Ngày 23/2/2024, Thanh tra tỉnh Kiên Giang đã ban hành văn bản 01/KL-Ttr, kết luận thanh tra về chuyên đề quy hoạch và thực hiện quy hoạch xây dựng đối với Sở Xây dựng và UBND các huyện, thành phố.
Tại kết luận này, Thanh tra tỉnh Kiên Giang nêu rõ, Công ty Cổ phần Phú Cường Kiên Giang (Phú Cường Kiên Giang) điều chỉnh cục bộ quy hoạch sử dụng đất tại khu đất ký hiệu BT31 thuộc Khu I, Khu đô thị mới Phú Cường, thành phố Rạch Giá làm thay đổi mục đích sử dụng đất.
Phú Cường Kiên Giang đã lập thủ tục chuyển mục đích sử dụng đất và đã có thông báo nộp tiền sử dụng đất tại Thông báo số 1340/TB-CTKGI ngày 03/7/2023 của Cục Thuế tỉnh Kiên Giang với số tiền 46.441.718.095 đồng, đến nay Công ty chưa nộp tiền.
Đến ngày 19/12/2023, Ban Cán sự Đảng uỷ Tỉnh có thông báo 2872-TB/BCSĐ với nội dung: "Thống nhất theo ý kiến đề xuất của Thành viên Hội đồng Thẩm định giá đất tỉnh; giao UBND tỉnh chỉ đạo Sở Tài chính chủ trì thuê đơn vị tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất độc lập để khảo sát, xác định giá đất để tính tiền chuyển mục đích sử dụng đất đối với dự án Khu Biệt thự BT31. Trong thời gian khảo sát, xem xét, ban hành lại quyết định giá đất thay thế (nếu có), đề nghị Cục Thuế tỉnh theo thẩm quyền xem xét việc tạm dừng thực hiện nghĩa vụ tài chính tại Thông báo số 1340/TB-CTKGI ngày 3/7/2023 của Cục Thuế tỉnh theo quy định của pháp luật".
Kết luận cũng nêu rõ, Công ty Cổ phần Phú Cường Kiên Giang thực hiện đồ án điều ảnh cục bộ các khu đất thương mại dịch vụ tại trung tâm vòng xoay Phan Thị Ràng thuộc Khu đô thị mới Phú Cường, thành phố Rạch Giá làm thay đổi mục đích sử dụng đất, nhưng đến nay Công ty chưa lập thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất.
Liên quan đến 2 dự án trên, ngày 6/3/2024, Công ty Cổ phần Đầu tư Phú Cường Kiên Giang có thông cáo báo chí, đính chính thông tin các báo đưa tin không đúng sự thật về việc doanh nghiệp nợ thuế tại dự án BT31- KĐT Phú Cường.
Tại văn bản này, Phú Cường Kiên Giang khẳng định: "Doanh nghiệp không nợ thuế. Nhiều năm liền được UBND và Cục Thuế tỉnh Kiên Giang khen thưởng trong việc thực hiện đúng, đủ nộp ngân sách nhà nước. Các dự án tuân theo các bước thủ tục pháp lý của cơ quan ban ngành".
Về việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với dự án BT31 - Khu đô thị Phú Cường, dự án thực hiện theo quyết định chấp thuận chủ trương đã được phê duyệt của UBND tỉnh Kiên Giang số 1846/QĐ-UBND ngày 22/7/2021. Ngày 3/7/2023, Thông báo thuế số 1340/TB-CTKGI cho phần tiền chuyển mục đích sử dụng đất là 46.441.718.095 đồng. Số tiền nộp thuế chuyển mục đích sử dụng đất là quá cao, giá tính chưa phù hợp, Công ty đã gửi kiến nghị đến UBND tỉnh Kiên Giang cùng các Sở, Ban ngành xem xét định giá lại về giá chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Đến ngày 19/12/2023, Ban cán sự Đảng UBND tỉnh Kiên Giang có ý kiến kết luận: Giao Sở Tài chính chủ trì, thuê đơn vị tổ chức có chức năng tư vấn xác định giá đất độc lập để khảo sát, xác định lại giá đất và đề nghị Cục thuế tỉnh theo thẩm quyền xem xét việc tạm dừng thực hiện nghĩa vụ tài chính tại Thông báo số 1340/TB-CTKGI ngày 03/07/2023 của Cục thuế tỉnh Kiên Giang theo quy định pháp luật.
