Tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, sáng 23/5, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia.
Chia sẻ quan điểm bên lề phiên làm việc, nhiều đại biểu bày tỏ ủng hộ Quốc hội ban hành nghị quyết về việc xử phạt lái xe uống rượu, bia.
Dẫn chứng những số liệu liên quan đến hệ lụy của rượu, bia, Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Nguyễn Thanh Hải cho biết mỗi năm có khoảng 30% số vụ gây rối an ninh trật tự liên quan đến rượu bia. Phạm pháp hình sự liên quan đến rượu, bia ở nhóm tuổi từ 16-25 là 70%. Chi phí cho tiền mua rượu của người dân trong 1 năm là 4 tỷ USD (gần 100 tỷ đồng mỗi năm).
Mỗi năm nhà nước thu được 50.000 tỷ đồng thuế từ kinh doanh rượu, bia, nhưng phải bỏ ra 65.000 tỷ đồng chi phí y tế và các hệ lụy khác. Do đó, cần có chế tài mạnh tay hơn nữa với tình trạng sử dụng rượu, bia tràn lan như hiện nay.
Đại biểu Sùng A Hồng (Điện Biên) ủng hộ Quốc hội có nghị quyết về việc xử phạt lái xe uống rượu, bia. Theo đại biểu, hiện nay chế tài xử lý chưa đủ sức răn đe.
Để hạn chế tối đa tình trạng tai nạn giao thông liên quan đến rượu, bia, giúp người dân yên tâm khi ra đường, pháp luật nên có chế tài quy định việc sử dụng rượu, bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, có nồng độ cồn vượt ngưỡng cho phép là vi phạm pháp luật hình sự, tránh những tai nạn thảm khốc, gây hậu quả khôn lường như thời gian qua.
Ở một số nước, việc sử dụng rượu bia rồi điều khiển phương tiện tham gia giao thông là vi phạm pháp luật hình sự.
Theo các đại biểu, nguyên nhân ban đầu của nhiều vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng trong thời gian qua là do người điều khiển phương tiện sử dụng rượu, bia. Bên cạnh những quy định trong Luật, người dân cần chung tay, kêu gọi toàn xã hội cùng lên án, cùng phản biện về tình trạng lái xe sử dụng rượu, bia.
Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng mọi người khi lên xe, dù lái xe là người thân, nhưng đã sử dụng rượu, bia, vẫn còn nồng độ cồn trong máu thì phải tìm cách ngăn cản, thậm chí xuống xe để phản đối. Lái xe sử dụng rượu, bia rồi tham gia giao thông phải bị thu bằng lái và xử phạt thật nặng để hạn chế tình trạng tai nạn giao thông đang ngày càng gia tăng.
Phân tích tính khả thi của dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, Luật cần có chế tài quy định cụ thể, rõ ràng hơn.
Theo đại biểu, dự thảo Luật quy định không được sử dụng rượu, bia trước và trong khi tham gia giao thông vẫn còn chung chung, cần lượng hóa về thời gian là trước 1 giờ, 2 giờ hay 5 giờ.
Bên cạnh đó, nồng độ cồn trong cơ thể cũng phải được quy định rõ ràng, để từ đó có mức độ xử phạt công bằng, vì theo đại biểu tỉnh Bình Thuận, uống cả lít rượu vẫn tham gia giao thông sẽ không thể giữ được tỉnh táo như uống hai chén.
Mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng, các ngành chức năng đã tuyên truyền, cảnh báo, thậm chí có nhiều biện pháp ngăn chặn, nhưng thực tế cho thấy tai nạn giao thông có nguyên nhân từ bia, rượu vẫn không có dấu hiệu suy giảm, thậm chí còn có chiều hướng gia tăng. Ðây là vấn đề đòi hỏi sự quan tâm của toàn xã hội.
Để hạn chế tình trạng trên, nhiều đại biểu cho rằng bên cạnh quy định của pháp luật, cần phải có những giải pháp nhằm nâng cao nhận thức của người dân trong việc sử dụng rượu, bia sao cho phù hợp, đảm bảo an toàn cho bản thân và xã hội. Dự thảo Luật quy định cấm bán rượu, bia từ 15 độ cồn trở lên trên mạng internet là phù hợp với thực tế, vì đây là biện pháp nhằm hạn chế tình trạng sử dụng rượu, bia - hàng hóa có nguy cơ gây nghiện, cần hạn chế tiêu dùng.
Đồng thời, các đại biểu đề nghị, Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia khi ban hành phải kiểm soát mặt tác hại của việc sử dụng rượu, bia, từ khâu quảng cáo, buôn bán, đặt nhà máy; chú ý, bảo đảm những quy định có liên quan đến quyền kinh doanh của các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh rượu, bia...