin Rin đổ phế thải xây dựng trái phép, biến ruộng lúa thành bãi rác- Ảnh 2.

Khu vực này nằm sát đường Mai Đăng Chơn đối diện với Trường Cao đẳng nghề Đà Nẵng (cơ sở 2)

Giáp ranh lớp đất san lấp này có rất nhiều cọc bê tông được đóng chắc chắn và được rào bằng lưới B40. Sự hiện diện của các cọc bê tông và hàng rào kiên cố làm tăng thêm những nghi ngờ về việc chuẩn bị cho một dự án xây dựng trái phép nào đó. Trong khi đó, nhiều diện tích đất nông nghiệp xung quanh vẫn được người dân giữ nguyên hiện trạng với những cánh đồng xanh mướt trải dài. Hình ảnh tương phản giữa những khu ruộng còn nguyên vẹn và đám ruộng bị biến thành bãi chứa phế thải như một bức tranh đối lập càng làm nổi bật sự bất thường và trái phép của hoạt động san lấp này.

Công ty Rin Rin đổ phế thải xây dựng trái phép, biến ruộng lúa thành bãi rác- Ảnh 3.

Giáp ranh lớp đất san lấp này có rất nhiều cọc bê tông được đóng chắc chắn và được rào bằng lưới B40.

Điều 228 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi bổ sung 2017 quy định: "Người nào lấn chiếm đất, chuyển quyền sử dụng đất hoặc sử dụng đất trái với các quy định của pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai, đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 500.000.000 đồng đến 2.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 2 năm đến 7 năm: Có tổ chức; Phạm tội 2 lần trở lên; Tái phạm nguy hiểm…

Những chiếc xe ben trọng tải hàng chục tấn thường xuyên xuất hiện trong khu vực này để đổ phế thải xây dựng. Sự hiện diện liên tục của chúng không chỉ làm phá vỡ sự yên bình vốn có của khu dân cư mà còn gây ra tiếng ồn và khói bụi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh.

Theo tìm hiểu, bãi san lấp chất thải này do một người đàn ông tên Huỳnh Cường quản lý. Bãi này không phải mới xuất hiện mà đã hình thành trong một thời gian dài, mỗi ngày một lớn dần lên. 

Việc san lấp, tập kết phế thải xây dựng không qua xử lý tại đây sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từ ô nhiễm đất, nước cho đến không khí.

Công ty Rin Rin đổ phế thải xây dựng trái phép, biến ruộng lúa thành bãi rác- Ảnh 4.

Sự hiện diện liên tục của những xe ben không chỉ làm phá vỡ sự yên bình vốn có của khu dân cư mà còn gây ra tiếng ồn và khói bụi, ảnh hưởng nghiêm trọng đến chất lượng cuộc sống của người dân xung quanh.

Đặc biệt, trong khu vực dân cư, ô nhiễm không khí từ bụi bẩn và các chất độc hại có thể gây ra nhiều bệnh về đường hô hấp, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân. Ngoài ra, việc san lấp này còn phá vỡ hệ sinh thái nông nghiệp, những chất thải không qua xử lý có thể ngấm vào đất, làm giảm chất lượng đất, gây ra hiện tượng thoái hóa đất, ảnh hưởng tới việc sử dụng đất trong tương lai.

Công ty Rin Rin đổ phế thải xây dựng trái phép, biến ruộng lúa thành bãi rác- Ảnh 5.

Bãi này không phải mới xuất hiện mà đã hình thành trong một thời gian dài, mỗi ngày một lớn dần lên.

Thông thường, phế thải xây dựng cần phải được chuyển đến các địa điểm theo quy định để xử lý, nhằm bảo vệ môi trường và duy trì mỹ quan đô thị. Các địa điểm đổ thải hợp pháp thường là bãi rác Khánh Sơn hoặc những bãi tập kết đã được thành phố cấp phép và quản lý chặt chẽ. Việc tuân thủ quy định này không chỉ giúp bảo vệ môi trường sống của người dân mà còn góp phần duy trì sự sạch đẹp và an toàn cho khu vực đô thị.

