Sau khi Đại hội đã nghe, thảo luận các văn kiện do Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ IV trình; các báo cáo tham luận tại Đại hội, toàn văn Nghị quyết Đại hội Hiệp hội BĐS Việt Nam khóa V (2022 - 2027) thông qua như sau:
Thứ nhất, nhất trí những nội dung cơ bản về đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết Đại hội IV; phương hướng nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ V nêu trong các văn kiện của Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ IV trình Đại hội. Cụ thể:
Kết quả chủ yếu đã đạt được trong nhiệm kỳ IV (2016 – 2022)
Thực hiện tốt công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội; đề xuất các giải pháp thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư, phát triển nhà ở và thị trường bất động sản. Ban hành hơn 100 văn bản với các kiến nghị thuộc lĩnh vực đất đai, đầu tư, quy hoạch, thuế, tài chính… liên quan đến nhà ở, thị trường bất động sản. Tham gia lập Đề án “Đánh giá tình hình, dự báo xu hướng, đề xuất các giải pháp hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý để thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh” và “Chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn đến 2045”.
Tổ chức các hội nghị, hội thảo về các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản trong giai đoạn mới, thực hiện mục tiêu kép; đề xuất cơ chế, chính sách về kinh doanh bất động sản du lịch và đã có báo cáo các kiến nghị cụ thể trình Chính phủ và các bộ, ngành liên quan. Hiệp hội Bất động sản Việt Nam đã thu thập ý kiến về những vướng mắc, bất cập và đề xuất sửa đổi bổ sung 3 luật: Luật Đất đai, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh bất động sản.
Quan hệ hợp tác quốc tế: Hợp tác, trao đổi kinh nghiệm tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản với các tổ chức hiệp hội quốc tế, như Liên đoàn bất động sản thế giới, Hiệp hội Môi giới bất động sản Hoa Kỳ, Hiệp hội Bất động sản Đông Nam Á…
Làm cầu nối, gắn kết giữa các hội bất động sản, các doanh nghiệp bất động sản với chính quyền địa phương để giải quyết vướng mắc trong đầu tư, kinh doanh bất động sản.
Tuyên truyền quảng bá hoạt động lĩnh vực nhà ở và thị trường bất động sản, thông tin tổng quan thị trường bất động sản.
Công tác xã hội: Vận động các đơn vị, doanh nghiệp hưởng ứng phong trào: “Cả nước chung tay vì người nghèo”, “Quỹ vì người nghèo”, tham gia xây dựng hàng ngàn căn nhà cho người nghèo.
Tuy nhiên, hoạt động của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam vẫn còn những hạn chế: Một số tổ chức đơn vị còn chậm tư vấn, đề xuất các giải pháp, kiến nghị về cơ chế, chính sách tạo điều kiện phát triển nhà ở và thị trường bất động sản; thiếu chủ động và thiếu phương pháp phối hợp làm cầu nối giữa nhà đầu tư, kinh doanh bất động sản với cơ quan quản lý Nhà nước, chính quyền địa phương. Nguyên nhân chính, một mặt, là do năng lực của một số Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành còn hạn chế, chưa dành nhiều thời gian cho hoạt động của Hiệp hội. Mặt khác, tình hình dịch bệnh Covid-19 kéo dài hơn 2 năm qua đã ảnh hưởng nhiều đến hoạt động các tổ chức đơn vị và Hiệp hội.
Phương hướng nhiệm vụ trọng tâm nhiệm kỳ V (2022 – 2027)
Bước vào nhiệm kỳ V (2022 - 2027), với phương châm “Đổi mới – Trí tuệ - Phát triển”, Hiệp hội Bất động sản Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động, tổ chức thực hiện nội dung trọng tâm sau:
a) Xây dựng chương trình và tổ chức hoạt động theo chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 – 2030; và chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2045; chương trình kế hoạch, nhiệm vụ trọng tâm của Bộ Xây dựng. Quan tâm các giải pháp đầu tư phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với bất động sản công nghiệp - đô thị - dịch vụ; cải tạo chung cư cũ xuống cấp; có khung pháp lý cụ thể hơn về bất động sản du lịch nghỉ dưỡng, sinh thái.
