UBND Q. Hải Châu (TP. Đà Nẵng) công bố phương án tổ chức phố đi bộ Bạch Đằng (bờ Tây sông Hàn) dự kiến hoạt động từ ngày 27/4.
Đấu giá kiot, xe lưu động bán hàng
Theo đó, phố đi bộ Bạch Đằng được thí điểm hoạt động 5 năm (54 tháng trong giai đoạn 2023 - 2028), nằm trên tuyến đường Bạch Đằng nối dài (đoạn từ cầu Trần Thị Lý đến cầu Rồng) với chiều dài 1,2km, không gian rộng 8ha kết nối với cầu đi bộ Nguyễn Văn Trỗi.
Thời gian hoạt động phố đi bộ Bạch Đằng từ 15h – 0h ở các ngày trong tuần. Khi phố đi bộ hoạt động, vào các ngày bình thường sử dụng 1 làn xe phía Đông đường Bạch Đằng để tổ chức kinh doanh, 3 làn còn lại lưu thông 1 chiều, đặt biển báo giới hạn 40km/h theo giờ và hạn chế xe cơ giới theo giờ. Riêng từ thứ sáu đến chủ nhật cấm xe hoàn toàn trên đường Bạch Đằng từ cầu Rồng đến cầu Trần Thị Lý để phục vụ phố đi bộ.
Dự kiến phố đi bộ sẽ có 3 cụm kiot bán hàng di động với 12 kiot trên toàn tuyến vỉa hè phía Đông đường Bạch Đằng. Các kiot sẽ sử dụng container 20 feet khô (dài 6m, rộng 2,5m) và do hộ kinh doanh tự đầu tư, trang trí. Đồng thời sẽ có 5 cụm xe bán hàng lưu động với 15 xe nằm trên làn xe phía đông đường Bạch Đằng, vị trí xe xen kẽ với các kiot.
Đáng chú ý, xe bán hàng được phép kinh doanh đồ uống có cồn nhưng tự thu gom, xử lý nước thải, không xả ra môi trường. Để đảm bảo công bằng cho hộ kinh doanh, Q. Hải Châu không cho đặt máy bán hàng tự động trong phố đi bộ. Toàn bộ 27 vị trí xe bán hàng và ki ốt đều đấu giá quyền sử dụng từng vị trí trong suốt thời gian 54 tháng với giá khởi điểm 127 triệu đồng/ki ốt hoặc 129 triệu đồng/ô tô bán hàng.
Ngoài ra, nhà đầu tư còn trả phí thuê vỉa hè, lòng đường 6 triệu đồng/tháng/ki ốt, 6,7 triệu đồng/tháng/ô tô bán hàng. Tuy nhiên, khi cơ quan chức năng đề nghị chấm dứt phương án thí điểm thì tổ chức, cá nhân tự tháo dỡ và không được bồi thường thiệt hại về cơ sở vật chất, kể cả thiệt hại do thiên tai.
UBND Q. Hải Châu cũng đầu tư, nâng cấp tổng cộng 3 nhà vệ sinh tiêu chuẩn 4 sao, 5 điểm check-in, trang trí cảnh quan, chiếu sáng nghệ thuật, camera an ninh, wifi miễn phí…
Nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật đa dạng
Theo UBND Q. Hải Châu, bên cạnh các dịch vụ, phố đi bộ Bạch Đằng hằng đêm có các sự kiện tại sân khấu đường Bình Minh 6 (nhạc EDM, DJ) hoặc cầu bán nguyệt. Tại Công viên APEC có các hoạt động triển lãm, văn hóa, nghệ thuật tổ chức định kỳ.
Dọc theo phố đi bộ còn có các lễ hội chào năm mới, tết Việt, ẩm thực, khinh khí cầu, vũ điệu ánh sáng; các loại hình nghệ thuật đường phố như ký họa, ảo thuật, biểu diễn khiêu vũ, hip hop, âm nhạc đường phố, các trò chơi dân gian… Tuy nhiên, tại đây không cho phép hoạt động hát karaoke bằng loa kéo di động.
Đặc biệt, Q. Hải Châu xác định phố đi bộ là một hợp phần trong việc tổ chức trang trí cảnh quan, đường hoa dịp lễ tết, nhằm phục vụ ổn định người dân, du khách đến vui chơi giải trí và không làm gián đoạn kinh doanh.
Ông Lê Tự Gia Thạnh, Chủ tịch UBND Q. Hải Châu, cho biết nhiệm vụ trọng tâm của địa phương là phát triển đề án kinh tế đêm, trong đó sông Hàn được xem như "phòng khách" của thành phố. Do đó, quận xác định mọi hoạt động bên sông Hàn tạo mỹ quan xứng đáng với vị thế quận trung tâm.
Phố đi bộ Bạch Đằng nằm trong phương án thí điểm phát triển kinh tế đêm của TP. Đà Nẵng, kết hợp hoạt động trên cầu Nguyễn Văn Trỗi và công viên bờ đông cầu tạo thành quần thể thương mại, dịch vụ. Qua đó, thu hút khách du lịch, phục vụ cộng đồng, phát triển kinh tế ban đêm trên cơ sở lợi thế sẵn có về vị trí, cảnh quan của tuyến đường Bạch Đằng, cầu Rồng, cầu Nguyễn Văn Trỗi. Đồng thời, kết nối khai thác dịch vụ phục vụ du lịch tại các khu vực lân cận.
Đà Nẵng cho phép sử dụng một phần vỉa hè ngoài mục đích giao thông
UBND TP. Đà Nẵng vừa thống nhất với đề xuất của Sở Giao thông Vận tải về việc triển khai các giải pháp thực hiện công tác quản lý và sử dụng vỉa hè tại các tuyến đường trên địa bàn thành phố.
Theo đó, thành phố giao Sở Thông tin và Truyền thông thường xuyên rà soát, sắp xếp, thu hồi đường dây không sử dụng; tháo dỡ, di dời, thu gọn các đường dây, tủ điện... không đảm bảo yêu cầu kỹ thuật nhằm đảm bảo mỹ quan đô thị và an toàn cho người dân.
Sở Công Thương có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan khẩn trương triển khai việc ngầm hóa lưới điện hiện hữu trên các tuyến đường theo Kế hoạch đã được duyệt đảm bảo tiến độ, chất lượng. Đồng thời, chủ trì phối hợp với UBND Q. Hải Châu kiểm tra, xử lý các hộ kinh doanh tại các kiot mặt tiền chợ Hàn, chợ Cồn; quản lý chặt chẽ các hộ tiểu thương đang buôn bán tại các chợ trung tâm, không để các hộ, hàng rong buôn bán ra các tuyến vỉa hè, lòng đường, ngõ kiệt xung quanh các chợ gây ùn tắc giao thông, mất trật tự đô thị.
Khi chấp thuận việc đăng ký tổ chức sự kiện, Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm xem xét, rà soát quy mô sự kiện phù hợp với cơ sở hạ tầng tại địa điểm tổ chức để đảm bảo an ninh trật tự và an toàn giao thông tại khu vực.
UBND TP. Đà Nẵng cũng giao UBND các quận, huyện tiếp tục triển khai các giải pháp quản lý vỉa hè tại các tuyến đường. UBND Q. Hải Châu chủ trì, phối hợp với Sở Công Thương thường xuyên ra quân, kiểm tra, xử lý, không để diễn ra tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè để kinh doanh, buôn bán tại các chợ trung tâm nhằm thiết lập lại trật tự đô thị; bên cạnh đó, có giải pháp sử dụng tạm thời các khu đất trống, các nhà công sản chưa sử dụng để làm bãi đỗ xe tạm.