Aa

Nghĩa khí vỉa hè

Thứ Ba, 15/08/2017 - 06:46

Từ ngõ ngách nào đó ở Hà Nội, xuất hiện câu nói: Hà Nội sống dễ lắm, cứ kê ghế ra vỉa hè là có tiền. Dĩ nhiên là những tuyên ngôn kiểu chém đinh chặt sắt này sẽ gây tranh cãi, nhưng nó thú vị bởi mang đậm cái không khí, cái tâm thế của vỉa hè Hà Nội.

Ở một góc nào đó của Hà Nội, bạn có thể tìm những khoảng không riêng để suy tư và cảm nhận. Ảnh: Hoàng Việt

Ở một góc nào đó của Hà Nội, bạn có thể tìm những khoảng không riêng để suy tư và cảm nhận. Ảnh: Hoàng Việt

Có lẽ hiếm ở đâu mà vỉa hè được tận dụng sát sạt như ở Hà Thành. Nếu hình dung phố như một cái bánh ga-tô, và ta cắt lấy 1 miếng bất kỳ, thì miếng-phố ấy sẽ rực rỡ những chấm màu như một bức tranh trừu tượng của Jackson Pollock (họa sĩ nổi tiếng người Mỹ thế kỷ trước và tác phẩm chính về chủ nghĩa trừu tượng sống động).

Một vỉa hè đúng nghĩa Hà Nội dù là phố chuyên doanh, sẽ phải có tối thiểu một hàng phở, một hàng bún, một hàng cà phê, một hàng xén (nay là hàng tạp hóa hoặc siêu thị nhỏ), một chợ cóc buổi sáng hoặc chiều, và một hàng nước chè (nay thường gọi là quán trà đá). Tùy theo diện tích to nhỏ mà người ta chọn kinh doanh cái gì. Thậm chí, người ta chia nhau kinh doanh theo các khung giờ trong ngày. Ví dụ như là ở đầu Cấm Chỉ, chỗ gần đường tàu có một quán phở bán từ tối muộn đến sáng sớm, định danh là phở Đường Tàu. Từ sáng đến tối thì bà em bán bún.

Ví dụ như ở đầu Hàng Đào chỗ cắt Hàng Bạc, có một quán bán phở đúng từ 4h đến 8h sáng, sau đó quét dọn sạch sẽ trả mặt bằng cho người ta mở cửa hàng bán quần áo. Giờ giấc oái oăm như thế, mà khách đông kín kịt, bê được bát sốt vang chấm quẩy vào mà ăn bao giờ cũng là một niềm tự hào.

Vỉa hè chật, nhưng lòng người thì rộng. Hai bà bán hàng có khi vì quét tước vô ý tung bụi, có thể nhảy chồm chồm lên chửi nhau. Nhưng khách đến hàng kia mà hết chỗ để xe, thì vẫn gật đầu cho để nhờ trước cửa nhà mình. Sống ở đấy, chia nhau vỉa hè ở đấy đã đành, người ta còn chia cả vỉa hè cho người dưng thiên hạ.

Ví dụ như ở phố Cầu Gỗ, trước có hàng phở Tự Do ngon nức tiếng, bán từ 5h sáng đến 11h trưa. Tầm trưa đến chiều là người khác bán bún chả. Còn từ chiều đến đêm thì chuyên doanh quẩy nóng bánh bao chiên. Và nữa, người ta nhìn nhau mà kinh doanh. Ông bán quẩy cung cấp cho ông bán phở, ông bán phở tiêu thụ trà đá cho quán nước chè, bà nước chè thì đun nước sôi nhờ ông mỳ vằn thắn, còn cái lò của ông mỳ vằn thắn thì mót xỉ than của hàng phở. Dĩ nhiên là ông hàng phở có thể làm thêm thùng trà đá bán kiếm thêm vài trăm nghìn một buổi, ông mỳ vằn thắn có thể không cho đun nhờ nước sôi, nhưng thường thì họ không làm thế.

