Aa

Dân lấp suối phân lô bán, nguy cơ vỡ quy hoạch ở Gia Lai

Thứ Hai, 14/05/2018 - 06:01

Khi Gia Lai đang loay hoay với bài toán kiểm soát quy hoạch đất đai đô thị thì Chính phủ mới đây đã ban hành Nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất và kế hoạch sử dụng đất...

Lấp suối, lấp hồ để phân lô

Thời gian qua, tại TP. Pleiku (Gia Lai) nổi cộm lên tình trạng người dân bán đất cho các cá nhân, doanh nghiệp bất động sản. Các doanh nghiệp, và người mua đất nhắm các mảnh đất nông nghiệp, phi nông nghiệp trên địa bàn lân cận thành phố sau đó tiến hành phân lô bán nền.

Cá biệt, nhiều người dân đã tự ý lấp diện tích đất bờ suối, đất lòng hồ sau đó phân nhiều lô nhỏ để bán nền nhà. Việc phân lô ồ ạt khắp mọi nơi đang đặt tỉnh Gia Lai trước vấn đề về kiểm soát và tầm nhìn quy hoạch đô thị tương lai. Đáng lo hơn, khi các nhà kinh doanh bất động sản, các hộ dân đang nghiễm nhiên trở thành những nhà quy hoạch của thành phố...

Đơn cử như tại xã Chư Á (TP. Pleiku), đã có 3 khu mà DN tự quy hoạch đất nông nghiệp thành "Khu dân cư". Doanh nghiệp san ủi mặt bằng, làm đường dân cư trái phép.

Doanh nghiệp lấp suối phân lô bán nền tại TP. Pleiku

Doanh nghiệp lấp suối phân lô bán nền tại TP. Pleiku

Bà Nguyễn Thị Hương, Chủ tịch UBND xã này cho biết: "Tại một khu dân cư, khi thấy DN mở đường trái phép, chúng tôi đã đình chỉ, báo cáo UBND TP. Pleiku. Chúng tôi cũng đang xúc tiến mời 3 DN này lên làm việc, để có hướng xử lý", bà Hương nói và cho biết thêm: "Theo nguyên tắc, muốn làm Khu dân cư là phải có hội trường, đất công cộng, trường học, chợ, công viên, hệ thống thoát nước... Nhưng ở P.Thắng Lợi, hầu như không có gì. TP. Pleiku cũng không quy hoạch đây là khu dân cư, DN tự phân lô, bán nền là trái pháp luật", bà Hương trao đổi.

Trước tình trạng các công ty bất động sản, người dân mua đất nông nghiệp, phân lô bán nền ảnh hưởng đến quy hoạch đô thị TP.Pleiku, UBND tỉnh Gia Lai đã có văn bản yêu cầu sở Xây dựng và UBND TP. Pleiku kiểm tra, rà soát. Trường hợp vượt thẩm quyền báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xử lý đúng theo quy định.

Bí thư Tỉnh ủy Gia Lai Dương Văn Trang cũng nhìn nhận vấn đề mà dư luận quan tâm liên quan đến diễn biến nóng lên của bất động sản và có nguy cơ phá vỡ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất ở đô thị cho rằng đây là vấn đề đáng lưu tâm, cần động thái vào cuộc của các sở ngành.

Cán bộ có vấn đề?

 

Trao đổi với PV Báo Giao thông, một lãnh đạo Sở Xây dựng tỉnh Gia Lai cho biết, vừa qua, tỉnh Gia Lai đã chỉ đạo các sở chuyên ngành, UBND TP. Pleiku báo cáo làm rõ việc các doanh nghiệp mua đất nông nghiệp để phân lô bán nền. Cơ quan công an tỉnh Gia Lai cũng cho biết đang tiến hành kiểm tra một số nội dung, hạng mục người dân tự ý phân lô bán nền trái quy định luật pháp.

Khi được hỏi về các doanh nghiệp trên phân lô bán nền có đúng với quy hoạch đô thị?, vị lãnh đạo này cho biết đang cho cán bộ kiểm tra. "Việc họ phân lô bán nền có đúng quy hoạch hay không thì phải kiểm tra làm rõ mới có thể kết luận được", một lãnh đạo Sở Xây dựng nói.

