Aa

Đà Nẵng lấy ý kiến về Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng TP. Đà Nẵng

Chủ Nhật, 03/12/2023 - 15:52

Sở Xây dựng TP. Đà Nẵng đã tổ chức lấy ý kiến dự thảo Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050.

Theo đó, quan điểm phát triển vật liệu xây dựng TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050 phải phù hợp với quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Đảm bảo tính bền vững, gắn hiệu quả kinh tế với hiệu quả xã hội, bảo vệ tốt nguồn tài nguyên thiên nhiên, môi trường sinh thái; không ảnh hưởng tới khu vực an ninh, quốc phòng, di tích lịch sử, văn hóa, du lịch, rừng đặc dụng, rừng phòng hộ, rừng tự nhiên; không tác động tiêu cực tới môi trường, đời sống sinh hoạt của dân cư và không chồng chéo với các kế hoạch, quy hoạch khác.

Dự báo, nhu cầu về vật liệu xây dựng tại Đà Nẵng sẽ tăng mạnh khi nhiều công trình, dự án được khởi công xây dựng trong thời gian tới

Phát triển các sản phẩm sử dụng hiệu quả tài nguyên, triệt để tiết kiệm năng lượng, nguyên liệu, nhiên liệu. Khuyến khích phát triển công nghệ sạch, công nghệ sử dụng phế thải, phế liệu của các ngành khác làm vật liệu xây dựng để giảm ô nhiễm môi trường. Ưu tiên đầu tư nghiên cứu sử dụng các loại phế thải, chất thải làm nguyên liệu, nhiên liệu sản xuất vật liệu xây dựng, vật liệu san lấp. Đa dạng hóa hình thức đầu tư, thu hút mọi nguồn lực vào phát triển vật liệu xây dựng. Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia đầu tư sản xuất vật liệu xây dựng. Phát triển đa dạng chủng loại và mẫu mã sản phẩm; chú trọng phát triển các sản phẩm có tính năng mới, có giá trị kinh tế cao, bền môi trường biển và các loại sản phẩm, cấu kiện phục vụ thi công xây dựng nhanh, đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. 

Trong giai đoạn 2021 - 2030, Đà Nẵng dự kiến sẽ tập trung đầu tư và phát triển các sản phẩm vật liệu xây dựng có thế mạnh của thành phố. Nghiên cứu phát triển đa dạng các chủng loại sản phẩm vật liệu xây dựng, các sản phẩm có hiệu quả kinh tế cao. Đưa công nghệ tiên tiến hiện đại vào sản xuất vật liệu xây dựng để nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu của thành phố, trong khu vực và xuất khẩu, góp phần vào tăng trưởng GRDP, nâng cao vị thế của ngành vật liệu xây dựng trong nền kinh tế.

Khai thác, chế biến và sử dụng khoáng sản làm vật liệu xây dựng đảm bảo cân đối cung - cầu trên cơ sở đáp ứng nhu cầu khoáng sản làm nguyên liệu cho sản xuất vật liệu xây dựng trên địa bàn thành phố, cân đối sử dụng để đảm bảo dự trữ tài nguyên khoáng sản phục vụ nhu cầu phát triển ngành vật liệu xây dựng trước mắt và lâu dài. Loại bỏ hoàn toàn công nghệ sản xuất vật liệu xây dựng lạc hậu, tiêu tốn nhiều tài nguyên, gây ô nhiễm môi trường. Định hướng đến năm 2050, ngành sản xuất vật liệu xây dựng của thành phố được tự động hóa hoàn toàn trong quá trình sản xuất và trở thành ngành công nghiệp xanh, bền vững.

Đối với từng chủng loại vật liệu xây dựng, Đà Nẵng sẽ có những định hướng phát triển riêng. Đơn cử như đối với đá xây dựng, Đà Nẵng dự kiến sẽ tiếp tục cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác và chế biến đá xây dựng để đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trên địa bàn. Khuyến khích các cơ sở khai thác, sản xuất đá làm vật liệu xây dựng thông thường phối hợp đầu tư hoặc liên kết với cơ sở sản xuất cát nghiền, gạch không nung nhằm tận dụng nguyên liệu, giảm ô nhiễm môi trường. Không đầu tư các dự án khai thác, chế biến đá xây dựng ở chân sườn đồi, núi, dọc theo các tuyến đường quốc lộ, các khu vực có ảnh hưởng đến cảnh quan thiên nhiên, các di sản văn hoá, phát triển du lịch, an ninh, quốc phòng. Sử dụng dây chuyền công nghệ sản xuất đá xây dựng hiện đại, tiên tiến, đồng bộ, mức độ cơ giới hóa, tự động hóa cao, giảm tiêu hao năng lượng, giảm thiểu phát thải bụi và tiếng ồn trong sản xuất. Nâng cấp, cải tiến thiết bị, công nghệ chế biến đá xây dựng đối với các cơ sở sản xuất có công nghệ lạc hậu theo hướng tiên tiến, hiện đại...