"Công ty đang đợi kết quả từ cơ quan ban ngành cho việc thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với dự án BT31 và sẽ thực hiện nghĩa vụ tài chính khi có Thông báo thuế mới được thay thế", thông cáo báo chí nêu rõ.
Ngoài ra, về việc lập thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất Khu đất TMDV tại Vòng xoay Phan Thị Ràng thuộc KĐT Phú Cường, Công ty đã được UBND tỉnh Kiên Giang cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất thông qua Quyết định số 2725/QĐ-UBND ngày 27/11/2020 tại khu đất thương mại dịch vụ ở trung tâm vòng xoay Phan Thị Ràng, chuyển mục đích sử dụng đất từ đất thương mại, dịch vụ sang sử dụng vào mục đích đất ở tại đô thị.
Coi chừng thỏa thuận ngầm để "cưa đôi, cưa ba" tiền sử dụng đất
Trước đó, Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) đã có văn bản kiến nghị gửi các cơ quan chức năng với nội dung hoàn thiện cơ chế, chính sách giải quyết một số vấn đề kinh tế trong chính sách và pháp luật đất đai. Trong đó, đại diện HoREA cho rằng, có 10 lỗ hổng và bất cập trong công tác quản lý Nhà nước làm giảm nguồn thu ngân sách từ đất đai, gây thất thoát tài sản Nhà nước và làm giảm tính minh bạch của thị trường bất động sản.
Vấn đề đầu tiên là việc chỉ định nhà đầu tư dự án có sử dụng đất không đúng đối tượng được chỉ định mà không thông qua phương thức đấu thầu rộng rãi.
Ngoài ra, có tình trạng thỏa thuận ngầm giữa cán bộ nhà nước và doanh nghiệp để "cưa đôi, cưa ba" tiền sử dụng đất dự án bất động sản, dẫn đến vừa thất thu ngân sách, vừa gây thiệt hại cho doanh nghiệp mà cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu khi mua nhà.
Tại buổi làm việc với Đoàn công tác của Tổng cục Quản lý đất đai, Bộ Tài nguyên – Môi Trường (TN-MT), ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA, cho biết, trước khi triển khai một dự án, doanh nghiệp phải đối mặt hàng loạt khó khăn về thủ tục. Cụ thể, mất từ 2-3 năm để làm giải quyết hồ sơ ở Sở TN-MT và Sở Tài chính cho việc xác định giá đất và thẩm định giá đất.
Theo đó, bước đầu tiên nộp hồ sơ đến Sở TN-MT để nhờ tính tiền sử dụng đất. Sau đó, được sở này chi ngân sách chọn đơn vị tư vấn xác định giá đất thông qua hình thức đấu thầu trực tuyến. Do chi phí thực hiện lấy từ ngân sách nhà nước nên thường chọn đơn vị bỏ thầu rẻ nhất.
Gần đây có trường hợp trúng thầu với giá 100.000 đồng. Sau khi nhận tư vấn đánh giá dự án, để có tiền hoạt động, đơn vị trúng thấu chuyển sang làm khó chủ đầu tư và dẫn đến hiện tượng thương lượng "cưa đôi, cưa ba giá thẩm định đất". "Vừa rồi, có một dự án chưa đến 1 ha nằm ở khu Nam Sài Gòn bị đơn vị tư vấn đó gây khó khăn và đòi xác định giá đất lên đến 80 tỉ đồng. Sau một hồi thương lượng cưa đôi, cưa ba thì đơn vị tư vấn hạ giá xuống còn hơn 10 tỉ đồng. Phần chênh lệch mỗi bên tự hưởng với nhau" - ông Châu dẫn chứng.