Về việc các doanh nghiệp và cá nhân tự phân lô bán nền, đại diện Sở Xây dựng Gia Lai cho rằng, đề nghị các cơ quan tăng cường khâu tuần tra, kiểm soát, phổ biến pháp luật. Thứ hai, nhanh chóng hoàn thiện quy hoạch chi tiết càng nhanh càng tốt. Nếu trước mắt chưa có quy hoạch, tỉnh phải có chế tài, chính sách lộ trình quản lí các quỹ đất, đặc biệt là quỹ đất vùng ven đô thị. Thứ ba, xử lý thật nghiêm các trường hợp kinh doanh bất động sản không đúng luật. Thứ tư, quy trách nhiệm của UBND các cấp, các sở, ngành (trách nhiệm chính vẫn là UBND phường và thành phố).

Theo tìm hiểu của Báo Giao thông, thực trạng doanh nghiệp, người dân mua đất sau đó tự tách thửa với chủ đích lập khu dân cư trên đất nông nghiệp tuân theo quy trình khá chặt chẽ. Tuy nhiên, việc tách thửa này có phù hợp với quy hoạch hay không, những người thực hiện thủ tục hành chính đều phải biết. Vậy, tại sao lại xảy ra việc trên, và đến bây giờ mới tiến hành rà soát, kiểm soát. Trả lời câu hỏi này, vị lãnh đạo Sở Xây dựng Gia Lai cho hay: "Việc người dân tách thửa, xây nhà thì cấp quản lý cấp xã, huyện, thành phố đương nhiên biết. Còn hỏi vì sao họ làm được như vậy thì phải xem lại ở cán bộ của mình".

Chính phủ ra nghị quyết siết chặt quản lý

Trong khi tỉnh Gia Lai đang lay hoay kiểm tra lại quy hoạch do các doanh nghiệp và người dân tạo lập các khu dân cư khắp thành phố Pleiku thì Chính phủ cũng vừa ban hành Nghị quyết siết chặt quản lý đất đai. Theo nghị quyết điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất kỳ cuối (2016-2020) đối với 13 tỉnh, trong đó có Gia Lai.

Điều này cho thấy, tính cấp thiết của tầm nhìn quy hoạch đô thị tương lai, cơ cấu sử dụng các quỹ đất phù hợp. Vì thế, các cấp quản lý lĩnh vực đất đai, xây dựng cần thực hiện nghiêm các quy định, tuân thủ triệt để các quy hoạch đã có để đảm bảo xây dựng đô thị đúng quy hoạch. Đó cũng là tạo môi trường sống cho người dân được ổn định và phát triển bền vững cũng như các doanh nghiệp tham gia đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực đất đai có cơ hội cùng tỉnh Gia Lai xây dựng thành phố văn minh.

Theo Chính phủ, các tỉnh cần quản lý, sử dụng đất theo đúng quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất nhất là khu vực sẽ chuyển mục đích sử dụng đất để tập trung cho phát triển kinh tế và chuyển đổi cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển dịch vụ, đô thị để tăng nguồn thu cho ngân sách; đẩy mạnh việc đấu giá quyền sử dụng đất; khuyến khích sử dụng đất tiết kiệm, hiệu quả, khắc phục tình trạng bỏ hoang đất đã giao và đã cho thuê; tổ chức quản lý, giám sát chặt chẽ quỹ đất được quy hoạch phát triển đô thị, khu kinh tế, khu công nghiệp, cụm công nghiệp, đất cơ sở sản xuất, kinh doanh phi nông nghiệp nhằm sử dụng tiết kiệm, hiệu quả quỹ đất, khắc phục tình trạng mất cân đối trong cơ cấu sử dụng đất giữa đất ở với đất xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các yêu cầu về bảo vệ môi trường.

Đồng thời, các địa phương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất đai ngăn chặn và xử lý kịp thời các vi phạm trong thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; kiên quyết không giải quyết giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với các trường hợp có trong quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, kiểm tra, xử lý các trường hợp đã được giao đất, cho thuê đất nhưng không sử dụng, sử dụng sai mục đích theo quy định của pháp Luật Đất đai.

Phóng viên cũng đặt vấn đề nhìn nhận tích cực của các doanh nghiệp trong thiết lập các khu dân cư phần nào giúp cho người dân, đặc biệt là những người có thu nhập thấp có thể tiếp cận và sau đó có chỗ để an cư lạc nghiệp.

Tuy nhiên, để vấn đề thực hiện bài bản, liệu các cơ quan chuyên ngành tỉnh Gia Lai có mạnh dạn kết nối với doanh nghiệp bất động sản để cùng quy hoạch thành phố tiện ích, bài bản hơn?

Ý kiến của bạn
Bình luận
Xem thêm bình luận

Đọc thêm

Lên đầu trang
Top