Dù có ý kiến cho rằng quy hoạch Đà Nẵng đang thụt lùi, song những động thái thời gian qua cho thấy quyết tâm quy hoạch đô thị mang tính toàn cầu của TP biển này đang dần rõ nét.
Phải thoát tư duy nhà ống - xe máy
TS. Trần Du Lịch, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng, Trưởng nhóm tư vấn phát triển vùng duyên hải miền Trung, thẳng thắn nhận định: “Đô thị Đà Nẵng đang đối mặt với vấn đề lớn là không thoát được tư duy nhà ống - xe máy, không gian đô thị công cộng rất hiếm, quỹ đất cho giao thông cũng hạn chế. Nói nôm na, Đà Nẵng đang đi con đường những đô thị phát triển trước đã đi vào bế tắc như TP.HCM và Hà Nội”.
Công tác quản lý và quy hoạch đô thị tại Đà Nẵng đang có những thiếu sót. Do vậy, TP sẽ điều chỉnh quy hoạch không gian nhiều khu vực đô thị, bao gồm không gian ven biển, các khu trung tâm, với mục tiêu hướng tới khắc phục những nhược điểm hiện hữu; tạo không gian mở cho cộng đồng, phát triển các lợi ích người dân ở các khu vực tiềm năng; tiếp cận các chỉ tiêu phát triển đô thị hiện đại, giải quyết các vấn đề bức xúc đô thị.
Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng.
Đồng quan điểm, ông Trần Ngọc Hùng, Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam, nhìn nhận Đà Nẵng với tốc độ tăng trưởng quá nhanh, tốc độ đô thị hóa quá cao do áp lực gia tăng dân số, đã để lại nhiều tồn tại, hạn chế, như không gian trung tâm đô thị phát triển thiếu kiểm soát, mật độ dân số quá cao ảnh hưởng đến môi trường sống, dự án đô thị ven biển thiếu kiểm soát, với mức độ dày đặc các dự án ảnh hưởng đến môi trường, cảnh quan, thậm chí gây bức xúc trong dư luận...
Ông Đỗ Viết Chiến, nguyên Cục trưởng Cục phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), cho rằng hơn 21 năm xây dựng và phát triển, Đà Nẵng đã có những lúc tăng trưởng nóng, để lại nhiều hệ lụy. Nổi lên là áp lực gia tăng dân số kéo theo nhu cầu nhà ở tăng cao đột biến; hạ tầng đô thị chưa theo kịp tốc độ phát triển, dẫn đến tình trạng ách tắc giao thông, ngập úng khi mưa; tình trạng lấn chiếm đất công, xây dựng không phép và sai phép, ô nhiễm môi trường; việc khai thác đất phát triển nóng về phía Đông, xem nhẹ phía Tây dẫn đến nguồn đất đai xây dựng dần cạn kiệt; chủ trương phát triển nhà ở đô thị theo hình thức phân lô bán nền, làm cho không gian đô thị chưa tạo được dấu ấn cảnh quan đô thị đặc trưng.
“Với tốc độ phát triển đô thị quá nhanh, Đà Nẵng đang phải đối mặt với nhiều nguy cơ và thách thức. Đó là việc tổ chức giao thông đang đứng trước nguy cơ ùn tắc, không gian đô thị chưa tạo được điểm nhấn, bản sắc của một đô thị biển” - ông Trần Ngọc Chính, Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, chia sẻ.
Động lực vùng kinh tế trọng điểm miền Trung
Năm 1997, Đà Nẵng chia tách địa giới hành chính với tỉnh Quảng Nam và được công nhận là thành phố trực thuộc Trung ương. Đến nay, Đà Nẵng đã có 3 lần điều chỉnh quy hoạch vào các năm 2002, 2010 và 2013. Sau mỗi lần quy hoạch được điều chỉnh, nhiều khu đô thị mới đã được hình thành. Mới đây, Đà Nẵng đã được Thủ tướng Chính phủ cho phép điều chỉnh quy hoạch chung đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, nhằm xây dựng và phát triển thành một trong những đô thị lớn của cả nước, là trung tâm kinh tế - xã hội của miền Trung. Để có tầm nhìn quy hoạch dài hạn, khoa học và tránh những khiếm khuyết thời gian qua, UBND TP. Đà Nẵng đã tổ chức nhiều hội thảo quy hoạch TP đến 2030, tầm nhìn đến 2045 với sự góp mặt của các chuyên gia đầu ngành về quy hoạch đô thị, kiến trúc đô thị trong và ngoài nước.
Theo KTS Ngô Viết Nam Sơn, đồng chủ nhiệm đề án nghiên cứu tầm nhìn quy hoạch Đà Nẵng đến năm 2030, để đáp ứng chủ trương quy hoạch phát triển bền vững, Đà Nẵng cần định hướng chiến lược phát triển không gian đô thị hài hòa giữa việc phát triển tiềm năng đô thị của TP với việc bảo tồn giá trị di sản quy hoạch kiến trúc và môi trường, cảnh quan thiên nhiên. “Bản sắc của Đà Nẵng với đặc trưng đô thị biển - sông - núi nên phát triển đồng bộ đô thị xanh tương lai. Quy hoạch tổng thể, quy hoạch chi tiết từng dự án cần được phát triển trên tiêu chí gắn bó với thiên nhiên, tiết kiệm năng lượng và thân thiện với môi trường” - KTS Ngô Viết Nam Sơn nói.
Hướng đến vị thế đô thị toàn cầu, theo vị KTS này, Đà Nẵng cần phát huy bản sắc riêng của mình, thông qua việc xây dựng vai trò các khu đô thị và hoạt động kinh tế đặc thù, như khu đô thị sân bay quanh sân bay Đà Nẵng; khu đô thị biển quanh cảng biển và dọc theo các khu du lịch biển; khu đô thị sông nước ở hai bên sông Hàn; khu đô thị đại học gắn liền với các khu đại học và khu công nghệ cao… Đà Nẵng nên có chính sách đặc biệt ưu đãi khuyến khích doanh nghiệp tiên phong giúp phát triển khu đô thị sáng tạo tại các vùng đất còn kém phát triển.
TS. Trần Du Lịch cho rằng cần xác định vị trí, vai trò của Đà Nẵng trong liên kết phát triển vùng và xây dựng vùng đô thị Đà Nẵng. Một số cơ chế và chính sách nhằm tạo động lực mới cho sự phát triển nhanh và bền vững. Đà Nẵng cần phát huy hơn nữa vai trò trong Hội đồng vùng nhằm thúc đẩy liên kết phát triển 4 lĩnh vực chủ yếu của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, gồm phân bố lực lượng sản xuất; xây dựng giao thông kết nối; đào tạo nguồn nhân lực và thị trường lao động chung và bảo vệ môi trường chung. Bên cạnh đó, xây dựng Đà Nẵng thành trung tâm logistics miền Trung. Theo hướng này, Đà Nẵng có thể đầu tư xây dựng cảng Liên Chiểu và xây dựng trung tâm logistics gần cảng.