b) Thực hiện tốt công tác tư vấn, phản biện và giám định xã hội, tham gia ý kiến sửa đổi bổ sung các luật và cơ chế, chính sách liên quan đến phát triển nhà ở và thị trường bất động sản.
c) Công tác đối ngoại, hợp tác quốc tế:
Đẩy mạnh hoạt động đối ngoại, xúc tiến đầu tư qua việc kết nối, tham dự chia sẻ kinh nghiệm, chương trình hợp tác với Hiệp hội các nước mà Hiệp hội Bất động sản Việt Nam là thành viên như: Hiệp hội Bất động sản và Môi giới Hoa Kỳ, Liên đoàn bất động sản quốc tế, Hiệp hội bất động sản Đông Nam Á và một số Hiệp hội liên quan đến bất động sản của các nước ASEAN, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Mở rộng quan hệ song phương với Hiệp hội Bất động sản các nước thuộc G7, G20 và các nước có ngành bất động sản phát triển ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ, châu Đại Dương. Thúc đẩy quan hệ đối ngoại đa phương thông qua Liên đoàn Bất động sản quốc tế.
Phát triển quan hệ với các doanh nhân, cá nhân là người Việt Nam ở nước ngoài hoạt động kinh doanh trong lĩnh vực bất động sản, tạo mối quan hệ để triển khai các hoạt động đối ngoại hiệu quả cũng như xúc tiến đầu tư các dự án có quy mô lớn, công nghệ cao, xanh sạch đẹp, bảo vệ môi trường…
d) Tập trung xây dựng các chương trình, đề án và nghiên cứu khoa học
Tổ chức xây dựng và thực hiện theo 25 danh mục (phụ lục kèm theo) các lĩnh vưc: Tham gia ý kiến sửa đổi luật, cơ chế, chính sách; hợp tác quốc tế và xúc tiến đầu tư; giải pháp đẩy mạnh đầu tư phát triển nhà ở xã hội, cải tạo chung cư cũ, bất động sản công nghiệp, bất động sản du lịch; tổ chức giải thưởng quốc gia bất động sản, các diễn đàn bất động sản; thực hiện chuyển đổi số ngành xây dựng, bất động sản...
e) Công tác tổ chức, cán bộ
Trình Bộ Nội vụ sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Hiệp hội xây dựng hệ thống quy chế hoạt động của Ban Chấp hành, Ban thường vụ đảm bảo hiệu lực, hiệu quả, dân chủ, công khai, minh bạch.
Củng cố tổ chức bộ máy, nâng cao chất lượng hoạt động của các đơn vị cơ sở trực thuộc Hiệp hội.
Thành lập Văn phòng đại diện của Hiệp hội tại một số địa phương.
f) Công tác phát triển hội viên
Hiệp hội tiếp tục công tác tuyên truyền, phát triển hội viên theo nguyên tắc lấy chất lượng đặt lên hàng đầu để nâng cao hiệu quả hoạt động của toàn Hiệp hội.
g) Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp thực hiện cầu nối giữa doanh nghiệp, hội viên với các cấp, các ngành, chính quyền địa phương.
h) Định hướng các chỉ tiêu chủ yếu nhiệm kỳ V (2022 – 2027)
Kết nạp khoảng 150 - 200 hội viên. Kết hợp chính quyền địa phương thành lập 20 - 28 Hội, Hiệp hội bất động sản ở cơ sở.
Kiện toàn công tác nhân sự khối Văn phòng Hiệp hội và các đơn vị thuộc cơ quan Hiệp hội; tăng thêm cán bộ, lãnh đạo chuyên trách để có thời gian hoạt động của Hiệp hội, Ban điều hành công việc giúp Thường trực Hiệp hội thực hiện nhiệm vụ thuộc thẩm quyền Thường trực, biên chế tại Văn phòng.
Tăng 20% thu nhập cho khối Văn phòng Hiệp hội so với mức Ban Chấp hành quyết định năm 2018.