Đối với cát, sỏi xây dựng, khuyến khích đầu tư các cơ sở sản xuất cát nghiền để đáp ứng nhu cầu trên địa bàn. Duy trì công suất khai thác của các mỏ cát sỏi xây dựng trên địa bàn thành phố theo các giấy phép được cấp. Khuyến khích các doanh nghiệp sản xuất cát nghiền đầu tư sản xuất vữa khô đóng bao, vật liệu xây không nung, bê tông cấu kiện để tăng tốc độ thi công, giảm chi phí xây dựng, bảo vệ môi trường xung quanh công trình xây dựng. Khuyến khích đầu tư, ứng dụng công nghệ sử dụng cát biển trong xây dựng và san lấp. Về công nghệ, đối với khai thác cát sỏi tự nhiên, sử dụng công nghệ khai thác tiên tiến kết hợp với tuyển rửa loại bỏ tạp chất để nâng cao chất lượng cát; phế thải sinh ra trong quá trình xử lý phải được thu gom, lưu chứa đúng kỹ thuật hoặc tái sử dụng. Đối với cát nghiền, sử dụng dây chuyền công nghệ tiên tiến, đồng bộ (bao gồm các thiết bị gia công, chế biến, sàng, tuyển, vận chuyển và các thiết bị xử lý môi trường); đổi mới, cải tạo công nghệ để sản xuất đồng thời các sản phẩm đi kèm...

Dự kiến, Đà Nẵng sẽ cấp phép thăm dò, cấp phép khai thác và chế biến đá xây dựng để đáp ứng nhu cầu trên địa bàn

Đối với bê tông, giai đoạn 2021 – 2030 sẽ duy trì hoạt động ổn định các nhà máy, trạm trộn bê tông hiện có đáp ứng nhu cầu bê tông trong thành phố. Khuyến khích đầu tư các nhà máy sản xuất bê tông thương phẩm và cấu kiện bê tông các loại (bê tông nhẹ; bê tông cường độ cao, bê tông cường độ siêu cao UHPC, bê tông xuyên nước chống ngập úng, giảm tiếng ồn cho các công trình giao thông, thủy lợi, đô thị...) để phục vụ nhu cầu trong và ngoài thành phố. Định hướng đến năm 2050 sẽ nâng cao mức độ tự động hóa, hiện đại hóa, áp dụng tối đa công nghệ thông tin trong quản lý và sản xuất bê tông. Sử dụng các cốt liệu từ nguyên liệu tái chế, phế thải để thay thế đến 60% nguyên liệu thiên nhiên; phát triển các loại phụ gia khoáng và phụ gia hóa học để đưa vào làm thành phần bắt buộc trong sản xuất bê tông nhằm nâng cao chất lượng các sản phẩm bê tông. Phát triển các nhà máy sản xuất cấu kiện bê tông tiền chế, phát triển các cấu kiện bê tông tiền chế, lắp ghép theo mô-đun và các trạm trộn bê tông thương phẩm, bê tông nhựa chất lượng cao. Giảm tỷ lệ bê tông trộn thủ công xuống dưới 20% tổng sản lượng bê tông,...

Được biết, trong thời gian tới, Sở Xây dựng sẽ trình UBND thành phố xem xét, phê duyệt Chiến lược phát triển vật liệu xây dựng TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, định hướng đến năm 2050. Đây sẽ là cơ sở để Đà Nẵng có những định hướng trong việc phát triển vật liệu xây dựng, đảm bảo nhu cầu cho các công trình trên địa bàn, nhất là giai đoạn sau khi Quy hoạch TP. Đà Nẵng thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt./.

Chủ đề bạn có thể quan tâm

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top