Sự kiện này sẽ giới thiệu, quảng bá các giải pháp, công nghệ xử lý chất thải rắn tiên tiến, thân thiện môi trường; thúc đẩy các mô hình kinh tế tuần hoàn, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh và phát triển bền vững tại các đô thị.
Đây cũng là cơ hội để đơn vị trong ngành có cái nhìn tổng quan về cơ chế chính sách mới, thực trạng quản lý và xử lý chất thải, môi trường tại các đô thị Việt Nam; là cơ sở quan trọng để các cơ quan chức năng Trung ương và địa phương, các nhà đầu tư và cộng đồng người dân tìm hiểu, đề xuất công nghệ và giải pháp phù hợp cho các dự án để xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam trong thời gian tới. Đồng thời hỗ trợ các doanh nghiệp trong ngành tìm hiểu, ứng dụng công nghệ xử lý môi trường mới, công nghệ tái chế, tái tạo năng lượng… từ các tổ chức trong và ngoài nước tham gia hội thảo và triển lãm, hướng tới công nghệ xanh, công nghệ sạch.
Theo Ban tổ chức với hơn 2.000 khách mời là đại diện lãnh đạo Bộ Tài nguyên và Môi trường; các cơ quan Trung ương; các tổ chức quốc tế, các tổ chức và đối tác; lãnh đạo UBND thành phố, các sở, ban ngành, tổ chức, đơn vị với 2 phiên hội thảo, hơn 20 diễn giả là các nhà hoạch định chính sách, nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp đang hoạt động trong lĩnh vực môi trường.
Trong đó, triển lãm gồm trên 35 gian hàng với hơn 1.000m2 (trong nhà và ngoài trời) trưng bày các thiết bị, công nghệ thu gom, vận chuyển và xử lý chất thải đô thị hiện đại của nhiều doanh nghiệp trong và ngoài nước gồm: Các sa bàn điển hình khu xử lý, trạm trung chuyển, xử lý phân bùn bể phốt; các chủng loại thiết bị xe chuyên dùng vận chuyển rác; máy xử lý rác và xe đẩy thu gom có trợ lực cho công nhân dung tích 1.000 lít và thùng đựng rác sau khi đã cho phân loại; hệ thống hấp chất thải y tế công suất 1.000 kg/ngày; các sản phẩm vi sinh thân thiện môi trường của các công ty nổi tiếng trên thế giới như: BIOSYSTEM (USA), Công ty LSC Environment Product (USA)… Ngoài ra, triển lãm sẽ bao gồm các hoạt động khác như triển lãm tranh thiếu nhi vẽ về môi trường; ngày hội “Thu mua rác tái chế và tặng quà”; tham quan trạm trung chuyển rác khu vực đường Lê Thanh Nghị…
Hội thảo về giải pháp và công nghệ xử lý chất thải sẽ thảo luận 2 vấn đề chính: Chính sách và giải pháp quản lý chất thải tại các đô thị Việt Nam; giải pháp, công nghệ, thiết bị trong quản lý, xử lý chất thải đô thị. Theo đó, nhiều nội dung sẽ được diễn giải tại buổi hội thảo như: Kinh nghiệm xây dựng chính sách và giải pháp quản lý chất thải đô thị tại Nhật Bản; Thực trạng- cơ hội và rào cản đối với tuần hoàn nhựa tại Việt Nam, Kiến nghị về xử lý và tái chế rác thải; Sở Tài nguyên và Môi trường Đà Nẵng trình bày về thực trạng, các nhu cầu cần tư cho công tác thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải; một số giải pháp công nghệ, thiết bị trong quản lý, xử lý chất thải đô thị phù hợp điều kiện tại Việt Nam; quy hoạch hạ tầng cho hoạt động thu gom vận chuyển và xử lý chất thải rắn, rác thải sinh hoạt…
Theo TS. KTS. Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP. Đà Nẵng, hội thảo và triển lãm là cơ hội lớn để các cơ quan, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp, các nhà đầu tư trong và ngoài nước trao đổi, chia sẻ những nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ. Đặc biệt khuyến khích và ưu tiên thúc đẩy chuyển giao công nghệ xử lý môi trường mới, công nghệ tái chế, năng lượng tái tạo, phù hợp cho công tác thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải tại các đô thị Việt Nam nói chung và Đà Nẵng nói riêng trong thời gian tới. Hướng đến công nghệ xanh, công nghệ sạch nhằm góp phần đạt mục tiêu Tăng trưởng xanh và “Giảm phát thải bằng 0 - Net Zero” vào năm 2050 theo cam kết của Thủ tướng Chính phủ Việt Nam tại Hội nghị thượng đỉnh COP26.
Theo Bộ Tài nguyên và Môi trường, giai đoạn 2016 - 2020, chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) ở các đô thị tăng từ 10 - 16%. Khối lượng CTRSH phát sinh tại khu vực đô thị trong cả nước là 35.624 tấn/ngày, chiếm khoảng 55% tổng khối lượng CTRSH phát sinh trên cả nước. CTRSH sau khi thu gom được xử lý chủ yếu bằng các phương pháp sau: 71% khối lượng CTRSH được xử lý bằng phương pháp chôn lấp; 16% khối lượng CTRSH được xử lý tại các nhà máy chế biến compost; 13% khối lượng CTRSH được xử lý bằng phương pháp đốt. Thực tế hiện nay cho thấy công nghệ sử dụng trong các phương pháp nói trên nhìn chung còn lạc hậu, thiếu đồng bộ; thiếu cơ chế chính sách để khuyến khích doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ từ khâu thu gom, vận chuyển, xử lý CTRSH.