Thực hiện 25 danh mục Đề án, chương trình, sự kiện (trong biểu kèm theo báo cáo Đại hội).
Nghiên cứu, thành lập một số tổ chức cơ sở trực thuộc Hiệp hội như: Liên chi hội Bất động sản Công nghiệp Việt Nam; Câu lạc bộ doanh nghiệp bất động sản phát triển, Trung tâm tư vấn, hỗ trợ pháp lý bất động sản; Công ty dịch vụ - thương mại bất động sản;...
Thành lập văn phòng đại diện của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam tại một số địa phương trọng điểm.
Mở rộng quan hệ hợp tác song phương với Hiệp hội Bất động sản các nước thuộc G7, G20 và các nước có ngành bất động sản phát triển ở châu Á, châu Âu, châu Mỹ...
Tổ chức tư vấn và xúc tiến đầu tư ở 18 - 22 địa phương trong nước.
Thứ hai, nhất trí nội dung sửa đổi, bổ sung Điều lệ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam. Giao Ban Chấp hành nhiệm kỳ V chỉ đạo nghiên cứu, tiếp thu ý kiến đại biểu, hoàn chỉnh trình Bộ Nội vụ theo quy định.
Thứ ba, nhất trí báo cáo kiểm điểm sự lãnh đạo của Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ IV trình Đại hội nhiệm kỳ V. Giao Ban Chấp hành tiếp thu ý kiến của Đại hội, khắc phục các tồn tại, hạn chế, nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác lãnh đạo trong nhiệm kỳ V.
Thứ tư, nhất trí thông qua báo cáo của Ban Kiểm tra Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ IV. Ban kiểm tra nhiệm kỳ V cần nâng cao chất lượng, thường xuyên hoạt động hơn nữa để đảm bảo nhiệm vụ kiểm tra theo đúng Điều lệ Hiệp hội.
Thứ năm, nhất trí nội dung báo cáo tài chính nhiệm kỳ IV (2016 – 2022) và dự toán kinh phí hoạt động nhiệm kỳ V (2022 – 2027). Giao Văn phòng Hiệp hội căn cứ nhiệm vụ trọng tâm từng năm để cụ thể hóa kế hoạch tài chính thu – chi hàng năm.
Thứ sáu, nhất trí kết quả bầu cử Ban Chấp hành Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ V (2022 – 2027) gồm 111 đồng chí (danh sách kèm theo). Nhất trí kết quả bầu cử Ban Thường vụ Hiệp hội Bất động sản Việt Nam gồm 41 đồng chí (danh sách kèm theo). Kết quả bầu cử các chức danh: Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng Thư ký (có danh sách kèm theo).
Đồng chí Nguyễn Văn Khôi, nguyên Ủy viên Ban Thường vụ thành ủy, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP. Hà Nội, Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khóa IV đã được bầu giữ chức Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam khóa V.
Thứ bảy, nhất trí kết quả bầu cử Ban Kiểm tra của Hiệp hội nhiệm kỳ V (2022 – 2027) gồm 5 đồng chí (có danh sách kèm theo).
Thứ tám, Đại hội giao Ban Chấp hành Nhiệm kỳ V (2022 – 2027) tiếp thu ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Bộ Nội vụ, Bộ Xây dựng, ý kiến của các đại biểu để hoàn chỉnh các văn kiện Đại hội, báo cáo các bộ, ngành về kết quả Đại hội theo quy định; cụ thể hóa các chương trình, giải pháp cụ thể để tổ chức thực hiện phù hợp với tình hình thực tế.
Thứ chín, Đại hội kêu gọi toàn thể hội viên của Hiệp hội, phát huy truyền thống đoàn kết, đổi mới - trí tuệ - phát triển, hoạt động thiết thực trên các lĩnh vực liên quan đến nhà ở và thị trường bất động sản, góp phần thực hiện chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021 – 2030); chiến lược phát triển nhà ở quốc gia giai đoạn (2021 – 2030), tầm nhìn đến 2045; và nghị quyết Đại hội Hiệp hội Bất động sản Việt Nam nhiệm kỳ V (2022 – 2027)./.