Aa

Chứng khoán APEC chốt kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng

Thứ Sáu, 09/06/2023 - 11:52

Tại đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 lần 2, Chứng khoán APEC đã thông qua kế hoạch nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng.

Nâng vốn điều lệ lên 2.000 tỷ đồng

Chiều ngày 8/6, Công ty CP Chứng khoán Châu Á – Thái Bình Dương (Chứng khoán APEC, HNX: APS) đã tổ chức thành công Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 lần 2. 

Ngay phần mở màn đại hội, ông Nguyễn Đỗ Lăng, Tổng giám đốc APS thông tin tới cổ đông đến thời điểm hiện tại cùng với sự phục hồi mạnh mẽ của thị trường, công ty tự tin đã hoàn thành 90% mục tiêu lợi nhuận đề ra trong tài liệu gửi cổ đông.

Cụ thể, tại đại hội, APS đã trình cổ đông thông qua kế hoạch năm nay như sau: tổng doanh thu năm 2023 đạt 860 tỷ đồng, tăng 144% so với cùng kỳ; lợi nhuận sau thuế đạt 230 tỷ đồng, vượt trội so với khoản lỗ nặng 449 tỷ đồng năm 2022. Trước đó năm 2021, công ty đạt lợi nhuận sau thuế ở mức kỷ lục gần 563 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, đại hội cũng thông qua phương án tăng vốn điều lệ giai đoạn 2023 - 2024 lên gấp 2,5 lần hiện tại, thông qua 3 đợt phát hành từ chia cổ tức bằng cổ phiếu lấy từ nguồn lợi nhuận chưa phân phối, chào bán cổ phiếu riêng lẻ và phát hành cổ phiếu theo chương trình lựa chọn cho người lao động (ESOP) sau khi được Uỷ ban Chứng khoán Nhà nước chấp thuận.

Theo đó, APS sẽ phát hành 8,3 triệu cổ phiếu để trả cổ tức năm 2022 với tỷ lệ 10%, cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 10 cổ phiếu mới.

Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2023 lần 2 của APS. (Ảnh: Yến Thanh)

Sau khi chia cổ tức, APS sẽ phát hành tối đa 100 triệu cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư chuyên nghiệp với giá không thấp hơn 10.000 đồng/cp. Cổ phiếu chào bán riêng lẻ sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng 1 năm. Toàn bộ số tiền thu về từ đợt chào bán này (dự kiến trên 1.000 tỷ đồng) sẽ được công ty bổ sung vốn cho hoạt động tự doanh, dịch vụ tài chính – chứng khoán và cho vay margin. Sau đợt tăng vốn này, vốn điều lệ công ty sẽ tăng lên 1.913 tỷ đồng.

Sau khi hoàn thành các đợt chia cổ tức và chào bán nêu trên, APS sẽ chào bán 5% cổ phiếu ESOP. Giá chào bán cho người lao động không thấp hơn 10.000 đồng/cổ phiếu.

Sau khi phát hành thành công theo kế hoạch, tổng vốn điều lệ của công ty sẽ tăng lên khoảng 2.000 tỷ đồng.

"Ít cổ phiếu nào tốt như API, IDJ" 

Tại phần thảo luận, trả lời câu hỏi của cổ đông về mức chia cổ tức thấp so với kỳ vọng và đề xuất nên xem xét nâng mức cổ tức lên thêm, ban lãnh đạo APS cho biết theo tính toán, công ty có đủ khả năng để chi trả cổ tức trong khoảng 10 - 13% nhưng công ty muốn dành lại một khoản để phân bổ vào các quỹ và một phần còn lại để tái đầu tư, mong muốn cổ đông chia sẻ đồng lòng cùng công ty, năm sau có thể chia nhiều hơn khi lợi nhuận đạt được cao hơn.

Cụ thể năm 2021, tổng lợi nhuận của công ty đạt hơn 700 tỷ đồng, trong đó phần đã thực hiện, chốt lời tự doanh đạt hơn 296 tỷ đồng và phần chưa thực hiện khi chốt sổ với giá trị cổ phiếu tăng lên tương đương 400 tỷ đồng. Tuy nhiên, sang năm 2022, do sự sụt giảm của thị trường chứng khoán, lợi nhuận của công ty bị bào mòn và quỹ lợi nhuận để lại của công ty khoảng 280 tỷ và công ty cũng chỉ có thể thực hiện chia lợi nhuận trên con số này. Do đó, tỷ lệ chia cổ tức 10% năm 2022 là phù hợp.

Chia sẻ về danh mục tự doanh, ban lãnh đạo APS cho biết 70% danh mục là các cổ phiếu trong "họ APEC", cụ thể là Công ty CP Đầu tư Châu Á - Thái Bình Dương (HNX: API) và Công ty CP Đầu tư IDJ (HNX: IDJ). Ngoài ra APS cũng dành 30% danh mục để đầu tư có một số cổ phiếu tăng trưởng BCG, DBD,... Tới đây, công ty sẽ tích cực chốt lời để thực hiện hoá lợi nhuận cho việc đầu tư.

Trước câu hỏi APS biết tự doanh mỗi cổ phiếu công ty của mình, ban lãnh đạo cho biết lợi nhuận năm 2021 đến chủ yếu từ mã CEO khi mua 13.000 đồng/cp và chốt lời tại vùng 80.000 đồng/cp. Do đó, vị lãnh đạo khẳng định APS biết đầu tư chứ không quanh quẩn một số mã cùng “họ”.

"Nguyên nhân nắm giữ lượng lớn cổ phiếu API, IDJ, bởi đơn giản ít thấy mã cổ phiếu nào tốt hơn. Đơn cử như hai cổ phiếu trên đều có kết quả kinh doanh tốt, bảng cân đối kế toán lành mạnh, vay nợ thấp", ban lãnh đạo APS trả lời. 