Cơ quan chức năng vào cuộc

Việc san lấp và chứa phế thải xây dựng diễn ra ngay trước mắt người dân và các phương tiện qua lại, chỉ cách UBND phường Hòa Quý chưa đến 3km. Mặc dù khoảng cách gần, nhưng có thể do những lý do khách quan mà các cơ quan chức năng chưa kịp thời kiểm tra và xử lý. Ông Ngô Thanh Trà, Chủ tịch UBND phường Hòa Quý, đã lên tiếng: "Chúng tôi sẽ nhanh chóng chỉ đạo lực lượng tiến hành kiểm tra và yêu cầu di dời ngay lập tức để đảm bảo môi trường và trật tự cho khu vực".

Công ty Rin Rin đổ phế thải xây dựng trái phép, biến ruộng lúa thành bãi rác- Ảnh 6.

Nhiều diện tích đất nông nghiệp xung quanh vẫn được người dân giữ nguyên hiện trạng.

Việc Công ty Rin Rin thực hiện san lấp phế thải xây dựng trên đất nông nghiệp một cách trái phép thực sự là một vấn đề gây nhiều lo ngại. Trước tình trạng này, người dân mong muốn các cơ quan chức năng nhanh chóng vào cuộc, kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm của Công ty Rin Rin. Đồng thời, cần có các biện pháp khắc phục hậu quả, làm sạch môi trường và khôi phục lại hiện trạng ban đầu của đất nông nghiệp.

Công ty Rin Rin đổ phế thải xây dựng trái phép, biến ruộng lúa thành bãi rác- Ảnh 7.

Việc san lấp, tập kết phế thải xây dựng không qua xử lý sẽ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, từ ô nhiễm đất, nước cho đến không khí.

Chính quyền địa phương cần đẩy mạnh công tác giám sát, kiểm tra và quản lý chặt chẽ việc xử lý phế thải xây dựng. Các quy định về vận chuyển và xử lý phế thải phải được thực thi nghiêm ngặt để ngăn chặn những vi phạm tương tự trong tương lai. Đã đến lúc các cơ quan chức năng cần có những biện pháp quyết liệt nhằm bảo vệ môi trường sống, đảm bảo quyền lợi chính đáng của người dân và giữ gìn môi trường xanh - sạch - đẹp cho TP. Đà Nẵng.

Xử phạt vi phạm hành chính về hành vi hủy hoại đất theo quy định tại Điều 15 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định như sau:

1. Trường hợp làm biến dạng địa hình hoặc làm suy giảm chất lượng đất thì hình thức và mức xử phạt như sau:

a) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại dưới 0,05 héc ta;

b) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,05 héc ta đến dưới 0,1 héc ta;

c) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,1 héc ta đến dưới 0,5 héc ta;

d) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 0,5 héc ta đến dưới 01 héc ta;

đ) Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng nếu diện tích đất bị hủy hoại từ 01 héc ta trở lên.

2. Trường hợp gây ô nhiễm thì hình thức và mức xử phạt thực hiện theo quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ môi trường.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này:

Buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm. Trường hợp người có hành vi vi phạm không chấp hành thì Nhà nước thu hồi đất theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 64 của Luật đất đai.

Theo Điều 6 Nghị định 91/2019/NĐ-CP quy định về áp dụng mức phạt tiền như sau:

1. Đối tượng áp dụng mức phạt tiền thực hiện như sau:

a) Mức phạt tiền quy định tại Chương II của Nghị định này áp dụng đối với cá nhân, trừ các trường hợp quy định tại điểm b khoản này; mức phạt tiền đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân có cùng một hành vi vi phạm hành chính;

b) Mức phạt tiền quy định tại khoản 4 Điều 19, Điều 20, Điều 21, Điều 22, khoản 4 Điều 26, Điều 27, Điều 28, khoản 2 Điều 30, Điều 31 và Điều 37 của Nghị định này áp dụng đối với các tổ chức.

2. Thẩm quyền phạt tiền quy định tại các Điều 38 và 39 của Nghị định này là thẩm quyền áp dụng đối với cá nhân. Thẩm quyền xử phạt tổ chức gấp 02 lần thẩm quyền xử phạt cá nhân đối với chức danh đó.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top