 

Cái vỉa hè cứ thế xoay vần, không nghỉ lúc nào. Bao nhiêu con người trông vào mấy ô gạch đấy. Ấy thế cho nên, mỗi khi mà thành phố chấn chỉnh trong các đợt “kiên quyết lấy lại vỉa hè”, thì dân tình lao đao lắm. Chưa nói đến cái vòng tròn kinh doanh bị vỡ bung ra, người bán khốn khốn khổ khổ. Mà ngay đến thực khách cũng ngơ ngẩn loay hoay. Một buổi đi ăn sáng hoàn hảo, là vào hàng phở dựng xe bên quán trà đá, ăn xong tạt sang uống chén nước, bắn bi thuốc lào. Nay thì gửi xe phải lên đầu phố gửi vào bãi. Vào ăn phở nóng như hỏa lò nghĩa đen bởi vì 2 cái bếp lò đun nước dùng phải cho vào trong nhà chứ không được thò ra. Ăn xong thì đi kiếm chỗ mà uống cà phê, chứ quán trà đá vỉa hè bị dẹp mất còn đâu.

Có khách ngoan cố, cứ nhất định ăn phở xong phải uống trà, thế là bà hàng nước sáng kiến cho đồ đạc vào cái làn nhựa, xách đi. Ai mua trà, thì bà rót ra cốc, rồi cứ thế đứng ngay vỉa hè mà uống xì xoạp. Nhìn cảnh ấy mới thấy, thực ra thì dân Hà Nội cũng thích vỉa hè với sự đa dạng của nó hơn.

Vỉa hè chật, nhưng lòng người thì rộng. Hai bà bán hàng có khi vì quét tước vô ý tung bụi, có thể nhảy chồm chồm lên chửi nhau. Nhưng khách đến hàng kia mà hết chỗ để xe, thì vẫn gật đầu cho để nhờ trước cửa nhà mình. Sống ở đấy, chia nhau vỉa hè ở đấy đã đành, người ta còn chia cả vỉa hè cho người dưng thiên hạ.

Trước cửa nhà bán bánh mứt nổi tiếng phố Hàng Đường, bao năm nay túc trực 1 thúng cốm. Cô bán cốm mãi Thường Tín sang thì phải, nghiễm nhiên được chia cho 4 ô gạch ở con phố đông đúc bậc nhất phố cổ. Chả thuê mướn gì đâu, chả qua vì cốm với mứt, với bánh nướng bánh dẻo, là “concept” quà Hà Nội kinh điển, du khách mua cái này thì tiện mua cái kia. Thế nên chủ hàng bánh mứt cho cô bán cốm ngồi nhờ. 

Sự hào hiệp đó, khiến dân phố cổ vẫn còn may mắn có được vài hàng xôi lúa Phú Thượng buổi sáng, vài gánh bún ốc buổi trưa, vài thúng trứng vịt lộn quà bữa xế chiều. Toàn những bà những cô ở ngoại thành Hà Nội, loanh quanh đi bộ kiếm bạc lẻ nuôi con. Khách gọi, họ ngả gánh xuống trước cửa nhà ai đó, ngay trên vỉa hè, nhờ một câu hoặc có khi chỉ cười ra ý xin phép, là cứ thế bán. Bán xong thì đi, miễn đừng xả rác. 

Người Hà Nội chưa phổ biến những thùng trà đá miễn phí ở vỉa hè như Sài Gòn. Nhưng không phải vì họ chật lòng. Ai buôn bán hay khách qua đường có khát, cứ vào một nhà nào, bất kỳ nhà nào, hỏi xin một cốc nước, thì đều đon đả có ngay, không tiền nong gì cả.

Đâu đấy những chao chát tính toan làm vỉa hè cong cớn, ít nhiều dọa dẫm khiến khách phương xa sợ hãi, rồi ác cảm.

Nhưng phần đa, dân sống nhờ vỉa hè thì hiểu cái đạo để lâu dài. Ở Hà Nội, vỉa hè có nghĩa khí của vỉa hè.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top