Với danh mục APS hiện 70% nắm API và IDJ thì cho đến nay đã lãi 260 tỷ đồng, đến cuối năm dự lãi 400 - 500 tỷ đồng. Ban lãnh đạo cho biết APS sẽ rút kinh nghiệm năm trước để bảo toàn thành quả một cách tốt nhất.

“Nếu nhà đầu tư thấy chúng tôi có bán API, IDJ cũng đừng nhìn vào đó mà thấy hoang mang. Đơn giản chỉ là tự thưởng niềm vui cho mình, bảo vệ thành quả cho cổ đông. Do đó, nếu giá hai cổ phiếu trên tăng lên mức độ nhất định, chúng tôi sẽ hiện thực hoá lợi nhuận”, ban lãnh đạo APS nói.

Chia sẻ thêm về vấn đề này, ông Nguyễn Đỗ Lăng nói rằng giá cổ phiếu biến động nhiều, bản thân không được phép khuyên bán hay giữ. Tuy nhiên giá cổ phiếu lên đủ kỳ vọng thì có thể “chốt lời” để tự thưởng thành quả. Chung thuỷ cũng tốt, nhưng việc hưởng thành quả cũng là niềm vui.

Ai cũng mong giá lên đỉnh mình bán, xuống đáy mình mua, nhưng thông thường mình sẽ làm ngược lại. Vì khi cổ phiếu lên cao, tâm lý nhà đầu tư thường kỳ vọng quá nên khó chốt lời. Do đó, ông Lăng cho rằng nhà đầu tư cần có quyết định sáng suốt, để bảo toàn thành quả của mình. 

Về định giá các cổ phiếu trong nhóm APEC, ban lãnh đạo APS cho rằng thị trường chưa định giá đúng giá trị thực. Hiện đang có nhiều quỹ lớn muốn đồng hành cùng APEC và khả năng cao những cổ phiếu này có cơ hội trở thành “hoa hậu” trong thời gian tới.

Mặt khác, giá cổ phiếu bất động sản nhóm APEC hiện đã cao hơn so với các giá cổ phiếu các công ty bất động sản hàng đầu tại Việt Nam. Trong tương lai, ban lãnh đạo cho biết sẽ không ngạc nhiên khi giá cổ phiếu của mình tăng gấp đôi, gấp ba lần hiện tại.

"Tiềm năng của các cổ phiếu còn rất lớn. Thị trường chứng khoán đã qua giai đoạn xấu, chính sách hỗ trợ cho bất động sản, không vay nợ sẽ giúp giá cổ phiếu bất động sản hưởng lợi", ban lãnh đạo nói và cho rằng nhà đầu tư cần kiên trì nắm giữ.

Về chiến lược trong 5 năm tới, ban lãnh đạo cho biết  APS sẽ tiếp tục tập trung mảng tự doanh. Bởi với 20 năm đầu tư trên thị trường chứng khoán, ban lãnh đạo công ty đã có nhiều kinh nghiệm ứng phó trước những biến động của thị trường để trở thành định chế đầu tư, huy động nguồn vốn cho tập đoàn. Bên cạnh tập trung mảng tự doanh, công ty cũng sẽ đẩy mạnh mảng môi giới với những chiến lược riêng, không “đối đầu” trực tiếp với các công ty chứng khoán có nguồn lực lớn./.

Tại đại hội, Ban lãnh đạo Chứng khoán APEC cũng giới thiệu tới cổ đông các chương trình nhằm nâng cao chất lượng phục vụ và gia tăng số tài khoản mở mới tại công ty, đồng thời tạo sân chơi thu hút các nhà đầu tư trong thời gian tới gồm:

Chương trình Mở tài khoản APS 1.0.2: “Mở 1 tài khoản giao dịch 0 đồng hưởng 2 ưu đãi”, ưu đãi dành riêng cho khách hàng mở thành công tài khoản chứng khoán APEC Invest, miễn trọn đời phí giao dịch và nhận ngay cổ phiếu cùng voucher nghỉ dưỡng cao cấp trị giá 1,5 triệu đồng tại hệ thống khách sạn Mandala 5  sao trên toàn quốc.

Chương trình A.Talent “Nhà đầu tư tài năng”: Các Nhà đầu tư được tham gia cuộc thi đầu tư chứng khoán trên chính tài khoản mở tại Chứng khoán APEC hoặc mở tại công ty chứng khoán bất kỳ. Cuối tháng tháng/quý/năm, Chứng khoán APEC sẽ tổng hợp Danh sách nhà đầu tư tham gia chương trình, thống kê tỷ lệ tăng trưởng của các Tài khoản để xếp hạng và trao giải. 

Chương trình A.Talent “Nhà phân tích tài năng”: Nhà đầu tư và các chuyên gia phân tích, Chuyên gia phân tích gửi đánh giá, phân tích, nhận định và khuyến nghị 1-2 mã cổ phiếu gửi về cho APS. Danh mục đề xuất của Nhà đầu tư có mức tăng trưởng cao nhất sẽ được xếp hạng Top 10 của tháng/quý/năm và được trao giải.

Nhà đầu tư, nhà phân tích tham gia chương trình A.Talent có cơ hội tham gia khóa giao dịch thực chiến hàng tháng, do chính chuyên gia của Chứng khoán APEC giảng dạy. Đồng thời, Top 1 tháng/quý/năm của Chương trình A.Talent sẽ được Chứng khoán APEC mời gia nhập đội ngũ chuyên gia phân tích và tự doanh của Tập đoàn APEC.

Tổng giá trị giải thưởng của hai chương trình “Nhà đầu tư tài năng” và “Nhà phân tích tài năng” lên tới 7 tỷ đồng.

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top