Aa

Đá và trà đá Hà Nội

Thứ Tư, 30/08/2017 - 06:59

Bây giờ uống một cốc trà đá là thói quen và nhu cầu hàng ngày của nhiều người, không chỉ ở các thành thị mà cả những vùng nông thôn.

Mùa hè nóng nực, uống trà đá hay cốc nước lạnh cho cảm giác bớt nóng và bớt khát, đưa cơ thể trở lại trạng thái cân bằng. Ở Hà Nội còn có phố trà đá, trà chanh Nhà Thờ, thanh niên ngồi kín vỉa hè, uống trà nói chuyện thế giới, lướt facebook vì thế đã ra đời khái niệm “trà đá, trà chanh chém gió”. Có một tờ báo mở hẳn chuyên mục “Trà đá”. 

Thói quen uống trà đá xuất xứ ở miền Nam. Sau giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, thói quen này lan ra ngoài Bắc và bắt đầu ở Hà Nội vì Hà Nội có cơ sở sản xuất đá và nhiều gia đình có tủ lạnh. Miền Bắc không gọi uống trà mà là uống chè nhưng gọi chè đá lại dễ nhầm với chè ăn cho đá vào thành ra nhiều người gọi là trà đá, lâu thành quen.  

Người miền Nam uống trà đá có lẽ do khí hậu nóng, lại sẵn đá và cũng có thể muốn hạn chế bệnh đau dạ dày. Song uống trà đá hàng ngày dễ hỏng răng. Có cô xinh như mộng nhưng khi cười phải lấy tay che miệng. Chả phải ý tứ làm duyên gì mà vì đá làm răng cô bị sún. May sao bây giờ giá làm răng giả rẻ hơn nên xuất hiện trên truyền hình, các cô cười không cần che tay và thả phanh.

Người Hà Nội biết đá từ đầu thế kỷ XX khi nhà máy sản xuất nước đá ở phố Trần Nhật Duật đi vào hoạt động, tuy nhiên, đến thập niên 20 thế kỷ XX dân chúng mới dùng đá. Những năm này, khu vực phía Tây hồ Gươm (nay là phố Lê Thái Tổ) xuất hiện các quán bán kem cốc ven hồ. Khi khách ăn xong, người bán hàng rót cốc nước lọc cho vào vài viên đá, thêm một giọt bạc hà để khách súc miệng. Sang thập niên 30, người dân Hà Nội quen thuộc hơn với ẩm thực Pháp vì thế họ bắt đầu uống thức uống có đá như: nước chanh, nước cam, sữa hay cà phê đá. Từ đó, đá trở thành nhu cầu cho giải khát, nhất là mùa hè nóng nực xứ Bắc.

Thế nhưng đến thời bao cấp, Hà Nội vẫn chỉ có duy nhất nhà máy nước đá Trần Nhật Duật. Công suất nhà máy không tăng trong khi dân số đông hơn trước và người nhập cư cũng bắt chước thói quen uống nước giải khát có đá nên nhu cầu đá tăng lên rất cao. Trong khi đó, tư nhân lại không được phép sản xuất mặt hàng này đã dẫn đến thiếu đá. Sáng sáng, xe xích lô chở đá cây đến các cửa hàng ăn uống quốc  doanh. Mỗi cửa hàng cũng chỉ được cung cấp một số lượng nhất định, bán hết là thôi. Sáng mùa hè oi nóng mà nhìn thấy cây đá cũng cho cảm giác mát mẻ, và trẻ con thế nào cũng lăn vào chạm cả bàn tay rồi áp lên má mặc cho bác xích lô hay các cô nhân viên quát tháo. Lại có đứa nhặt những mẩu đá vỡ cho vào mồm, vừa ngậm vừa cười khoái chí.

Thời đó các cửa hàng ăn uống giải khát quanh đi quẩn lại chỉ có cà phê đá, nước chanh đá, si rô đá. Mang tiếng là nước giải khát có đá song đá không đủ làm lạnh. Chưa uống hết cốc nước đá đã tan. Nếu ai xin thêm thì chỉ nhận được cái lắc đầu của nhân viên vì định lượng đá  một cốc chỉ có thế. Định lượng này do cửa hàng đặt ra. Nhưng hết ca, thế nào trong cái làn của các bà, các cô cũng có cục đá mang về. Chồng con cũng chẳng được hưởng cục đá mát lạnh, các bà, các cô lén lút đưa đến các quán giải khát tư nhân kiếm thêm tí chút. Theo suy nghĩ thông thường là “làm nghề nào ăn nghề đó” nhưng đó chính là tham ô vặt.

 Hồi đó có câu “Nhất phẩm (bán thực phẩm), nhì lương (bán lương thực), tam thương (thương nghiệp ăn uống), tứ bách (bán bách hóa)”, nhà nào có con gái làm trong tứ ngành trên có xấu hơn Thị Nở vẫn đắt chồng. Xem ra thời nào thì cái dạ dày vẫn là tiêu chuẩn của tình yêu và hôn nhân dù không ai nói ra. Nội thành là vậy, còn ngoại ô thì đá chỉ có trong mơ. Những năm 1970, muốn pha nước chanh cho con, các gia đình ở vùng ven chỉ có cách sáng ra thả chai nước lọc xuống giếng, chiều đi làm về kéo lên. Chai nước nằm dưới đáy giếng cả ngày cũng hơi lành lạnh. Dù sao thứ “giống nước đá” này cũng an ủi được lũ trẻ.  

Tình trạng khan hiếm đá được cải thiện chút chút khi cán bộ ở miền Bắc vào Nam công tác sau ngày giải phóng khuân tủ lạnh Nhật ra. Hồi đó có câu “10 năm đi Nga không bằng 3 năm đi Đức, 3 năm đi Đức không bằng một lúc đi Sài Gòn”.

Sau giải phóng, hàng hóa tiêu dùng ở Sài Gòn ê hề, thứ gì cũng có. Tiêu chuẩn thực phẩm có hạn, lại bán bằng tem phiếu, thịt cá phải ăn dè nên tủ lạnh Nhật chỉ có việc duy nhất là làm đá. Nhưng điện thiếu và lại yếu. Nhà cuối nguồn thì bóng đèn chỉ đủ đỏ sợi dây tóc. Vì thế phải sắm suýt von tơ. Có suýt von tơ cũng khổ, sơ sẩy điện bất ngờ tăng vọt không kịp hạ là cháy tủ lạnh. Và ban đêm chạy tủ làm đá, dứt khoát phải có một người ngủ bên cạnh. Khi chuông báo điện tăng kêu reng reng phải nhanh chóng vặn nút ngay. Vất vả và gầy người vì mẻ đá nhưng dù sao cũng có một khoản tiền chợ.

Thập niên 80, người đi xuất khẩu lao động ở Liên Xô gửi hàng hóa về trong đó có tủ lạnh. Cũng như bàn là, nồi áp suất, bình đựng đá, tủ  Saratop của Liên Xô rất “nồi đồng, cối đá”. Tuy nhiên nó lại không êm như tủ Nhật, mỗi khi cắm điện tủ rung bần bật, lúc rút điện, nước đóng băng tan ra theo khe cửa chảy tràn ra sàn.

Cái thời thứ gì cũng thiếu, thiếu ăn và “áo chăn chưa ấm thân mình” thì thiếu cục đá có gì to tát. Thế nhưng cuộc sống lại từ những thứ nhỏ bé. 

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Thương hiệu dẫn đầu

Lên đầu trang
Top