Đúng bản chất thì "nhà đất ngộp" được bán với giá thấp hơn, hợp lý hơn so với mặt bằng giá thị trường. Chẳng hạn "nhà ngộp" do chủ nhà vay vốn mua bất động sản nhằm mục đích đầu tư, nếu tiếp tục giữ lại sẽ cảm thấy ngột ngạt (ngộp thở) khi phải xoay xở tài chính để giữ lại.
Tại tọa đàm "Bất động sản hậu đại dịch: Sóng về đâu?" do Dân trí vừa tổ chức, một số nhà đầu tư đặt câu hỏi nên săn bất động sản "ngộp" do các nhà đầu tư rao bán cắt lỗ hiện nay để chờ hết dịch bán lại kiếm lời.
Trả lời về vấn đề này, chuyên gia Đinh Thế Hiển cho biết, bất động sản "ngộp" tức là chủ sở hữu đang bị "kẹt" nợ ngân hàng rất lớn và họ cần bán, nếu không thì ngân hàng siết luôn. Ngân hàng đang nắm hồ sơ giấy tờ, chúng ta nghĩ rằng làm việc với ngân hàng hoặc mua qua đấu giá là ổn rồi. Nhưng mỗi trường hợp đều khác nhau.
"Với bất động sản "ngộp", phải xem xét kỹ về pháp lý, quyền mua và vấn đề thanh toán. Có nhiều trường hợp, tôi thấy giao dịch dạng như vậy, cuối cùng gặp trục trặc về giấy tờ", ông Hiển lưu ý.
Theo chuyên gia, độc giả nên né bất động sản "ngộp" trong giai đoạn này, nếu không chuyên trong lĩnh vực đó. Ngay cả cán bộ tín dụng ngân hàng đang nắm thông tin về một bất động sản "ngộp" nào đó và họ giới thiệu ra, thì khoản chênh lệch lời cũng không đủ hấp dẫn để chúng ta chấp nhận rủi ro.
"Bất động sản "ngộp" chỉ dành riêng cho những người chuyên "săn" sản phẩm này và họ có dòng tiền nhanh để luân chuyển qua lại. Còn nếu không chuyên thì nên đứng ở ngoài", ông Hiển đưa lời khuyên.
Vậy nhìn chung, nếu các nhà đầu tư đã sẵn sàng để "xuống tiền" trong giai đoạn này, họ cần lưu tâm đến những vấn đề gì?
Ông Đinh Thế Hiển cho biết, có 3 tiêu chí cần quan tâm khi lựa chọn bất động sản, đó là yếu tố pháp lý, địa điểm và giá cả. Hiện tại, ngoài việc mua vì nhu cầu thông thường, nhiều người còn mua vì cơ hội. Bởi khó khăn của người này là cơ hội của người khác. Tình hình chung khiến cho nhiều người đang ôm bất động sản gặp khó khăn và phải bán, đó là cơ hội cho người mua.
"Nếu sản phẩm nào giảm sâu hơn thì có thể mạnh dạn mua. Đặc biệt là với những bất động sản chỉ có cơ hội này mới giảm, chứ bình thường không giảm hoặc không bán. Chẳng hạn như nhà phố, loại hình này thường 7-8 tỷ đồng trở lên mà số tiền đó không phải ai cũng có. Nhà phố đang bị khủng hoảng cho thuê, khiến người ta muốn giảm giá để bán. Trong giai đoạn bình thường, bạn thích căn nhà phố đó cũng không mua được, đó là sản phẩm người ta không mua để bán mà để dành lâu dài. Chỉ có cơ hội này, họ mới bán mà còn giảm giá", ông Hiển nói.
Cũng theo vị này, tùy theo khẩu vị của mình có thể chọn đất nền, căn hộ hay thậm chí là đất vùng xa nhưng phải lưu tâm 3 tiêu chí quan trọng là pháp lý, địa điểm và giá cả hợp lý.